Vũng Tàu như Pattaya của Thái Lan!

Thứ Sáu, 08/12/2023, 17:30 [GMT+7]
In bài này
.

Biết là mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin, Chủ tịch danh dự Liên đoàn Báo chí ASEAN, Cố vấn cao cấp Liên đoàn báo chí Thái Lan, nguyên Tổng Biên tập Báo Bangkok Post, người bạn thân thiết của báo chí Việt Nam vẫn thích sự so sánh đó.

Ông Badhit Rajavatanadhanin (hàng đầu thư 2 từ trái qua) cùng Bộ truỏng Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Thái Lan (hàng đầu, thứ 3 từ trái qua) tiếp các nhà báo Việt Nam, năm 2014.
Ông Badhit Rajavatanadhanin (hàng đầu thứ 2 từ trái qua) cùng Bộ truỏng Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Thái Lan (hàng đầu, thứ 3 từ trái qua) tiếp các nhà báo Việt Nam, năm 2014.

Ông nói, gần chục lần tới thành phố biển du lịch Vũng Tàu, biển Long Hải, Hồ Tràm và Bình Châu mỗi lần là một sự khám phá thú vị. Ông cảm nhận sự gần gũi, những nét tương đồng về thiên nhiên giữa hai thành phố biển Vũng Tàu và Pattaya. Nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin là cây đại thụ của báo chí Thái Lan. Ông sinh 4/6/1938, vừa qua đời ngày 23/11/2023, để lại sự tiếc thương từ những người bạn Việt Nam.

Nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin xuất thân trong một gia đình nông dân ở huyện Famplan, tỉnh Nakhon Pathom. Cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi đàn con nhỏ. Cậu bé Bandhit có ý chí tự lập rất sớm. Năm 19 tuổi, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Bandhit một mình lên Bangkok phồn hoa, nhiều cạm bẫy để lập thân, lập nghiệp.

Bandhit nghĩ rằng, để không sa ngã giữa trường đời cần có kiến thức pháp luật nên ông thi vào Đại học Luật Bangkok. Tốt nghiệp trường luật, duyên nghiệp đưa ông đến với nghề báo một cách ngẫu nhiên. Đang thất nghiệp, đọc báo biết Báo Bangkok Post thi tuyển phóng viên, ông nộp đơn và trúng tuyển ngay vòng đầu. Và ngày 7/11/1963 trở thành “cột mốc” cuộc đời - ngày Bandhit trở thành phóng viên nhật Báo Bangkok Post. Sau 3 tháng tập sự theo quy định, ông là người duy nhất được chủ báo tuyển dụng và được tăng lương gấp rưỡi. Ông nhanh chóng trở thành cây bút chủ lực của Bangkok Post chuyên viết về kinh tế, tài chính, chứng khoán,  thương mại, công nghiệp, được bầu làm Chủ tịch CLB các nhà báo viết về kinh tế.

Chỉ trong khoảng thời gian một thập niên, Bandhit lần lượt kinh qua các chức vụ Trưởng Ban biên tập Kinh tế, Phó Tổng biên tập và Tổng Biên tập Bangkok Post. Bandhit thông thạo tiếng Anh, bằng con đường mày mò tự học.

***

Không quá lời khi cho rằng Bandhit Rajavadhanin là biểu tượng của tình hữu nghị báo chí Việt Nam-Thái Lan. Ông là người  góp phần đặt nền móng cho sự hợp tác báo chí hai nước từ những năm 80, 90 của thế kỷ XX. Bandhit từng nói: “Với tôi, Việt Nam có cái gì đó rất lạ, rất đặc biệt. Việt Nam luôn trong trái tim tôi. Tôi có nhiều người bạn thân ở Việt Nam, tôi nhớ họ hằng ngày”.

Sau khi đã nghỉ hưu, thôi các chức vụ quản lý trong giới truyền thông, hằng năm ông vẫn kết nối bè bạn, đồng nghiệp Việt Nam đến thăm, giao lưu với đồng nghiệp xứ sở Chùa Vàng thân thiện, mến khách.

Mỗi lần gặp, ông chân tình hỏi thăm sức khỏe những đồng nghiệp quen biết. Ông nhắc tới các nhà báo Phan Quang, cố nhà báo Trần Công Mân - 2 cựu lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam mà ông quý mến; giữa họ có những kỷ niệm “quan hệ khởi đầu” ân tình. Nhà báo Trần Công Mân lâm bệnh nặng, ngày ấy khi hướng dẫn đoàn nhà báo Việt Nam thăm chùa tại Chiang Mai, ông điện thoại về nhà riêng nhà báo Trần Công Mân ở Hà Nội gõ chuông cầu nguyện, mong cho bạn hồi phục sức khỏe.

Gặp gỡ, trò chuyện với đồng nghiệp Việt Nam, ông hãnh diện nhắc tới 2 cuộc phỏng vấn lịch sử liên quan đến Việt Nam trong cuộc đời làm báo của mình. Năm 1978, lần đầu tiên một đoàn gồm 40 doanh nhân, các nhà hoạt động thương mại Thái Lan đến Hà Nội. Bandhit Rajavatanadhanin là nhà báo Thái Lan duy nhất được mời tham gia đoàn và được vinh hạnh gặp phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ông viết trên Bangkok Port: “Phạm Văn Đồng là một chính khách lỗi lạc, nhưng Ngài lại thân thiết, bình dị, sâu sắc đến lạ lùng”. Sau cuộc gặp và phỏng vấn, trái tim đồng nghiệp Bandhit Rajavatanadhanin càng thêm đồng điệu với những người bạn Việt Nam.

Năm 1993, khi ông là Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN đến thăm Việt Nam, Đoàn vinh dự được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười tiếp thân mật. Ông kể lại, lần đó, khi vừa gặp các thành viên đoàn nhà báo ASEAN, Tổng Bí thư Đỗ Mười thân mật hỏi: “Các bạn nhà báo Việt Nam lo chỗ ăn nghỉ, các địa danh nơi đến thăm và làm việc cho các bạn  có chu đáo không?”. Bandhit cảm nhận trên Bangkok Port: “Ngài Tổng bí thư-nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thật tình cảm, gần gũi, cởi mở, bình dị”.

Tấm ảnh ông chụp với Tổng Bí thư Đỗ Mười được treo trang trọng tại phòng khách nhà riêng số 63/2 Petkasem Rd. Bangkhae, Bangkok 10160. Ông coi đó là một đặc ân, một kỷ niệm khắc sâu trong tâm khảm.

Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo-chính khách Bandhit Rajavatanadhanin đã gần 30 lần đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông rong ruổi từ Bắc chí Nam. Ông thông tỏ nhiều vùng quê Việt, thưởng thức nhiều món ăn Việt. Tôi có dịp cùng đi với ông nhiều lần, ít khi thấy ông hát, thế mà tại một nhà hàng ẩm thực bên sông Hàn-Đà Nẵng, ông lĩnh xướng và đoàn nhà báo Thái Lan cùng hát “Chúng ta là tất cả thế giới này, không có biên giới trong tình bạn, ở đây chúng ta cùng là anh em, tình bạn bao la như biển cả, trời cao. Chúng ta bên nhau cho tình yêu, cho hạnh phúc bên nhau, cho nhân loại…”.

Một lần đến Vũng Tàu, ông hát lại bài hát này đắm say cùng đồng nghiệp Hội nhà báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông nói với tôi về vẻ đẹp tự nhiên của biểnVũng Tàu, Ông so sánh với thành phố biển Pattaya của Thái Lan: “Tôi không ngại để nói rằng Vũng Tàu còn đẹp-vẻ đẹp biển và núi hơn cả Pattaya. Một ngày không xa các bạn sẽ đón du khách đến Vũng Tàu không kém Pattaya”.

Badhit đã mời và đích thân hướng dẫn đoàn nhà báo Bà Rịa-Vũng Tàu tới thăm Thái Lan, thăm và làm việc tại Pattaya, gặp thị trưởng thành phố biển du lịch nổi tiếng, cùng nhau hát “Vung Tàu-Pattaya tiến bước!” tiếng Việt và tiếng Thái.

Tôi chiêm nghiệm ở ông nhiều điều từ cuộc sống thường ngày.  Sáng nào ông và dăm bảy người bạn già cũng gọi nhau thể dục, dạo bộ. Một tiếng sau cả nhóm bạn lại tụ tập về nhà ông ăn sáng, trà đạo, cà phê - do chính ông nấu, ông pha chế. Tiếp đãi bạn bè, không bao giờ ông làm phiền vợ con. Với ông, quê hương là cái nôi nguồn cội tạo nên sự nghiệp, mẹ là tất cả cuộc đời. Ông tâm sự giáo dục con cái, cha mẹ phải nêu gương, thương yêu nhưng không nuông chiều. Để trưởng thành con cái phải tự lập, không dựa dẫm, ỷ thế cha mẹ. Hãy làm cho con cái biết yêu quý đồng tiền do mình chắt chiu, dành dụm mà có.

Triết lý và kinh nghiệm dạy dỗ con cái của nhà báo Bandhit nghiệm ra thật chí lý. Đấy cũng chính là hạnh phúc, niềm vui mà cuộc đời nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin có được cùng với một sự nghiệp báo chí thành đạt, luôn được quý mến, trân trọng.

Bài viết ngắn này, sau ngày nhà báo Bandht Rajavatanadhanin về cõi Phật xin coi là nén tâm nhang của tôi và những người bạn, đồng nghiệp Việt Nam tiễn biệt một người bạn thân thiết.

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.