Các câu lạc bộ (CLB), nhóm văn nghệ quần chúng được Trung tâm Văn hóa tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động, nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ (VHVN) ở cơ sở.
Thành viên CLB Giai điệu quê hương biểu diễn giao lưu các CLB của Trung tâm Văn hóa tỉnh ngày 19/1/2024. |
Sôi nổi văn nghệ quần chúng
Những ngày đầu năm, các thành viên CLB Giai điệu quê hương gặp gỡ đầu xuân, cùng nhau tập luyện tiết mục văn nghệ để diễn tại chương trình văn nghệ tại Nhà truyền thống Cách mạng số 1 Bacu, phường 1, TP.Vũng Tàu vào ngày 17/2 (mùng 8 Tết Giáp Thìn). Tiết mục ca múa “Việt Nam hai tiếng thân thương” và “Tết Tết Tết đến rồi” được thể hiện bởi các thành viên của CLB ở độ tuổi “xưa nay hiếm” vẫn tràn đầy nồng nhiệt, trẻ trung.
Bà Phạm Thị Quý, Phó Chủ nhiệm CLB Giai điệu quê hương cho biết, thành viên CLB là những ông, bà ở độ tuổi U50 - 70 với 38 người. Ngoài tham gia các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng ở địa phương, CLB còn tham gia liên hoan, hội thi, biểu diễn văn nghệ trong và ngoài tỉnh. “Ban đầu, CLB được thành lập để tập hợp những người có chung đam mê văn nghệ. Đến nay, CLB đã phát triển thêm một bước mới là tham gia biểu diễn tại các tụ điểm, hội thi, hội diễn, giao lưu văn nghệ. Lời ca, tiếng hát giúp chúng tôi thêm yêu đời, sống vui sống khỏe”, bà Quý chia sẻ.
Được thành lập từ năm 2013, đến nay, CLB Thơ ca Hương Biển có 38 thành viên sinh hoạt thường xuyên. Các hội viên sinh hoạt CLB theo tháng, theo quý tại Trung tâm Văn hóa tỉnh với nhiều hoạt động như giao lưu các tác phẩm thơ do hội viên tự sáng tác, đọc thơ, ngâm thơ theo những làn điệu chèo cổ, bình thơ… Việc sinh hoạt thơ tại CLB đã giúp các cụ sẻ chia tiếng lòng, gửi gắm tâm sự.
Ông Lê Vũ Thông, Chủ nhiệm CLB Thơ ca Hương Biển chia sẻ: “CLB đang tập luyện 3 tiết mục cho đêm thơ Nguyên tiêu của Trung tâm Văn hóa tỉnh vào Rằm tháng Giêng này. CLB cũng thường xuyên giao lưu trong và ngoài tỉnh… Đến với thơ ca và múa hát, chúng tôi thêm vui, khỏe lại gắn kết với nhiều bạn hiền”.
Ông Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, trung tâm tổ chức các liên hoan, hội diễn, giao lưu âm nhạc nhằm định hướng cho sự phát triển của các bộ môn nghệ thuật, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, năng lực biểu diễn, khả năng cảm thụ và thể hiện tác phẩm nghệ thuật của diễn viên không chuyên. Thông qua liên hoan, quần chúng nhân dân có điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thưởng thức các tác phẩm do chính người dân ở cộng đồng dân cư thể hiện. Từ đó, phong trào VHVN ở cơ sở có điều kiện phát triển.
Đẩy mạnh hoạt động các CLB
Thành lập và duy trì hoạt động của các CLB là cách thức tạo “sân chơi” cho người dân yêu mến các loại hình văn hóa, nghệ thuật tham gia. Hiện nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh có 13 CLB tổ chức hoạt động định kỳ với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn.
Cùng với các liên hoan, hội thi, hội diễn, Trung tâm Văn hóa tỉnh tích cực thực hiện việc bảo tồn và phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống thông qua các sân khấu nghệ thuật quần chúng. Sự hưởng ứng nhiệt tình của các địa phương là điều kiện để phong trào VHVN trên địa bàn tỉnh khởi sắc.
Một số CLB thường xuyên tổ chức giao lưu, mời diễn giả tham gia tọa đàm, biểu diễn nghệ thuật tại các địa phương, trường học như: CLB Giai điệu quê hương, CLB Thơ ca Hương Biển, CLB Cải lương, CLB Đờn ca tài tử, CLB Quan họ giao duyên, CLB Bước nhảy trẻ, CLB 20 tháng 10... Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa tỉnh luôn quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hạt nhân văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh thông qua việc mời các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn tham gia bồi dưỡng, hướng dẫn tập luyện.
Ông Hồ Vĩnh Trí, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa cơ sở, Trung tâm Văn hóa tỉnh cho hay: “Để nâng cao chất lượng hoạt động, Phòng nghiệp vụ văn hóa cơ sở thường xuyên quan tâm theo dõi, định hướng nội dung, bảo đảm kết nối thông tin hai chiều giữa ban chủ nhiệm các CLB với các phòng chức năng của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Mỗi CLB được coi như hạt nhân để khơi dậy phong trào VHVN. Hoạt động của các CLB nghệ thuật cùng với phong trào VHVN ở cơ sở được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân”.
Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH