Sinh ra ở đồng đất, là con nhà nông chính hiệu, ngay từ thời còn bé tôi đã làm bạn với các vật dụng quen thuộc: cái trang ban bằng đất, cái giằng (cái liềm dùng để cắt lúa, cắt cỏ) gặt lúa, cái mủng giê hay chiếc thúng đựng hạt vàng mùa thu hoạch. Tôi thân thiết với những vốc lúa giống vừa trổ mầm trắng khi tay cha gieo xuống những vồng đất bùn vừa bừa nhuyễn nhừ. Chỉ một vài ngày sau, từ những mầm trắng nơi miệng hạt, cây mạ vươn ra, mọc hai lá non màu xanh be bé, chiều cao cỡ chừng 5, 6 phân, thân thảo mềm và chùm rễ đo đỏ. Loáng vài hôm, đám mạ ấy đã cao cỡ chừng một tấc, màu xanh non phủ dần khắp đồng làng.
Đấy cũng là thời điểm, chị em chúng tôi xắn quần quá gối, lội nhẹ nhàng xuống ruộng lúa, bắt đầu nhổ những chỗ mọc dày, dặm những chỗ thưa. Và cũng chỉ trong vòng bốn, năm ngày sau, những cây lúa non bén rễ, hòa cùng một màu xanh bao phủ khắp đám ruộng, khi ấy không ai phân biệt được đâu là cây mọc sẵn, đâu là cây vừa dặm. Ruộng lúa ngày càng xanh hơn nhờ cha tôi thường xuyên vác cuốc thăm đồng, theo dõi mức nước, rải phân,…
Mải miết với việc học hành và lo chăm đám rau trong vườn, một buổi sáng thăm ruộng, bất ngờ trước màu xanh thẫm của lúa đương thì con gái; mới đây, những bụi lúa còn tong teo nhỏ bé mà loáng một cái đã phổng phao, nẩy nở, dạt dào sức sống. Một làn gió sớm phe phẩy tạo nên những làn sóng xanh trên ngọn lúa vờn đuổi nhau đến tận chân trời, thân lúa chạm nhẹ vào nhau như đang chụm lại nghiêng người hát lên khúc đồng ca yêu đời. Màu xanh đậm của lúa xen với màu xanh non của bờ cỏ, màu xanh vàng của những rặng tre cong oằn, hòa thành một bức tranh tổng hợp toàn sắc xanh, xanh của thiên nhiên đồng quê, xanh của đất đai trù phú mỡ màng và xanh trong niềm hy vọng của người nông dân về một vụ mùa bội thu sắp đến.
Sau những ngày tháng uống say giọt sương buổi sớm, hút tinh tuý từ lòng đất và mồ hôi của tay người gieo trồng, đám lúa lớn nhanh như thổi, từ nách lá chòi ra những đoạn đòng đòng. Những bông lúa sữa có màu xanh non pha trắng lấp ló trong từng bẹ lúa như em bé nằm trong chiếc địu, căng đôi mắt tròn dẹt ngây thơ nhìn trời, nhìn mây. Đi giữa đồng lúa mỗi sớm hay chiều tà, bạn sẽ hít no vào lồng ngực hương sữa lúa thơm thơm. Hương mùi đồng quê càng nồng nàn hơn nữa nếu nhà ai cấy đám lúa nếp hương để dành cho ngày giỗ chạp. Tôi yêu mùi hương trong trẻo gợi nhớ đến bánh cốm làng Vòng, cây kem cốm hồ Tây mát dịu xanh xanh, thưởng thức một cây kem mà thương mà nhớ cả đời. Không bao lâu, hạt lúa xanh uống đủ nước, đủ gió trời đến căng mẩy và bông lúa cong người để chở che, mang vác.
Từ màu phớt xanh, hạt lúa thay áo vàng; bắt đầu từ màu vàng nhạt, lá lúa cũng dần đổi thay từ sắc xanh đậm chuyển sang vàng và dịu mềm hẳn đi. Theo từng ngày, bức tranh đồng quê chuyển sang vàng ruộm, bông lúa trĩu nặng những hạt ngọc trời, cúi đầu biết ơn công chăm sóc của nhà nông. Thăm đồng lúa ở nhiều thời điểm trong ngày, các giác quan của tôi như mở ra để đón nhận: mắt dõi nhìn tấm lụa vàng mênh mông, tai mở rộng để nghe tiếng xào xạc của gió thổi vào từng thân lúa, cánh mũi phập phồng với mùi hương thoang thoảng của rơm rạ mới. Đưa tay bứt vài hạt lúa mới bỏ vào miệng, tôi cảm được vị ngòn ngọt, giòn mềm của gạo trắng.
Mỗi lần về quê, đứng trước sắc vàng bao la của cánh đồng trước mặt nhà, bao cảm xúc dâng tràn trong tôi. Tôi nhớ lắm những ngày lúi húi cầm giằng cắt lúa, nhớ những đêm trăng đạp máy tuốt lúa và cả những trưa hè dang nắng phơi trở cho hạt lúa khô giòn. Từng đám hạt vàng phơi khô xong cha lấy thúng xúc đổ đầy vào hai cái bồ trên gác để dành xay gạo ăn cho đến lúc giáp hạt. Vài bao lúa còn lại mẹ gọi người đến bán đóng tiền học phí, sắm áo quần cho chị em tôi. Vài bao lúa lừng đem máy cám cho đàn heo… Những hạt lúa của nhà nông đâu có bao giờ dư giả, nhiều nhà vừa tuốt xong đã vội bán lúa tươi để trang trải nợ thuốc, phân…
Ở xa, lâu lâu trở về, bạn yêu lắm bảng phối màu của lúa và thấy lúa lớn nhanh như thổi nhưng giả sử bạn là người gieo trồng mới thấy thấm thía cái giá của từng hạt vàng. Để có được hạt lúa, nhà nông phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đêm về vắt tay trên trán mà lo khoản tiền mua thuốc diệt cỏ, mua phân bón, trả công dặm sạ, đóng phí thủy lợi, tiền trả công gặt, phơi giê… và hàng trăm điều lo lắng.
Nghề làm ruộng hôm nay đã tiến bộ nhiều, máy móc dần thay thế cho sức lao động, không còn cảnh dùng sức con trâu để cày bừa ruộng; không còn cảnh người lom khom cắt lúa bằng giằn… song khoản thu nhập của nhà nông sau mấy tháng dãi dầu vẫn còn thấp bé lắm.
NGUYỄN THỦY