Cách nay 20 năm, tôi tham gia trại sáng tác văn học nghệ thuật thường niên của Hội VHNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại nhà sáng tác Nha Trang. Và ở đó tôi đã có một kỷ niệm “đặc biệt” với nhà thơ Giang Nam mà đến giờ nhắc lại tôi vẫn cảm thấy mặt nóng ran vì xấu hổ.
Chuyện đi trại thì các văn nghệ sĩ từng dự trại biết rồi. Hầu hết các trại viên đi để lấy tư liệu, tìm cảm hứng sáng tạo là chính. Những người đi cùng đoàn hồi ấy ngoài nhà thơ Xuân Sách còn có nhà thơ Phạm Văn Đoan, nhà văn Trường Thanh, nhà thơ Dương Cao Tần, nhà thơ Xuân Sáu… Họ hầu hết đều đã có kinh nghiệm đi trại sáng tác, nghĩa là đã chuẩn bị bài hoặc ít nhất cũng có đề cương bài cũ để nộp rồi, nhưng tôi lúc đó đang làm ở một công ty xây dựng, tranh thủ nghỉ phép thì dự trại luôn nên chả chuẩn bị gì.
Đi trại sáng tác không có bài sẵn thì một là phải đóng cửa ngồi trong phòng mà cày, còn muốn đi chơi thì cứ thơ mà nộp (Xin lỗi các nhà thơ!). Thơ thường chỉ có mấy chục chữ, làm xong, chép tay đẹp đẽ, sạch sẽ nữa là coi như hoàn tất tác phẩm, nhanh và tiện đủ bề. Viết văn thì sau khi hoàn tất còn phải thuê đánh máy, xem lại lỗi morat rồi mới lưu vào đĩa, mang đi in, mất bao công chứ làm gì có laptop, smartphone tiện dụng như bây giờ.
Tôi được giới thiệu trong danh sách đăng ký tham dự trại là “chuyên ngành văn xuôi” nên ban ngày lang thang khắp Nha Trang, tối về vẫn phải cố cày cho xong một cái truyện ngắn. Tuy nhiên nếu nộp có mỗi một cái truyện thì xấu hổ quá, mà nhiều truyện thì viết không nổi (truyện hồi đó thường dài năm đến bảy ngàn chữ chứ không ngắn như bây giờ). Thế nên dù chả biết làm thơ, tôi cũng cố đẻ ra ba, bốn bài, nộp cho nó có vẻ là mình dự trại nghiêm túc. Trong báo cáo tổng kết sẽ có câu “Trong thời gian dự trại, các văn nghệ sĩ đều hăng say lao động nghệ thuật, có nhiều tác phẩm nộp như...”. Và mọi chuyện bắt đầu từ đây.
Trong buổi lễ bế mạc trại, MC: Cố nhà thơ kiêm nghệ sĩ nhiếp ảnh Quốc Văn, giới thiệu có nhiều quan khách đến dự, trong đó có nhà thơ Giang Nam - nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà. Sau phần báo cáo tổng kết là phần giao lưu.
Các nhà thơ ai cũng phải lên đọc một, hai bài thơ mới sáng tác trong trại. Tôi tin chắc là ban tổ chức sẽ không bao giờ yêu cầu các tác giả văn xuôi lên đọc truyện ngắn hay tiểu thuyết nên cứ việc yên tâm ngồi im phía dưới.
Thế nhưng chừng nửa tiếng sau bỗng giật mình nghe thấy: “Xin mời nhà thơ Bùi Đế Yên!”. Tôi đứng lên, hiểu ngay ra vấn đề. Trưởng đoàn và MC đã căn cứ theo tác phẩm nộp hôm trước mà phong danh cho trại viên. Họa có điên thì mới cãi lại là cháu chuyên viết văn xuôi, không biết làm thơ…
Nhưng đọc thơ thì nói thật tôi không thể nhớ nổi mấy bài thơ làm vội mới nộp có ra hồn thơ không nữa, chứ nói gì thuộc để đọc, nhất là khi nó lại được đọc qua micro có loa khuếch đại âm thanh và trước mặt những nhà thơ tên tuổi như Giang Nam, Xuân Sách nữa chứ.
Cái khó ló cái khôn, bước lên sân khấu tôi nói nhanh: Cháu là kẻ mới tập tành làm thơ, thơ dở nên không thể bắt các nhà thơ chuyên nghiệp ngồi đây nghe thơ cháu được. Nhân vì có nhà thơ Giang Nam, tác giả bài thơ Quê hương nổi tiếng ở đây, vậy cháu xin đọc bài thơ Quê hương tặng bác và mọi người ạ. Cả hội trường vỗ tay còn tôi thì thuận miệng tuôn luôn:
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi mát những hàng tre…” đọc vừa xong hai câu đầu, nhìn mặt mấy bác nhà thơ cùng đoàn phía dưới đã thấy có vấn đề gì đó không ổn rồi nhưng nói thật là chưa kịp nghĩ ra đó là chuyện gì thì đã đọc xong bài rồi.
Và khi nhà thơ Giang Nam chạy lên ôm chúc mừng vì: “Cháu đọc bài thơ hay quá!”, tôi mới thoảng thốt nhận ra sai lầm chết người của mình. Nhưng lúc đó thì còn làm được gì, tôi đã về đến chỗ ngồi rồi. Suốt thời gian còn lại tôi cúi gằm mặt xuống, run lẩy bẩy chỉ đợi kết thúc buổi lễ để chạy vội tới xin lỗi nhà thơ Giang Nam.
Khi tôi chưa kịp cất một lời nào, nhà thơ đã nắm tay, xoa đầu tôi an ủi: Không có gì đâu cháu. Bác chạy lên ôm, khen cháu vì cháu đã đọc nhầm chứ nếu cháu đọc đúng bài của bác thì bác sẽ chỉ ngồi dưới vỗ tay thôi. Nhầm là chuyện thường tình với cả những diễn giả chuyên nghiệp cơ…”. Tôi lúc ấy nửa muốn khóc, nửa muốn kiếm cái lỗ nào đó chui xuống, ấp úng mãi hai câu xin lỗi và cám ơn.
Vì cái tội nhầm lẫn giữa hai bài thơ “Quê hương” và “Nhớ con sông quê hương” mà tôi được ngồi ăn cơm cùng bàn với bác, được đọc lại bài thơ của bác, không sai một từ. Ngoài ra tôi còn được bác kể cho nghe rất nhiều chuyện vui về cách xử lý những sai lầm như thế trong ngành ngoại giao. Một phần nhờ bác mà tôi hiểu lý lẽ là đừng bao giờ chấp nhất ai đó chỉ vì một lời nói, một hành động, để hiểu và đánh giá đúng bản chất một con người, sự việc, cần phải có một quá trình lâu dài.
Sau này khi nghe một nhà thơ gạo cội, mà tôi cũng rất ngưỡng mộ, có nói nhà thơ Giang Nam thế nọ thế kia, rồi phân tích và nhận xét bài thơ Quê hương là bình thường, đơn điệu, kém chất thơ… tôi đã nói: Cháu không đủ tầm để tranh luận về những tác giả tên tuổi như Tố Hữu, Tế Hanh, Giang Nam… Tuy nhiên cháu chắc cháu thuộc bài thơ không phải vì bị bắt buộc phải học thuộc lòng theo sách giáo khoa đâu ạ! Tôi thuộc vì tôi thích bài thơ ấy.
Tới tận bây giờ tôi vẫn cảm thấy biết ơn nhà thơ Giang Nam về cách cư xử vừa tinh tế nhẹ nhàng vừa gần gũi đời thường y như lời thơ giản dị, dễ nhớ, dễ cảm của bài Quê hương vậy!
BÙI ĐẾ YÊN