.
ĐỌC SÁCH

Giao hưởng biển - Bản tình ca về đất và người xứ biển

Cập nhật: 16:55, 06/10/2023 (GMT+7)

Gói trọn trong 400 trang  thơ và văn của “Giao hưởng biển”  là “hồn” của bao thế hệ nhà văn, nhà thơ Bà Rịa-Vũng Tàu. Không quá lời khi nói  “Giao hưởng biển” là một bản tình ca về đất và người xứ biển.

Giao Hưởng Biển (NXB Hội Nhà văn, quý II/2023) của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sách dày 400 trang, được chia thành 2 phần thơ và truyện ngắn và văn xuôi, tập hợp khá đầy đủ những tác phẩm đặc sắc viết về đất và người Bà Rịa-Vũng Tàu của nhiều thế hệ nhà văn nhà thơ Bà Rịa-Vũng Tàu kể từ ngày thành lập tỉnh đến nay.
Giao Hưởng Biển (NXB Hội Nhà văn, quý II/2023) của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sách dày 400 trang, được chia thành 2 phần thơ và truyện ngắn, tập hợp khá đầy đủ những tác phẩm đặc sắc viết về đất và người Bà Rịa-Vũng Tàu của nhiều thế hệ nhà văn nhà thơ Bà Rịa-Vũng Tàu kể từ ngày thành lập tỉnh đến nay.

Biển là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong “Giao hưởng biển”. Trong số 48 tác giả thơ xuất hiện trong “Giao hưởng biển” gần như không có một tác giả nào không có một bài nhắc đến biển.

Có thể trích dẫn rất nhiều những câu thơ hay về biển. Từ biển rất chung của Tôn Quang Minh “Anh biết bắt đầu từ biển hay em/ Em hoang dại em nồng nàn như biển/ Biển tơ non biển như người mới đến/ Bao thăng trầm từng đợt thủy triều lên...” hay cảnh biển Vũng Tàu của Huỳnh Dũng Nhân: “Anh ngỡ chỉ mình khám phá hết biển xanh/ Chỉ mình biết trời Vũng Tàu mây trắng/ Biển thì đông mà phố phường thì vắng/ Con sóng nào cũng ấp ủ riêng chung” cho đến biển Hồ Tràm-Xuyên Mộc của Lê Vinh Dự: “Hãy về với biển đi em!/ Ngắm Xuyên Mộc xanh, Hồ Tràm vương nắng/ Cát chảy dài, bãi bờ như lụa/ Phước Thuận hong nồm, thuyền vỗ sóng ra khơi...

Ngoài biển, hầu như các địa danh, cảnh đẹp của Bà Rịa-Vũng Tàu từ nơi phố thị cho đến nông thôn cũng đều được xuất hiện trong “Giao hưởng biển”; như: “Em có về Xuyên Mộc với anh không?/ Nơi con đường xưa mịt mùng bụi đỏ/ Nơi anh đợi em trong căn nhà nhỏ/ Tiếng xe bò lộc cộc canh thâu/ Em có về Xuyên Mộc với anh không?/ Nơi hoa trái mọc thành rừng/ Nơi chim về xây tổ/ Nơi cánh đồng mênh mông sóng lúa/ Nơi hoang vu thành làng, làng hóa phố/ Mùa hoa sữa, mùa hoa cà phê thao thức đợi em về” của Bùi Ngọc Phúc hay “Anh ở tỉnh thành lên thăm buôn mùa gặt/ Rượu cần thơm mùi lúa mùi tre/Tiếng sáo dọc bờ môi em kháy/Lưng địu gùi em múa say mê! Chrau-jro Chrau-jro /Kìa, ánh lửa bùng lên câu hát đối/ Giọt Goong- cla tíc toóc hồn làng/ Chân em bước váy tưng bừng thổ cẩm/Đôi coong đồng trên cổ đánh tính tang…” của Đặng Ân.

Nếu như thơ trong “Giao hưởng biển” thiên về tả cảnh, tả tình thì truyện ngắn trong “Giao hưởng biển” lại hướng về người Bà Rịa-Vũng Tàu với những thân phận, cuộc đời, nghề nghiệp, tính cách rất khác nhau.

Từ những người tù anh hùng, quyết đấu tranh, giữ tròn khí tiết nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo trong “Một ngày tháng Năm trong Chuồng Cọp” của nhà thơ, cựu tù Côn Đảo Lê Hồng Quân đến tình yêu đầy trắc trở của cặp tình nhân, vốn là con cháu, hậu duệ của những người khai phá, xây dựng lên vùng đất thiêng Long Sơn trong “Hun hút cửa sông” của nhà văn trẻ Văn Thành Lê.

Từ sự tử tế của người thầy giáo già với cô gái trẻ kém may mắn tại café Bãi Dâu, dẫn đến sự hiểu lầm của những người thân trong “Gió lạ” của Huỳnh Ngọc Lan đến chuyện tình ngang trái của cô họa sĩ nghèo, lớn lên tại làng Việt kiều - Mỹ Xuân với chàng thiếu gia đẹp trai trong “Mảnh sân xưa có hoa lộc vừng” của Bùi Đế Yên.

Những ngành nghề, đặc điểm về người Vũng Tàu cũng được miêu tả rất sắc nét trong nhiều truyện ngắn. Từ người thanh niên giao gas, rồi trộm cắp nhưng nhờ sự rộng lượng, trái tim ấm của người bị cướp mà trở thành người lương thiện trong “Chuyện cũ” của Đào Văn Nhậm. Tình thương, lòng dũng cảm và cả tình yêu nghề, yêu biển của những người cứu hộ, cứu nạn trên biển trong “Kỷ niệm Vũng Tàu” của Lê Quốc Minh và “Bất ngờ cuối năm” của Hội An.

Những nhân vật ấy, những ngành nghề ấy, có người có nghề được miêu tả kỹ càng như nhân vật “tôi” hành nghề môi giới nhà đất trong “Cò con” của Châu Hoài Thanh, người vợ tên Thu trong “Ba nốt ruồi son” của Lương Lan hay chỉ thoáng hiện lên qua vài nét khắc họa như cậu bé đánh giày trong “Gọi một ly đen” của Trần Đức Tiến thì họ cũng đều là những con người lương thiện, trung thực.

Còn rất nhiều điều muốn nói về các tác giả, tác phẩm trong “Giao hưởng biển” nhưng tôi đành mượn câu thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu để làm câu kết “Dù khiêm tốn đến đâu anh vẫn muốn khoe với em rằng Vũng Tàu là lý tưởng/ Người đang lạnh thì về đây gặp ấm/ Người đang nóng về đây gặp mát mẻ/ Biển ban mai như tấm chiếu xanh trải tận chân trời…”.

AN AN

.
.
.