Mới đây tôi có dịp nghe lại một ca khúc của của nhạc sĩ Xuân Tiên thuộc vào loại “một thời vang bóng” do ca sĩ Hoàng Oanh hát. Đó là ca khúc “Mong chờ”. Theo tôi nhạc sĩ Xuân Tiên đã viết ca khúc này trong một lúc xuất thần bằng tất cả những cảm xúc đang dâng trào của mình.
Nhạc sĩ Xuân Tiên |
Nặng tình quê hương
Ca khúc “Mong chờ” từ ca từ đến giai điệu đều thể hiện được giây phút thăng hoa của người nhạc sĩ, ca từ đã đẹp, ý nhạc đã sâu lắng và bối cảnh của “Mong chờ” trải ra trên một dòng sông nổi tiếng thơ mộng của Huế: sông Hương, trong một đêm trăng cuối mùa với con thuyền của ai đó lặng lờ trôi nhưng lại chở nặng hình bóng của người con gái đã không còn với cuộc tình xa xưa nữa của chính nhạc sĩ Xuân Tiên hay của bất cứ một người đàn ông nào vẫn còn thương nhớ, nặng lòng với một hình bóng đã mất.
Ca khúc “Mong chờ” với giai điệu Slow Rock chậm buồn, hợp âm La thứ nhịp 4/4 của Xuân Tiên sáng tác vào đầu thập niên 1950 đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ trước ca sĩ Hoàng Oanh hát nghe đã rất xúc động vì lời ca, ý nhạc dễ đi vào lòng người. Bây giờ, nghe ca sĩ Hoàng Oanh hát ca khúc này ở hải ngoại, trên một sân khấu ở hải ngoại với dàn nhạc và phần đệm sáo trúc của chính nhạc sĩ Xuân Tiên mới thấy được hết cái đẹp của một dòng Hương Giang. Dòng sông chở nặng trời Huế, đất Huế, đêm trăng mùa tàn phai của Huế và tôi cảm nhận được nỗi thổn thức, u hoài của một kẻ mong chờ một bóng hình không trở lại.
Sông Hương sầu mộng đêm trăng ấy và người ngồi đợi một bóng hình xa xôi, khuất nẻo đâu đó trên bờ sông Hương dưới bóng trăng với giọng hát trầm lắng, có khi lên cao vút nghe thoảng như tiếng gió lướt thướt, vụt qua trên mặt nước sông Hương nhuộm “ánh vàng tan” dẫu ai đó không về, trái tim đã chai đá theo thời gian và cuộc sống khác chắc cũng phải mềm lòng, để rơi nước mắt khóc cho cuộc tình đã không trọn, đời đã không có đôi và tình đã bay theo thiên lý, dặm trường.
Ca sĩ Hoàng Oanh bây giờ đã lớn tuổi, thuộc thế hệ của Thanh Thúy, Hà Thanh, Minh Hiếu, Phương Dung, Kim Loan… sắc vóc không còn như thủa thanh xuân, giọng hát không còn đầy nội lực nhưng lại có cái sâu lắng của năm tháng, thời gian, cách xử lý ca từ, giai điệu, luyến láy mượt mà và vẫn có sức thu hút lòng người, nhất là đối với những bài hát hợp với chất giọng của cô.
Không những thế, ca khúc “Mong chờ” của nhạc sĩ Xuân Tiên theo tôi cảm nhận chỉ đến khi ca sĩ Hoàng Oanh ở tuổi này, trong hoàn cảnh xa quê, sống đời viễn xứ mới lột tả hết tất cả những rung động của bài hát, tâm hồn nhạc sĩ muốn trải ra, gửi gắm không chỉ cho một hình bóng lãng đãng trên sông Hương một đêm trăng tàn, một người yêu dấu đã khuất nẻo muôn phương mà cho chính những người đồng điệu, đồng cảnh ngộ nơi đất khách, quê người.
“Kìa trăng lên cao đang soi sáng
Dòng Hương Giang kia như lơ đãng
Mặc thuyền bồng bềnh theo bóng thời gian
Thuyền ơi sao lênh đênh trôi mãi
Về đâu? Ngang qua hay dừng lại
Dừng lại để tôi nhắn ai vài câu…”
Đây là đoạn đầu của bài “Mong chờ” của nhạc sĩ Xuân Tiên được Hoàng Oanh thể hiện bởi giọng ca nấc nghẹn của mình khiến ai một lần nghe cô hát bài này cũng không khỏi chạnh lòng và theo tôi, không ai hát bài này qua nổi ca sĩ Hoàng Oanh, nhất là khi có phần sáo trúc của chính tác giả bài hát - nhạc sĩ Xuân Tiên. Cả người hát vẫn người sáng tác nhạc phẩm “Mong chờ” cách nhau một thế hệ nhưng đều đã ở ngưỡng cửa của cõi thiên thu.
Hoàng Oanh lên sóng phát thanh khi mới 8 tuổi. |
8 tuổi đã lên đài phát thanh
Nhưng ta hãy quay lại với trên dưới 60 năm về trước khi Hoàng Oanh hãy còn là cô bé Huỳnh Kim Chi (quê Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) sinh trưởng trong gia đình nền nếp, có 6 chị em. Cô bé Kim Chi rời quê nhà lên Sài Gòn ở với gia đình bên ngoại đi học trường Tiểu học Phú Nhuận. Ngay từ bậc tiểu học, cô bé Huỳnh Kim Chi đã tỏ rõ năng khiếu ca hát bẩm sinh, có lẽ cô mang sẵn trong người dòng máu nghệ sĩ, vì thân phụ cô cũng là một nghệ sĩ.
Lên 8 tuổi Kim Chi đã thể hiện tài năng của mình trên sân khấu với 2 bài hát “Hương lúa miền Nam và “Có một đàn chim”.
Với 2 bài hát ở tuổi thiếu nhi này Kim Chi đã tạo được sự chú ý của giới ca nhạc và các “lò” đào tạo ca sĩ thời bấy giờ. Cô bé Kim Chi đã được một số “ông bầu”, “bà bầu” phụ trách chương trình ca nhạc thiếu nhi trên đài phát thanh mời tham gia. Thế rồi trên làn sóng phát thanh dạo đó, có một giọng ca mới, trong trẻo, ngọt ngào, lạ, xuất hiện trong các Ban nhạc Thiếu nhi như: Ban Tuổi Xanh của nghệ sĩ Kiều Hạnh, Ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức… và chính “ông bầu” Nguyễn Đức đã nhận cô bé Kim Chi vào “lò” đào tạo ca sĩ của mình để rèn luyện thêm kỹ năng ca hát cho một cô bé đầy triển vọng trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Hết bậc tiểu học, Huỳnh Kim Chi vào bậc trung học. Cô bé hát hay, học giỏi đã thi đậu vào Trường nữ sinh Trung học Gia Long hay còn gọi là trường Áo tím bởi nữ sinh học trường này thường mặc đồng phục áo dài màu tím. Năm đó, Kim chi học lớp đệ thất, lớp đầu cấp 2 Trung học Phổ thông (lớp 6 bây giờ) mà lúc đó thi vào rất khó vì đây là trường công lập nổi tiếng song song với Trường nữ sinh Trung học Trưng Vương.
Kim Chi vừa đi học, vừa đi hát và do có chất giọng ngâm thơ ngọt ngào nên không chỉ Kim Chi được mời hát mà còn ngâm thơ. Tất nhiên không có trường đào tạo ngâm thơ, nhưng nhờ chất giọng thiên phú, phù hợp với ngâm thơ nên Kim Chi học tập kinh nghiệm từ những giọng ngâm thơ nổi tiếng thời bây giờ như: Hồ Điệp, Quách Đàm, Tô Kiều Ngân… để diễn ngâm trên các chương trình tiếng thơ của đài phát thanh.
Năm cô bé Huỳnh Kim Chi học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ) ngoài việc học giỏi trong lớp học, cô đã nổi tiếng là một ca sĩ thiếu nhi và ngâm thơ trên đài phát thanh, trên các chương trình đại nhạc hội. Một hôm cô giáo dạy văn của lớp giảng bài, cần một học sinh biết ngâm thơ để diễn ngâm bài thơ cô chọn nhằm minh họa cho bài giảng thêm sinh động, cô giáo nhìn xuống lớp học nói lên yêu cầu mình và hỏi ai tình nguyện để ngâm thơ? Cả lớp học dồn mắt vào Kim Chi và tiến cử cô học trò nhỏ nhắn, hiền lành ngồi khép nép núp sau lưng bạn lên bục giảng bài của cô ngâm thơ. Chính cô giáo dạy văn đã rất ngạc nhiên trước giọng ngâm thơ điêu luyện, ngọt ngào của cô học trò lớp mình phụ trách.
Con đường ca hát chuyên nghiệp
Giọng ngâm thơ của Kim Chi không chỉ làm cho bài giảng của cô giáo dạy văn thêm sinh động mà khiến cả lớp học say mê. Từ đó, Kim Chi trở thành “cây văn nghệ” không chỉ của lớp mà của toàn trường Gia Long. Và cũng chính từ thời điểm này, Kim Chi bước vào tuổi thiếu nữ và bước luôn lên con đường ca hát và nhanh chóng nổi tiếng như một tài năng đang độ phát triển.
Từ “lò” đào tạo của nhạc sĩ Nguyễn Đức, một “ông bầu” mát tay trên lĩnh vực đào tạo những mầm non văn nghệ để đưa lên “đấu trường” ca nhạc và hầu như ai xuất thân từ lò đào tạo này về sau đều nổi tiếng, trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, cô thiếu nữ Kim Chi cũng thế, và đã trở thành ca sĩ Hoàng Oanh sau này ngoài tài năng thiên phú bẩm sinh cũng không thể phủ nhận có công lao của “ông bầu” Nguyễn Đức. Lúc bấy giờ Hoàng Oanh đã tham gia vào các ban nhạc nổi tiếng của đài phát thanh như Hoàng Trọng, Phạm Mạnh Cương, Phó Quốc Lân, Tiếng hát đôi mươi của Nhật Trường, Tiếng thùy dương của Châu Kỳ,…
Đến thời thu băng, đĩa thì Hoàng Oanh là một trong số ít ca sĩ được mời thu băng, đĩa nhiều nhất. Tính ra vào thời điểm đó, cô ca sĩ nhỏ nhắn này đã thu hơn 200 đĩa hát với các hãng băng đĩa nổi tiếng thời bấy giờ như: Việt Nam, Sơn Ca, Thiên Thai, Continental… Nhưng nếu tính bài hát đầu tiên Hoàng Oanh thu đĩa là 2 bài “Biệt kinh kỳ” và “Về đâu mái tóc người thương”.
(Còn tiếp)
TỪ KẾ TƯỜNG