.
TẠP VĂN

Bạn đồng môn

Cập nhật: 18:38, 05/01/2024 (GMT+7)

Thế hệ chúng tôi tốt nghiệp đại học từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. Ngày ấy, sinh viên ra trường không phải lo tìm nhà tuyển dụng bởi tất cả đã được Nhà nước phân công, sắp đặt. Đi đâu, về đâu, làm công việc gì, đều được coi là nhiệm vụ công tác.

Đó cũng là thời kỳ đất nước vừa trải qua những năm chiến tranh khốc liệt để giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, nhưng chưa thoát khỏi hai cuộc chiến tàn khốc ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Đó là những tháng năm đói nghèo cùng những hệ lụy của một thời cam go, trăn trở tìm hướng đi để tự cứu mình thoát khỏi cái vòng quay nghiệt ngã của thời thế…

Mấy chục năm gian nan vất vả, nhưng rồi mỗi người cũng đã có cuộc sống trọn vẹn, bình an. Nhiều bạn đồng môn được coi là thành đạt, có chức vụ cao trong bộ máy công quyền, có học hàm học, học vị giáo sư, tiến sĩ, có nhà lầu xe hơi, cuộc sống giàu sang phú quý. Nhưng cũng không ít người số phận long đong, vật lộn với miếng cơm manh áo trong cuộc mưu sinh. Cá biệt còn có những người gục ngã vì miếng cơm manh áo.

Đầu năm nay, mấy người bạn cùng học năm xưa sống ở thủ đô đứng ra tổ chức họp mặt cựu sinh viên sau 40 năm ra trường. Vốn là người không ưa thích nơi tụ tập ồn ào, tôi có ý định từ chối. Bà xã nửa đùa nửa thật, anh cứ đi một chuyến, vừa được du lịch Hà thành, vừa được gặp lại bồ cũ, ôn kỷ niệm xưa, một công đôi việc, còn gì sướng hơn (?).

Trong lúc tôi còn phân vân chưa quyết thì ông bạn ở miền Trung vốn thân thiết từ ngày cùng học gọi điện bảo, mấy chục năm mới có dịp họp mặt, nếu ông không đi, chắc chẳng bao giờ bọn mình gặp nhau được nữa.

Nghe bạn nói vậy tôi quyết định lên đường.

Thấm thoắt gần nửa thế kỷ trôi qua, gặp lại nhau, tóc bạc da mồi, bỡ ngỡ nhìn nhau, cố nhớ lại vóc dáng những cô cậu sinh viên ở độ tuổi đôi mươi tươi trẻ, xinh đẹp ngày nào. Nhưng rồi cũng nhận ra nhau, nắm chặt tay, khen bạn đồng môn vẫn còn trẻ trung phong độ!

Đã sang dốc bên kia của cuộc đời, chuyện thời thế, chuyện chức quyền, tiền bạc... không còn ai nhắc tới. Gặp lại nhau chẳng còn gì tốt đẹp hơn là lời khen, lời chúc tụng sức khỏe và sự bình an.

Bất chợt, một người đàn bà tiến lại gần tôi e dè hỏi:

- Anh còn nhớ em không?

Tôi ngỡ ngàng nhìn người đàn bà cao to mập mạp, có mái tóc hoa râm, đang mỉm cười đứng trước mặt tôi.

- Ờ, ờ… Loan phải không?

- Trời ơi! Anh quên em thật rồi! Em là Nhung, cùng tổ học tập với anh hồi đại học mà!

Tôi lúng túng ngượng ngập về sự vô tâm của mình. Phải, đó là Nhung, kém tôi gần chục tuổi. Bởi tôi vào đại học khi đã trải qua mười năm chiến trận, còn Nhung là cô học sinh mới tốt nghiệp phổ thông. Nhưng tôi không thể tìm thấy bóng dáng của cô công chúa mảnh khảnh, xinh đẹp, nhí nhảnh năm xưa. Ngày ấy, lúc nào Nhung cũng quấn quýt bên tôi. Hỏi tôi bài vở, hỏi chuyện quê hương. Đòi tôi kể về những ngày chiến đấu ở chiến trường bom rơi, đạn nổ… Nếu như tôi không mặc cảm về vị thế gia đình quyền quý của Nhung thì chắc chắn chúng tôi đã trở thành một cặp.

- Sao từ ngày ra trường đến bây giờ anh không liên lạc với em?

Nghe Nhung hỏi tôi không biết trả lời thế nào. Rồi Nhung dè dặt kể, ngày ấy em rất thích anh, nhưng anh luôn tìm cách lảng tránh. Cũng tại bọn mình không có duyên, số mệnh mà! Số em long đong vất vả lắm! Ra trường hai năm em lấy chồng cùng cơ quan. Nhưng vì chồng em hay ghen tuông một cách bệnh hoạn nên em quyết định chia tay, xin đi lao động ở Đông Âu. Sau này em đi bước nữa. Anh ấy cũng là bộ đội xuất ngũ như anh, bọn em quen nhau ở Nga. Lúc về nước vào Sài Gòn mở một cửa hàng buôn bán nhỏ. Đời sống vật chất tuy tạm đủ, nhưng so với bạn bè, em là người địa vị thấp kém. Bây giờ gặp lại các anh em thấy mặc cảm lắm!

Nghe Nhung bộc bạch tâm sự, tôi ôn tồn bảo, cùng học một lớp, một trường, nhưng mỗi người một hoàn cảnh. Suy cho cùng, được cái này, mất cái kia. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh! Sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc mưu sinh, bây giờ gặp được nhau là mừng lắm rồi! Chuyện được mất ở đời đối với lớp người như bọn mình cũng chẳng còn gì để trăn trở băn khoăn nữa.

HẢI BÌNH

.
.
.