Lớn lên dưới bóng cây

Thứ Sáu, 05/01/2024, 18:39 [GMT+7]
In bài này
.

San về. Thả phịch chiếc ba lô bạc thếch, nhẹ hều vào góc nhà, cô ra giếng xả vòi, khoát nước lên mặt. Nước bắn tung tóe, bám vào mặt mũi, tóc tai, quần áo. Cảm giác mát lạnh khiến San thấy dễ chịu. Mùi xe, mùi bụi bặm như được rửa trôi, không còn chút dấu vết, chỉ còn lại mấy nếp gấp nhăn nhúm nơi vạt áo sơ mi và chiếc quần kaki là không cách gì biến mất được dù cô đã cố tình miết tay một lúc lâu.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

San ngồi trên thềm, buông thõng chân xuống mặt sân xi măng xù xì. Mắt cô nhìn lên cây sung trước nhà đang lún phún lộc non chen vào những cành khẳng khiu, gầy guộc. Nắng chiếu qua tán cây, in hình thù không rõ rệt lên đất. Chả mấy chốc lộc non sẽ lớn lên thành những chiếc lá lấp kín khoảng trống trên cây rồi lại đợi ngày để rụng xuống.

Ngày trước còn ở nhà, cứ đến kỳ lá rụng, sáng nào vừa mở cửa ra cô cũng thấy mặt sân xếp kín toàn lá là lá. Những chiếc lá còn xanh nguyên hoặc loang lổ chấm đen, chấm vàng sau cơn gió quật, trận mưa xối muốn thủng mái nhà đã thi nhau rớt xuống, nằm nghiêng cam chịu. Lắm lúc San bảo bà chặt quách cái cây đi cho đỡ phiền. Lần nào, bà cũng gạt đi: Có cái cây che cho mát nhà mát cửa. Nhà neo người, có cái cây nhìn cũng đỡ quạnh hiu. Quét tí lá, mất mấy công, mấy sức đâu. Cháu không quét được thì cứ để đấy cho bà.

San nghe thấy tiếng dép loẹt quẹt từ ngoài ngõ. Cô đoán bà về nên đứng dậy đi ra:

- Bà đi đâu mà cửa nẻo không khóa, cứ để toang hoang thế?

- Gớm! Nhà có cái gì đáng giá đâu. Trộm vào khéo nó còn khóc vì công cốc ấy! Bà trả lời cô bằng giọng bông đùa mà lâu rồi cô mới được nghe.

- Mà cháu về lâu chưa? Khi nào đi lại?

- Cháu mới về được một lúc. Lần này chắc cháu về hẳn.

Bà không nói gì nữa, cùng San đi vào. Giờ cô mới để ý, đi bên cạnh cô, bà chợt trở nên bé nhỏ. Hình như so với lần trước về, bây giờ bà gầy hơn, lưng cũng khom khom hơn trước. Thấy cô ngó bâng quơ vào mấy kẽ nứt trên sân, nơi rêu đã bắt đầu mọc lên thành những đường thẳng xanh rì, bà khẽ khàng:

- Hôm nào có tiền, sửa lại cái sân cho tươm tất. Mưa nắng thất thường, chả cái gì bền được. Cũng may nhà mình thóc lúa ngô khoai cũng chả có món nào nhiều để tốn diện tích phơi.

- San nghe trong mấy lời ấy có sự chua chát, lại như tủi thân của một người chưa từng biết đến sự đủ đầy, sung túc.

Cô nghĩ đến cái đời dằng dặc của bà đã ngấm bao trận mưa dầm dề, bao ngày nắng cháy khô khét cả người rồi cuối cùng nứt ra thành những nếp nhăn chen nhau xếp kín khuôn mặt, tay chân, cơ thể. Con người còn không chống chọi được với thời gian thì một cái sân đắp tạm bợ, vội vàng có là cái gì đâu mà không lằn ngang rạch dọc những nứt nẻ. Lòng cô bây giờ cũng đang nứt toác, những vết nứt vô hình, mắt thường không nhìn thấy được nhưng ngày ngày tướp máu, nhức buốt. Chính vì thế mới có cuộc trở về này. Cô nhìn lên trời. Cây sung loang lổ những lộc non.

* * *

San lớn lên nhờ một tay bà nuôi nấng, chăm sóc. Bố mẹ cô mất trong một vụ tai nạn khi cô vừa tròn 7 tuổi. Đeo chiếc khăn tang, mắt cô mở to, đờ đẫn, ầng ậc nước. Bà chẳng vỗ về nhiều, chỉ bảo: Từ nay cháu phải ngoan, nghe lời. Nhà mình nghèo, bà cháu mình nương tựa vào nhau. San trở nên lầm lì, trầm lặng từ sau ngày ấy. Cô không bao giờ cãi lại bà nửa lời dù có lúc không vừa ý. Bố mẹ mất, cô biết mình đã thành trẻ mồ côi, bà là nơi duy nhất cô có thể bám víu vào. Bao nhiêu cô đơn, buồn tủi cô giấu nhẹm vào trong. Bà không hỏi, chỉ lặng lẽ lo cho cô từng bữa ăn, giấc ngủ, từng bộ quần áo, cuốn sách, tập vở để cô yên tâm học hành cùng chúng bạn. Thỉnh thoảng trong đêm khuya, tiếng thở dài của một già một trẻ gặp nhau vỡ ra thành khoảng trống được lấp đầy bởi màn đêm đen đặc. Lúc ấy San nhận ra, bà cũng đang nhớ đến bố mẹ cô, nỗi nhớ nào cũng sâu hút như nhau.

San lớn lên trở thành một đứa con gái xinh xắn trong ngôi nhà nhỏ mà sự quạnh quẽ lớn dần theo số tuổi của hai bà cháu. Hồi đầu bà còn hay nói tếu, chuyện trò, sau đó thấy những gì mình nói ra thường rơi hẫng vào im ắng thì bà trở nên lặng lẽ hơn. Cô càng ngày càng thấy ngột ngạt trong chính cái không khí trầm vắng mà cô đã tạo ra. Vì thế cô bắt đầu tìm cách trốn chạy bằng cách nghỉ học, xách ba lô rời khỏi nhà với lí do: Cháu xuống thành phố kiếm tiền nuôi bà.

Thành phố rộng lớn cái gì cũng có, chỉ không có người thân. Căn phòng trọ thấp tè, cũ kĩ, khung cửa sổ hoen gỉ như nhấn chìm San trong sự mòn mỏi và hoang hoải. Không có bằng cấp gì, cô vào làm công nhân cho một công ty may nhỏ, người và máy móc chen nhau, nhiều khi thở còn thấy khó khăn. Cô đến thành phố để trốn chạy nỗi cô đơn, rốt cuộc lại gặp nỗi cô đơn còn lớn hơn gấp bội. Gọi điện về nhà cô cũng chẳng dám than thở điều gì, chỉ hỏi han và dặn bà giữ gìn sức khỏe. Cô nhận lương chỉ giữ lại một ít chi tiêu còn đâu gửi hết về nhà. Bà đã nuôi cô bao nhiêu năm, giờ là lúc cô lo cho bà dù không chu toàn cũng đỡ đi được phần nào, để bà không còn phải cực nhọc sớm hôm.

Nỗi khát khao được lấp đầy, được yêu thương, che chở vẫn luôn ở đó, gặm nhấm cô từng ngày. Khi được chàng trai ấy quan tâm, chăm sóc, nói lời yêu thương cô đã ngay lập tức xiêu lòng. Người đó thay thế vai trò của bà, là người duy nhất khiến cô cảm thấy yên tâm khi dựa dẫm giữa nơi đất khách quê người. Anh ta là con trai của giám đốc công ty. Khi chuyện hai người yêu nhau được công khai, cô phải đối diện với bao tiếng gièm pha, ganh tỵ của đồng nghiệp.

Mặc kệ, San chẳng quan tâm. Cô chỉ cần người cô yêu vẫn yêu cô, bảo vệ cô. Suy cho cùng, có ai sống thay cô được ngày nào. Nếu gặp được người có điều kiện tốt là do phúc phần cô tốt, thế thôi. Chỉ là đôi lần bắt gặp ánh mắt khinh bỉ, coi thường dành cho đứa con gái nhà quê trèo cao, dám yêu đương với con trai mình của vợ chồng giám đốc, cô thấy tự ti, chột dạ. Họ thậm chí còn không muốn nói thẳng ra sự chán ghét của mình, không thèm ngăn cấm tình yêu bằng lời nói. Nhưng ánh mắt của họ còn sắc hơn dao. Tình yêu trong giây phút đó chợt trở nên mong manh, lạnh lẽo nhưng rồi lập tức ấm áp và mãnh liệt trở lại bởi những ân cần, dịu dàng.

Mỗi lần về nhà thăm bà, cô thường ngơ ngẩn nhớ người yêu rồi buôn chuyện điện thoại hàng giờ không chán. Thấy thế, bà chỉ bâng quơ:

- Thân con gái một mình, lạ nước lạ cái, nhớ giữ mình, đừng quá tin ai.

San cười cười, chẳng gật cũng chẳng lắc. Bà nhìn, nỗi bất an dâng đầy trong mắt.

San vẫn thường kể cho người yêu nghe về khu vườn xanh tốt quanh năm, mùa nào thức nấy của hai bà cháu, về cây sung chực chờ rụng lá suốt bốn mùa trước nhà, về những rừng cao su tới mùa thay lá được nhuộm kín một sắc vàng rực, đẹp đến nao lòng. Những lần đó, người yêu lại xoa đầu San, cười:

- Tiếc là ở đây chẳng có bao nhiêu cái cây.

San cũng từng mơ về một ngôi nhà nhỏ của riêng cô và người yêu, sau này sẽ thành chồng mình. Nhất định cô sẽ trồng một cái cây lớn trước nhà, ngày ngày chăm sóc và đợi cây lớn lên cho tới lúc tán cây có thể che rợp, ôm ngôi nhà vào bóng mát của nó. Cô sẽ đón bà lên ở cùng. Chồng cô chắc chắn sẽ đồng ý. Có cái cây, bà sẽ đỡ nhớ nhà. Nhưng, tất cả đã chấm dứt vào một buổi chiều nhập nhoạng.

- Anh chuẩn bị vào Nam. Em cũng biết đấy, dạo này tình hình công ty không tốt. Nếu cứ bám trụ miết ở đây thì chắc chắn có ngày sẽ tiêu đến đồng vốn cuối cùng. Anh phải vào đó tìm hướng đi mới…

Cô không dám đề nghị đi cùng. Cô biết, giữa thời buổi khó khăn thế này, người yêu cô lo cho công việc và bản thân còn khó. Vả lại, chuyện làm ăn, cô cũng chẳng biết gì để giúp. Lời chia tay không ai nói ra nhưng hai người đều hiểu. Cô lặng lẽ tạm biệt tình yêu, tạm biệt những tháng ngày nhọc nhằn nơi thành phố, tạm biệt luôn những dè bỉu, gièm pha của đồng nghiệp và cả ánh mắt khinh khi của bố mẹ người yêu. Chẳng biết cô có nhìn lầm không, lần cuối cùng gặp cô, họ không còn nhìn cô bằng ánh mắt ấy nữa. Con trai đi rồi, họ đối diện cô bằng cái nhìn mang hình hài của sự thương cảm. Cô tạm biệt tất cả để trở về nhà với bà.

* * *

Nghĩ gì mà ngẩn người thế cháu? Vào ăn cơm.

Bà bưng mâm cơm đặt xuống cái chiếu nhựa trải giữa nhà. Mâm cơm có đĩa thịt kho, bát cà muối và tô canh rau muống đang bốc khói nghi ngút nhưng cô thấy ngon hơn cả bữa cơm trong nhà hàng sang trọng mà người yêu đã từng đưa cô tới. Lúc đó, cô chỉ thấy lóng ngóng, vụng về, thức ăn cũng vì thế mà mất đi ít nhiều hương vị.

- Cháu về luôn rồi định làm gì?

- Chăm bà, làm vườn và quét lá rụng ngoài sân ạ!

- Lại nói vớ vẩn. Ăn nhiều một chút chứ bà thấy cháu gầy lắm đấy.

Hai bà cháu cùng cười.

Thực ra, San cũng chưa biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Khi sợi dây cuối cùng níu cô với chốn thị thành bị chặt đứt, cô chỉ ngay lập tức muốn về đây. Cô mở toang cửa sổ cho ánh trăng tràn vào. Đêm nay trời trở lạnh, hơi lạnh cùng ánh trăng bàng bạc tràn ngập khắp gian phòng nhỏ. Cô co mình, quấn chặt chăn, định trước khi ngủ sẽ khép cửa lại không ngờ ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết.

Từ hôm cô về, có thằng nhóc hàng xóm thường chạy qua chơi. Chiều nay, cô lại nghe thấy thằng nhóc gọi mình ngoài sân:

- Chị San ơi! Em cho chị này.

Thằng nhóc chìa ra trước mặt cô một chiếc ly thủy tinh, trong ly là một con cá màu vàng nhỏ xíu, vây đuôi vung vẩy loạn xạ trong nước.

- Đẹp thế. Em kiếm đâu ra vậy?

- Cậu em đi làm xa về cho em.

À, phải rồi. Sao bữa giờ chị không nghĩ ra nhỉ?

Dạo này, cổng trường tiểu học hôm nào cũng có một chiếc xe máy nhỏ dựng nơi góc. Trên đó treo cơ man nào là túi bóng. Bên trong là những chú cá đủ màu sắc sặc sỡ đang bơi, trông đến là thích mắt. Trước khi vào học, giờ ra chơi, lúc tan trường, những cô cậu học trò đều tranh thủ đứng kín quanh chiếc xe để ngắm nghía, chọn lựa và năn nỉ bố mẹ, ông bà mua cho mình một vài con về nuôi. Nhìn đám trẻ, cô nghĩ về ngày còn nhỏ, cô cũng vô tư và trong veo như thế. Lúc không có ai, cô say sưa ngắm lũ cá. Chúng xinh xẻo quá, chúng khiến nỗi buồn trong cô ít dần đi, nỗi nhớ cũng theo đó mà tan theo những vòng bơi không đầu không cuối. Cô biết, việc bán buôn này không bền nhưng cô vẫn làm vì cô thấy thích. Tới đâu hay tới đấy. Tết sắp đến, có thêm chút tiền để sửa sân, sắm Tết cũng vui hơn.

Hôm ông Táo về trời, nghe tiếng xe máy nổ ngoài sân, bà chạy ra:

- Cháu chở cá đi đâu đấy? Sao hôm qua bảo với bà là nghỉ bán hẳn?

- Cháu chở mấy con cá đi phóng sinh. Năm sau, cháu sẽ làm việc khác, bà ạ.

Nhìn những chú cá lần lượt khuất dạng trong nước, San thấy đói bụng. Giờ này, chắc bà đã bày sẵn mâm cơm, chờ cô về để cùng ăn. Gió thổi vào mặt lạnh buốt. San vừa chạy xe vừa mường tượng ra một chiếc quán nhỏ được dựng lên dưới gốc cây sung trước nhà. Trước cửa quán là tấm biển hiệu, trên ấy đề một dòng chữ cỡ to, in đậm: TIỆM MAY CỦA SAN…

Truyện ngắn của NGUYỄN HIÊN

 
;
.