Hồn quê nhung nhớ...!
Thỉnh thoảng những khoảnh khắc tuổi thơ lại ùa về trong tôi với tất cả sự nhớ nhung da diết bất kể là ngày nắng hay ngày mưa. Có khi đó là hình ảnh thuở ấy thả diều dưới cánh đồng lúa trải dài mênh mông, hay được nghe bà ngoại đưa võng những buổi trưa hè kể câu chuyện cổ tích. Đó là tuổi thơ có cỏ cây, bầu trời, tiếng cười trong veo, đất bùn lấm lem, những bài học từ cuộc sống và bao câu hỏi tại sao.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, những hình ảnh quá đỗi quen thuộc ấy giờ đây đã trở thành miền hoài niệm dấu yêu trong tôi. Đã hơn mười lăm năm, kể từ ngày rời xa vùng quê ấy đến với Bà Rịa-Vũng Tàu theo tiếng gọi tình yêu, tôi mới thấy sao thương quá đỗi quê hương mình.
Nhớ đến thắt lòng là khi đi học về mà có chén cơm nguội ngoại để dành cho. Tôi thích hít hà cái mùi của khói trong chái bếp của ngoại. Mỗi khi nghe thấy tiếng ngoại đang chuẩn bị củi nhóm lửa là bụng sôi òng ọc. Ngày ấy đói khổ, cứ nhắc ngoại nấu cơm là phải cho thêm chút nước rồi xin ngoại chén nước cơm lót dạ. Thế mà lại ngon.
Nỗi nhớ ấy bất chợt dừng lại bên hiên nhà tranh có từng ô gạch đã chứng kiến những bước đi chập chững đầu tiên của chị em chúng tôi mà mẹ đã vỡ hòa hạnh phúc, còn ba thì vỗ tay cỗ vũ “cố lên nào con gái của ba ơi”. Là nơi ba chỉ cho những bài học đầu tiên khi bi bô học nói “đây là cái quạt mo, kia là cái bóng đèn...”.
Cứ thế cả thế giới theo ngón tay ba chỉ, đôi mắt tròn ngây thơ, rồi một ngày bật lên tiếng gọi “ba”. Ba ở bên ta từ ngày chập chững đến những ngày sắp khôn lớn, trưởng thành. Chính góc hiên nhà đã có những đêm mất điện cả nhà cùng ôn lại chuyện xưa cũ. Ngồi nghe ba mẹ kể cái thời còn yêu nhau, ba cưa mẹ ra sao, mẹ chảnh như thế nào. Thấy mẹ cười khúc khích rồi đấm vào lưng ba thùm thụp, tình yêu bốn mươi năm qua của ba mẹ càng ngày càng đầy, bởi đã có nhiều hơn nữa những tình yêu nhỏ được sinh ra.
Ngôi nhà ba gian ấy ăm ắp tiếng cười cùng những bài học của mẹ dành cho con cái. Mẹ tôi vẫn thế, mẹ tất tả ngược xuôi. Quần ống thấp ống cao khi ra ruộng lúa, khi tới bãi ngô. Mẹ cõng đàn con đến trường học chữ biết bao mùa nước nổi. Trong mắt con, đôi bàn chân mẹ dù có thô ráp như thế nào đi chăng nữa thì vẫn luôn luôn đẹp nhất. Bởi đôi bàn chân của mẹ đã bươn chải suốt cả cuộc đời mà không hề mỏi mệt. Chính đôi bàn chân đó đã nâng hạnh phúc của đời con.
Trải nghiệm thêm những miền đất mới, trong nước có, ngoài nước có nhưng đôi khi lòng bỗng khựng lại vì những ký ức tuổi thơ xưa. Để rồi đau đáu hơn, thương yêu hơn miền quê nghèo. Để trân quý thêm những khoảnh khắc khi được trở về vòng tay của mẹ. Và để được sống lại với từng phút giây khó nhọc đã qua đi.
HƯƠNG THÙY