Nhà thơ Giang Nam, tác giả bài thơ Quê hương cùng nhiều tác phẩm thi ca nổi tiếng khác đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9 giờ 45 phút, ngày 23/1/2023 (tức mùng 2 tháng Giêng năm Quý Mão), hưởng thọ 94 tuổi. Nhà thơ Giang Nam đã sống và cống hiến trọn đời cho con đường cách mạng, con đường thơ ca của đất nước, dân tộc mà ông đã lựa chọn.
Nhà thơ Giang Nam. |
Tin tác giả bài thơ Quê hương ra đi vào sáng mùng hai Tết Quý Mão gây một niềm xúc động lớn lao trong giới văn học và công chúng yêu thơ nước nhà. Bởi từ lâu, Quê hương của Giang Nam đã làm thổn thức hàng triệu con tim: “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”.
Quê hương đã đưa Giang Nam lên đỉnh cao của thơ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ cùng với Thanh Hải, Thu Bồn… Giang Nam đã sống trọn vẹn 95 mùa xuân với những gian nan thác ghềnh nhưng cuối cùng nhà thơ cũng cập bến bờ hạnh phúc. Rồi mùa xuân thứ 95 này, nhà thơ đã ở lại mãi mãi với đất mẹ quê hương.
Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1928. Ông lớn lên bên dòng sông Dinh êm đềm xanh biếc rặng tre đôi bờ thuộc thị xã Ninh Hòa. Miền đất êm đềm, thanh bình đó tạo cho Giang Nam tính cách rất hiền lành, nhân hậu, chừng mực.
Thấy con trai có khả năng nên cha ông đã gửi ông ra Quy Nhơn học ở Trường Quốc học. Nơi đây vốn được mệnh danh “đất võ trời văn”, đã khơi gợi niềm yêu thích văn chương của chàng thanh niên đất Khánh Hòa.
Cùng thời điểm đó, ở Trường Quốc học Quy Nhơn có những đàn anh là nhà thơ nổi tiếng như: Xuân Diệu, Yến Lan, Chế Lan Viên… Bút danh Giang Nam là do yêu mến thơ Hồ Zếnh, Nguyễn Sung đã chọn từ ý Khúc Linh Cầu của nhà thơ gốc Trung Hoa: “Tô Châu lớp lớp phủ kiều/ Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam”.
Nhà thơ Giang Nam tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu chống Pháp, sau đó suốt thời kỳ chống Mỹ ông ở lại chiến trường miền Nam tham gia hoạt động văn nghệ, làm tới chức Phó Tổng Thư ký Văn nghệ giải phóng, được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu…
Nhà thơ Giang Nam cùng vợ và con gái năm 1973. Ảnh: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH |
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông ở lại Sài Gòn để làm việc. Sau đó, ông được điều động ra Hà Nội đảm nhiệm những chức vụ quan trọng như: Thường trực Hội Nhà văn, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ. Những năm tháng sau đó, ông về quê hương đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh và Khánh Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ông cùng các nhà thơ Thanh Hải, Thu Bồn… được coi là những lá cờ đầu của thơ ca thời kháng chiến chống Mỹ. Trong một lần gặp gỡ văn nghệ sĩ miền Nam thăm mình, Bác Hồ đã nói như lời hỏi thăm người con miền Nam yêu dấu: “Thơ của Giang Nam rất có tình!” Bác rất mong muốn gặp ông, nhưng tiếc thay ông chưa có dịp gặp Bác.
QUÊ HƯƠNG Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ: “Ai bảo chăn trâu là khổ?” Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao Những ngày trốn học Đuổi bướm cầu ao Mẹ bắt được... Chưa đánh roi nào đã khóc! Có cô bé nhà bên Nhìn tôi cười khúc khích... *** Cách mạng bùng lên Rồi kháng chiến trường kỳ Quê tôi đầy bóng giặc Từ biệt mẹ tôi đi Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!) Cũng vào du kích Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!) Giữa cuộc hành quân không nói được một lời Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại... Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi... *** Hòa bình tôi trở về đây Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày Lại gặp em Thẹn thùng nép sau cánh cửa... Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!) Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng... Hôm nay nhận được tin em Không tin được dù đó là sự thật Giặc bắn em rồi quăng mất xác Chỉ vì em là du kích, em ơi! Đau xé lòng anh, chết nửa con người! Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm Có những ngày trốn học bị đòn roi... Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất Có một phần xương thịt của em tôi! |
Bài thơ Quê hương là điển hình cho sự nghiệp sáng tác của Giang Nam. Mặc dù xuất phát từ cảm xúc cá nhân khi nghe tin vợ và con gái bị giặc giết hại ở nhà tù Phú Lợi, Sông Bé (sau này được tin họ vẫn còn sống), nhưng khi thể hiện ông lại rất sáng tạo, có chất bay bổng mang tính khái quát về hình ảnh miền Nam thời chiến tranh. Ông kể nhiều lần về đêm thức trắng viết trọn bài thơ Quê hương ở núi rừng chiến khu Hòn Dù để khóc thương vợ con. Từ nơi làm việc, ông hay nhìn về phía biển Cửa Bé, Nha Trang - quê hương người vợ yêu dấu của mình và từ nay khi vào nhân vật “cô du kích nhà bên” đã thành biểu tượng văn học bất hủ. Có lẽ so với hai bài thơ có cùng chủ đề về người phụ nữ mất và hy sinh trong thơ ca kháng chiến chống Pháp: Màu tím hoa sim của Hữu Loan và Núi đôi của Vũ Cao thì Quê hương đời hơn, mãnh liệt hơn nhiều: “Giặc bắn em rồi, quăng mất xác/Chỉ vì em là du kích em ơi!”, hay “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi”...
Giờ đây, giữa những ngày xuân ngát hương hoa lá, nhà thơ về với mảnh đất chiến khu Đồng Bò năm xưa, nơi ông làm nên bài thơ Quê hương nổi tiếng và thanh thản yên nghỉ giữa lòng đất mẹ yêu thương.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Hơn 90 năm sống trên thế gian này, nhà thơ Giang Nam đã đi hết con đường mà ông đã chọn và cần phải đi. Đấy là con đường của một người chân chính, con đường của một chiến sĩ đấu tranh cho độc lập và tự do của Tổ quốc và con đường của một nhà thơ. Nhìn lại toàn bộ cuộc đời của ông, chúng ta nhận thấy rằng: mỗi ngày sống của ông là một bài thơ lớn và mỗi bài thơ ông viết ra đều mang hơi thở một đời sống lớn của dân tộc. Ông là một ví dụ được viết hoa cho lẽ sống của một con người. Con người mang tên Giang Nam ấy đã dâng hiến không biết mệt mỏi cho những điều tốt đẹp nhất của dân tộc. Ông là một ví dụ viết hoa cho sứ mệnh của một nhà thơ”. |
Quê hương chạm vào lòng người vì sự thân quen
Sự cuốn hút của Quê hương bắt đầu với những câu thơ dung dị và cảm xúc tự nhiên, dễ chạm vào lòng người. Quê hương của Giang Nam như thể là quê hương mà bất cứ ai cũng có: “Tuổi còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/ Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…”
Bài thơ ra đời năm 1960, khi nhà thơ Giang Nam đang ở chiến khu Khánh Hòa thì nhận được tin vợ và con gái đầu lòng bị địch sát hại trong nhà tù ở Biên Hòa. Trong tâm trạng đầy nỗi đau thương, mất mát những câu thơ cứ tự nhiên tuôn chảy đầu ngòi bút. Nên chỉ khoảng một giờ, ông đã viết xong bài thơ đầy cảm xúc. Bài thơ sau khi ra đời đã nhanh chóng được lan tỏa và được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy. Nhưng phép màu đã xảy ra, khi vào năm 1973, hai vợ chồng nhà thơ Giang Nam đã gặp lại nhau ở đất thép Củ Chi và thông tin trước đó là có sự nhầm lẫn.
Có thể thấy, cuộc đời nghệ thuật của văn nghệ sĩ chỉ cần có một tác phẩm để lại ấn tượng trong lòng công chúng đã là thành công. Nhưng với nhà thơ Giang Nam, ngoài bài thơ Quê hương còn có rất nhiều sáng tác khác đều đem đến cho độc giả những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Dòng suối thơ ca Giang Nam đã ngừng chảy, nhưng những người yêu mến ông, yêu mến thơ vẫn sẽ mãi luôn nhớ về những câu thơ đậm tình của ông. Sinh thời, ông vẫn quan niệm: “Bài thơ hay là bài thơ đi vào lòng người, dù chỉ đọc qua một lần và không chịu rời ra nữa. Nó truyền cảm xúc, rung động chủ quan của tác giả đến người đọc… Thơ kêu gọi cái thiện, làm cho con người sống đẹp hơn, cuộc sống đáng yêu, đáng quý hơn…”.
Xin vĩnh biệt nhà thơ Giang Nam - người đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng, cho sự nghiệp văn hóa, để lại cho đời những áng thơ chan chứa tình người, tình đời, tình quê hương, đất nước…
DƯƠNG TRANG HƯƠNG - GIANG ĐÌNH
Nhà thơ Giang Nam đã để lại cho đời 7 tập thơ; 2 tập trường ca; 4 tập truyện ngắn, bút ký; 1 tập hồi ký văn học. Trong đó, có gần 20 bài thơ viết về Bác Hồ. Năm 2001, nhà thơ Giang Nam được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với 3 tập thơ Quê hương - Hạnh phúc từ nay - Thành phố chưa dừng chân.