Một lần làm Hằng Nga!
Tôi còn nhớ, trưa hôm đó, các chị em GV trong trường tập trung bàn chuyện tổ chức lễ Trung thu cho HS. Các chị nói chuyện rất vui vẻ và sôi nổi. Người thì nói sẽ tập cho các cháu múa, người nói mình sẽ đóng vai thỏ con, vai chú Cuội để góp vui cho ngày hội. Bỗng một chị hỏi: “Năm nay, ai sẽ đóng vai Hằng Nga tiên nữ?”. Mọi người ngẩn ra nhìn nhau vì không biết chọn ai. Vai Hằng Nga phải chọn người trẻ tuổi, xinh đẹp và múa đẹp nữa.
Những năm gần đây, do tinh giản biên chế, GV MN phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc nên rất vất vả, chưa kể đến áp lực trong việc dạy dỗ, bảo đảm an toàn cho trẻ, và cả áp lực từ phía cha mẹ HS… Nhiều cô giáo đã nghỉ việc vì tìm được công việc khác tốt hơn. GV mới ra trường thì phần lớn chọn các trường tư vì hiện nay, trường công và trường tư chế độ bảo hiểm, lương bổng cũng không quá chênh lệch. Trong khi ở trường tư công việc sẽ thoải mái hơn vì số lượng trẻ ít hơn và sự quản lý, kiểm soát chuyên môn của cơ quan quản lý cũng nhẹ nhàng hơn. Nhìn đội ngũ GV còn lại, hầu hết đã “cứng” tuổi, biết chọn ai để đóng vai Hằng Nga xinh đẹp?
Sau cùng, mọi người đề nghị tôi đóng vai Hằng Nga, và còn bảo sẽ trích một đoạn nhạc cho tôi múa. Tôi rất ngại xuất hiện trước đám đông và cũng chưa bao giờ múa trên sân khấu nên không tự tin có thể làm tốt được. Nhưng các chị đã động viên: “Hương cố gắng lên nhé! Trường mình bây giờ cũng không còn nhiều cô giáo trẻ ngoại hình tốt để lựa chọn!”.
Vì tôi không tự tin và một phần do chỉ được học múa cơ bản nên các động tác của tôi rất đơn giản, rời rạc. Để có thể múa tốt hơn, tôi xem thêm các video trên Youtube vào giờ nghỉ trưa và tranh thủ tập múa trong phòng ăn vào giờ các bé đang ngủ. Sau vài ngày, qua nhiều lần phải sửa động tác nọ, chỉnh động tác kia, tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi và chán nản.
Trưa hôm ấy, khi đang tập múa, tôi bỗng tôi nghe tiếng vỗ tay rất nhỏ. Tôi giật mình quay lại thì thấy ở cửa phòng ăn có ba bé gái đang đứng xem tôi múa với ánh mắt thích thú. Có lẽ, đã gần hết giờ ngủ trưa, các bé nghe tiếng nhạc nên tò mò bước vào. Tôi cười hỏi:
- Cô đánh thức các con phải không?
Bé Phương Thảo hỏi tôi:
- Cô Hương là cô dâu phải không?
-Sao con nghĩ vậy?
- Vì cô mặc váy trắng.
Tôi bảo:
- Đây là váy của Hằng Nga tiên nữ đó!
- Vậy cô Hương là Hằng Nga phải không?
Tôi chỉ cười không nói gì.
Buổi chiều hôm đó, các bé đã tíu tít nói với nhau: “Cô Hương là Hằng Nga”, thậm chí kể chuyện với ba mẹ là thấy tôi múa. Khi ba mẹ hỏi cô giáo múa có đẹp không? Các bé đều nói: “Cô con múa đẹp nhất đó!”.
Không hiểu sao khi nghe lời nói ngây thơ của các bé, tôi cảm thấy rất vui. Có thể các bé chưa hiểu rõ thế nào là đẹp-xấu, nhưng trong mắt của các con, cô giáo-người chăm sóc bé hằng ngày là người đẹp nhất, tốt nhất. Các bé còn nói mong đến ngày lễ Trung thu có thể xem tôi múa.
Để không phụ sự mong đợi của các con, tôi đã cố gắng tập luyện nhiều hơn cho bài múa. Tiết mục diễn ra thành công. Với tôi, điều khiến tôi hạnh phúc nhất không phải lời khen tặng, mà là sự cổ vũ nhiệt tình từ những đứa trẻ mà tôi yêu thương chăm sóc.
TRẦN THỊ HƯƠNG
(GV Trường MN Châu Thành, TP.Vũng Tàu)