Thơ là loại hình nghệ thuật gần gũi với đời sống con người, đơn giản vì thơ dễ cảm, dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc hơn rất nhiều loại hình nghệ thuật khác.
Thơ có từ xa xưa. Khi chưa có giấy bút, chữ viết, thơ đã được sử dụng để thể hiện tình yêu, truyền tụng kinh nghiệm sống, chiến đấu, lao động và sản xuất. Thơ có chỗ đứng trang trọng và lâu dài trong đời sống người Việt. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, thơ ca nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung đã góp phần quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Điểm lại lịch sử của dân tộc, tên tuổi các danh nhân, các trận chiến lớn của Việt Nam đều có liên quan, gắn với một câu, một bài thơ nào đó. Từ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt; “Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải; “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi; “Hịch xuất quân” của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ cho đến các bài thơ chúc Tết như những lời hiệu triệu, mang tính triết lý và thực tiễn cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ kéo dài suốt mấy mươi năm, những bài thơ của Bác Hồ và nhiều nhà thơ cách mạng khác được đánh giá là có sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên toàn dân, toàn quân ra trận, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
“Từ ấy” của Tố Hữu, “Là thi sĩ” của Sóng Hồng - Trường Chinh hay “Nguyên tiêu” và nhiều bài thơ khác của Hồ Chủ tịch và những nhà thơ như Tế Hanh, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Sách, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Thu Bồn… đều là những sản phẩm tinh thần vô giá chứng minh cho câu thơ “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” của nhà thơ Sóng Hồng là hoàn toàn chính xác.
Tên tuổi của những tác giả nổi tiếng thời xưa từ Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan... cho đến những nhà thơ cận đại sau này như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà và các nhà thơ hiện đại như Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ… đã được sử dụng để đặt tên cho đường phố, trường học, thậm chí cả xã, phường.
Bắt đầu từ phong trào thơ mới, trong “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” chỉ có gần năm chục nhà thơ được xướng tên. Sang thế kỷ 21, chưa đầy trăm năm sau, số lượng người làm thơ đã phát triển lên hàng ngàn hàng vạn. Rất khó để có thể thống kê được số nhà thơ chuyên và không chuyên khi mà mỗi năm chúng ta có cả ngàn tập thơ được xuất bản, trên các trang mạng xã hội không ngày nào không có hàng trăm bài thơ được đăng tải.
Tình yêu thơ, sự phát triển phong trào thơ hiện nay là điều đáng mừng vì thơ xưa nay vẫn được gọi là nàng thơ, là cái đẹp mà biết yêu và quan tâm tới cái đẹp chẳng phải là một điều tốt hay sao. Thơ chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống như vậy, người Việt Nam yêu thơ đến như vậy thì việc có một ngày hội để những người làm thơ và người yêu thơ gặp gỡ nhau, đọc, trao đổi, trò chuyện về thơ là một nhu cầu cần thiết và chính đáng. Và đáp ứng niềm mong mỏi tha thiết của hàng vạn nhà thơ, cũng như nguyện vọng tốt đẹp của đông đảo công chúng yêu thơ, kể từ năm 2003, ngày Rằm tháng Giêng - ngày ra đời bài thơ Nguyên tiêu nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - được chọn làm Ngày thơ Việt Nam.
22 năm qua, đã thành thông lệ, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, khắp mọi tỉnh thành trong cả nước đều đồng loạt diễn ra hoạt động liên quan đến thơ để chào mừng ngày hội thi ca này. Thời gian, không gian, địa điểm tổ chức, thậm chí chủ đề của Ngày thơ Việt Nam của mỗi địa phương có thể khác nhau nhưng đều nhằm mục đích khẳng định, tôn vinh các giá trị thơ ca.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024 được tổ chức tại Hội trường Thành ủy Vũng Tàu (76 Trương Công Định, phường 3, TP.Vũng Tàu) vào tối 24/2/2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, hứa hẹn là cuộc họp mặt ý nghĩa, đáng nhớ của những người yêu thơ trên quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu.
AN AN