Ti-gôn vẫn nở

Thứ Sáu, 30/06/2023, 16:41 [GMT+7]
In bài này
.

Lớp học guitar nằm trong con hẻm cụt, nơi có dãy nhà san sát nhau được phủ chung một loại dây leo: ti-gôn. Nàng rất thích loài hoa ấy. Mỗi tối nàng đi bộ đến đây, đi thật chậm để quan sát chùm hoa nào tàn đi, chùm hoa nào đang chớm nở.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Nàng, ở tuổi gần 30, trên danh nghĩa, nàng có người yêu. Gọi là người yêu trên danh nghĩa vì Phan luôn bận rộn, có khi cả tháng mới gặp nhau. Tình cảm của cả hai không đủ lớn để lấp đầy khoảng trống cho những khi không gặp. Cũng chả sao, nàng một mình như thế quen rồi. Mỗi buổi tối, nàng đều đặn đến lớp guitar này, có hôm nàng học, có hôm chỉ ngồi nghe thầy đàn. Từng nốt nhạc vang lên những âm điệu du dương, mênh mang không rõ buồn hay vui, nhưng có sức hút mãnh liệt với nàng. Cảm giác như nếu cuộc sống thiếu đi những giai điệu ấy sẽ rất nhạt. Nàng thích “chìm” vào không gian ấy, ít ra trong khoảnh khắc đó có thể quên đi những thứ không đáng nhớ!

Mỗi khi Phan đến, thường thấy nàng ôm đàn, lõm bõm gảy mấy nốt nhạc chưa thành tiếng. Những ngón tay nhỏ và yếu của nàng ấn lên dây đàn không chặt, phát ra âm thanh rè rè, nghe đến khó chịu. Từ ngày học guitar, nàng mới thấy khâm phục những người chơi loại nhạc cụ này. Những ngón tay của nàng dần chai cứng lại, vẫn chưa thể đàn một bài hoàn chỉnh. Phan nhăn nhó: “Sao thời buổi này mà em còn có thể ngồi tập đàn”. Nàng nhìn Phan, chắc anh đang khó chịu vì một điều gì đó, hoặc là anh không thích guitar. Nhưng nàng thì rất thích! Từ ấy, nàng không chia sẻ sở thích và những khó khăn khi học guitar với Phan nữa.

***

Một ngày xui xẻo. Nàng chia tay với chiếc túi xách, trong đó chứa toàn bộ giấy tờ tùy thân, cùng những thứ linh tinh nhưng nàng rất quý và luôn giữ bên mình: tấm hình của người mẹ đã qua đời, lá thư duy nhất của chị gái nàng trước khi bị lưu lạc, chiếc điện thoại mà nàng phải đấu tranh tư tưởng lắm mới dám bỏ tiền ra mua vì nó lên tới hàng 8 chữ số, cùng số tiền mặt xài trong tháng nhưng số tiền đó cũng chỉ bằng một phần ba giá trị cái túi xách của nàng. Hẳn nhiên nàng rất buồn. Nhưng nàng vẫn tỉnh táo để “quan sát” xem trong lúc buồn nhất mình ra sao, làm gì, nếu là báo tin thì sẽ báo cho ai trước, báo thế nào… Cái việc báo cho ai trước sẽ trả lời cho nàng biết: ai là người quan trọng với nàng, thế thôi!

Nàng vẫn mong người nàng sẽ báo là Phan - chồng sắp cưới của nàng nhưng rất tiếc không phải, cầm chiếc điện thoại còn lại để trong túi áo khoác, nàng nhắn cho cô bạn gái: “Tao vừa mất hết tài sản, mày ạ!”. “Trời ơi, xui dữ vậy. Cứ nghĩ của đi thay người cho nhẹ lòng. Tao đang tối tăm mặt mũi với công việc đây!”. Nàng hơi buồn, vì nàng nghĩ trong đầu, cô bạn gái sẽ nhắn: “Tội nghiệp mày quá, chắc mày đang bấn loạn lắm! Tao giúp gì được cho mày?”. Khi đó nàng sẽ nhắn lại: “Qua chỗ tao đi!”. Thế rồi nàng trở về căn hộ của mình, ngả lưng xuống giường, lát sau đứa bạn đến, dù gì nàng cũng cần có một người ở bên cạnh, trong lúc này. Phan giờ chắc đang lao thao trên bục giảng. Công việc giảng dạy thu hút anh đến độ chẳng có bất cứ lý do nào khiến anh có thể rời bục giảng được. Có lần nàng đùa: “Trời mà có sập xuống thì chắc anh cũng đợi dạy cho hết tiết mới rời bục giảng”. Phan chỉ cười.

Thế là nàng trở về phòng một mình. Trên đường về, nàng tính mua một gói xôi nếp cẩm, loại xôi có màu tím đậm mà nàng rất thích nhưng chợt nhớ ra trong người không còn đồng nào, cả những đồng tiền lẻ trong cốp xe cũng không còn. Nàng đành ngậm ngùi đi về. Đói bụng, nàng mở tủ lạnh, chỉ còn hộp tôm khô, loại đặc sản ở Cà Mau mà một người bạn gửi lên biếu, bảo chỉ cần ăn sống với ít củ kiệu là “bắt” bia lắm! Nàng không có củ kiệu, chỉ có bia. Nàng không thích uống thứ nước đắng nghét từ đầu lưỡi đó nhưng vẫn mạnh dạn khui một lon bia. Hóa ra nó lại có tác dụng trong lúc buồn, ít ra là nàng có nghĩ đến nó khi ở trạng thái này. Vị tôm mặn mặn, ngọt ngọt làm nàng uống cạn lon bia lúc nào không hay, sang lon thứ 2, thứ 3… Trước khi say hẳn, nàng còn kịp nhắn cho Phan: “Em đang uống bia. Buồn quá anh ạ! Em vừa bị giật túi, mất hết”.

Nàng tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài. Lâu lắm nàng mới có giấc ngủ dài, sâu và không bị đánh thức bởi tiếng điện thoại như thế. Việc đầu tiên là nàng kiểm tra tin nhắn, là của Phan: “Sao vậy, anh đã dặn là phải cẩn thận rồi cơ mà!”. Vậy mà nàng lại dự đoán anh sẽ chạy ngay đến phòng nàng, ngồi bên cạnh nàng. Nàng cần sự chia sẻ biết bao, trong những tình huống như thế này. Rõ ràng, không phải chỉ Phan không hiểu nàng mà ngay cả nàng cũng chẳng hiểu nổi Phan, nhất là cái cách mà anh đối xử với nàng, vợ sắp cưới của anh.

Nàng vươn vai đi ra phía ban công, vài ngọn ti-gôn đu đưa trong gió, nắng ngả sang màu vàng nhạt để đón bóng chiều tà. Chiếc đồng hồ thong thả báo hiệu 4 giờ chiều. Giờ này có đến ngân hàng để báo mấy sổ tiết kiệm, ATM, hay ra mạng điện thoại lấy lại số, đi báo công an thì cũng đều không còn kịp giờ. Vậy là nàng còn hẳn một buổi chiều và buổi tối để “theo dõi” tâm trạng của mình trong lúc này. Nàng đang chờ hết giờ làm việc, đứa bạn sẽ liên lạc với nàng để hỏi han tình hình, an ủi chuyện mất mát. Nó là đứa đủ thân để biết nàng là người tiếc của như thế nào! Tất cả những gì nàng đang sở hữu, từ bé đến lớn đều do nàng phải đổi bằng công sức, trí tuệ mà có. Ở cái thời điểm con người ta chỉ có thể lo cho mình ba bữa cơm mỗi ngày, thì việc mất mát bất cứ thứ gì đều là sự thất thoát lớn lắm! Nàng lại phải tích góp và mua lại từng thứ một. Nàng không có quyền so sánh với đứa bạn, khi nó có ông người yêu sẵn sàng cung cấp cho nó những thứ trị giá vài chục triệu. Phan, chồng sắp cưới của nàng giàu có, ở nhà biệt thự nhưng tiếc với nàng từng lon nước ở hàng quán vỉa hè. Ngày Phan hỏi cưới nàng, nàng ứa nước mắt mà không lý giải được tại sao.

Đứa bạn trừng mắt: “Mày định lấy cái gã keo kiệt đó thật hay sao?”. Nàng ậm ừ, chưa bao giờ nàng thiếu quyết đoán đến như thế. Kiểu ậm ừ của nàng mách bảo với đứa bạn: Họ sẽ cưới nhau. Với nàng, Phan là người mà nàng từng tuyên bố với đám bạn thân: “Con trai trên trái đất này có biến mất, còn mình hắn thì tao cũng không lấy!”. Xét về thời gian thì Phan là người đầu tiên nàng quen từ khi đặt chân đến thành phố này. Nhưng về góc độ hiểu nhau, chia sẻ được với nhau thì Phan chỉ đứng ở mối quan hệ xã giao.

Nhiều lần nàng tự hỏi, tại sao với bằng đó năm quen nhau mà Phan và nàng cứ mãi đứng bên lề cuộc đời nhau như thế! Những cơn sóng gió trong hơn 10 năm không ngừng ập đến với nàng - một đứa không nhà cửa, không còn cha mẹ... Khi ấy, Phan ở đâu? Phan luôn mở miệng khen nàng cứng cỏi, trải đời, có kinh nghiệm sống, thích hợp với Phan… Nàng chỉ cười buồn. Nàng vẫn không hiểu vì gì mà Phan hỏi cưới nàng? Vì gì mà nàng không từ chối thẳng trong khi ghét cay đắng mẫu người yêu như Phan? Tuổi tác ư? Nàng có đủ niềm tin vào một tình yêu đích thực, chỉ cần nàng kiên nhẫn chờ đợi kia mà! Vậy thì vì gì?

***

Sự mất mát vật chất chẳng mấy khi làm người ta gục ngã. Nàng “phục hồi” giấy tờ và một số thứ ngay sau đó. Phan đến, vẫn nụ cười thân thiện: “Mừng em đã vượt qua sóng gió!”. Chưa bao giờ nàng thấy khinh bỉ Phan như lúc này. Có Phan hay không, mọi thứ cũng như nhau cả. Phan có biết, sự có mặt của Phan trong lúc nàng gặp khó khăn sẽ có giá trị như thế nào không? Không ai khác, chính Phan đã đẩy anh ra khỏi trái tim nàng.

Phan hỏi: “Em ăn tối chưa? Mình đi ăn tối nhé!”. Nàng lắc đầu: “Em ăn rồi, anh ạ!”. Nàng sợ những nơi mà Phan sẽ đưa nàng đến, bao giờ cũng là một quán có trà đá miễn phí, gửi xe miễn phí… Đương nhiên, luôn “khuyến mại” thêm vài chi tiết khó chịu như cách phục vụ, vệ sinh kém… Phan thì bảo: “Thời buổi này tiết kiệm là thượng sách. Chúng ta phải dành dụm mới mong sau này có để đầu tư cho con cái, em ạ!”. Nàng thấy ngán ngẩm với cách giải thích ấy, cho rất nhiều trường hợp. Nàng còn nghĩ, có khi sự từ chối của nàng khiến Phan hài lòng hơn, vì ít ra cũng bớt đi một nửa chi phí cho bữa ăn.

***

Nàng thả bộ một mình qua lớp học đàn. Bóng đèn đường vàng vọt chỉ đổ xuống duy nhất một bóng người. Nếu không nhờ những dây ti-gôn chắc là nàng sẽ cô đơn lắm! Thật may, dù mưa hay nắng, ngày hay đêm, giàn ti-gôn vẫn bung ra những chùm hoa sặc sỡ, đầy sức sống. Vài cọng đu đưa trong gió, bám lấy vạt áo nàng. Nàng đưa tay gỡ chúng ra, bằng cử chỉ nhẹ nhàng và đầy yêu thương.

Phan nhắn tin: “Lâu lắm anh không nghe em đàn, chắc bây giờ em đàn tốt rồi nhỉ? Khi nào đàn cho anh nghe nhé!”. Nàng cười buồn. Phải chi anh có thể là người kiên nhẫn ngồi nghe nàng đàn từng nốt vụng về, chứ không phải ngồi thưởng thức khi nàng đã đàn hoàn chỉnh, như hôm nay. Lần này thì nàng biết, có những thứ mất đi sẽ chẳng thể “phục hồi” lại được.

Những âm thanh rải đều trên từng nốt nhạc, bản Romance nàng đàn hôm nay nghe có phần da diết.

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

;
.