Sáng 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: DƯƠNG GIANG |
Công nghiệp văn hóa bao gồm các lĩnh vực: Điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, phát thanh, truyền hình, phần mềm, các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam; kinh nghiệm của các nước; đề xuất những giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, nhắc lại nội dung các nghị quyết, chiến lược liên quan phát triển ngành công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu phát triển và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, một số lĩnh vực dần vươn lên trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Nêu rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh tình hình, thách thức đặt ra đối với các ngành công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, dễ mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại.
Người đứng đầu Chính phủ quán triệt 6 quan điểm trong phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, phát triển công nghiệp văn hóa phải góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; kết nối các hoạt động sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật với sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa; dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, có tính cạnh tranh cao, đồng thời đa dạng hóa, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường và xu thế của thời đại.
Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố “sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững”, trên nền tảng “dân tộc - khoa học - đại chúng”; từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp lớn hơn vào GDP.
PHẠM TIẾP