Tôi lớn lên trong xóm đạo. Vì vậy mà từ nhỏ, những ngày lễ Giáng sinh luôn ngập tràn cảm xúc khó quên. Tôi gọi là “những ngày lễ” vì khi ấy, ở xóm nhỏ quê tôi không chỉ đón Noel ngày 24/12, mà trước đó cả tháng đã nhộn nhịp chuẩn bị. Và cái không khí chuẩn bị ấy mới thực sự sống trong mùa Giáng sinh. Không như bây giờ, gia đình công giáo nào muốn trang trí hang đá mà không có thời gian thì chỉ cần mua hang đá làm sẵn về.
Cứ vậy, cả xóm chưa đến mùa Noel, không khí đã nhộn nhịp tưng bừng. Những đứa nhỏ háo hức đón chờ từng ngày. Mỗi sáng, tranh thủ ăn uống rồi chạy ngay lại khu vực làm hang đá chơi. Đến khi nào người lớn gọi về ăn cơm mới chịu về. Mỗi năm, người lớn cố gắng sáng tạo bằng những bố cục hang đá khác nhau, nên đứa trẻ nào cũng háo hức. Chúng tôi khi ấy chạy quanh khắp xóm để xem từng hang đá đang làm, cho đến khi hoàn thành.
Không chỉ chăm chú xem người lớn làm, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện diệu kỳ về ông già Noel, đàn tuần lộc, và cả câu chuyện cổ tích Cô bé bán diêm đầy cảm động. Nhờ những câu chuyện người lớn kể cho nghe mỗi ngày ấy, chúng tôi như có thêm bài học cho mình, về những đứa trẻ ngoan sẽ có quà, về cuộc sống chung quanh luôn có những người khó khăn cần mình giúp đỡ, quan tâm.
Lên học cấp 3, tôi có thêm niềm vui khác trong dịp lễ Giáng sinh, đó là bạn bè trao cho nhau những tấm thiệp với lời chúc yêu thương, ý nghĩa. Đó là những tấm thiệp đơn sơ, thường là tự làm. Công đoạn làm thiệp cũng rất công phu. Chúng tôi dùng thước kẻ vẽ sườn những cây thông, cành thông, hay ông già Noel, sau đó trang trí thêm. Ai không giỏi vẽ vời thì sáng tạo bằng cách cắt những hình ảnh đẹp trên báo ra, dán vào bìa cứng, rồi nhấn nhá thêm chút cũng ra tấm thiệp thật đẹp. Chỉ bạn nào sang lắm mới nhờ các anh chị lớn đi học ở chợ huyện mua thiệp về cho. Mà khi ấy, thứ chúng tôi quan tâm nhất chính là lời chúc. Vì vậy mà dù thiệp thủ công hay mua về, cũng nắn nót ghi những lời chúc yêu thương nhắn gửi đến người tặng, với tất cả sự trân quý. Các anh chị lớn hơn, khi ấy cũng dùng những cánh thiệp để viết những câu yêu thương mùi mẫn cho mối tình đầu của mình. Vì vậy mà ở tuổi nào cũng có sự háo hức đón chờ mùa Giáng sinh như nhau.
Đến ngày lễ Giáng sinh thì mọi hoạt động chỉ còn dừng lại ở giáo đường. Cả nhà tôi đến dự thánh lễ long trọng ấy, rồi cùng về nhà ăn khuya với nhau. Trước lúc đi lễ, mẹ đã chuẩn bị sẵn món gì đó ngon ngon. Thường là nồi cháo gà. Mẹ sẽ chọn con gà to béo nhất đàn, chờ đãi tiệc cả nhà trong buổi tối Noel. Dù chỉ là cháo gà, nhưng khi ấy là món ngon với anh em tôi. Trong không gian se lạnh, cả nhà ngồi ăn cháo gà, câu chuyện cứ nối dài, rôm rả giữa đêm khuya. Giờ đây, cha mẹ tôi không còn, anh chị em tôi cũng đã có gia đình riêng, nhưng mỗi ngày lễ Noel, tôi luôn nhớ về không khí gia đình sum họp đầm ấm ấy.
Thời bây giờ mọi thứ khác hẳn xưa. Những đứa trẻ không có một mùa Noel thật dài, thật háo hức như tôi khi ấy. Chúng cũng không có món quà là tấm thiệp với rất nhiều cảm xúc, nâng niu. Thay vào đó, thời công nghệ vẫn có cách chia sẻ với nhau bằng những hình ảnh mới check-in ở nơi nào đó thật đẹp, những tấm thiệp chúc tự động cũng sống động hơn rất nhiều. Dù vậy, dư âm trong tôi vẫn là tiếng chuông giáo đường của mùa Noel khi xưa, đó là miền cổ tích mà tôi may mắn có được trong tuổi thơ mình.
ÁNH HỒNG