Phát huy giá trị di sản văn hóa
Các di tích văn hóa được phát huy và đầu tư đúng mức đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn khách tham quan, trải nghiệm văn hóa.
Du khách chiêm ngưỡng bộ xương cá Ông dài 18m còn lưu giữ tại di tích Đình thần Thắng Tam, TP.Vũng Tàu. |
Văn hóa độc đáo
Quần thể Đình thần Thắng Tam (TP.Vũng Tàu) là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của ngư dân miền biển tại Vũng Tàu, có vị đắc địa ngay trung tâm thành phố biển.
Đình thần Thắng Tam có các công trình thờ phụng tín ngưỡng dân gian gắn liền với nghề truyền thống của cư dân thủa khai hoang lập ấp. Bên phải đình là lăng Ông Nam Hải, thờ ngọc cốt cá Ông (cá voi) dài 18m do ngư dân phát hiện trong thế kỷ XIX. Hàng năm, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam được tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng 8 âm lịch, đã trở thành một trong 15 lễ hội lớn của Việt Nam và đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trải qua thời gian, cùng với sự gìn giữ của cộng đồng cư dân và sự quan tâm, bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị di tích, nơi đây trở thành địa điểm thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước đến chiêm bái, trải nghiệm.
Đến di tích Đình thần Thắng Tam chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính và tìm hiểu tín ngưỡng thờ cá Ông, ông James, du khách Mỹ bày tỏ: “Đây là lần thứ tư tôi đến Vũng Tàu và được khám phá, trải nghiệm di tích này. Tôi đã có thêm nhiều kiến thức về phong tục thờ cá Ông của cư dân Vũng Tàu. Từ đó, tôi biết được những phong tục tập quán và lịch sử văn hóa độc đáo của người Việt Nam”.
Ông Nguyễn Đình Dương, Phó Ban Quản lý di tích Đình thần Thắng Tam cho biết, mỗi ngày di tích đón khoảng 50 khách đến tham quan, cao điểm có ngày lên đến 200 khách.
Tại huyện Đất Đỏ, năm 2023, các di tích trên địa bàn đã đón 1.253 đoàn với hơn 60 ngàn lượt người đến thăm viếng. Huyện thường xuyên rà soát, kiểm tra để kịp thời tu bổ, tôn tạo di tích.
Ông Lâm Hiệp Châu, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Đất Đỏ thông tin, cuối năm 2023, huyện đã khởi công tôn tạo 4 di tích với tổng số tiền 8,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án mở rộng, cải tạo Công viên tượng đài, nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) đã được HĐND tỉnh phê duyệt, dự kiến cuối quý I/2024 sẽ khởi công. Tổng mức đầu tư xây dựng của dự án hơn 440,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự kiến, dự án hoàn thành vào tháng 6/2025, sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân và du khách.
Học sinh tham quan, chiêm bái tại di tích Đình thần Thắng Tam (TP. Vũng Tàu) trong chương trình Giáo dục di sản văn hóa cho học sinh giai đoạn 2023-2026. |
Bảo tồn và phát huy
Bà Rịa - Vũng Tàu có 219 di tích, trong đó có 48 di tích văn hóa thắng cảnh nổi tiếng được xếp hạng (28 di tích cấp quốc gia, 1 di tích quốc gia đặc biệt và 19 di tích cấp tỉnh) với nhiều loại hình như: di tích lịch sử, di tích cách mạng, kiến trúc nghệ thuật, thắng cảnh, tôn giáo, làng nghề, lễ hội truyền thống... Tiềm năng di tích, danh thắng đa dạng về cảnh quan, phong phú về loại hình là nguồn tài nguyên vô giá để tổ chức các hoạt động văn hóa du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo Sở VH-TT, trong 48 di tích đã được xếp hạng, 30 di tích đang phát huy giá trị. Một số hạng mục của Di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo và 12 di tích được tu bổ, phục hồi trong khoảng từ năm 2021 đến tháng 6/2023 với tổng mức đầu tư hơn 394 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, các di tích (có thu phí tham quan) đã đón hơn 7,12 triệu lượt khách tham quan. Các di tích khác không thu phí tham quan cũng đón hàng triệu lượt khách mỗi năm, góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch phục vụ du khách. |
Để di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội trở thành thế mạnh cần khai thác của ngành du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, tỉnh chú trọng nâng cao năng lực và trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau. Trong đó, chương trình Giáo dục di sản văn hóa cho HS giai đoạn 2023-2026 do Sở VH-TT phối hợp Sở GD-ĐT được triển khai đã tạo sân chơi tìm hiểu nguồn cội, quê hương cho HS. Trong năm 2023, đã có hơn 1.000 HS trên địa bàn tỉnh có cơ hội trải nghiệm các di tích Bạch Dinh, Đình thần Thắng Tam…
Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH