.

Dòng sông không phẳng lặng

Cập nhật: 19:00, 12/05/2023 (GMT+7)

1.

- Rốt cuộc mày có chịu đi không?

- Con không đi, có gì đâu mà ba cứ làm quá lên!

Choang! Chiếc chén uống trà trên tay ông Nghi bay thẳng vào bức tường loang lổ, vỡ tan.

Không khí chợt trở nên ngột ngạt khiến bà Mừng và cô con dâu tên Nghiên đang đứng cạnh đó không dám thở mạnh.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

…Ông Nghi không biết mình đi ra bờ sông từ lúc nào. Khi ông định tâm được thì đã thấy mình đứng dưới gốc tre già trên doi đất nhô ra phía lòng sông. Mỗi khi cần yên tĩnh, không muốn ai quấy rầy, ông lại xách cần câu và chiếc xô nhựa ra đây. Lúc này, ông chẳng đem theo thứ gì. Ông lặng lẽ ngồi xuống, đôi mắt mờ đục hướng ra xa nhưng thật ra chẳng nhìn thấy gì.

Ở vùng này hầu như ai cũng biết và kính nể thầy Nghi, một thầy giáo với mấy chục năm đứng trên bục giảng, hiền hòa nhưng rất nghiêm. Con cái ông đều đã nên người, yên bề gia thất. Đáng lẽ ông đã được nghỉ ngơi sau một đời vất vả. Thế mà, mọi thứ đã bị đảo lộn hoàn toàn. Cái tin động trời giáng một đòn mạnh vào lòng tự tôn của ông. Mấy hôm nay ông chẳng dám đi ra ngoài, ăn uống cũng thất thường. Một người đàn ông quen đứng đầu sóng ngọn gió bao nhiêu năm trời bỗng nhiên thấy mình trở nên bất lực, nỗi hoang mang, thất vọng, bất an… cứ chực chờ nhấn chìm ông. Mình đã dạy vô số thế hệ học trò, sao chẳng dạy nổi một đứa con do chính mình sinh ra? Không biết bao nhiêu lần ông đã tự dằn vặt mình bằng câu hỏi ấy.

Độ một tuần nay thằng Nghĩa - thằng con út của ông - nghỉ làm, xách ba lô về ở nhà. Cả ngày nó chẳng nói nổi dăm ba câu, cứ ru rú trên chiếc giường đặt cạnh chiếc bàn thờ tổ tiên kéo rèm kín mít. Tay lúc nào cũng khư khư chiếc điện thoại. Mặt mũi nhợt nhạt, hốc hác, mắt lờ đờ thiếu sinh khí nhưng hay đảo qua đảo lại, người chỉ còn da bọc xương. Mấy lần ông vào tìm đều thấy nó trong bộ dạng lơ mơ, gà gật.

Ăn uống thì thất thường, nhiều khi đến bữa ông bà gọi mãi mới dậy ăn vội lưng chén cơm rồi trở lại giường nằm ngay. Lâu lâu lại xách xe của ông đi đâu đó, đến lúc về nói năng rổn rảng nhưng cũng chẳng đâu vào đâu. Thỉnh thoảng, ba, bốn giờ sáng còn nghêu ngao hát. Có lần ông bắt gặp nó bị chảy máu cam, ông hỏi thì nó bảo dạo này hay bị nóng trong người.

Một buổi sáng bà Mừng dựng Nghĩa dậy hỏi:

- Mày làm sao thế con?

- Có làm sao đâu, mẹ để yên cho 

con ngủ.

- Mẹ nhìn mày không được bình thường. Mày nói thật cho mẹ biết đi. Mày… mày nghiện rồi phải không?

- Mẹ nghe ai nói linh tinh cái gì đấy. Con không có.

- Tao không tin. Mày không được giấu mẹ và mọi người - Bà Mừng bắt đầu sụt sùi. Trong thâm tâm, bà mong những gì bà nghĩ không phải là sự thật. Con trai bà… Không thể nào…

- Đã bảo không là không. Mẹ buồn cười thật. Mẹ muốn con thành thằng nghiện à?

Ông Nghi ngồi ngoài sân phơi mớ tép vợ mới mua ở chợ về, nghe không sót một lời nào của vợ con. Cảm giác hoang mang choán lấy tâm trí ông. Nắng vỡ lao xao trên chậu cúc vạn thọ ông trồng đợi tết.

Ông quyết định lên gặp Công - trưởng công an xã, cũng là học trò cũ của mình. Gạt sĩ diện qua một bên, ông kể cho Công nghe tình hình hiện tại bằng chất giọng trầm quen thuộc. Ông cố bình tĩnh và giữ cho giọng nói của mình bình thản hết mức có thể. Ông kể xong và hỏi Công giờ nên làm thế nào.

Công nhấp ngụm nước trà rồi nhìn thẳng vào mắt ông:

- Nghe thầy kể thì em nghĩ khả năng cao là Nghĩa nghiện rồi thầy ạ! Nhưng muốn biết chắc chắn thì phải gọi Nghĩa lên kiểm tra. Để em viết giấy triệu tập.

Ông Nghi ngồi yên trên ghế, đôi vai gầy rũ xuống. Chỉ đến khi Công đến bên cạnh, đưa cho ông tờ giấy thì ông mới bừng tỉnh, đứng dậy chào ra về. Công nhìn theo dáng đi liêu xiêu của thầy giáo cũ, lòng dậy lên nỗi ngậm ngùi.

- Kết quả thử nước tiểu của Nghĩa có rồi thầy ơi. - Tiếng Công vang lên trong điện thoại.

Tim ông Nghi đập nhanh. Ông đứng lặng, tay vô thức nắm chặt chiếc điện thoại.

- Em rất tiếc… Thầy bình tĩnh thầy nhé!

Ông Nghi buông điện thoại, tai lùng bùng không nghe được Công nói gì nữa. Hình ảnh vật vờ, mất hết sức sống của thằng con út hiện ra trước mắt. Ông nhớ lại những lần thằng Nghĩa tạt về nhà, sau đó lại thấy bà Mừng kêu mất tiền lúc ít lúc nhiều. Sao khi đó ông không nghĩ ra thằng con ông đã hư hỏng, chỉ đơn giản tưởng vợ mình nghễnh ngãng quên trước quên sau…

Ông đi nhanh ra trụ sở công an xã.

- Phải đưa em nó vào trại cai nghiện thôi thầy. Em nghĩ không còn cách nào khác.

- Không thể tự cai ở nhà hả em?

- Hầu như không ai có thể tự cai đâu thầy. Vào trại thì mới có hy vọng. Em nghĩ thầy nên đưa Nghĩa đi cai sớm.

- Cảm ơn em. Thầy sẽ về bàn lại với mọi người trong nhà.

Vậy mà khi ông Nghi về nhà, đưa ra ý kiến ấy ai cũng đồng tình, chỉ có thằng Nghĩa là nhất quyết không chịu nghe theo. Nó đã khiến ông bao phen đau đầu. Biết bao lần vợ chồng ông, mấy đứa con của ông đã phải trả nợ thay nó. Ông và gia đình đã hy vọng nó thay đổi tâm tính, tu chí làm ăn bao nhiêu lần thì cũng chừng ấy lần thất vọng, hụt hẫng. Việc lần này là giọt nước tràn ly. Càng thương con, ông càng không thể để con trượt dài trong sự sa ngã. Lời ra tiếng vào của chòm xóm ông có thể chịu được. Nỗi xấu hổ vì không dạy được con nên người dày vò ông, ông cũng cam tâm nhưng ông không thể để đứa con của mình thành phế nhân, thành đồ bỏ đi. Nếu ông đã không dạy được con thì bây giờ phải để xã hội dạy nó, thà muộn còn hơn không. Chiếc ly uống trà bị ném vỡ tan, lòng người cha già cũng theo đó mà nứt vỡ, chẳng biết có thể lành được hay không.

2.

Sau một ngày đi làm, Nghĩa lê bước trở về phòng trọ. Nghề giao hàng bào mòn sức khỏe Nghĩa một cách ghê gớm. Nó còn bào mòn cả quyết tâm lập nghiệp, đổi đời của cậu nữa. Sự mệt mỏi khiến Nghĩa chẳng muốn làm gì, nằm vật ra chiếc giường đơn với bộ quần áo đồng phục còn nguyên trên người. Cửa phòng để ngỏ, không khép.

- Sao ngó bộ bơ phờ thế mày? - Nghiệp, bạn trọ phòng bên cạnh bước vào hỏi.

- Ừ, hôm nay giao nhiều đơn xa quá, cả ngày phơi nắng.

- Mày muốn tỉnh táo chút không?  - Nghiệp cười mỉm, nháy mắt - Thử một lần, không nghiện đâu mà sợ.

Nghĩa biết cậu ta đang nói đến cái gì. Ở dãy trọ này ai chẳng biết hắn nghiện hồng phiến. Mọi lần nghe Nghiệp rủ rê, Nghĩa luôn từ chối. Nhưng lần này… Tự nhiên Nghĩa muốn quên hết thực tại vất vả, muốn lấy lại tinh thần, muốn đến một thế giới khác trong chốc lát.

Hồng phiến Nghiệp đưa cho khiến Nghĩa khỏe khoắn trở lại. Đầu óc trở nên minh mẫn, cả người khoan khoái, dễ chịu. Chỉ một lần này thôi - Nghĩa nghĩ thầm.

Nhưng những ngày vất vả chẳng vì một lần chơi “đồ” mà biến mất. Nghĩa rơi vào vòng luẩn quẩn, muốn thoát khỏi thực tại thì phải dùng thuốc, muốn có thuốc dùng thì lại phải cày cuốc cật lực. Cứ thế, số lần dùng hồng phiến tăng dần. Nghĩa trở thành con nghiện lúc nào chẳng hay. Bao nhiêu tiền làm ra đều dùng vào việc mua thuốc. Nhưng cuối cùng, chẳng còn tiền để mua thuốc, nợ nần đủ nơi cũng không thể cầm cự thêm. Bên tín dụng đen dạo này gọi điện liên tục, bất kể ngày đêm, Nghĩa quyết định về nhà với một chiếc ba lô đựng mấy bộ quần áo.

- Con… nghiện, nhưng ba mẹ không cần lo cho con. - Nghĩa thả từng tiếng một, nhẹ bẫng.

Lòng cha mẹ già vỡ vụn. Đứa con út ông bà thương nhất nhà đã từng khiến ông bà thất vọng, đau đớn, giận dữ… Nhưng tất cả những lần ấy có là gì so với lần này. Con ơi là con!

- Mày phải đi vào trại cai nghiện. Ở trong đó mới mong trở lại làm người. Ông Nghi dằn từng tiếng một.

- Con tự cai được. Ngoài kia người ta nghiện đầy, đã có ai chết đâu.

Nghĩa phản đối kịch liệt. Vào trại cai nghiện ư, không đời nào. Mặt mũi mình để đâu. Mang tiếng là thằng nghiện ngập thì rồi làm sao mà ra đường, làm sao ăn nói được với bà con, làng xóm. Nghĩa nhất quyết sẽ ở nhà. Nghĩa tin mình sẽ tự cai thành công. Có chết Nghĩa cũng sẽ không vào trại. Trong ấy khổ sở, mất tự do, khác nào đi tù.

- Thằng mất dạy. Mày bôi tro trát trấu vào mặt ba mẹ mày như thế chưa đủ à?

Ngôi nhà vắng lặng và ngột ngạt sau khi chiếc ly vỡ tan và ông Nghi bỏ đi. Nghĩa lặng lẽ vào giường nằm. Ngoài sân, tiếng chị Nghiên đầy lo lắng:

- Chú Nghĩa ở nhà con sợ lỡ có chuyện gì. Nhất là thằng Minh, thằng Chiến còn nhỏ…

Chị Nghiên bỏ dở câu nói. Hai mẹ con ngồi bất động trên chiếc ghế dài đặt nơi góc sân.

3.

Sau đợt đó, Nghĩa vẫn ở lại nhà. Đúng ra, Nghĩa đã định quay lại xóm trọ tìm Nghiệp trong những lúc lên cơn nghiện. Nhưng rồi một lần Nghĩa gọi cho Nghiệp không được, bấm số gọi cho đứa bạn cùng phòng với cậu ta. Đợi một hồi mới có người bốc máy:

 - Thằng Nghiệp chết rồi. Nó bị sốc thuốc…

Nghĩa nghe một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Nỗi lo sợ khiến Nghĩa tỉnh táo hẳn. Tự nhiên, Nghĩa sợ chết. Nghiệp còn trẻ, chưa tới ba mươi. Nghĩa cũng vừa tròn hai lăm tuổi vào tháng trước.

Nhưng cơn nghiện không tha Nghĩa. Người ngợm bứt rứt, đầu óc muốn nổ tung. Sự khó chịu khiến Nghĩa muốn xách xe máy chạy ngay đi tìm thuốc. Nhưng Nghĩa vẫn cố kiềm chế… Ruột gan Nghĩa nhộn nhạo, Nghĩa muốn vung tay vung chân, đấm đá vào bức tường trước mặt. Nghĩa loạng choạng bước tới…

- Chú Nghĩa làm gì thế? - Cu Minh ngồi trên chiếc ghế trước mặt Nghĩa, hỏi.

Đi qua chiếc ghế sẽ tới bức tường.

Nghĩa vẫn bước.

- Chú ngồi xuống đây chơi với cháu - Cu Minh đột nhiên kéo tay Nghĩa.

Nghĩa gạt cháu ra. Nghĩa muốn đấm, muốn đá vào bức tường. Mắt không nhìn rõ gì nữa, Nghĩa vung chân, vung tay.

“Hự”!

- Ôi đau quá mẹ ơi! Hu hu…

Chị Nghiên chạy bổ vào:

- Trời ơi, con tôi. Ai cứu con tôi…

Nghĩa đứng như trời trồng. Mắt chỉ thấy láo nháo toàn người là người. Tai Nghĩa ù ù tiếng kêu la, khóc lóc, cầu cứu…

“Mình làm sao thế này?”. Nghĩa ngồi thụp xuống, muốn ngất đi.

Ngôi nhà không một bóng người. Chỉ còn lại Nghĩa chơ vơ nơi góc nhà… Nắng ngoài sân lấp lóa nhưng mắt Nghĩa, lòng Nghĩa sao chỉ toàn một một màu đen kịt, thăm thẳm.

4.

Chiếc xe ô tô chậm chậm rời khỏi con ngõ nhỏ. Cây cột điện đầu ngõ xa dần. Dòng sông đã hiện ra trước mặt. Hôm nay sông lặng như tờ. Đôi ba chiếc tàu nằm yên, nghỉ mệt. Ước gì bây giờ Nghĩa được nhảy ùm xuống đó - xuống dòng sông của tuổi thơ - để ngâm mình trong dòng nước mát lạnh, để sông rửa trôi tất cả, tất cả… Nhất định sau này, khi đã ra khỏi trại cai nghiện, Nghĩa sẽ trở về, neo mình lại nơi xóm nhỏ cạnh dòng sông, sống những ngày bình yên như thuở trước, sẽ tự do hòa vào sông, ngụp lặn cho thỏa thích.

Xe hòa vào dòng người trên đường phố, chiều chầm chậm trôi…

Ngôi nhà nhỏ dường như đã bình yên trở lại. Cái chân bị gãy của cu Minh sắp đến ngày tháo bột. Ông Nghi nhìn theo chiếc xe ô tô cho tới tận khi nó khuất dạng sau gốc cây trứng cá nơi ngã ba.

- Ông ơi! Ông vào đây lấy giúp cháu quyển truyện tranh để trên bàn với ạ. 

Tiếng cu Minh kéo ông về thực tại.

- Ừ, ông vào ngay, vào ngay đây…

Bà Mừng đang loay hoay đun nồi cám lợn, lửa bập bùng sáng bừng cả gian bếp bám đầy bồ hóng. Trên bức vách, bóng người mẹ già đổ dài. Ngoài đồng, ếch nhái cũng bắt đầu kêu ran…

NGUYỄN HIÊN

.
.
.