TIN BÀI LIÊN QUAN:
Nhưng rồi sau một cú sốc tình cảm, năm 1984 Kim Anh sực tỉnh và đặt cho mình một con đường để lựa chọn, một là sống hai là chết, không còn con đường nào khác. Nếu sống thì phải chiến thắng ma túy chứ nếu sống mà lệ thuộc vào nó như thế này thì thà chết còn hơn. Thế là Kim Anh quyết định sang Pháp cai nghiện.
Ca sĩ Kim Anh sau những thăng trầm. |
Quyết tâm đoạn tuyệt ma tuý
Kim Anh lên đường sang Pháp ôm theo bọc ma túy đi lang thang rồi cuối cùng chọn một nghĩa trang làm điểm đến với ý định nếu cai nghiện được thì trở ra, không cai nghiện được bị ma túy vật chết tại nghĩa trang chắc sẽ có người chôn. Vợ chồng người quản trang thấy Kim Anh thương tình cho cô vào nhà tạm trú nhưng hoàn toàn không biết cô là con nghiện, chỉ tưởng cô vào xin việc làm ở nghĩa trang.
Để thể hiện quyết tâm cay nghiện, Kim Anh đã vào toa-let đổ bọc ma túy vào bồn cầu rồi giật nước cho trôi đi, sau đó ngồi khóc như chưa bao giờ được khóc và cứ nghĩ mình sẽ chết nếu không có thuốc. Đến nông nỗi này thì vợ chồng người quản trang đã biết cô gái mình cho ở nhờ là một con nghiện, thấy tình cảnh của cô họ bảo nếu cần thuốc thì họ sẽ đi mua cho nhưng Kim Anh cương quyết từ chối.
Quyết liệt tự mình chống chọi với những cơn vật vã ở lằn ranh cuối cùng của cái chết và sự hồi sinh, sau 8 tháng thì Kim Anh thắng được những cơn vật vã để thoát khỏi sợi dây oan nghiệt mà cũng tự mình đã tròng vào cổ. Cô đoạn tuyệt được ma túy mà không cần một viên thuốc hỗ trợ nào, chỉ bằng ý chí của chính bản thân.
Sau khi đoạn tuyệt với ma túy, Kim Anh lại được con trai của ông quản trang quan tâm chăm sóc. Anh này là một diễn viên kịch, sau khi lấy nhau cô sinh cho chồng một đứa con trai và được gia đình chồng rất quý mến. Cuộc sống của cô ở Pháp cũng có những ngày hạnh phúc, chồng đi diễn kịch, Kim Anh đi hát. Nhưng rồi mâu thuẫn đã đến khi một hôm chồng cô chẳng biết đùa hay thật bảo rằng ca sĩ như Kim Anh đi suốt, làm sao biết có chung thủy với chồng hay không? Kim Anh đã điên lên, hôm sau quyết định ôm con về Mỹ.
Nhưng rồi Kim Anh lại phải đối diện với chính hoàn cảnh thực tại của mình sau khi đã tỉnh trí. Cô cũng nhớ rằng mình cũng đã từng có một gia đình và có đứa con ở Mỹ. Vào năm 1970, khi mới sang Mỹ Kim Anh chưa có bằng tú tài nên nếu muốn ở lại bắt buộc phải có người bảo lãnh hoặc là sẽ bị trục xuất. Lúc đó có một người đàn ông đã giúp cô ở lại bằng cách lấy cô làm vợ dù thật tình ông này không muốn cưới Kim Anh.
Năm 1972 Kim Anh sinh con và rồi cuộc sống không có tình yêu cũng nhanh chóng đi đến kết thúc, họ chia tay nhau, đứa con để lại cho ông chồng còn Kim Anh theo con đường ca hát. Giờ cô không còn gia đình nhưng cũng còn đứa con, nên Kim Anh không ở lại Pháp mà trở về Mỹ quyết tìm con.
Mất một thời gian tìm kiếm Kim Anh được tin người đàn ông ấy đã có vợ và mất liên lạc. Điều này càng thôi thúc Kim Anh quyết tìm cho bằng được, đến khi lần ra được địa chỉ thì người đàn ông ấy đã có vợ, và bà vợ lại rất ghen tuông nên cô không thể gặp được con.
Cuối cùng Kim Anh phải nhờ đến luật sư, nhưng khi ra tòa do tình trạng sức khỏe của cô không tốt nên tòa quyết định tạm thời cô không thể nuôi con mà chỉ mỗi năm được gặp một lần, chờ khi nào cô khỏi bệnh thì mỗi năm 3 tháng hè đứa bé sẽ được về ở với mẹ.
Và rồi cuộc đời Kim Anh lại rẽ sang một khúc quanh khác, năm 1989, mẹ cô ở quê nhà đau nặng, lần này cô quyết định về chăm sóc mẹ chứ không gửi “tiếng nói” về như lần trước. Khi về Việt Nam, cô ca sĩ “Mùa thu lá bay” có ý định giã từ sân khấu, nghỉ hát luôn vì tuổi đã lớn, thanh sắc không còn trong khi thế hệ ca sĩ bây giờ ở trong nước đều trẻ đẹp “bốc lửa”.
Nhưng ý định này không thành vì có nhiều chương trình ca nhạc trong nước, các phòng trà, muốn mời cô tham gia cũng giống như các giọng ca hải ngoại khác về nước biểu diễn.
Thế là Kim Anh lại lên sân khấu và đặc biệt hơn, cô đã có một talk show “Tâm tình với Kim Anh” mà thật ra người tổ chức muốn tạo cho cô cơ hội để “Tâm tình với khán giả”. Thế là Kim Anh đã chính thức trở lại với khán giả quê nhà, với những người yêu thích giọng ca của cô ngày nào, nay mới có dịp trực tiếp nghe cô hát. Đây là giai đoạn “hồi sinh” mới của Kim Anh, những CD, DVD của Kim Anh hát ở quê nhà cũng thu rất nhiều trong thời gian này.
Năm 1992, lại một cú sốc khác đến với cô. Sau thời gian đau nặng mẹ cô ra đi, khi Kim Anh trở qua Mỹ mang tâm trạng buồn chán, cô độc, mất đi hai người thân yêu vĩnh viễn trong cuộc đời và lần này Kim Anh quyết nghỉ hát luôn, quyết “giã từ dĩ vãng”.
Nhưng chính Kim Anh đã thú nhận, nghỉ hát cô lại rơi vào bế tắc cho cả tinh thần lẫn kinh tế dù rằng Kim Anh đã từng có cả triệu đô la trong tay, lãnh cát sê hàng chục triệu đồng cho một show diễn nhưng nếu gặp bạn bè thì đêm ấy chơi xả láng chưa hết tiền thì chưa về. Nhưng khi trắng tay Kim Anh vẫn bình thản, sống chí tình với bạn bè, không một lời tiếc nuối. Đó là tính cách mà Kim Anh được mọi người yêu mến.
Năm 2005, hai nhạc sĩ Trúc Hồ và Anh Bằng đã giúp Kim Anh quay lại sân khấu hải ngoại. Với bộ trang phục cũ, giọng ca ngày nào, giờ thấm đẫm những nỗi đau nhân thế, Kim Anh trở lại với khán giả không chỉ với “Mùa thu lá bay”, “Bến Thượng Hải” mà còn “Người tình mùa đông”, “Không bao giờ ngăn cách” và hàng lọat những bài hát khác phù hợp với chất giọng khàn đục, buồn huyền hoặc của cô.
Từ giai đoạn này trở đi Kim Anh thường xuyên trở lại Việt Nam, hát trên sân khấu quê nhà và tham gia các live show của ca sĩ hải ngoại trở về tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, cụ thể như live show của Tuấn Vũ. Phòng trà Tiếng Xưa đã từng tổ chức cho Kim Anh một đêm gặp gỡ bạn bè thật cảm động.
Một công ty ca nhạc cũng đã tổ chức cho Kim Anh một đêm sinh nhật “hoành tráng” tại TP.Hồ Chí Minh, có đông đủ bạn bè trên cả nước về tham dự, dù lúc ấy Kim Anh đang ở Lai Vung, đang có chuyện buồn trong gia đình nhưng cô cũng kịp về tham dự.
Những phút trải lòng
Trước đây, trong một dịp trở về Việt Nam, người viết đã gặp và trò chuyện với Kim Anh, nghe cô trải lòng đồng thời làm một cuộc “phỏng vấn bỏ túi” ngay sau phần trình diễn của cô tại một phòng trà quen thuộc ở TP. Hồ Chí Minh.
- Bây giờ Kim Anh vẫn “bay show” thường xuyên từ Mỹ về Việt Nam để hát trên sân khấu quê nhà chứ?
- Cũng có thể xem là thường xuyên vì nếu không có lời mời đột xuất thì mỗi năm cứ 6 tháng anh lại thấy Kim Anh ở đây, đứng trên sân khấu quê nhà và hát những bài mà khán giả yêu cầu.
- Chị có cảm tưởng gì khi trở lại với sân khấu quê nhà, nơi mà trước năm 1975 chị chưa phải là ca sĩ?
- Kim Anh thấy lạ lắm, dù đã từng đứng trên sân khấu hải ngoại. Lần đầu tiên đứng trên sân khấu một phòng trà ở quê hương Kim Anh xúc động và rất lúng túng như lần đầu tiên được bước lên sân khấu. Kim Anh không ngờ khán giả lại ái mộ tiếng hát của mình một cách nồng nhiệt, hết sức thân thiện.
- Và bài hát ruột “Mùa thu lá bay” của chị hát vẫn được khán giả liên tục yêu cầu chứ?
- Tất nhiên, Kim Anh cũng thấy lạ lắm, bài này có nhiều ca sĩ trẻ hát, lại hát rất hay. Nhưng không hiểu sau khán giả lại cứ thích nghe Kim Anh hát. Có lẽ bài hát này không chỉ là… một bài hát, mà còn là kỷ niệm của nhiều người.
- Lần nào về nước cũng thấy Kim Anh vừa hát ờ các phòng trà, vừa tham gia với tư cách khách mời trong các live show của ca sĩ hải ngoại tổ chức ở Sài Gòn và Hà Nội. Rồi còn thấy chị tham gia các chương trình ca nhạc mang tính cách từ thiện nữa. Chị nghĩ gì khi tham gia làm việc thiện ở quê nhà?
- Kim Anh rất thích và rất hăng say với những chương trình làm việc thiện. Đó là một việc làm rất có ý nghĩa và mang lại cho Kim Anh niềm vui, hạnh phúc ở quê nhà. Kim Anh đã từng đi hát làm việc thiện ở các vùng sâu vùng xa rồi chứ bộ. Ở đó không ngờ có nhiều khán giả lớn tuổi còn nhớ đến Kim Anh với bài “Mùa thu lá bay”.
- Ở quê nhà chị đã thực hiện nhiều CD, DVD và được mọi người ủng hộ. Tới đây chị có dự định gì không?
- Bài hát của Kim Anh chưa hết đâu, giọng hát cũng còn được nhiều người yêu mến nên Kim Anh vẫn tiếp tục.
- Một câu hỏi không thể tránh né, Kim Anh đã vượt qua khổ lụy, nỗi đau thương tật của tai nạn, ma túy… bằng ý chí mãnh liệt. Vậy ngoài giọng hát mãnh liệt, Kim Anh có phải là người phụ nữ có tính cách mãnh liệt?
- Một câu hỏi khó, nhưng Kim Anh trả lời bằng thực tế đã trải nghiệm. Kim Anh đã từng cắn răng chịu tất cả sự đau đớn thể xác cho bác sĩ khoan từng mũi vào xương để bắt vít, cặp nẹp, ghép những khúc xương tan nát. Nằm 3 năm trong bệnh viện khi ra khỏi thì gắn chặt cuộc sống trên chiếc xe lăn và trở thành “Người đàn bà hát trên chiếc xe lăn”. Tưởng sẽ không rời được nó nhưng rồi Kim Anh đã đứng lên, tự mình đi lại. Còn ma túy không hủy diệt được Kim Anh mà chính Kim Anh đã hủy diệt nó, có lẽ Kim Anh cũng mãnh liệt đó chứ?
- Nhưng còn thuốc lá và rượu? Nghe nói Kim Anh uống rượu Tây không có đối thủ?
- Trời ơi nếu bây giờ Kim Anh bỏ thuốc lá thì đâu còn là Kim Anh? Còn rượu thì nhờ nó mà Kim Anh đã vượt qua nỗi đau cơ thể và nỗi đau tinh thần nên rượu với Kim Anh là một, do đó Kim Anh uống rượu có bao giờ say đâu, càng uống càng tỉnh như sáo và hát càng… mãnh liệt. Bởi vậy bạn bè trêu chọc Kim Anh uống rượu như kiếm khách “Độc cô cầu bại” không có đối thủ. Thật thế, nếu không uống rượu thì là lúc… Kim Anh say đấy.
Thay lời kết
Thật lạ và ấn tượng trước một Kim Anh sau tại nạn khủng khiếp không chết, người toàn ốc vít, nẹp xương, mặt khâu 285 mũi, tưởng suốt đời gắn chặt với chiếc xe lăn, tưởng đã bị ma túy hủy diệt, không còn tiếng hát. Thế mà cô đã vượt qua tất cả những nghiệt ngã của số phận dành cho một phụ nữ nơi đất khách quê người không có thân nhân bên cạnh để hồi sinh trở lại làm ca sĩ, thành “Người đàn bà hát” đứng trên sân khấu quê nhà, vẫn được khán giả yêu thích giọng hát khàn đục, huyền hoặc như tiết trời vào thu với nhiều lá bay.
Và ấn tượng nhất của Kim Anh với người viết là câu nói chân tình: “Nếu không uống rượu thì là lúc Kim Anh say đấy”. Quả thật trên sân khấu hát say sưa theo lời yêu cầu của khán giả hay khi ngồi trước mặt người viết, đố ai biết Kim Anh đang say hay tỉnh.
TỪ KẾ TƯỜNG