Kỳ 1: Ca sĩ với thương hiệu Mùa thu lá bay
Trong số các nữ ca sĩ gốc Việt thành danh ở nước ngoài Kim Anh nổi lên như một hiện tượng đặc và ghi dấu ấn thương hiệu với ca khúc “Mùa thu lá bay”.
Ca sĩ Kim Anh thời xuân sắc. |
Kim Anh không được đào tạo trường lớp, hay xuất thân từ một “lò” luyện giọng nào mà từ một cô gái thích hát, và thường hát nghêu ngao cho đỡ buồn bỗng dưng được lên sân khấu và trở thành ca sĩ nổi tiếng. Không những thế nếu so với các nữ ca sĩ cùng thời như Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Minh Hiếu, Phương Dung, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan… thì Kim Anh vào nghề hát muộn nhất.
Cô gái quê ở cù lao Ông Chưởng
Kim Anh là người Việt gốc Hoa, tên đầy đủ là Mạch Kim Anh, sinh nhật ngày 4/9, quê ở cù lao Ông Chưởng tỉnh Đồng Tháp, cô sinh ra và lớn lên ở miền sông nước, nơi mà đã từng nổi tiếng với câu ca dao: “Bao phen quạ nói với diều, cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”.
Từ nhỏ Kim Anh đã mang sẵn tính cách đàn ông, khá mạnh mẽ, cao, thông minh và nghịch phá (lời Kim Anh thú nhận). Nếu cô thiếu nữ Kim Anh cứ sống ở cù lao Ông Chưởng, đi học, trưởng thành và… lấy chồng như bao cô gái miệt vườn khác thì chắc sẽ không có một người đàn bà hát mang số phận nghiệt ngã như Kim Anh ca sĩ của ngày hôm nay.
Chính số phận nghiệt ngã này đã khẳng định thêm tính cách của cô thiếu nữ Kim Anh từ nhỏ và điều này đã khiến cô trở thành ấn tượng đối với tôi, không chỉ vì giọng hát lạ, vừa khàn đục, vừa huyễn hoặc như một ma nữ hát dưới trăng trong truyện Liêu Trai của Bồ Tùng Linh mà còn vì cô có một tính cách khá quyết liệt, một ý chí quật cường vượt qua ranh giới số phận, muốn làm người phải sống trước cái chết đang dìm cô xuống và đáng nói hơn là tự mình vươn lên, thoát khỏi sự hủy diệt của ma túy.
Số phận đó là năm 1969, bất ngờ Kim Anh nhận được một học bổng đi Mỹ học kế toán trong lúc nhiều cô gái, thậm chí nhiều người còn ở cấp phổ thông hoặc đã đi làm cho một cơ quan hành chính thời ấy có mong và mơ cũng chẳng được. Rồi khoảng đầu tháng 5/1975 khi cô đã ở Mỹ và đã tốt nghiệp khóa kế toán thì Kim Anh không làm công việc mình học mà lại nhận lời đi làm thông dịch cho một ông chủ nhà hàng lớn Empress ở Wasington DC.
Ông chủ này là người Mỹ gốc Hoa, việc của Kim Anh là thông dịch tiếng Việt sang tiếng Anh, tiếng Hoa và ngược lại cho một ban nhạc người Việt mới sang Mỹ và cộng tác với nhà hàng của ông chủ người Mỹ gốc Hoa đã mướn cô.
Bỗng dưng trở thành ca sĩ
Với nhiệm vụ thông dịch, hàng ngày Kim Anh tiếp xúc thường xuyên với số anh em trong ban nhạc và khi họ tập thì Kim Anh cảm hứng cất giọng hát nghêu ngao như lúc còn ở quê nhà. Anh trưởng ban nhạc thấy giọng cô gái lạ, bảo cứ hát thử một bài nghe chơi.
Khi Kim Anh hát thử một bài thì cả ban nhạc nhìn nhau ngẩn ngơ, hóa ra trong ban nhạc có cô ca sĩ “cây nhà lá vườn” mà họ mới vừa phát hiện. Thế là ngẫu nhiên Kim Anh vừa làm thông dịch vừa kiêm luôn ca sĩ và là ca sĩ nữ duy nhất của ban nhạc hát hàng đêm của sân khấu nhà hàng. Và người ta đến đây phần nhiều là để nghe cô ca sĩ lạ hoắc, cao kều, mắt một mí, gương mặt hồn nhiên, trong sáng dễ thương và đặc biệt có chất giọng khàn đục nhưng huyền hoặc chết người.
Lại một ngẫu nhiên thuộc dạng số phận nữa, năm 1977 Kim Anh có một người bạn ca sĩ ở New York đề nghị cô lên đây sống và đi hát không ở trong ban nhạc nào mà với tư cách ca sĩ độc lập “tự ca, tự quản”. Kim Anh vốn thích đi nên nhận lời ngay và cô đã hát cho một nhà hàng người Hoa ở New York, tất nhiên hát nhạc Hoa và nhạc nước ngoài. Chính ở đây Kim Anh đã hát như một ca sĩ chuyên nghiệp và hai bài hát “Mùa thu lá bay”, “Máu nhuộm bến Thượng Hải” mà cô hát cả bằng tiếng Hoa lẫn tiếng Việt đã đưa tên tuổi của Kim Anh lên hàng ca sĩ “ngôi sao” và khi nói đến Kim Anh người ta luôn gắn cô với cái tên Kim Anh - Mùa thu lá bay.
Đến giai đoạn này thì cuộc đời của cô ca sĩ Kim Anh - Mùa thu lá bay bắt đầu có những khúc quanh số phận. Năm 1982 cô nhận được tin của gia đình từ quê nhà gọi sang cho biết ba cô đang hấp hối và ông chỉ mong được nhìn thấy mặt cô, nghe giọng nói của cô mới yên lòng nhắm mắt. Trong hai điều mong ước của người cha mà Kim Anh rất mực kính yêu Kim Anh chỉ làm được một. Do không thể nào bay về Việt Nam được, Kim Anh đã nghĩ ra một cách, cấp tốc thu những bài hát của cô vào cuốn băng cassette để gửi về quê nhà cho ba cô nghe giọng hát thay cho lời nói của đứa con gái xa xứ.
Cuốn băng này gồm 11 bài hát mà Kim Anh hát tiếng Việt lẫn tiếng Hoa. Lúc đó Kim Anh cứ nghĩ rằng cuốn băng cassette thu các bài hát chỉ thay cho lời cô nói gửi về cho ba cô trước khi ông nhắm mắt chứ hòan toàn không nghĩ cuống băng sẽ làm nên tên tuổi của cô sau này.
Nhưng cuốn băng cassette đó đã về chậm hơn mọi người mong đợi. Nó tới gia đình khi ba cô đã mất được 3 ngày, nhưng mắt ông cụ vẫn mở và gia đình quyết định không tẩn lịm để chờ.
Khi nhận được cuốn băng, má Kim Anh đã cầm nó đến gần chô ông cụ và ghé tai nói với ông rằng: “Con nó không về gặp ông được, nhưng cũng đã gửi cuốn băng thu giọng hát thay cho giọng nói của con. Thôi ông yên lòng nhắm mắt ra đi để cho con không tủi thân nới đất lạ, quê người”. Lạ thay, ông cụ đã từ từ khép mắt lại, chỉ còn đọng một giọt nước mắt khô dưới quầng mắt của người vĩnh biệt ra đi.
(Còn nữa)
TỪ KẾ TƯỜNG