Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc hay là Kim Cương lấy Bùi Giáng làm chồng, biết đâu sẽ giúp anh ấy bớt khùng và viết lách đường hoàng, đĩnh đạc, dễ hiểu hơn?
Thi sĩ Bùi Giáng trong một lần đến nhà nghệ sĩ Kim Cương. Ảnh tư liệu |
Trước lời đề nghị nửa đùa nửa thật của nhà giáo Nguyễn Thùy, người bạn chí cốt của Bùi Giáng, Kim Cương nhìn Nguyễn Thùy cười ngất, bảo:
- Không được đâu anh Thùy ơi, anh Giáng sống kỳ cục lắm, không ai chịu nổi ảnh đâu. Với lại anh Giáng có yêu Kim đâu, ảnh chỉ thương mến thôi. Anh xem, ảnh chỉ ngồi nói chuyện với Kim nhiều lắm là 5-10 phút rồi lại chạy ra ngoài đường múa may một hồi rồi mới trở lại. Anh Giáng không bao giờ ngồi với Kim hay cô gái nào được lâu đâu. Kim cũng muốn giúp anh Giáng nhiều thứ nhưng ảnh có nhận đâu. Ảnh vẫn chứng nào tật nấy, thích đi lông bông, thích nhảy múa ngoài đường, la hét, chọc lũ nhỏ chơi thôi!
Có thể Kim Cương đã nhận xét đúng về Giáng, không ai có thể biết Bùi Giáng yêu như thế nào, yêu thật hay giả bộ yêu. Bông đùa hay nghiêm túc. Mà có khi ngay chính Bùi Giảng cũng không hiểu được tình yêu của mình như thế nào, bởi ông đã sống trong “cõi điên” thì làm sao lý giải được tình cảm của một người điên. Nhưng rõ ràng Kim Cương có một vị trí rất quan trọng trong tâm hồn và ý thức của Bùi Giáng.
Suốt 40 năm bà vẫn tôn trọng tình yêu đơn phương của ông dành cho bà, ngược lại bà cũng là chỗ dựa tinh thần của Bùi Giáng trong những lúc ốm đau, hoạn nạn. Bởi Bùi Giáng thường đi lang thang ngoài đường, nhiều lúc ngẫu hứng làm “chim bay cò bay” ở một ngã tư đường để… điều khiển giao thông, hoặc có khi chọc phá người ta nên bị đánh, hoặc bị công an bắt. Những lúc ấy trong đầu của Bùi Giáng chỉ nhớ mỗi mình Kim Cương, địa chỉ nhà, số điện thoại của Kim Cương và Bùi Giáng bảo ông là người thân của Kim Cương. Thế là người ta gọi bà, lập tức bà có mặt để lãnh ông ra. Chuyện Kim Cương đi bảo lãnh Bùi Giáng là chuyện thường ngày ở huyện.
Một lần nọ Bùi Giáng không hiểu sao đi “quậy” đám cưới, bị người nhà cô dâu, chú rể xúm lại đánh. Kim Cương hay tin cũng chạy đến năn nỉ người ta rồi đưa ông về. Một lần khác, Bùi Giáng chọc phá ngoài đường bị đánh mặt mũi đầy máu. Thấy ông xuất hiện trước cửa nhà mình trong tình cảnh như vậy, Kim Cương gọi xích lô chở ông đi bệnh viện cấp cứu nhưng ông không chịu đi, cứ nằng nặc nói:
- Chừng nào cô đi với tôi thì tôi mới đi.
- Ừ, thì đi!
Kim Cương đành phải gọi xích lô rồi cùng đi với Bùi Giáng vào bệnh viện, trên đường đi Bùi Giáng lại “quậy” tưng bừng, chửi bới văng mạng khiến Kim Cương kêu trời không thấu. Nhưng phải nói rằng Bùi Giáng “quậy” cỡ nào khi nghe nói có Kim Cương đến lập tức ông… hiền lành lại ngay, lúc này Kim Cương bảo gì ông cũng nghe, như một cậu học trò ngoan ngoãn, khép nép trước cô giáo.
Uy lực của tình yêu
Kim Cương đối với Bùi Giáng quả có một thứ “uy lực” đặc biệt. Điều cho thấy Bùi Giáng tuy rất hay chọc ghẹo, bông đùa Kim Cương nhưng vẫn dành cho bà sự trân trọng, vị nể. Một lần nọ, Bùi Giáng ngẫu hứng làm “chim bay cò bay” giữa đường để hướng dẫn giao thông, ai nói gì cũng không nghe, tình cờ có nhà báo Đoàn Thạch Hãn đi ngang qua thấy thế liền đến gần Bùi Giáng bảo:
- Kim Cương mời ông tới nhà chơi kìa.
Bút tích của thi sĩ Bùi Giáng. Ảnh tư liệu |
Lập tức Bùi Giáng thôi làm “chim bay cò bay” để vội vã tới nhà Kim Cương. Khi Bùi Giáng tới, ngại cho ông vô nhà ông sẽ “quậy”, nên Kim Cương nhanh trí lòn qua khe cửa cho ông cuốn sổ tay. Bùi Giáng liền hý hoáy viết ngay bài thơ tặng Kim Cương: “Yêu nhau từ bấy tới nay/ Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm/ Thưa em nương tử dịu mềm/ Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên/ Đầu tiên tiên nữ Kim Cương/ Cuối cùng muôn một phi thường Cương Kim/ Cúi đầu bái tạ tình em/ Về sau vĩnh viễn êm đềm thương nhau…”.
Có một giai đoạn Bùi Giáng dường như ra khỏi “cõi điên” của ông mà hơi tỉnh tỉnh, đó là khoảng năm 1978-1992 khi ông về trú ngụ tại nhà người cháu tên Hoài ở Gò Vấp, gọi Bùi Giáng bằng bác. Một lần nhà thơ Trụ Vũ ghé chơi với Bùi Giáng và nói đùa:
- Kim Cương hẹn ngày mai tới nhà thăm anh đấy.
Suốt đêm đó Bùi Giáng gần như không ngủ, sáng ra ông sốt ruột chờ “nương tử Kim Cương” tới thăm, đi tới, đi lui trông ngóng mãi mà không thấy, Bùi Giáng bực mình nói:
- Cái thằng Trụ Vũ ba xạo, chừng nào cổ lên thì lên, bày đặt nhắn nhe làm chi cho người ta chờ đợi sốt cả ruột.
Còn anh Hoài, cháu của Bùi Giáng tiết lộ chuyện Bùi Giáng mượn rượu giả bộ say để “nhõng nhẽo” với Kim Cương. Sáng hôm đó, cứ nghĩ là Kim Cương đến thật, Bùi Giáng đã uống một tí rượu để giả bộ say đi đứng ngả nghiêng, nếu Kim Cương tới thăm thấy thế sẽ dìu đỡ ông cho… nó sướng. Chính vì Bùi Giáng giả say nên có lần đã say thật, một lần nọ biết Kim Cương tới thăm, Bùi Giáng cũng uống tí rượu để giả bộ say, nhưng trong khi chờ đợi Kim Cương, ông uống mãi, uống đến lúc… say bí tỉ lăn ra ngủ khò thì Kim Cương đến. Bùi Giáng cứ tiếc mãi.
Một lần khác, Kim Cương đến thăm Bùi Giáng và tặng ông một đóa hoa hồng, Bùi giáng rất vui. Khi Kim Cương về rồi ông hỏi anh Hoài:
- Làm sao giữ cho hoa hồng đừng héo bây hè!
- Không được đâu bác ơi, chỉ 3 ngày là nó héo khô thôi.
- Trời ơi, hoa của cô Kim Cương tặng phải giữ cho đừng héo chớ bây.
- Có cách.
- Cách chi?
- Bác trút ngược hoa xuống, nó sẽ tươi được vài tháng.
Bùi Giáng làm theo lời đứa cháu, đúng là đóa hoa tươi được vài tháng mới héo khô…
Thời gian qua nhanh, khi Bùi Giáng ở ngưỡng 60 tuổi, một lần ông tới nhà thăm Kim Cương nhìn bà bằng cặp mắt nheo nheo, thấy tội, Kim Cương dẫn ông đi mua cặp kính đeo cho nhìn thấy rõ. Độ tháng sau gặp lại, một bên tròng đã bị bể vì ông ra đường chọc ghẹo ai đó bị người ta đánh. Kim Cương lại thấy tội, bà nói:
- Kim mua cho anh cặp kính mới nghen?
Bùi Giáng lắc đầu nói tỉnh không: Thôi cô ơi, tôi nhìn đời bằng… một con mắt đủ rồi.
40 năm với
mối tình si kỳ nữ
Suốt 40 năm Bùi Giáng yêu kỳ nữ Kim Cương bằng tình yêu đơn phương nhưng bền bỉ không hề phai nhạt. Hình ảnh Kim Cương vẫn hiển hiện trong thơ Bùi Giáng một cách nồng nàn, thiết tha nhất, đối với Bùi Giáng dù Kim Cương ở tuổi 18-19, hay khi ở tuổi 60 cũng vẫn là “nương tử” và tình yêu ông đối với bà vẫn rất mực thủy chung. Tình yêu ấy đã vượt qua ngưỡng tình yêu trai gái nên nó không có thời gian để dừng lại.
Ngược lại, tuy không yêu Bùi Giáng nhưng Kim Cương vẫn tôn trọng mối tình lớn lao của Bùi Giáng dành cho mình. Kim Cương đối với Bùi Giáng như một người bạn, một người anh và đặc biệt hơn nữa là một nhà thơ đã dành cho bà rất nhiều sự ưu ái qua những bài thơ tuy có lúc “điên điên” nhưng lời lẽ vô cùng thâm thúy, tình nghĩa sâu nặng.
Những tưởng rằng mối tình kỳ lạ, bền bỉ này sẽ còn kéo dài cho đến hết một đời người. Nhưng bất ngờ Bùi Giáng bị tai nạn, ông té đến chấn thương sọ não và được gia đình người cháu đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Kim Cương là người đầu tiên được gia đình người cháu Bùi Giáng báo tin. Bà có mặt ngay và cũng đóng vai trò quan trọng khi được hỏi ý kiến về việc mổ cho Bùi Giáng khi ông vẫn hôn mê. Kim Cương quyết định ngay: đồng ý để bác sĩ mổ cho ông dù chỉ còn 1% hy vọng sống sót. Và Bùi Giáng đã không qua khỏi. Ông mất ngày 17/10/1998, cũng chính Kim Cương là người lo hậu sự cho Bùi Giáng.
Trước khi chia lìa, vĩnh biệt nhà thơ “điên điên”, người đàn ông “quá đỗi bất thường” Bùi Giáng, người đã yêu mình bằng một tình yêu sâu đậm, thủy chung suốt 40 năm, nghệ sĩ Kim Cương đã dịu dàng nói trước huyệt mộ ông mấy lời chân tình, xúc động:
“Thưa Bùi Giáng. Đời ông là một đời giang hồ, nhưng mọi người vẫn mến thương ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có 3 điều cảm ơn ông: Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ cho đời. Thứ hai, cảm ơn mối tình 40 năm ông đã dành cho tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống”.
Trong khoảng 10 cuốn sổ tay đầy ắp chữ nghĩa của Bùi Giáng để lại cõi trần gian cho Kim Cương, có một trang viết mà Bùi Giáng viết như một lời trăn trối, khiến Kim Cương nhớ mãi: “Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương”.
Và hơn thế nữa, ông để lại cho Kim Cương một bài thơ xúc động với lời lẽ tuyệt đẹp nhưng cũng rất mực thâm sâu: “Vô ngần tao ngộ đầu tiên/ Em bao giờ biết anh phiền ưu sao/ Yêu em từ những kiếp nào/ Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ”.
TỪ KẾ TƯỜNG