Buổi tối mất điện, giữa không gian bao trùm một màu đen tuyền. May quá, đúng khoảng thời gian tôi vừa mới tươm tất xong chuyện cơm nước. Tôi lấy một manh chiếu nhỏ bước lên sân thượng hóng chút gió ít ỏi chờ điện có. Rời xa thiết bị công nghệ, đài báo, sách vở vô tình tôi có thời gian sống chậm lại giữa ồn ào phố thị. Lúc vẩn vơ nhìn lên bầu trời thành phố mờ ảo không dưng tôi nhớ tới những đêm quê nhà êm đềm, bình yên da diết.
Quê tôi là một vùng quê nông thôn yên bình. Phải đi xa tới chục cây số mới có thể thấy được tiếng những chiếc xe tải cỡ lớn hay khói bụi công nghiệp. Tạo hóa cũng ban tặng cho quê tôi có đầy đủ núi đồi, đồng ruộng hay sông suối. Buổi tối mùa hè những chú chim cuốc vẫn thường kêu ra rả ở ngoài bụi rậm. Dàn ve đồng loạt râm ran trên cây nhãn, cây xoài.
Thuở chưa có điện, chập tối tôi thuộc làu làu “nhiệm vụ” của mình lấy đóm thắp hai chiếc đèn dầu. Một chiếc để trong gian nhà chính, chiếc còn lại thì để trong bếp cho mẹ thuận tiện nấu cơm. Công việc đồng áng chiếm hết khoảng thời gian của mẹ, thế nên mãi tới chập tối mẹ mới có thể vào bếp để quán xuyến việc cơm nước cho cả nhà. Nhà chỉ mình mẹ là người phụ nữ xinh đẹp nhất, hai đứa con trai vụng về chưa giúp được gì nhiều thành ra cơm nước một tay mẹ lo. Xong xuôi, tôi phụ anh trai mang cái chõng ra giữa sân, mang theo chiếc đèn dầu ở trong bếp và cả nhà bắt đầu quây quần bên mâm cơm. Mâm cơm dưới ánh đèn dầu leo lét, đôi khi có ánh trăng mờ tỏ cũng đủ để cho cả nhà thấy mặt nhau và ngồi ăn một cách ngon lành.
Ăn cơm xong, nếu trong năm học thì hai anh em học bài còn không được nghỉ hè đến tận ba tháng hè dài đằng đẵng. Trẻ con ở quê ngày ấy không như bây giờ nhà nào yên lặng ở nhà nấy mà cùng nhau í ới rồng rắn ra sân kho để chơi. Sân kho là cái sân chung của làng để mọi người sinh hoạt, tụ họp mỗi khi có cuộc họp hay tổ chức ngày hội của làng.
Tuy nó không quá rộng thênh thang nhưng lại là một địa điểm vô cùng thích thú của bọn trẻ con chúng tôi. Phần vì sân kho được xây dựng trên nền đất cao ráo nên thoáng mát, đón được nhiều gió nhất có thể. Lũ trẻ con chơi không biết bao nhiêu là trò chơi dân gian từ nhảy dây, trốn tìm, rồng rắn lên mây… Chơi đến thấm mệt rồi mới trở về nhà. Vào mùa gặt sân kho được chất đống đầy những rơm rạ. Rơm rạ đầu mùa mang một mùi hương đặc biệt, thơm ngan ngát chất chứa cả hương đồng quê, hương bùn và lấp lánh hương mồ hôi người nông dân tần tảo.
Đêm ở quê những hôm gió lớn, trẻ con còn mang cả diều lên mảnh đồi trống sau nhà để thả. Thả diều ban đêm có cái thú vị riêng mà chỉ người trong cuộc mới có thể cảm nhận được. Để “định vị” được con diều của mình bay ở đâu, mỗi đứa gắn phía con diều một chiếc sáo tự chế nho nhỏ để khi cầm thả có thể nghe được tiếng vi vút, âm thanh du dương. Có nhiều sự cố cũng dở khóc dở cười khi những chú diều đụng độ vào nhau rồi thi nhau lao xuống đất. Chủ nhân thì “đau khổ” còn bạn bè đứng ở ngoài cười khúc khích.
Đêm ở quê có lẽ đáng nhớ nhất vẫn là những hôm bên sân nhà trăng thanh gió mát, hàng xóm láng giềng có nồi khoai, sắn luộc, có nồi chè đậu đen ngọt mát hay rổ hoa quả từ cây nhà lá vườn mời mọi người cùng ăn. Cuộc sống nông thôn vất vả nhưng thật sự những khoảnh khắc như này quả là khoảnh khắc đáng quý và nhớ nhất của đời người, của những người sinh ra và lớn lên từ quê.
Đêm quê với tôi luôn là kí ức êm đềm, như thảm cỏ mượt trong chiều xuân dịu dàng đầy nắng và gió, như một giấc mơ cổ tích mà lúc nào tôi cũng muốn được trở về. Và có một điều lạ kì thay, mỗi khi mệt mỏi tâm thức tôi lại tìm về kí ức đêm quê để an trú những phút giây bình yên trong lòng.
NGUYỄN CHIẾN