Ngày xưa hoàng thị - Kỳ 2: Có một vùng kỷ niệm

Thứ Sáu, 17/02/2023, 19:44 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Người ta nói “Yêu nhau là không có thời gian”. Đó chỉ là một cách nói chứ thật ra khi yêu nhau thời gian mới là hình ảnh lớn nhất với một người. Nói một cách khác, thời gian như không chịu dừng lại với ước mong của tình nhân. Thời gian đến bất ngờ nhưng không đợi. Nó cứ trôi và qua nhanh, sau một đêm sáng mai đã đầy thay đổi. Ta đã từng biết như thế. Chiều hôm qua cây bông giấy còn đầy hoa đỏ, sáng hôm sau hoa giấy đã rụng đầy trườc sân nhà. Ở đây, 3 câu sau của đoạn nhạc được trích dẫn người nhạc sĩ tài hoa đã báo trước cho ta biết kết thúc một cuộc tình học trò đã mở ra ở phần đầu bài hát. Thời gian đã báo hiệu như một điềm gở: “Xuân qua rồi thì chia tay phượng nở sang hè”.

Và mùa hè đã qua thật. Những bông phượng đầu mùa đã nở đỏ rực bốn hướng trời, choáng ngợp trên các con đường, nổi bật lên trên các thứ hoa khác. Mùa hè, tượng trưng cho những cái nắng oi ả và những cơn mưa sụt sùi. Buổi trưa về trên đường ta nghe tiếng ve kêu vang trên hàng phượng già đỏ ối bông và lá xanh che thành bóng mát tỏa xuống. Mùa hè, cũng có nghĩa là học trò phải chia tay nhau khi cổng trường đã đóng. Trên con đường đó không còn dáng em nữa, không còn bóng một chiếc áo trắng nào phất phới bay trong nắng, dật dờ trong chiêu mưa làm mềm lòng thành phố. Bầy chim sẻ trong sân trường tha hồ bay nhảy, mổ nhặt những hạt phượng rơi rơi. Hoa mười giờ đã tàn úa. Chỉ còn màu hoa phượng. Ôi mùa hoa phượng của tuổi học trò, của những lòng người thuở trước trải ra đầy một khoảng không gian mênh mông.

Mùa phượng chín đỏ của ta đó. Mùa phượng của những thay đổi bâng khuâng, nức nở như lũ ve buồn trên hàng phượng kia. “Xuân qua rồi thì chia tay phượng nở sang hè”. Ôi những mùa hạ làm bằng thứ thời gian kinh khiếp nhất. Không gì báo trước được đổi thay sau một mùa Hạ tưởng chừng như không có gì thay đổi. Nhưng khi cổng trường mở lại, mùa hoa phượng đã tàn úa, lũa ve chết trên cây, bầy chim sẻ bay vội bỏ lại khoảng trống trên những bồn hoa mười giờ đã cho thấy sự thay đổi không ai biết trước. Ta cũng như em. Đời bắt có những lần chia tay, và thới gian bắt có những mùa để không hẹn gặp lại. Chàng thanh niên mới lớn ngày nào bước theo em trên con đường nhỏ với tình yêu như mặt trời đỏ chói chang trước ngực sau khi đã lớn khôn trong đời sống. Lòng cũng đã thấm mệt vì đời sống. Hôm nay chàng trai tình cờ qua lại đường xưa khi mùa phượng đã hết, cổng trường mở lại với màu áo trắng cũ làm choáng ngợp hồn. Nhưng em đã không còn nữa.

Tà áo trắng xưa đã vắng, phai nhạt cùng màu nắng vàng úa của mùa thu. Những cơn mưa lớn hơn, xóa mờ dấu tích. Em không còn “ôm nghiêng tập vở tóc dài tà áo vớn bay”. Người nữ sinh xưa đã bỏ trường mà đi. Con đường kỷ niệm cũ chỉ là con đường vô hồn như bao con đường khác. Người tình nhỏ bé thuở đó bây giờ đã lớn, đã có những bước chân vội vàng chứ không còn em ấp trong mưa nhỏ nữa. Đời sống là ở đó. Hình ảnh của đôi tình nhân học trò dễ thương xinh xắn kia rồi cũng nhòa dần theo thời gian. Cô học trò “có vẻ” như đã lấy chồng sau một mùa hè chia tay hoa phượng đỏ. Còn chàng thanh niên thì lòng cũng thấm mệt rồi.

Rồi ngày qua, qua đi, qua đi

Như phai nhạt mờ đường xanh nho nhỏ

Như phai nhạt mờ đường xanh nho nhỏ

Hôm nay tinh cờ đi lại đường xưa, đường xưa

Cây xưa còn gầy nằm phơi dáng đỏ

Áo em ngày nọ phai nhạt mấy màu

Âm vang thuở nào bước nhỏ tìm nhau, tìm nhau

Xưa tan trường về. Anh theo Ngọ về

Nay trên đường này đời như sóng nổi

Xóa bỏ vết người. Chân người tìm nhau...

Hình ảnh của chàng thanh niên tình cờ trở lại cổng trường xưa sau một thời gin qua đi. Hình ảnh đẹp nhất của kỷ niệm ta đó. Cây xanh đã phai cùng với màu áo, trên mặt đường buồn như còn vang lại tiếng chân ngày nào. Lòng chàng thanh niên nghe như có ngàn cơn sóng nổi. Tiếng sóng vô tình, âm thầm nhưng khua động cả một đời người. Tiếng sóng xóa lấp tất cả vết chân hò hẹn xưa. Những ngày thơ dại tìm nhau, tìm cái bóng hạnh phúc đã vụt bay.

Ôi con đường về. Ôi con đường về

bông hoa còn đẹp lòng sao thấm mệt

Ngắt vội hoa này nhớ người thuở xưa, thuở xưa...

Trên con đường em đi về ngày cũ. Con đường như tiếng than kéo dài chỉ còn lại mình ta. “Bông hoa còn đẹp lòng sao thấm mệt, ngắt vội hoa này nhớ người thuở xưa, thuở xưa...”. Hình ảnh làm lòng ta đau nhói, cũng là 2 câu ngậm ngùi nhất của bài hát. Chàng thanh niên ngày ấy bây giờ lòng đã đóng cửa, thấm mệt. Ta thấy ngay cái đời sống mở rộng ngày xưa bây giờ là cánh cửa im ỉm, xua đuổi lạnh lùng, phụ bạc. Hình ảnh một bông hoa (hay cả một mùa hoa)  cũng tượng trưng cho tình yêu còn đầy, vẫn còn nồng nàn trong trái tim chàng thanh niên. Hai câu đó nói lên tất cả cái cô đơn của một người bước đi trên con đường cũ. Đồng thời diễn tả tâm trạng vừa cay đắng, vừa nồng nàn của một người đi tìm lại hình ảnh đã mất. Đã bay ra khỏi hạnh phúc vàng của mình.

Xưa tan trường về. anh theo Ngọ về

Xưa tan trường về. anh theo Ngọ về

Đôi chân mịt mù theo nhau bụi đỏ đường mơ

Xưa theo Ngọ về mái tóc Ngọ dài

Hôm nay đường này cây cao hàng gầy

Đi quanh tìm hoài. Ai mang bụi đỏ đi rồi...

Bài hát kết thúc và cuộc tình cũng kết thúc như thế. Không có gì rõ ràng cả. Ta chỉ đoán biết bằng cảm xủc của mình. Nhưng cuộc tình ở đây được dựng lên bằng hình ảnh đẹp, xinh xắn và nồng nàn. Những câu hát nhẹ nhàng nhưng buồn bã đó đúng nghĩa nhất cho một cuộc chia tay. Và nó phải được ghi chép trong những trang giấy trắng đầu tiên của cuốn vở học trò trước mùa tựu trường của niên học mới. Nhưng chắc chắn và ngậm ngùi nhất vẫn chỉ riêng với người “Lòng sao thấm mệt”… Bởi chỉ khi lòng sao thấm mệt ta mới quay về với kỷ niệm mong nhận từ khung trời ký ức ấy từng khoảnh khắc vỗ về, an ủi cho những rung động với những cơn mơ không thành trong đời sống.

Nhạc Phạm Duy đã làm cho thơ Phạm Thiên Thư trở thành quen thuộc của bất cứ người nào, đã, đang và sẽ trải qua những năm tháng ngồi trong lớp học, đứng trước cổng trường, đưa đón nhau đi về qua những ngã đường có tiếng ve ran, có màu phượng lửa, có đợi chờ, chia tay... Tất cả đó là vùng trời kỷ niệm một đời người, những tháng năm vui buồn, khổ đau, hạnh phúc. Vì thế nhạc Phạm Duy đã chấp cánh cho thơ Phạm Thiên Thư bay cao thành khúc tình ca mùa hạ mà lứa tuổi học trò hay lứa tuổi ngồi nhớ lại những mùa hạ đã qua trong đời mình cùng hát để sống lại, để nhớ về... NGÀY XƯA HOÀNG THỊ...

(Thơ Phạm Thiên Thư-Phổ nhạc Phạm Duy)

TỪ KẾ TƯỜNG

;
.