Tưởng đâu Nguyễn sẽ ném mẩu thuốc tàn ấy đi. Nhưng Nguyễn lại dùng mẩu thuốc tàn ấy làm đốm lửa để châm một điếu thuốc khác. Hà nhăn mặt. Cái này thì hoàn toàn giống anh Đăng rồi đây. Hà không thích con trai hút thuốc nhiều như vậy. Hết điếu này sang điếu khác, ba phút một điếu, như vậy một ngày biết bao nhiêu điếu mà đếm. Và như vậy, cũng chẳng bao lâu mà hai lá phổi của anh Đăng và Nguyễn sẽ có vấn đề. Điều này thì Hà không thích chút nào.
Minh họa: MINH SƠN |
- Anh Nguyễn uống nước đi.
Nguyễn lại bưng nước uống. Hà tức bực với mình. Tại sao không tìm ra một điều gì để nói với Nguyễn. Ngược lại, Hà cũng ngạc nhiên tại sao Nguyễn cũng im lặng nhiều hơn nói, mà khi mở miệng toàn hỏi những câu vớ vẩn rồi nhìn Hà cười cười. Hà thấy nhột nhạt trong những nụ cười của Nguyễn.
- Hà biết chuyện gì không nhỉ?
- Dạ không ạ.
Nguyễn cười:
- Năm mới vừa tới, chúng ta mỗi người đều có thêm một tuổi…
Hà nóng bừng hai má và hấp tấp hỏi:
- Để làm gì anh?
- Làm người lớn. Một tuổi qua đi trong đời là mình đã qua một thời niên thiếu.
- Hà chưa qua thời nào cả, Hà vẫn còn là con nít.
- Bây giờ làm sao biết được. Mai mốt rồi Hà sẽ biết.
Chắc chắn đây là chuyện vui đùa, nhưng câu nói của Nguyễn tự dưng làm cho Hà bâng khuâng. Và cũng chính hôm nay thôi, Nguyễn nhắc khéo, Hà mới nhớ mình vừa qua đi một tuổi. Một tuổi có là một thời, một giai đoạn của đời người không? Hà chưa biết rõ lắm. Nhưng Hà đã thấy một mối âu lo khi nhìn rõ thời gian giống như một đường viền cỏ xanh quanh hàng rào trường mình, nó xanh non lúc nào và tàn úa lúc nào, chỉ vào một lúc quá bất ngờ mới nhận ra thôi. Hà đã từng bồi hồi như thế. Và câu hỏi của Hà ném cho các bạn không nhận về được câu trả lời. Đứa nào cũng bảo Hà nghĩ làm chi chuyện thời gian, ngày tháng làm gì, đó là thứ vớ vẩn, giống như suy nghĩ của mấy “bà cụ non”.
- Hà không thấy minh đã lớn lên à?
- Hà chưa rõ nữa anh.
- Hà chưa nhìn lại một chút quá khứ ở phía sau lưng à?
- Quá khứ nào đâu anh?
Khi nói câu đó mặt Hà cúi xuống. Tự nhiên Nguyễn lại làm cho Hà muốn khóc. Hà nhận thấy hai bàn tay của mình run nhẹ. Một nỗi cảm xúc vừa chạy qua người Hà. Đồng thời tâm Hồn Hà cũng dã dượi, bâng khuâng như một mảnh lá chết. Sao hôm nay anh Nguyễn nói chi điều ấy?
Bây giờ Hà ngước lên, khẽ nhìn gương mặt Nguyễn. Trời ơi, gương mặt anh quá buồn sau một đám khói thuốc lởn vởn chung quanh.
- Có thể Hà vẫn còn bé. Chỉ có tôi và Đăng đã trở thành người lớn.
Hà cười:
- Anh và anh Đăng đều trưởng thành từ lâu. Một người hai mươi lăm, một người hăm ba. Làm người lớn là phải rồi.
- Tôi hăm ba, nhưng gần hăm bốn. Tôi sanh vào khoảng đầu năm.
- Ngày nào anh?
- Một ngày nào đó, trong một tháng nào đó. Hà đoán ra không?
- Nếu Hà là chiêm tinh gia… may ra Hà sẽ đoán ra.
Nguyễn cười:
- Nhưng tôi không phải là “chiêm tinh gia” cũng đoán ra được ngày sinh nhật của Hà.
Hà giật thót tim. Sao Nguyễn hay thế. Mình đã nói cho anh nghe lúc nào chưa? Chắc chắn là chưa. Nhưng tại sao anh lại biết?
- Ngày nào anh?
Nguyễn cười:
- Nói đúng. Hà đồng ý nhận một món quà tặng cho ngày đó chứ?
Hà nóng bừng má nhưng cũng cố làm ra vẻ tự nhiên:
- Dĩ nhiên ngày sinh nhật của Hà anh phải có quà rồi.
- Nhưng một món quà khác với mọi người. Hà nhận chứ?
- Chừng đó hãy hay anh. Nhưng Hà mong từ bây giờ, đó không phải là một hộp thuốc nổ, có gói giấy hoa.
Nguyễn cười:
- Thuốc nổ Hà cũng nhận chứ?
Hà gật bừa, bướng bỉnh:
- Dạ. Cho là thuốc nổ cực mạnh đi.
Nguyễn nói ngay:
- Vậy sinh nhật của Hà sắp tới rồi.
- Nói thử xem.
- 29 tháng 4. Đúng không?
Hà không chối được. Như vậy là Nguyễn đã biết quá rõ về mình. Như thế có lẽ anh đã lén xem khai sinh của mình cũng nên. À, hoặc có thể anh Đăng đã nói cho Nguyễn nghe. Thôi chết, hai người đã nói với nhau những gì nữa về Hà? Nhất định khi anh Đăng về Hà sẽ hỏi anh mới được. Cái anh Đăng này… Hà có cảm giác như anh Đăng nói hết mọi “thói hư tật xấu” của Hà cho Nguyễn biết rồi. Chẳng hạn như Hà giỏi sinh ngữ mà kém toán, Hà có tật xỉa răng bằng đầu to của cây tăm chứ không phải đầu nhỏ, cắn cục gôm nhỏ xíu ở cây viết chì, hát nghêu ngao trong nhà tắm, ngủ trưa, tranh quà vặt với bé Hiền… Thôi chết rồi, nếu anh Đăng đã nói hết những thứ lung tung ấy thì Hà làm sao mà sống nổi trên đời? Hà ngượng quá không dám ngước mặt lên nhìn Nguyễn nữa. Nhưng rồi sự tò mò cũng giục Hà nhìn vào mặt Nguyễn hỏi:
- Anh Nguyễn xem khai sinh của người ta bao giờ vậy?
- Cần gì xem khai sinh. Mà làm sao xem được chứ?
- Một lúc nào đó, ai biết đâu.
- Chắc chắn là không rồi - Nguyễn khẳng định.
Hà bối rối quá và cố làm vẻ tự nhiên, nhưng thật ra chính điều đó đã tố cáo ngược lại xúc động nơi Hà. Nguyễn làm sao không nhận ra được? Mà Hà, có muốn cho người khác biết những bí mật về mình như thế bao giờ đâu. Hà có một nhỏ bạn, đó là nhỏ Vy, nhỏ này bảo rằng không nên để lộ xúc động của mình trước một người con trai, dù người đó là người yêu của mình cũng không nên. Huống chi giữa Nguyễn và Hà đã có gì đâu?
- Sao Hà?
Hà tránh đôi mắt của Nguyễn:
- Sao là sao anh?
- Chuyện ngày sinh nhật.
- Chừng đó hãy hay. Đâu có bao giờ Hà tổ chức ăn sinh nhật mà anh Nguyễn nhọc công lo quà tặng?
Ừ nhỉ. Tụi bạn Hà đứa nào tới ngày sinh nhật cũng tổ chức linh đình, mời mọc đủ bạn bè, quà tặng chất đống trên bàn. Có đứa còn tổ chức “bum ban” cả đêm. Đó là một ngày vui chơi thỏa thích mà ba mẹ cũng không thể cấm đoán. Cũng nhỏ Vy, ngày sinh nhật của nó tổ chức lớn phải biết. Cha mẹ nó rất văn minh, ngày đó hoàn toàn cho nó tự do với nguyên một căn nhà trống và cả một lô bạn bè. Ăn uống, chúc tụng, quà tặng, cười đùa thoải mái, nhảy nhót tưng bừng. Hà cũng được mời tham dự nhưng Hà không tham gia vào cuộc vui suốt đêm đó. Dù Hà chơi với Vy rất thân.
Hà ngạc nhiên khi thấy mình có vẻ như “bà cụ non” trước đám bạn bè trẻ trung cùng trang lứa. Có lẽ Hà không thích hợp với không khí sôi động đó. Cánh cửa mở ra cho tâm hồn Hà là một khu vườn, một con đường tươi mát râm ran tiếng ve kêu, màu sắc của hoa lá, tiếng hót của chim chóc? Hay một chỗ ngồi nào đó, yên tịnh. Cuộc vui đối với Hà là gặp một vài đứa bạn thân, kéo nhau đi phố, ăn kem, xem phim. Rồi… về nhà.
Thế giới của Hà là một buổi sáng đi học, buổi chiều lo bếp núc giúp đỡ mẹ. Buổi tối học bài, khuya dậy sớm phụ dọn hàng với mẹ trước khi tới trường. Hà ít đi đâu, ít hội họp bạn bè. Hà không thích tham dự vào những “bum ban” do tụi bạn tổ chức. Không phải vì Hà không biết nhảy, không biết vui chơi cho hết thời con gái. Nhưng Hà khác. Hà không giống Vy. Lại càng không giống bất cứ người con gái nào ở tuổi Hà. Điều này có phải chăng tại Hà mặc cảm gia đình mình nghèo?
Đôi lúc Hà tủi thân. Nhưng không phải như thế là ngấm ngầm một mối oán trách, ân hận mình đã sinh ra trong một gia đình như thế này: Ba mất vì bạo bệnh lúc Hà vừa lên trung học. Mẹ Hà luôn ốm đau nhưng vẫn phải thức khuya, dậy sơm lo buôn bán tảo tần gồng gánh cả một gia đình. Anh Đăng luôn lận đận con đường khoa cử, học vấn nhưng luôn ôm đầy mộng tưởng giữa một đời sống đầy thực tế và mấy đứa em lam lũ, thiếu thốn tình cảm đến vật chất… Anh Đăng, cũng như Hà, được sinh ra như thế và chấp nhận một sự xếp đặt như thế. Nhưng anh Đăng dường như không oán trách số phận nghiệt ngã mà anh rất can đảm, sống có trách nhiệm trước gia đình. Một người anh không có gì đáng trách, nhưng theo Hà, anh Đăng đang sống một đời sống đầy mộng tưởng hơn là thực tế.
- Khi nào Đăng về, Hà bảo có tôi ghé chơi nhé.
Nguyễn đứng lên. Hà bối rối không biết phải làm gì. Có lẽ Nguyễn muốn ngồi nán lại nhưng thấy kỳ. Hà cũng muốn Nguyễn ngồi lại nhưng cũng muốn cho Nguyễn ra về. Hà nhìn tách nước Nguyễn đã uống cạn. Như vậy là được, uống hết tách nước người ta mời chứng tỏ là thành thật với nhau đấy nha Nguyễn. Con gái vốn hay xét nét, tỉ mỉ là thế.
TỪ KẾ TƯỜNG