.

Ngân vang những làn điệu Nga

Cập nhật: 15:30, 03/03/2023 (GMT+7)

Hình ảnh những cô gái trong trang phục truyền thống váy dài chấm gót, xòe rộng và sặc sỡ, nhảy múa theo tiếng guitar khiến cả khán phòng như bùng nổ. Đó là một ca khúc Molodaya (Tạm dịch: Cô gái trẻ tuổi) do nhóm Nostalgyia- một nhóm nghệ sĩ không chuyên hiện đang sinh sống tại Làng Nga trình diễn tại Đại hội Hội hữu nghị Việt-Nga.

Một ca sĩ của nhóm Nostalgyia biểu diễn phục vụ khán giả BR-VT.
Một ca sĩ của nhóm Nostalgyia biểu diễn phục vụ khán giả BR-VT.

Những cảm xúc đặc biệt

Sau khi biểu diễn tiết mục của mình, chị Peterson Natalya, một thành viên của nhóm Nostalgyia cho biết, hiện chị đang làm việc tại Phòng Du lịch, Công đoàn phía Nga của Liên doanh Vietsovpetro. Vốn yêu thích ca, hát, nên từ 5 năm qua, chị luôn có mặt trong các chương trình văn nghệ giao lưu hữu nghị Việt-Nga, hoặc các chương trình do Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro tổ chức.

“Nhiều giai điệu Nga đã quen thuộc với người Việt. Tôi rất vui và xúc động khi cất lên lời hát, khán giả Việt cũng hát cùng chúng tôi. Tôi có thể cảm thấy sự yêu thích và cổ vũ nhiệt tình của mọi người dành cho nhóm mỗi khi chúng tôi biểu diễn. Điều này là động lực, giúp chúng tôi dành nhiều thời gian để sáng tạo, làm mới những ca khúc, điệu múa khi đến với khán giả”, chị Natalya nói.

Đã thành thông lệ, hằng năm vào các dịp ngày lễ, như: Kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga, Kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Liên bang Nga, Quốc tế thiếu nhi..., Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đều tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, ẩm thực, TDTT. Đặc biệt, các chương trình giao lưu văn nghệ luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của mọi người, bởi sự đầu tư chỉn chu về tiết mục, trang phục của các ca sĩ, diễn viên của cả hai nước Việt - Nga. Đặc biệt, các tiết mục của các đội văn nghệ Nga luôn mang đến cho khán giả Bà Rịa-Vũng Tàu những cảm xúc đặc biệt.

“Mỗi lần được nghe giai điệu Nga do các bạn người Nga biểu diễn, trong tôi gợi nên cảm xúc khó tả bởi thời trẻ đã học tập, đã sống và làm việc ở Nga. Nhiều ca khúc trong số đó tôi còn thuộc lòng nên nhẩm theo hát. Người Nga, âm nhạc Nga mang đến điều gì đó du dương, bình yên, như bình nguyên trải dài trên đất nước Nga mang đến cảm xúc yêu đời, rất lãng mạn”, ông Nguyễn Hữu Định, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Nga tỉnh chia sẻ sau những tiết mục giao lưu văn nghệ do các ca sĩ, nghệ sĩ không chuyên của Việt Nam và Nga biểu diễn.

Tô đậm tình hữu nghị truyền thống

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, một số đội, nhóm văn nghệ người Nga đã được thành lập, nhằm mang điệu múa, lời ca của nước Nga phục vụ cộng đồng người Nga, và những khán giả Việt tại thành phố biển Vũng Tàu.

Qua thời gian, mặc dù số lượng các chuyên gia Nga sống tại Làng Nga thay đổi theo tính chất công việc, nhưng những người mới tới, lại tiếp tục truyền thống, duy trì những đội văn nghệ tuy không phải là những người chuyên nghiệp, nhưng lại rất “có nghề” trên sân khấu. Từ những bộ trang phục với họa tiết trang trí tỉ mỉ, những bông hoa và băng đô cài trên tóc, cho đến cách lựa chọn ca khúc... đều đậm chất Nga, rất dễ đi vào lòng người.

Ngoài nhóm Nostalgyia, hiện tại Trung tâm văn hóa của Vietsovpetro còn có một số đội, nhóm khác, như: Rossianochka, Sudarushki... gồm từ 4-8 thành viên yêu thích ca, múa tập hợp lại. Phần lớn trong số họ hiện đang làm việc tại Vietsovpetro, nên sau khi kết thúc công việc, họ thu xếp việc nhà, dành thời gian tập luyện vào các buổi tối, ngày nghỉ.

Trước mỗi chương trình giao lưu văn nghệ hoặc sự kiện nào đó, các đội đều chỉn chu lựa chọn tiết mục, lên ý tưởng và dành thời gian tập luyện cả tháng. Một số trang phục được họ lựa chọn vải và tự may, một số khác đặt mua ở quê nhà.

“Sống xa Tổ quốc, việc tổ chức, biểu diễn các tiết mục văn nghệ giúp chúng tôi gần gũi nhau hơn, giúp giới trẻ Nga hiểu thêm về văn hóa của mình. Cũng qua những điệu múa, lời ca chúng tôi muốn gửi gắm nét văn hóa Nga đến khán giả Việt Nam nói chung, và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng”, bà Bà Makhinko Elena, đạo diễn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa Vietsovpetro, người có 8 năm gắn bó với đội Rossianochka chia sẻ.

Theo bà Kireeva Elena, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, các chương trình luôn được các đội, nhóm văn nghệ của Trung tâm chuẩn bị chu đáo. Mặc dù còn những khác biệt về ngôn ngữ, nhưng khi có điệu múa, lời ca, điệu nhạc thì khoảng cách địa lý ngôn ngữ bị xóa nhòa, người dân hai nước càng gần nhau hơn.

“Chúng tôi muốn mang đến các giá trị đặc sắc của nền văn hóa Nga phong phú, đa dạng và cũng gần gũi với người dân Việt Nam, đồng thời, chúng tôi luôn nhận được tình cảm rất đặc biệt của các bạn dành cho chúng tôi. Điều này cho thấy người dân hai nước luôn quan tâm đến nền văn hóa của nhau. Và giao lưu văn hóa là cầu nối, giúp tô thắm hơn tình hữu nghị”, bà Elena nhấn mạnh.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

.
.
.