.

Những điều dung dị

Cập nhật: 16:31, 21/07/2023 (GMT+7)

Sau một tuần đi công tác ngoại tỉnh tôi trở về gác trọ nhỏ như một thói quen cũ ngồi tựa vào ghế sofa ngắm nhìn người qua kẻ lại. Thời tiết những ngày cuối tháng Bảy của mùa hạ thật dễ chịu cứ chòng chành, đỏng đảnh, chậm rãi “vắt mình” sang thu.

Hương ổi nhà bên phảng phất mùi thơm làm xua tan mệt mỏi sau một tuần xa cách. Chính khoảnh khắc ấy làm xúc cảm trong tôi quay về với yêu thương nơi làng quê dung dị mà đã thật nhiều năm rồi, tôi đã chưa có dịp để về thăm.

Chắc những người bạn sinh ra ở phố hẳn sẽ ít kỷ niệm khi không gắn bó với quê nhiều. Tuổi thơ của tôi có cả bận đòn roi lằn da của mẹ mà tới tận bây giờ nghĩ đến, tôi vẫn không khỏi chau mày. Bị đánh xong còn bị đứa em nó lêu lêu “ai bỉu”. “Ai bỉu” trốn mẹ chạy giữa trưa đi hái ổi, lội suối bắt ốc, mò cua rồi đêm về sốt hừng hực ra làm mẹ lo không ngủ được…

Những ngày tháng Bảy, quê tôi tất bật mùa cấy. Người người nhà nhà í ới nhau ra đồng. Mẹ tôi cấy nhanh lắm. Đôi tay cứ thoăn thoắt cấy thẳng hàng. Tôi yêu bàn tay gầy gầy xương xương của mẹ. Bàn tay mẹ đã chắt chiu nuôi chị em tôi khôn lớn từng ngày. Tôi yêu cả dáng bố lưng còng, cái dáng cong cong ấy như cây cổ thụ hy sinh suốt cả cuộc đời vì đàn con. Chắc có lẽ đi lên từ những ngày gian khó khăn mấy đứa em tôi, đứa nào cũng giỏi giang, ngoan hiền. Phải chăng, chúng muốn bù đắp cho mẹ, muốn cảm ơn những sào ruộng, luống cày mà bố mẹ dày công vun xới chăm trồng được mùa bội thu.

Những điều dung dị thân thương kể sao hết được. Đó là tiếng gà gáy ò ó o mỗi sớm mai thức dậy. Hay tiếng lục lạc treo ở cổ của những con trâu, bò ra đồng sớm. Tiếng cười nói xôn xao khi “tám” về chuyện “Con Tèo nhà ông Tiến đầu thôn sắp cưới đấy” của mấy bác nông dân đang tất bật trên thửa ruộng. Những khoảnh khắc ấy cho tới bây giờ lắm lúc cứ bắt ta phải “lục” lại để tìm ký ức một thời nơi quê nhà yêu dấu là sự trở về nơi an nhiên, dung dị.

Chắc có lẽ, vì cuộc đời là một chuyến đi, một hành trình để khám phá. Đi đã nhiều, chân đã mỏi, nhớ quá thì về với mẹ với quê thôi. Về để tìm lại những điều dung dị một thời thơ dại nhưng dễ thương quá chừng.

HƯƠNG THÙY

 
.
.
.