Trịnh Công Sơn-Khánh Ly: Hình và bóng của một giấc mộng dài - Kỳ cuối: Vẫn hát nhạc Trịnh bên trời Tây
Sau khi định cư ở nước ngoài, Khánh Ly vẫn hoạt động ca hát và là một ngôi sao trong giới ca sĩ Việt Nam ở hải ngoại. Chị xuất hiện thường xuyên ở các show diễn được tổ chức trong và ngoài nước Mỹ.
Khánh Ly-Trịnh Công Sơn, Huế, 1967. |
Năm 1979, hãng dĩa lớn, uy tín của Nhật: Nippon Columbia đã mời Khánh Ly thu băng các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, đây là lần thu băng thứ nhì của Khánh Ly ở Nhật.
Trước đó, vào cuối năm 1970, lúc còn ở Sài Gòn, Khánh Ly đã có chuyến “by show” trình diễn tại 3 nước: Mỹ, Canada và Nhật Bản. Hãng dĩa Nippon Columbia (Nhật Bản) đã mời Khánh Ly thu băng lần thứ nhất 2 nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn là “Diễm xưa” và “Ca dao mẹ” được dịch sang tiếng Nhật, bán tới 2 triệu dĩa tại nước này.
Lần đó Khánh Ly cũng được mời trình diễn ở Osaka Fair… Và trước đó nữa vào năm 1969 cặp đôi Khánh Ly-Trịnh Công Sơn đã có chuyến lưu diễn tại châu Âu và cũng là ca sĩ đầu tiên của Việt Nam được mời trình diễn tại đây cũng như nhiều nước trên thế giới.
Đặc biệt Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã được các trường đại học lớn mời biểu diễn trước SV với phong cách “du ca” nhóm nhạc có hai người: Trịnh Công Sơn đệm đàn ghi ta thùng cho Khánh Ly hát chứ không phải trình diễn với dàn nhạc hiện đại. Thế nhưng sức thu hút rất mãnh liệt, Khánh Ly phải hát tới 4-5 tiếng đồng hồ và hát tới 45 ca khúc của Trịnh Công Sơn, có ca khúc Khánh Ly được yêu cầu hát đi hát lại nhiều lần nhưng chị vẫn hát rất say mê.
Ở Mỹ, Khánh Ly thành lập Trung tâm băng nhạc Khánh Ly và Khánh Ly Production đã sản xuất được 50 dĩa nhạc, 4 băng video của Khánh Ly, đồng thời cộng tác với một số trung tâm băng nhạc nổi tiếng khác.
Bên cạnh việc hoạt động văn nghệ có doanh thu, Khánh Ly cũng rất nhiệt tình tham gia các chương trình văn nghệ từ thiện gây quỹ xây chùa, nhà thờ, trại mồ côi,...
Dù ở Việt Nam hay hải ngoại, Khánh Ly cũng vẫn là một ca sĩ nổi tiếng được thế giới biết tên tuổi và giới SV, HS rất hâm mộ. Đài truyền hình NKH của Nhật Bản đã chọn Khánh Ly là 1 trong 10 nhân vật nổi tiếng để làm cuốn phim tài liệu về cuộc đời và gia đình cô. Phim dài 50 phút do đạo diễn nổi tiếng của Nhật Bản Hideo Kado dàn dựng và trình chiếu vào ngày 29/4/1997. Đến tháng 9/1997, một quyển sách viết về cuộc đời Khánh Ly dày 270 trang bằng tiếng Nhật được Đài truyền hình NKH phát hành và bán tại Nhật Bản.
|
Cuộc hội ngộ sau 17 năm xa cách
Sau năm 1975, tính từ ngày ra nước ngoài định cư, Khánh Ly mới có dịp gặp lại Trịnh Công Sơn ở Canada. Khánh Ly kể rằng: “Chúng tôi đã ôm choàng lấy nhau, lúc này tôi mới cảm nhận chúng tôi thật sự có nhau, phải trong giấc mơ 17 năm. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi mới hiểu, một cách nói ở bốn con mắt im lặng… Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói được bằng lời”.
Và Khánh Ly-Trịnh Công Sơn một “cặp đôi” ca hát ngày nào ở tuổi thanh xuân hừng hực lửa sống và niềm đam mê, khát vọng cháy bỏng một thời tuổi trẻ, giờ đã ở ngưỡng cửa “tri thiên mệnh” lại sóng đôi bước dạo trên đường phố mùa đông ở tận phía trời Tây.
Khánh Ly đã chia sẻ thật lòng về cuộc gặp Trịnh Công Sơn năm ấy: “Bao nhiêu ngày tháng đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không thay đổi nhiều, tôi cũng thế. Cả hai không thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi… Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ, anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có”.
Nhưng có lẽ Trịnh Công Sơn đã không nói với Khánh Ly điều mà anh cần nói vì nó đã trở nên quá vô nghĩa và cũng vì giữa hai người quá hiểu nhau đến không thể nói điều gì khi trước ở Sài Gòn cũng như bây giờ ở trời Tây. Điều này cũng lý giải vì sao một con người tài hoa, đa cảm, tinh nhạy với mọi lẽ vô thường như Trịnh Công Sơn mà trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của anh với hơn 600 ca khúc, chỉ nói riêng về tình ca luôn thấp thoáng bóng những người con gái như: “Ướt mi”, “Thương một người”, “Diễm xưa”, “Chiều một mình qua phố”, “Tình xa”, “Tình nhớ”, “Tình sầu”, “Như cánh vạc bay”, “Ru em từng ngón xuân nồng” đã không có bóng dáng của một Khánh Ly, một Lệ Mai thậm chí một “Mai đen” mà Trịnh Công Sơn vẫn thường gọi.
Chính Khánh Ly cũng nhận biết điều này và không thắc mắc vì đó là chuyện bình thường. “Ở đời, chỉ cần một tấm lòng”, Trịnh Công Sơn đã thường nói câu này và Khánh Ly đối với Trịnh Công Sơn hay ngược lại, chỉ cần “một tấm lòng” nghĩ về nhau là quá đủ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất ngày 1/4/2001, giữa bao nhiêu bạn bè thân, sơ đến phúng viếng, đưa tiễn người nhạc sĩ tài hoa về cõi thiên thu không có mặt của Khánh Ly, chị không về được, nhưng xuất phát từ một tấm lòng, Khánh Ly đã thốt lên: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo anh Sơn”.
Thiết nghĩ một câu nói ấy đã quá đủ. Và quả thật như vậy, khi có dịp gặp nhau ở nước ngoài, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở lại thành một “cặp đôi” đi biểu diễn thân mật cũng có, trên sân khấu hoành tráng cũng có. Hai người bạn với mối lương duyên văn nghệ này đã tiếp nối một cuộc hành trình sau hơn 17 năm gián đoạn mỗi người một bờ đại dương và tưởng rằng sẽ còn “ôm đàn đi hát giữa đời” với nhau nhiều năm nữa. Nhưng giờ đây Khánh Ly đã “chết nửa cuộc đời”, chắc chắn trong nửa cuộc đời còn lại Khánh Ly vẫn là người đàn bà hát nhạc Trịnh Công Sơn hơn nghĩa của một ca sĩ khi nào chị vẫn còn đứng trên khấu.
Nhưng trong giấc mộng dài của đời mình thiếu đi hình bóng của một người nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác ra những ca khúc như dành riêng cho Khánh Ly hát. Người nhạc sĩ tài hoa đó đã không thể có được một lần thứ hai.
Không ai có thể phủ nhận hai người là một “cặp đôi hoàn hảo” mà tạo hóa đã ban tặng cho nhân gian để làm đẹp cuộc sống bằng thứ âm nhạc mang nặng nỗi niềm mà người ta cần nó để yêu thương nhau hơn, dù nghe Khánh Ly hát tình ca hay ca khúc phản chiến của họ Trịnh, đôi lúc người ta chỉ muốn khóc.
|
Giải mã tình yêu của Khánh Ly- Trịnh Công Sơn
Nếu tính từ lúc Khánh Ly tái ngộ với Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn sau cuộc gặp định mệnh ở hộp đêm Tulipe Rouge Đà Lạt mà Khánh Ly trong vai trò ca sĩ còn Trịnh Công Sơn là người đệm đàn thì khoảng cách thời gian đó là 3 năm.
Nhưng nếu tính từ đêm Khánh Ly hát trên sân cỏ quán cà phê Văn trên bãi đất trống phía sau lưng của Trường đại học Văn Khoa Sài Gòn cho tới khi quán Văn đóng cửa làm hai người phải chia tay nhau thì sự gắn bó giữa Khánh Ly và nhạc sĩ họ Trịnh là 10 năm.
Thời gian 3 năm đầu là mối tình sơ ngộ, 10 năm sau là mối lương duyên văn nghệ. Nếu như Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác ca khúc bằng thơ, hình ảnh và màu sắc thì Khánh Ly chính là người sinh ra để hát nhạc Trịnh, để đưa những ca khúc này bay lên cao.
Trong 10 năm sát cánh bên nhau mà như Khánh Ly đã từng nói hát chẳng có thù lao, đôi khi phải nhịn đói, nhịn khát mà hát, nếu không có một niềm đam mê và một tình yêu lớn lao thì chắc chị không trụ vững bên cạnh Trịnh Công Sơn tới ngần ấy năm cực kỳ gian khó.
Nhiều người đã thắc mắc rằng có phải Trịnh Công Sơn đã yêu Khánh Ly và ngược lại, hai người đương nhiên là một đôi bạn diễn trên sân khấu cũng như trong tình yêu trải qua mọi buồn vui, sướng khổ của cuộc đời? Về phía Trịnh Công Sơn thì đã mất, nhưng ngay lúc còn sống, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, biến chuyển của xã hội và buồn vui thuộc về số phận, không ai nghe anh nói về Khánh Ly với danh phận một người yêu của Trịnh Công Sơn đúng nghĩa theo tình yêu nam, nữ. Trịnh Công Sơn đã yêu thương Khánh Ly bằng một tình yêu lớn hơn tình yêu trai gái.
Quả thật họ là một đôi bạn khác phái gắn bó với nhau 10 năm giữa đời, trải qua bao gian truân, nhọc nhằn, vui buồn, đau khổ, hạnh phúc, chất ngất kỷ niệm. Và vì quá hiểu nhau, yêu thương nhau mà không thể trở thành… hai người yêu nhau được.
TỪ KẾ TƯỜNG