.
NỮ HOÀNG CẢI LƯƠNG THANH NGA & ĐÊM DIỄN ĐỊNH MỆNH

Kỳ 2: Cuộn chỉ rối Thanh Nga

Cập nhật: 22:14, 07/04/2023 (GMT+7)

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Vì lý do nghiệp vụ nên sáng hôm sau đêm xảy ra vụ án Đoàn khám nghiệm tử thi do Đại tá Diệu dẫn đầu đã tới bệnh viện tiến hành khám nghiệm tử thi của Thanh Nga và chồng là Phạm Duy Lân để phục vục công tác điều tra.

Thanh Nga cùng chồng Phạm Duy Lân và con trai Cúc Cu.
Thanh Nga cùng chồng Phạm Duy Lân và con trai Cúc Cu.

Từ trong ngăn lạnh hai thi thể được đưa ra, xác Thanh Nga vẫn còn mềm, sắc mặt vẫn tươi, mắt nhắm như người đang ngủ. Viên đạn của hung thủ đã xuyên vào ngực trái của Thanh Nga. Trong lúc đó xác của ông Phạm Duy Lân đã cứng, viên đạn của hung thủ bắn trúng tim, xuyên ra phía lưng.

Với hai phát đạn trên cơ thể của nạn nhân, CQĐT nhận định hung thủ bắn ra hai phát đạn này từ một khẩu súng là một trong 2 kẻ sát nhân và hắn không phải là người mới cầm súng mà là tay chuyên nghiệp. Mục tiêu của chúng tập trung vào nghệ sĩ Thanh Nga, ông Phạm Duy Lân chỉ là người bị bắn chết theo vợ và có lẽ là lý do bất đắc dĩ hung thủ mới ra tay. Nhưng 2 tên sát thủ này là ai, bắn chết Thanh Nga nhằm mục đích gì?

Lúc bấy giờ Sài Gòn và miền Nam mới được giải phóng 3 năm, tình hình xã hội còn rất phức tạp, tàn quân chế độ cũ còn lại rất nhiều, các thế lực thù địch và bọn phản động trong nước cũng chưa từ bỏ âm mưu gây rối, lật đổ chính quyền cách mạng. Chính Thanh Nga với những vai diễn trên sân khấu thể hiện hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga, Trưng Trắc chống giặc xâm lược phương Bắc đã từng bị ném lựu đạn lên sân khấu ở rạp Lux B, nhưng rất may bà thoát nạn.

Rồi Thanh Nga cũng từng nhận được thư nặc danh hăm dọa ám sát, thủ tiêu… Do đó, trong bối cảnh Sài Gòn còn phức tạp nhiều mặt, khi vụ án xảy ra đã dẫn đến nhận định ban đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triệt phá vụ án Thanh Nga theo khuynh hướng chính trị là nguyên nhân nổi cộm trong số hai nguyên nhân còn lại là vì tình và cạnh tranh nghề nghiệp tức nghiêng về hình sự đơn thuần.

Tiệc mừng chiến thắng của “Lực lượng thống hợp liên bang Đông Dương”

Trong lúc Ban chuyên án khẩn trương lần từng đầu mối của “cuộn chỉ rối Thanh Nga” thì có một nhóm phản động tự xưng là: “Lực lượng thống hợp Liên bang Đông Dương” được sự đỡ đầu của CIA (Mỹ) tổ chức bữa tiệc “mừng chiến thắng” tại một nhà hàng ở khu ngoại ô Sài Gòn.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát của Phòng trinh sát chính trị đã tiếp cận bữa tiệc này và nắm được nhiều thông tin chúng cố ý lộ ra để phô trương thanh thế. Nào là có 40 mục tiêu đang trong “tầm ngắm”, mà vụ Thanh Nga chỉ là một phát “súng lệnh” mở đầu, và sau đó là cho nổ toà soạn báo Tin Sáng rồi tới… thanh toán nữ nghệ sĩ Kim Cương. Chúng gân cổ oang oang ca ngợi chiến công mới vừa lập được là đã thanh toán “Trưng Trắc” rồi hò nhau nâng ly chức mừng vì sắp có “viện trợ”.

Tàn tiệc, rượu ngà say, 6 “chiến sĩ” oai hùng của cái gọi là “Lực lượng Thống hợp liên bang Đông Dương” ra về trên những chiếc xe gắn máy, vừa khỏi cửa quán nhậu không bao xa đã nghe tiếng hô dỏng dạc: “Đứng lại, các anh đã bị bắt”. Nhưng 2 trong số 6 tên phản động đã nhanh chân tẩu thoát, 4 gã còn lại bị bập còng số 8 vào tay.

Ngay trong đêm bọn chúng đã đối mặt với cơ quan điều ta, và lần lượt khai tên là Mười Núi, bị chột mắt, nhưng lại là tên lớn lối, cao giọng nhất trong bữa tiệc “ăn mừng chiến thắng”. Chức vụ của hắn trong tổ chức phản động vừa nói trên là “Bộ trưởng An ninh”, Võ Xuân Dương, “Bộ trưởng Quốc phòng”, Nguyễn Văn Y tự nhận mình đã bắn Thanh Nga, và Phan Văn Sơn nhận đã bắn ông Phạm Duy Lân (hai tên này nằm trong lực lượng hành quyết).

Khai thác sâu 4 tên này để mở rộng điều tra, Ban chuyên án lại phải rải quân giăng một mẻ lưới lớn, lục tung các địa bàn để “lùa” tới 100 tên đồng bọn của cái gọi là: “Lực lượng Thống hợp liên bang Đông Dương”. Nằm trong mẻ lưới này có mấy tên thuộc loại “đẳng cấp” như: Giàu, Mậu, Công, Khiết… các cán bộ điều tra không quảng ngày đêm, khẩn trương xác minh làm rõ từng thành viên của tổ chức phản động đông đảo này để đặt ra cho chúng một loạt các câu hỏi liên quan tới cái chết của Thanh Nga như:

- Ai đã ra lệnh giết Thanh Nga?

- Ai trực tiếp thực hiện?

- Bắn bằng súng gì?

- Đặc điểm nơi gây án?

- Khi giáp mặt, uy hiếp, Thanh Nga và chồng là ông Phạm Duy Lân phản ứng ra sao?

Bên cạnh đó một loạt các câu hỏi mang tính đấu tranh nghiệp vụ sắc bén của các điều tra viên cũng được đặt ra cho các tên đẩu sỏ nhằm làm bật lên một đầu mối cần tìm. Nhưng những tên này đều trả lời khác nhau, không ăn khớp, không chính xác so với những gì CQĐT đang nắm về vụ án, đặc biệt là việc mô tả hiện trường vụ án mỗi tên nói một kiểu, trớt quớt, chứng tỏ là bọn chúng chỉ…bịa.

Bị vạch mặt, tên Mùi Núi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của: “Lực lượng Thống hợp liên bang Đông Dương” đành thú nhận bọn chúng chỉ bịa ra, nhận bừa là đã giết được nghệ sĩ Thanh Nga chỉ nhằm mục đích phô trương thanh thế để lấy… tiền viện trợ của quan thầy chống lưng.

Chuyển hướng điều tra, SBC vào cuộc

Trong lúc Ban chuyên án đang tập trung làm rõ những mối quan hệ của nhóm phản động 100 tên của cái gọi là: “Lực lượng Thống hợp liên bang Đông Dương” thì có tin về một vụ bắt cóc tống tiền con trai bác sĩ Lã Hỉ. Đó là ngày 6/2/1979, bé Phương con trai BS Lã Hỉ bị bắt cóc tại Trường Phổ thông Tây Nhì.

Để làm bằng chứng cho gia đình BS Lã Hỉ biết con trai mình đã lọt vào vòng tay của chúng, bọn bắt cóc đã ném chiếc áo của cháu Phương đang mặc lúc đi học ngay tại cột điện gần nhà rồi gọi điện thoại báo cho bà Bích vợ BS Lã Hỉ ra đó tìm nhận dạng.

Nhận được chiếc áo của cháu Phương, vợ chồng BS Lã Hỉ rất hoang mang, lo lắng. Sau đó thì có một người đàn ông gọi điện thoại gặp bà Bích nói giọng Nam Bộ, xưng là Hải Phong yêu cầu gia đình phải giao nộp 100 lượng vàng để chuộc con về nếu không thì vĩnh viễn không gặp được cháu Phương nữa. Bọn chúng còn đe dọa rằng nếu gia đình báo Công an thì đừng trách chúng ra tay tàn ác với cháu bé.

Chính vì bị đe dọa nên vợ chồng BS Lã Hỉ chấp nhận thỏa thuận với bọn bắt cóc và không trình báo với Công an để nhờ giúp đỡ mà trực tiếp thương lượng với bọn bắt cóc. Qua 5 lần thương lượng trong vòng 1 tháng, Bà Bích ngã giá từ 100 lượng vàng xuống còn 20 lượng thì bọn bắt cóc chấp nhận và lên kế hoạch “giao hàng”.

Địa điểm “giao nhận” trước số nhà 95 đường Phan Đăng Lưu quận Phú Nhuận. Tất cả thông tin này đều được Đội trọng án của Phòng CSHS Công an TP.Hồ Chí Minh dùng biện pháp nghiệp vụ theo dõi ghi nhận tới từng chi tiết và lệnh cho Đội Săn Bắt Cướp (SBC) xuất quân vây bắt hung thủ.

Thời đó, những chiến sĩ SBC là khắc tinh của bọn cướp trên đường phố, họ gồm những sĩ quan, chiến sĩ giỏ võ nghệ, bắn súng thuộc loại “thiện xạ” được cả hai tay, đi trên những chiếc Honda 67 màu đen được xoáy nòng, đôn dên nâng tốc độ lên rất cao và phóng rất nhanh để đuổi bắt cướp. Đội trưởng lúc đó là Võ Tấn Thành tức Hai Thành một cái tên rất quen thuộc từ Đội trưởng Đội CSHS Công an Tân Bình rút về, đội phó là Phạm Văn Thịnh, Ba Tung… những trinh sát thiện chiến, đều được trui rèn trong “lửa đỏ” và đầy chiến tích lẫy lừng nên bọn cướp rất sợ.

Vụ bắt cóc con trai BS Lã Hỉ đòi tiền chuộc lần này khiến Ban chuyên án nhớ lại cách đó gần một năm, vào ngày 26/6/1977 một bọn  bắt cóc liều lĩnh đã tới Nhà trẻ Vườn Hồng để bắt cóc cháu Toro tên gọi thân mật ở nhà của con trai vợ chống nghệ sĩ Kim Cương.

Bọn chúng cũng đòi tiền chuộc 100 lượng vàng, Kim Cương đã trình báo sự việc với Công an nhưng bị bọn bắt cóc đe dọa thủ tiêu cháu Toro nên Kim Cương hoảng sợ tự thương lượng với bọn bắt cóc. Cuối cùng chúng chấp nhận bớt xuống ngưỡng cuối cùng còn 20 lượng vàng giống như vụ bắt cóc con trai BS Lã Hỉ. Sau khi nhận đủ số vàng, cháu Toro được bọn bắt cóc thả ra ở bãi cỏ trước Nhà thờ Đức bà ở quận 1 để người nhà nhận về.

Một số điểm trùng hợp khác nữa như: kẻ bắt cóc xưng là Hải Phong, cũng nói giọng Nam Bộ, cách liên lạc và quy luật giao nhận vàng cũng thế… xâu chuỗi lại 2 vụ án nói trên, Ban chuyên án nhớ lại hai tên sát thủ trong vụ án Thanh Nga cũng định bắt cháu Cúc Cu, một tên đã giằng co với Thanh Nga để kéo cháu Cúc Cu ra khỏi xe cho bằng được.

Nhưng trước phản ứng quyết liệt của hai vợ chồng Thanh Nga chúng sợ người đi đường phát hiện nên… bắn cả hai vợ chồng và bỏ cuộc? Như vậy, đã thấy lóe lên đầu mối của “cuộn chỉ rối Thanh Nga”, Ban chuyên án liền chuyển hướng điều tra: mục tiêu chính trị xuống hàng thứ yếu mà hình sự trở thành tâm điểm chính và phát lệnh cho SBC vào cuộc.

(Còn tiếp)

TỪ KẾ TƯỜNG

.
.
.