Khoảnh khắc chứng kiến bạn bè, đồng nghiệp rục rịch về quê ăn Tết, chuyến xe nghĩa tình chở công nhân về quê; sạp bán bánh kẹo, cây cảnh, đào, mai khoe sắc trên phố tấp nập người qua lại, ta nhận ra Tết đang đến thật gần.
Những ngày cận Tết, ai nấy đều hối hả, tất bật chuẩn bị Tết. Đèn giăng lấp lánh, nhiều ngõ xóm hè nhau cùng mổ heo, nấu bánh chưng chộn rộn khắp ngõ phố, làng quê. Các gia đình dọn bàn thờ, hì hục cọ rửa bàn ghế, quét sơn mới khoác tấm áo mới cho căn nhà... Tiếng cười vang vọng dưới mỗi mái nhà, ngõ phố.
Các gia đình TP. Vũng Tàu đi chụp ảnh Hội hoa Xuân. |
Chị bạn hỏi qua điện thoại: “Em đã nấu thịt kho tàu chưa, đến lấy vài ký thịt về kho nhé!” Bất giác nhớ Tết xưa. Cứ dịp Tết lại thấy nhà thật giàu có khi mẹ kho nồi thịt to tướng cùng những quả trứng trắng tròn quện trong mật mía vàng đượm. Là dịp được được xúng xính quần áo mới mẹ để dành để mua mặc Tết sau 1 năm mặc đồ thừa của người chị họ. Dịp Tết, trẻ con háo hức chờ mùng 1 Tết để nhận lì xì… Nghĩ đến thôi là lòng xốn xang đến lạ thường!...
Tết nay dường như cũng không còn câu nói quen của bố mẹ “để dành đến Tết” đầy nâng niu như ngày xưa. Dường như Tết nay như khoảng lặng của một chặng đường để nghỉ ngơi hoàn toàn sau một năm làm việc. Không cần thức ăn nhiều món, không cần bày vẽ cúng bái nhiều lễ, không cần thăm nom chúc tết họ hàng... Tết đối với nhiều người là dịp nghỉ ngơi, đi chơi, thư giãn.
Tết đã chạm ngõ, Tết đang về cũng là dịp để sắp xếp để về với yêu thương. Để dựng niềm hạnh phúc xưa trong miền ký ức đượm tình. Cũng để hít hà mùi thơm Tết xưa, thỏa lòng bồi hồi thương, hong ấm lại tâm hồn đau đáu vấn vương quê nhà.
HOÀNG BÁCH