Điệp khúc quân hành của người chiến sĩ chính là khúc ca, khúc tráng ca ngân vọng theo đội ngũ điệp trùng với núi sông đất nước. Họ là những người con thôn Việt, mang trong mình căn cố của văn hóa Việt đã trưởng thành lớn lên cùng chung đội ngũ, cùng chung lý tưởng.
Cách đây 79 năm tại khu rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng) Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời với 34 chiến sĩ, vũ khí thô sơ là tiền thân của quân đội ta sau này, dưới sự chỉ huy của đại tướng Võ Nguyên Giáp mở đầu bằng chiến thắng Phay Khắt, Nà Ngần. Và từ đó bước chân người lính là điệp khúc quân hành chiến sĩ: “Đời mình là một khúc quân hành/Đời mình là bài ca chiến sĩ”.
Bài ca ấy đã đi theo bước đường hành quân tiếp nối bao thế hệ: “Lớp cha trước lớp con sau /Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu). Khúc quân hành ấy với những nốt nhạc trầm bổng, âm điệu hào hùng mạnh mẽ đã ngân vọng, ngân vang tạo nên sức mạnh của niềm tin. Bước chân hành quân xa cuồn cuộn như từng đợt sóng dâng trào qua ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/Mắt ta sáng chí căm thù/Bảo vệ đồng quê ta tiến bước/Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”.
Điệp trùng đội ngũ, điệp trùng khí thế, điệp trùng quân phục màu xanh, màu cỏ cây những cánh rừng, màu xanh bình dị, màu xanh bất tận, màu xanh của tha thiết hòa bình, màu xanh của khát vọng tương lai. Đó chính là hành trang người lính từ áo trấn thủ năm xưa kéo pháo lên Điện Biên với nhịp: “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo/Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi/Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù” (Hoàng Vân).
Những sự so sánh đầy trực cảm đã hun đúc khí thế, đã tạo ra một nhịp rắn chắc quả cảm đã dâng trào trong lòng người chiến sĩ để các anh làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Và 18 năm sau lại những người lính từ mũ nan năm xưa đến mũ sắt bên bệ phóng tên lửa rồng bay làm nên một Điện Biên Phủ trên không. Vẫn vẹn nguyên tâm hồn người lính ấy dù đã được trang bị vũ khí tối tân hơn thì bài ca người lính vẫn mang vẻ đẹp lý tưởng của chính nghĩa: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/Kẻ thù buộc ta ôm cây súng” và “Mãi mãi lòng chúng ta/Ca bài ca người lính/Mãi mãi lòng chúng ta/Vẫn hát khúc quân hành ca” trong hành khúc “Hát mãi khúc quân hành” của người lính nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Người lính hát khúc quân hành khi làm nghĩa vụ quốc tế cao cả khi “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” (Hoàng Hà) “Cô gái Sầm Nưa” (Trần Tiến), “Người lính tình nguyện và vũ điệu Apsara” (Minh Quang).
Vẻ đẹp người lính trước hết là vẻ đẹp của tâm hồn của lý tưởng. Giữa đường hành quân nhà thơ Tố Hữu đã thốt lên thật xúc động khi bắt gặp những anh vệ quốc quân qua bao gian khổ “Giọt giọt mồ hôi rơi/Trên má anh vàng nghệ/Anh vệ quốc quân/Sao mà yêu anh thế”. Họ là những con người “Áo anh rách vai/Quần tôi có vài mảnh vá/Miệng cười buốt giá/Chân không giầy” (Chính Hữu). Ôi hai tiếng đồng chí thật thân thương thật trìu mến biết bao. Đồng chí đó là tên gọi chung chứa chan bao niềm tin cùng đồng lòng cộng hưởng, đồng chí đó chính là biểu tượng sắt son cùng chung đội ngũ, cùng chung “bài ca người lính”, “bài ca ra trận”.
Vẻ đẹp tâm hồn người lính khi nhận ra mái trăng che võng chính là “bầu trời vuông” trong thơ Nguyễn Duy: “Sục sôi bom lửa chiến trường/Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng”. Đó là sự tinh tế nhạy cảm khi nghe được tiếng chim trên đồi chốt sau trận đánh ác liệt trong thơ Hoàng Nhuận Cầm: “Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng/Nghe lăn tăn những tiếng chim xuống hầm”. Và đây chiếc ba lô con cóc hồi hộp trên lưng đã gói cả một trời lửa đạn đựng đầy bao thương nhớ. Khi đặt xuống thành bệ bắn, khi đặt trên gối thành chiếc bàn di động viết lá thư thăm nhà và trong nhấp nhô điệp trùng quân hành là: “Chiếc ba lô đựng những gì/Mà đi cuối đất mà đi cùng trời…” (Thanh Thảo). Đẹp sao tư thế hy sinh của người lính đã tạo thành dáng đứng bất tử trong thơ Lê Anh Xuân đó là Dáng đứng Việt Nam: “Và anh chết trong khi đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”.
Khúc ca người lính ra trận có Bác Hồ kính yêu: “Bác cùng chúng cháu hành quân”. Lời thơ chúc Tết của Bác chính là mệnh lệnh tiến công là hiệu triệu muôn con tim cùng chung khí thế “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” là cảm hứng của Bác “Bỗng nghe vần thắng vút lên cao”. Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước hình ảnh người lính bao giờ cũng là nhân vật trung tâm, là điểm tựa tinh thần, là niềm tự hào lớn lao của dân tộc. Đó là anh “Bộ đội Cụ Hồ” được sinh ra từ những người Mẹ “Việt Nam anh hùng”. Khúc ca người lính ấy chính là điệp khúc quân hành được cất lên từ cánh rừng Trần Hưng Đạo, cánh rừng mang tên vị anh hùng dân tộc đã đi suốt chặng đường dài trong âm vang: “Đường dài đi dọc Trường Sơn/Nghe vọng bài ca đất nước/Đất nước bốn ngàn năm không nghỉ/Những đạo quân song song cùng lịch sử/Đi suốt thời gian, đi suốt không gian/Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang” (Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi!-Nam Hà).
NGUYỄN NGỌC PHÚ