Làng tôi gần biển. Vùng quê suốt ngày chỉ có nắng và gió. Đã gọi là làng biển nên hầu như đàn ông, trai tráng chuyên đánh cá, kéo lưới, đàn bà, con gái tụm vào vá lưới, nhặt những con ốc, con tôm đem ra chợ bán. Năm tôi mười lăm, dì Út tôi mười tám, dì cháu rất thân nhau vì tôi sống sát nhà ngoại từ nhỏ. Vào một mùa hè, tôi cùng dì ra biển nhặt ốc, chợt dì hỏi:
Minh họa: MINH SƠN |
- Nhỏ thấy anh Lâm được không?
- Được là được làm sao dì?
- Là đẹp trai không đó!
Dì cười, hai cái lúm đồng tiền hõm vào đôi gò má, để lại hai cái chấm tròn xinh xinh.
- Đẹp trai nhưng không tốt tính bằng anh Bình - Tôi thủng thỉnh đáp.
Nụ cười của dì chợt tắt như ánh hoàng hôn chìm nhanh xuống biển. Dì phật ý, im lặng đến cuối buổi. Mà tôi nói có sai đâu, đúng là anh Bình tốt hơn anh Lâm gấp bội. Anh Lâm chỉ được cái mã đẹp trai, con chủ ghe giàu có, rất nhiều cô ở cái làng biển này mê mệt. Tôi để ý mỗi lần anh Lâm đến chơi, đều ngồi ngoài bộ ván bên hông nhà nói chuyện với dì xong rồi về. Riêng anh Bình tính cách hiền lành, mồ côi từ nhỏ, ở một mình trong căn nhà lụp xụp cuối làng, người đen đúa, rắn rỏi. Mỗi lần anh Bình đến, trò chuyện với dì năm ba câu, thế nào anh cũng xắn tay áo vào chẻ củi, đóng lại cái chân ghế gãy, chằng chống nhà cửa giúp ông ngoại mùa mưa bão hoặc sửa giúp tôi chiếc xe đạp cà tàng bị sút sên, trật con chó. Ông ngoại tôi ưng bụng lắm, ông thường nói với bà:
- Bà coi nhắc chừng con út, đừng có vướng vô thằng Lâm công tử làm biếng “chảy thây” thì khổ cả đời. Biểu nó lấy thằng Bình chất phác, chịu khó kia kìa!
- Tui cũng có cản nhưng coi ra nó mê thằng Lâm lắm rồi! - Bà chậc lưỡi.
- Tốt mã rã đám! - Ông ngoại thở dài.
Mãi suy nghĩ miên man, hai thúng ốc đã đầy từ lúc nào. Dì cháu đứng lên định về thì anh Bình từ đâu tới giành bưng giúp thúng ốc. Anh kẹp thúng vào hai bên hông, bước vững chãi trên bãi cát. Anh bắt chuyện một cách vui vẻ với chúng tôi, nhưng chỉ có mình tôi trả lời, còn dì thì cứ vê vê tà áo im lặng suốt.
Về đến nhà, anh đặt cặp thúng xuống, chào ông bà ngoại rồi về.
Dì đi tắm rồi vô buồng nằm. Tối đó dì không ăn cơm, than nhức đầu. Những cơn gió vẫn vi vút thổi, uốn cong những ngọn tre trước nhà, trăng bắt đầu lên, ánh vàng dát khắp mặt sân. Chợt có tiếng chó sủa, tôi ra sân ngó về phía cổng. Anh Lâm đến, mặc quần bò, áo thun bó sát người, nhặt cục đất ném vào con chó kèm tiếng dọa: “Cho mày chết!”. Nghe anh Lâm đến, dì chạy từ buồng ra, mặt mày hớn hở, có vẻ dì đã hết nhức đầu.
Hai người ngồi ngoài bộ ván chuyện trò khá lâu. Ở nhà trong tôi nghe câu được câu mất, đại ý là anh sẽ lên Sài Gòn học kinh doanh gì đó. Dì hỏi, giọng lo lắng:
- Anh đi rồi em biết phải làm sao? - Tôi nghe tiếng dì nghèn nghẹn.
Anh vỗ về, quả quyết:
- Đợi anh, năm sau anh sẽ về cưới em!
Ông ngoại nằm trên võng hứ một tiếng:
- Cưới! Ai cho mà cưới!
Bà ngoại có vẻ sốt ruột, gọi giật:
- Út, khuya rồi, vô ngủ con!
Anh Lâm nghe thế vội đi vào chào ông bà ngoại ra về, miệng anh chào nhưng tay đút túi quần, ông ngoại ừ lấy lệ, ông không ưa cái vẻ trịch thượng đó.
Anh ra cổng, dì chạy theo lấy cớ đuổi chó. Bóng hai người khuất sau hàng cau nhưng có lẽ họ dừng lại nên con chó cứ đứng sủa hoài không chịu vô. Ông ngoại la:
- Bà ra coi tụi nó làm gì ngoài đó mà lâu vậy?
Bà ngoại dợm bước thì tôi nhanh chân chạy ra cổng định đánh động cho dì, chợt tôi sững lại khi thấy bóng hai người đổ dài run rẩy trong trăng. Tôi còn đang bối rối không biết kêu dì bằng cách nào thì ông ngoại hét to:
- Con Út đâu?
Tiếng hét của ông rõ mồn một và đầy uy lực, hai bóng người rời nhau ra. Bóng người kia vội vã bỏ đi còn dì rấm rứt khóc. Tôi kéo dì vào nhà. Ông ngoại nhìn dì lườm lườm:
- Tao cấm mày chim chuột với thằng đó, nghe chưa!
Đêm. Dì cứ khóc thúc thít, được một chặp, dì lại nấc nghẹn. Chu kì thút thít - nấc nghẹn của dì cứ tầm mười phút lặp lại một lần. Nằm cạnh dì tôi cũng không tài nào ngủ được. Tôi bắt đầu suy nghĩ về cái gọi là tình yêu. Yêu mà đau khổ vậy, sau này tôi sẽ không yêu.
Những ngày sau, vẻ mặt dì trở nên u buồn, không còn hồn nhiên cười đùa, cứ thẩn thờ ra vào, nhưng bù lại dì làm việc gấp đôi lúc trước.
Đã hai mùa trăng tròn rồi khuyết mà dì không nhận được tin tức gì của anh Lâm, dì liên hệ bằng mọi cách đều vô vọng. Dì lo lắng, bồn chồn ngồi đứng không yên. Dì dò hỏi tin tức anh Lâm khắp, tôi cũng nhiệt tình giúp dì, cuối cùng dì ngả ngửa khi nghe anh đã có người yêu trên Sài Gòn, tháng sau sẽ về làng làm đám cưới.
Dì khóc sưng vù đôi mắt. Mới có vài hôm mà dì suy sụp hẳn, bỏ bê hết mọi việc, nằm bẹp trên giường. Tôi cận kề an ủi. Rồi dì kể với tôi một bí mật động trời. Tôi choáng váng khi biết dì đã có thai với anh Lâm hơn hai tháng. Ông ngoại biết chuyện, hất tung mâm cơm đang ăn:
- Nhục! Nhục nhã quá mà! Con hư tại mẹ!
Rồi ông chửi mấy ngày liền. Bà ngoại xót con, rơm rớm nước mắt, nói đỡ cho dì. Nhưng bà càng nói đỡ thì dì càng bị chửi nhiều hơn. Tôi không biết phải giúp dì bằng cách nào, chỉ biết làm hết phần việc của dì để ông ngoại bớt chửi, tôi thương dì, căm giận kẻ đã gây ra cho dì nỗi đau.
Anh Bình ban đầu không biết chuyện, tưởng dì bệnh, cuống quýt chạy sang, mang theo chục cam cho dì uống giải cảm. Nhìn thân hình gầy gò xanh xao của dì, tôi không kìm lòng được. Tôi lấy cớ đi chợ rồi chờ anh Bình ở ngã rẽ. Lúc anh Bình về ngang, thấy tôi, anh ngạc nhiên lắm. Sau một hồi ấp úng, tôi kể cho anh nghe hết mọi chuyện về dì.
Anh kiên nhẫn lắng nghe, thỉnh thoảng lại nhíu mày trầm ngâm. Kết thúc câu chuyện, tôi dặn anh không được tiết lộ chuyện của dì với bất kì ai. Anh gật đầu, đi nhanh về phía biển. Tôi đoán lòng anh Bình đang cuộn sóng.
Hôm sau anh Bình đến thật sớm, anh mang theo cặp gà biếu ông bà ngoại. Sau một hồi chuyện trò, anh xin phép gia đình cho anh được cưới dì út vào tháng sau, rằng anh thương dì từ lâu, muốn được cùng dì nên duyên chồng vợ. Nay thấy dì bệnh như vậy, anh không cam tâm, muốn được tự tay chăm sóc cho dì. Ông ngoại ngạc nhiên nhìn anh trừng trừng còn bà ngoại thì không giấu được niềm vui trên gương mặt. Nhưng người ngạc nhiên nhất có lẽ lại là tôi! Tôi lẻn vào buồng cùng dì, thấy dì nhìn chằm chằm trên nóc mùng, hai hàng nước mắt tuôn rơi. Bên ngoài, giọng ông ngoại đều đều, kể thật chuyện của dì, cuối cùng ông chốt:
- Nó đã hư hỏng như vậy... như vậy... liệu cháu có chấp nhận được không?
- Cháu thương Út thật lòng, chỉ cần Út bằng lòng lấy cháu thì cháu hứa sẽ chăm lo tốt cho hai mẹ con.
Tôi mỉm cười lay nhẹ dì. Dì nắm tay tôi siết chặt, gương mặt xanh xao nhạt nhòa nước mắt. Có lẽ dì đang cảm thấy tủi hổ, ân hận, có lỗi với anh Bình vì trước đây không đoái hoài đến tình cảm của anh chăng? Hay dì đang cảm thấy hạnh phúc vì có người dang tay cứu vớt cuộc đời của dì? Tôi mơ hồ không rõ.
Anh xin phép được vào buồng thăm dì. Tôi lịch sự đi ra. Không rõ anh Bình và dì nói gì với nhau, chỉ biết khi anh chào cả nhà ra về, dì cố rời giường, đi liêu xiêu ra ngõ tiễn anh. Anh nắm tay dì ân cần dặn dò gì đấy. Dì gật đầu và trông theo bóng anh Bình cho đến khi khuất hẳn.
Một cơn gió bỗng từ đâu lướt ngang, nghịch ngợm thổi tung làn tóc rối của dì. Dì loạng choạng, vịn tay vào thân cau rồi đứng tựa lưng hẳn vào thân cau cho vững. Dì luồn các ngón tay vào mái tóc, nhẹ nhàng vuốt lại chúng và bất chợt mỉm cười. Đã lâu rồi tôi mới thấy dì cười, nụ cười rạng rỡ xua đi nỗi buồn ảm đạm trên gương mặt dì. Tôi cảm thấy vui lây cùng dì, mường tượng ra cảnh đám cưới nhộn nhịp ở vùng quê vốn dĩ yên bình.
Ngoài kia sóng biển vẫn reo, vẫn ào ạt xô mình vào ghềnh đá.
Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ MAI TRÂM