.
NỮ HOÀNG CẢI LƯƠNG THANH NGA & ĐÊM DIỄN ĐỊNH MỆNH

Kỳ 3: Như phim hành động

Cập nhật: 17:57, 14/04/2023 (GMT+7)

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Được lệnh của Ban chuyên án, Đội phó Đội trọng án Phạm Văn Thịnh dẫn 2 Tổ công tác bí mật tiếp cận nhà của BS Lã Hỉ nằm trên đường Nguyễn Minh Chiếu quận Phú Nhuận. Tổ công tác số 1, phục ở lầu 2 của một cơ quan cách nhà BS La Hỉ khoảng 20m, bằng biện pháp nghiệp vụ các trinh sát đã “bắt” được sóng thông tin từ nhà BS Lã Hỉ để theo dõi cuộc liên lạc của bọn bắt cóc và bà Bích chính xác đến từng chi tiết nhỏ, song song đó cũng “quét” hình ảnh suốt 24/24 trước cổng nhà BS Lã Hỉ để “chộp” kẻ khả nghi.

Nghệ sĩ hài Hà Linh con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga.
Nghệ sĩ hài Hà Linh con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga.

Tổ công tác số 2 đóng trên sân thượng của Bệnh viện Y học Dân tộc quan sát cả khu vực quanh nhà BS Lã Hỉ để trinh sát ngoại tuyến. Hai tổ công tác liên lạc nhau qua máy bộ đàm, triển khai kế hoạch vây bắt hung thủ khi chúng tiếp cận với người nhà của BS Lã Hỉ. Ngoài ra, lực lượng trinh sát hỗ trợ vòng ngoài cũng rải quân làm người đi đường, lái taxi, honda ôm, đạp xích lô… ém chặt cả khu vực thành thế gọng kềm do Võ Tấn Thành và Ba Tung phụ trách.

Phạm Văn Thịnh trong vai một người đạp xích lô để quan sát mục tiêu. Anh nhét máy bộ đàm vào người, lận lưng khẩu K59 đạn đã lên nòng và khóa an toàn khi đụng trận chỉ gạt khóa xuống là nổ liền.

Thời khắc  quan trọng đã tới, đúng 5 giờ chiều ngày 21/3/1979, được lệnh của bọn bắt cóc, bà Bích đội nón, mặc áo màu vàng, đi xe đạp lận theo 20 lượng vàng theo đúng lộ trình mà bọn bắt cóc đã chọn: xuôi đường Nguyễn Minh Chiếu ra Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chạy về hướng Phan Đăng Lưu Phú Nhuận tới trước số nhà 95 sẽ có người ra “giao nhận”.

Lúc đó Phạm Văn Thịnh đạp chiếc xích lô tàn tàn tới điểm hẹn của bọn bắt cóc, trong tầm quan sát, anh thấy ngay một gã mặc quần Tây màu xám, áo sơ mi trắng đứng ngay trụ điện trước số nhà 95.

Lúc đó bà Bích cũng vừa tới, nhận được ám hiệu là mảnh vải cắt ra từ áo của cháu Phương mà gã mặc áo sơ mi trắng vừa tiến ra đưa, bà Bích liền đưa gói vàng, gã chộp lấy. Vừa nhét vàng vào túi quần, hình như linh cảm có điều gì bất thường, gã này nhanh chân phóng sang đường, ở đấy có một gã thanh niên mặc bộ đồ jeans xanh, đội nón kết màu đỏ ngồi chờ sẵn trên chiếc Honda 67 màu đen mang bảng số của tỉnh Hậu Giang. Gã lấy vàng vừa phóng lên ngồi sau yên xe thì Phạm Văn Thịnh đã rút nhanh khẩu K59 mở khoá an tan toàn bỏ xích lô chạy bộ đuổi theo rồi hô lớn:

- Đứng lại!

Phản ứng của tên lái xe Honda 67 rất nhanh và thiện nghệ, hắn rồ ga, chiếc xe bốc đầu bánh chưa kịp chạm đất là hắn lao tới. Phạm Văn Thịnh đưa thẳng súng về phía chúng hô dỏng dạc một lần nữa “đứng lại”.

Nhưng tên cầm lái như điếc, hắn tiếp tục tăng ga rồi bẻ ngoặt tay lái vào con hẻm nhỏ gần số nhà 95. Phạm Văn Thịnh liền siết cò súng, viên đạn bay trúng pô xe do bọn chúng đánh võng để né đạn. Thịnh bắn phát thứ 2 sượt sườn chiếc Honda 67 nháng lửa, Thịnh chỉnh lại đường ngắm “để” luôn phát thứ 3, lần này viên đạn trúng lưng tên áo trắng ngồi phía sau làm hắn giật nẩy người, máu tuôn ướt một khoảng lưng nhưng hắn vẫn cố ôm cứng tên cầm lái cố tăng tốc phóng vút vào con hẻm nhỏ lẩn trốn, từ phía sau có 2 trinh sát phóng xe đuổi theo.

Cuộc rượt đuổi kinh hoàng khiến người dân túa ra xem, chừng nghe tiếng súng nổ lại đua nhau rạp người trên mặt đường tránh đạn. Ba Tung và Phan Thanh dồn 2 tên cướp tới chỗ bức tường chắn ngang trước mặt, tưởng chúng thúc thủ, nào ngờ  chúng tung ngược về phía sau một quả lựu đạn khiến Phan Thanh và Ba Tung phải ngã cả xe và người xuống đường nằm rạp để tránh sát thương khi quả lựu đạn nổ. Nhưng nó không nổ, chỉ lăn long lốc trên mặt đường vì bọn cướp chưa kịp rút chốt. Chiếc Hon 67 màu đen mất dạng cùng với 2 tên tống tiền.

Lần theo dấu máu

Không bao lâu sau, bà Út nhà ở đường Văn Thân, quận 6, đang ngồi ăn cơm chiều thì gã lái chiếc Honda 67 màu đen chở tên mặc áo sơ mi trắng đầy máu nhào tới. Thấy con trai bị thương, bà Út la hoảng định kêu xe chở đi bệnh viện cấp cứu nhưng tên lái xe nạt ngang:

- Không sao đâu, bà để yên đó tôi lo.

Chiều tối có một người đàn ông được tên lái xe gọi tới xem xét vết thương cho gã áo trắng nhưng gã “bác sĩ” sau một lúc “ngắm” vết thương rồi lắc đầu bỏ về. Nóng ruột con, bà Út kêu xích lô máy chở gã bị thương vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

Lập tức “bệnh nhân áo trắng” bị phát hiện. Liền sau đó cơ quan chức năng đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy đưa “bệnh nhân” này vào phòng cách ly đặc biệt để chữa trị vết thương và bằng mọi giá phải cứu sống hắn. Cũng trong đêm ấy khi hắn tỉnh dậy, vừa mở mắt ra đã thấy trước mặt mình 2 công an mặc thường phục, đó là Hai Thành và Ba Tung. Hắn biết chuyện gì đã xảy ra với mình nên khi được lấy cung, hắn khai tên là Hóa.

Thế là từ phát đạn… xuyên lưng của Phạm Văn Thịnh (sau này anh làm Trưởng phòng CSGT Đường bộ Công an TP.Hồ Chí Minh), tên Hóa đã dẫn đường cho CQĐT tìm đúng đầu mối của “cuộn chỉ rối Thanh Nga”. Ban chuyên án quyết định muốn điều tra ra hung thủ bắn chết vợ chồng Thanh Nga phải lật lại hồ sơ vụ án bắt cóc cháu Toro con trai của nữ nghệ sị Kim Cương và mới nhất là vụ bắt cóc cháu Phương con của BS Lã Hỉ.

Mở nút thắt - Thủ phạm chính lộ diện

Được các bác sĩ tận tâm cứu chữa, tên Hóa có vẻ cảm động nên khai báo thành khẩn, hắn khai ra kẻ cầm đầu tên Nguyễn Thanh Tân, nguyên trung sĩ biệt động dù của quân đội Sài Sòn cũ, quê ở ấp Ngân Rô, thuộc vùng kinh tế mới Long Phú, tỉnh Hậu Giang. Điều mà chính Phạm Văn Thịnh và CQĐT cũng không ngờ là phát đạn thứ ba của anh bắn xuyên lưng tên Hóa đã trổ ra trước bụng tên này rồi ghim luôn vào lưng tên Nguyễn Thanh Tân, hắn cũng bị thương, viên đạn còn ở trong người nên đã tìm nơi ẩn náu để nhờ “bác sĩ” gắp đầu đạn ra.

CQĐT đã gặp nghệ sĩ Kim Cương, nhờ cháu Toro chỉ đường đã tìm về đúng cái nơi mà cháu Toro trước đây đã ở và mô tả lại: “Ngôi nhà có cổng ra vào, phía xa có cầu bắc ngang, có ống khói cao, bà già ốm yếu…(ống khói cao là nhà máy đường-bà già ốm yếu là mẹ của tên Tân). Khi tìm đến nơi, trinh sát không thấy tung tích cháu Phương, con của BS La Hỉ.

Trở ngược về Sài Gòn, trinh sát lần theo các mối quan hệ của tên Tân để lần ra dấu vết của hắn. Đêm 9/4/1979, trinh sát ập vào một ngôi nhà ở quận 3 mà tên Tân thuê để ẩn náu và chữa trị vết thương trong lúc hắn đang cuộn mình ngủ say. Lục soát người hắn trinh sát thu được gói giấy ghi dòng chữ “lưu niệm”, trong có đầu đạn vừa được gắp ra. Ngay sau đó cháu Phương con BS Lã Hỉ được cứu thoát từ ngôi nhà của em trai Tân ở Sóc Trăng.

Chỉ 5 ngày sau CQĐT đã tìm thấy khẩu súng P38 mà Tân đã dùng để bắn chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga khi vụ bắt cóc cháu Cúc Cu không thành. Kẻ cùng hắn gây án đêm hôm đó là Nguyễn Văn Đức, lính hải quân chế độ cũ.

Tên Tân khai nhận thoạt đầu bọn chúng định nhắm vào nghệ sĩ Bảo Quốc, em trai Thanh Nga nhưng sau khi nghe ngóng thấy Bảo Quốc đông con, không giàu có nên quay sang Thanh Nga và đã nhiều lần lãng vãng trước nhà Thanh Nga nhưng chưa ra tay được vì có đông người đi lại trên phố chúng sợ bị phát hiện nên đổi phương án vào tối 26/11/1978.

Nguyễn Thanh Tân cũng khai rằng hắn không định bắn ông Phạm Duy Lân hay Thanh Nga mà mục đích chỉ bắt cháu Cúc Cu để đòi tiền chuộc, nhưng do bị chống cự và bực tên Đức cứ giằng co với Thanh Nga mãi vẫn không bắt được cháu Cúc Cu, còn đánh rơi vỏ chai nước ngọt xá xị mang theo uống.

Phần sợ bị người đi đường hay công an tuần tra phát hiện nên bắn hai vợ chồng Thanh Nga để bịt đầu mối và bỏ cuộc, cả hai lo tẩu thoát. Ngay sau đó, Nguyễn Văn Đức sợ bị lộ nên tìm cách vượt biên ra nước ngoài lẩn trốn nhưng đã bị bắt giữ.

Riêng tình tiết vỏ chai nước ngọt xá xị của tên Đức bị bỏ sót trong lần khám nghiệm hiện trường là một bài học kinh nghiệm mà sau này khi Ban chuyên án tổng kết vụ án Thanh Nga đã ghi nhận đó là một sơ sót nghiệp vụ cần rút kinh nghiệm.

Vì nếu hôm đó vỏ chai nước ngọt xá xị này được thu giữ đưa vào vật chứng thể lấy được dấu vân tay của tên Đức và từ đó lần ra dấu vết của thủ phạm nhanh hơn, đúng hướng hơn, thay vì phải đi đường vòng, mất nhiều thời gian.

Nhưng dù có chậm hơn, vụ án Thanh Nga cũng kết thúc sau 180 ngày tập trung điều tra, phá án. Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức sau đó đã lãnh án tử hình.

Đến nay sau 45 năm nhìn lại sự kiện này vẫn như còn nóng hổi những giọt nước mắt xót thương của dòng người hâm mộ nối đuôi nhau bất tận để được vào viếng linh cửu của Thanh Nga và chồng là ông Phạm Duy Lân được quàn tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP.HCM ở số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3.

Đây là bằng chứng cho thấy nghệ sĩ Thanh Nga vẫn luôn ở trong lòng mến mộ của công chúng. Bởi lẽ bà như một tượng đài của nghệ thuật sân khấu cải lương được mọi người yêu thương, quý trọng.

TỪ  KẾ TƯỜNG

.
.
.