Ca sĩ Phương Dung - "Con nhạn trắng Gò Công"
Ca sĩ Phương Dung - “Con nhạn trắng Gò Công”. |
Ở đây chỉ vào những tối thứ Bảy, Chủ nhật mới có sân khấu nhỏ và ca sĩ tới hát như là một cách tăng thêm gia vị cho khách uống cà phê. Những ca sĩ này hầu hết chưa thành danh và việc đi hát không phải để mưu sinh mà chủ yếu để… vui là chính. Cũng giống như đôi nhạc sĩ-ca sĩ Trịnh Công Sơn-Khánh Ly hát ở Hội quán Văn, nằm trên đường Gia Long (Lý Tự Trọng) bây giờ.
Các tụ điểm vui chơi giải trí của Sài Gòn về đêm thời đó chủ yếu là phòng trà, vũ trường như: Đêm Màu Hồng, Queenbee, Tự Do… nơi đây tập trung các ca sĩ, ban nhạc đã thành danh hoặc ca sĩ mới xuất thân từ các “lò” đào tạo của Nguyễn Đức, Tùng Lâm được giới thiệu lên sân khấu “thử lửa”.
Tài không đợi tuổi
Trong số những ca sĩ trẻ mới nổi tiếng thời đó như Thanh Thúy, Minh Hiếu, Hoàng Oanh, Hà Thanh… có một ca sĩ rất chân quê, mộc mạc từ cái tên, trang phục, cách trang điểm cho tới giọng hát nhưng từ bài hát đầu tiên đã gây được ấn tượng, tạo được sự thương mến của khán, tính giả. Đó là ca sĩ Phương Dung mà sau này mang biệt danh là “Con nhạn trắng Gò Công”.
Phương Dung tên thật là Phan Phương Dung, SN 1946 tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang, xuất thân trong một gia đình làm nghề đánh cá. Phương Dung rời Gò Công lên Sài Gòn theo học bậc THPT ở trường nữ sinh Nguyễn Bá Tòng và mới 17 tuổi đã trở thành ca sĩ, nổi tiếng ngay với bài hát “Nỗi buồn gác trọ” của nhạc sĩ Mạnh Phát-Hoài Linh vào năm 1962.
Thời đó ca sĩ nổi tiếng ở phòng trà, vũ trường đều được các hãng, trung tâm băng nhạc, sản xuất đĩa nhựa săn đón mời ký hợp đồng thu âm. Sở hữu giọng hát ngọt ngào, chân chất, phù hợp với dòng nhạc quê hương và điệu bolero thịnh hành lúc bấy giờ, Phương Dung như được chắp thêm cánh, trở thành giọng ca được nhiều người ưa chuộng, không chỉ giới học sinh, sinh viên, trí thức thành thị mà ngay giới bình dân, nông dân cũng rất ái mộ.
Sau ca khúc “Nỗi buồn gác trọ”, Phương Dung đã thành danh và chiếm lĩnh thị trường âm nhạc với một loạt bài hát ghi đậm dấu ấn với tên tuổi mình một thời và đã vượt không gian, thời gian, tới tận bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc, nhất là giới trung niên nam, nữ, sống giữa 2 thế kỷ 20-21.
Người ta không quên giọng hát ngọt ngào, trữ tình, sâu lắng của Phương Dung với những bài hát: “Thu tím lá vàng” của Vân Tùng, “Sắc hoa màu nhớ” của Nguyễn Văn Đông, “Những đồi hoa sim của” Dzũng Chinh phổ thơ Hữu Loan, “Tạ từ trong đêm” của Trần Thiện Thanh, “Khúc hát ân tình” của Xuân Tiên và Y Vân, “Biết đâu tìm” của Hoàng Thi Thơ, “Đố ai” của Phạm Duy, “Rừng chưa thay lá” của Huỳnh Anh, “Sương lạnh chiều đông” của Mạnh Phát…
Giai đoạn từ 1962 đến 1974 là thời kỳ hoàng kim của ca sĩ Phương Dung, cô hầu như chiếm lĩnh đĩa nhựa 45 tour của Sóng Nhạc, Việt Nam, Sơn Ca, Hương Quê… Không chỉ tân nhạc mà cả cổ nhạc và tân cổ giao duyên của hãng đĩa Hồng Hoa, Trung tâm băng nhạc của Thanh Thúy, Trường Hải, Shotguns, Nghệ Thuật, Tâm Anh, Nhật Trường, Thương Ca, Premier… với các chương trình dành riêng cho giọng hát Phương Dung.
Có thể nói Phương Dung là một giọng hát riêng, không lẫn lộn trong “đội ngũ” ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn khá đông đảo lúc bấy giờ. Người ta chỉ nghe giọng hát thôi, chứ không cần nhìn mặt, cũng đã biết đó là giọng hát ngọt ngào, tình tự của “Con nhạn trắng Gò Công”.
Nguồn gốc biệt danh “Con nhạn trắng Gò Công”
Đến nay nhiều người vẫn thắc mắc tại sao ca sĩ Phương Dung lại mang biệt danh “Con nhạn trắng Gò Công” và ai đã đặt cho cô biệt danh này? Không phải ngẫu nhiên mà là có nguồn gốc hẳn hoi. Biệt danh này do nhà thơ, nhà báo Kiên Giang, Hà Huy Hà đặt và sau khi đăng giới thiệu Phương Dung trên báo chí kịch trường thời đó, biệt danh này gắn chặt với cô ca sĩ đất Gò Công cho tới bây giờ.
Năm 1968, ca sĩ Phương Dung lập gia đình với một phi công của chế độ cũ và rời quê hương định cư ở nước ngoài vào năm 1974. So với các nghệ sĩ khác, sau khi ra nước ngoài định cư, Phương Dung có cuộc sống êm ả, gia đình hạnh phúc hình như không có sóng gió và ồn ào nơi đất khách, quê người. Ca sĩ Phương Dung có 8 người con, 6 trai, 2 gái, tất cả đều thành đạt với sự nghiệp, trong đó có Phương Vy và Hoàng Ly, hai cô con gái liền kề, cô đầu là ca sĩ, cô sau là người mẫu. Trước đây gia đình Phương Dung định cư ở Úc, thời gian sau này, Phương Dung cư ngụ ở Mỹ sống với một trong hai cô con gái.
Dù hiện nay ca sĩ Phương Dung đã ở tuổi trên 70 nhưng chị vẫn tham gia biểu diễn cho các chương trình văn nghệ, các show trên đất Mỹ và một số nước khác. Đặc biệt là các chương trình văn nghệ mang ý nghĩa làm từ thiện và ca sĩ Phương Dung là một trong số ít những ca sĩ gắn bó với công tác xã hội từ thiện ở Việt Nam suốt 13 năm nay với tư cách cá nhân và cũng là một trong số ít những ca sĩ thường xuyên về nước tham gia biểu diễn sớm nhất, gắn với những chuyến về quê hương làm từ thiện.
Tấm lòng thiện nguyện
Chương trình đầu tiên khi Phương Dung tham gia biểu diễn ở quê nhà tại Nhà hát Hòa Bình mang tên là: “Chương trình Ca nhạc-Nụ cười và thời trang. Chương trình này cũng quy tụ nhiều nghệ sĩ trong nước lẫn nước ngoài và đây cũng là lần đầu tiên Phương Dung xuất hiện trên sân khấu quê hương với hai bài hát đã làm nên tên tuổi một Phương Dung thời son trẻ, đó bài: “Nỗi buồn gác trọ” và “Hoa nở về đêm”. Từ đó trở đi mỗi dịp hè Phương Dung lại trở về Việt Nam làm công tác xã hội từ thiện, chị là một trong những người sáng lập ra Hội See the Light để giúp đỡ những bệnh nhân và người nghèo đặc biệt là người nghèo phải mổ mắt.
Ngoài hoạt động này chị còn xây nhà tình nghĩa, tình thương, trường học, giúp những người hoàn cảnh khó khăn bị tai ương, bão lụt… suốt từ Quảng Trị cho đến Cà Mau mà đặc biệt là Gò Công nơi chị sinh ra. Từ năm 1999, ca sĩ Phương Dung đã về Việt Nam giúp đỡ mổ mắt cho 300 người mù ở Gò Công, Tiền Giang, những năm sau đó là Quảng Trị, Đồng Hới, Quảng Nam, Kông Tum, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau cho tới tận vùng sâu, vùng xa như…Óc Eo với chỉ tiêu là 300 ca mổ mắt, 200 trẻ em nghèo.
Điều đáng quý ở ca sĩ Phương Dung là chị làm việc nghĩa xuất phát từ trái tim nhân ái, tấm lòng thiện nguyện và chủ yếu do tiền chị kiếm được từ hoạt động biểu diễn cá nhân, bán băng, đĩa và sự giúp đỡ của các con, nhất là hai cô con gái vốn hoàn toàn ủng hộ việc làm từ thiện của mẹ. Dần dần việc làm này thuyết phục được giới văn nghệ sĩ hải ngoại, nhiều nghệ sĩ đã tham gia đóng góp vào quỹ nên chị đã có điều kiện làm việc nghĩa thường xuyên ở quê nhà theo đúng tâm nguyện của mình.
Gần đây, ca sĩ Phương Dung đã về nước thường xuyên hơn, chị được mời tham gia biểu diễn ở một số phòng trà ca nhạc tại thành phố. Giọng hát của “Con nhạn trắng Gò Công” vẫn được khán, thính giả tuổi trung niên ưa thích và nhiệt liệt ủng hộ mỗi lần chị có tên trong xuất diễn.
Ca sĩ Phương Dung đã có dịp trải lòng với người viết bài này sau một xuất diễn thành công ở một phòng trà ca nhạc. Chị bảo rằng tham gia ca hát ở quê nhà chỉ là phụ, nhằm đáp lại sự yêu mến của khán, thính giả đã không quên giọng hát của chị, đặc biệt là những bài hát đã ghi đậm dấu ấn một thời như là kỷ niệm của người hát lẫn người nghe.
Công việc chính của chị khi trở về Việt Nam mỗi dịp hè là làm công tác xã hội từ thiện, và việc này cũng xuất phát từ một lần chị ở nước ngoài có một cô gái nghèo bị bệnh mắt ở Gò Công đã gửi thư cho chị cầu cứu, nhờ chị giúp tiền để mổ mắt. Nhưng do công việc chị không về kịp, đến chừng chị mang tiền về giúp thì cô gái ấy đã bị mù. Từ đó ca sĩ Phương Dung ân hận và ám ảnh mãi nên phát tâm làm việc thiện, đặc biệt là giúp cho những bệnh nhân nghèo phải mổ mắt để tìm lại ánh sáng. Theo chị thì việc thiện cần làm ngay, kịp lúc mới thiết thực và hiệu quả, nhất là việc cứu người.
Ca sĩ Phương Dung cũng rất hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu quê nhà, dù đó chỉ là một sân khấu nhỏ, không “hoành tráng” lộng lẫy như ở các chương trình biểu diễn ở nước ngoài nhưng ở đây chị thấy gần gũi, thân thiết và chị đã hát hết lòng bằng tình cảm gắn bó với quê hương.
Đối với chị: “Tình yêu thì có vui, có buồn, có khi nở nụ cười hạnh phúc, có khi phải rơi nước mắt vì khổ đau. Nhưng với tình quê hương thì chỉ có niềm vui, nụ cười thôi chứ không có nỗi buồn. Và tình yêu quê hương là thứ tình không thể phụ bạc, nó chỉ lưu luyến theo thời gian, theo ta đi khắp nơi, càng xa càng nhớ. Và đó cũng chính là động cơ để “Con nhạn trắng Gò Công” dù có bay đi bất cứ đâu cũng có lúc bay về, không phải bay về để chao lượn cho vui mà chính là bay vể tổ ấm”.
Người viết bài này thật sự cảm động khi nghe một ca sĩ kỳ cựu, tuổi đời không còn trẻ, xa quê hương đã lâu tâm sự trãi lòng như vậy. Không gian cao rộng nào rồi cũng sẽ có lúc chìm lắng xuống, thời gian ngàn trùng nào rồi cũng có lúc phôi pha. Tiếng hát của người ca sĩ dù được nhiều người mến chuộng, cuộc đời có lúc được vinh danh nhưng rồi cũng có lúc chẳng còn ai nhớ nữa. Nhưng việc làm thiện nguyện vì một tấm lòng, không mang vụ lợi, giúp cộng đồng ruột thịt, quê hương, đất nước đang còn gặp khó khăn của một người con xa quê như Phương Dung chắc chắn sẽ còn để lại dấu ấn khó phai.
Chính vì thế chị đã vượt lên trên danh hiệu ca sĩ và hơn nữa, vượt lên trên tiếng hát của mình.
Với biệt danh “Con nhạn trắng Gò Công” đặt cho ca sĩ Phương Dung, nhà thơ, nhà báo Kiên Giang, Hà Huy Hà ngụ ý cô sinh ra trên mảnh đất Gò Công, mỗi lần lên sân khấu biểu diễn, dù ở các phòng trà, vũ trường hay các đại nhạc hội, Phương Dung đều thướt tha trong chiếc áo dài trắng, đẹp nền nã của người phụ nữ Việt Nam. Cô ca sĩ trẻ đẹp, chuyên mặc áo dài trắng khi lên sân khấu hát đã hóa thân là “Con nhạn trắng” của quê hương, bởi lẽ Gò Công là quê biển, vốn có rất nhiều nhạn biển bay rợp trời mỗi sáng, mỗi chiều. |
VÕ THU SƠN