Má Hiền ngồi bần thần hồi lâu trước cái màn hình vô tuyến bốn mươi ba in. Bà kéo vạt áo thấm nước mắt. Hình ảnh từng đoàn người bất lực rời khỏi các khu công nghiệp ám ảnh tâm trí bà. Có người hành lý đã buộc trên xe rồi mà chùng chình không đi. Mắt như dán vào mấy tấm bảng hiệu của công ty.
Quá tuổi để xin việc làm, họ biết đi đâu, về đâu? Bao nhiêu năm cống hiến cho công ty. Con người như một chiếc máy đã được lập trình. Mọi thứ đều làm theo dây chuyền.
Vật giá mỗi ngày đội lên theo cấp số nhân, mà đồng lương ngày càng eo hẹp do làm không đủ công. Giờ thì mất hẳn việc, công ty giải thể. Đến cả chủ doanh nghiệp còn điêu đứng, nói gì tới công nhân làm công ăn lương.
Đận trước người ta rời đi vì dịch bệnh, lần này thì công ty giải thể vì hết đơn hàng.
Lành qua chơi, lặng lẽ ngồi nhìn ba Hiền so lại dây đờn, gảy vài nốt tưng tưng. Lâu rồi ông chẳng đờn hát với ai. Ông bỏ rượu thì bạn nhậu cũng tự nhiên xa lánh, lạ thiệt. Cứ gì phải say sưa mới vui. Không uống được nhưng ông vẫn chịu ngồi nghe mấy ông bạn nói chuyện phiếm, thi thoảng đế thêm vài câu, rồi cười cùng. Chỉ vậy mà cũng khó quá.
Bảy Thà nói, nam vô tửu như kỳ vô phong. Không chịu uống thì quá bằng về mang cái váy vợ qua mà ngồi, đỡ chướng mắt. Vầy thôi còn ưng gì nữa mà la cà, con ha, Lành ha. Ba Hiền cười mắt với cậu hàng xóm, cũng là người bạn thân thiết của con gái mình.
Má Hiền ngoái ra nhìn chồng. Ba nó coi hay mình gọi con về trớt, ruộng đồng rau củ nuôi nhau. Tui thấy con nó vật vạ trong nớ cực quá ba nó ơi!
Ba Hiền không nói gì, tay mải mê so dây. Lát sau mới thủng thẳng. Tụi nó lớn rồi, đi chán thì về, đã ai bắt tình bắt tội gì đâu. Má nó cũng phải để cho các con va vấp, vầy mới trưởng thành.
Má Hiền thở dài. Bằng trang bằng lứa nó nay người ta con bồng con bế rồi, bộ ba mi hổng hóng cháu sao?
Con cái là trời cho, có phước ắt có phần, má tụi nó đừng có sốt ruột.
Nói rồi ông nghiêng người, từng giọt đàn rỉ rả. Má Hiền ngồi mơ màng theo từng nốt ông phiêu.
Cuộc gọi của Hiền khiến ông ngưng tay đàn. Hai mái đầu đốm bạc chúi vào cái màn hình Samsung cũ cố cho con thấy đủ mặt mình. Giọng Hiền buồn thiu. Chắc nay mai công ty con cũng đóng cửa á ba má, lỡ dở vầy về quê hổng biết làm gì luôn. Ba má cho con ở trong này coi có gì làm hông, chứ về quê đận này buồn chết.
Về lấy chồng cho rồi, thằng Lành nó đang chờ con á! Giọng má Hiền tỉnh rụi. Bà đưa mắt nháy nháy ra hiệu với Lành. Hiền cười, lấy chồng mà má nói như mua rau vậy, lật qua lật lại rồi bỏ vào giỏ. Ơ, xưa má có kịp lật ba mày đâu, ổng ngang qua tao hốt luôn à, ngon lành hông. Cả nhà cùng cười nắc nẻ.
Lành bồi hồi nhớ lại ký ức kinh hoàng đã qua của những ngày tang thương dịch bệnh. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như hơi thở. Để rồi giờ đây, được chào nhau qua ánh mắt dưới làn khẩu trang bịt kín mà cảm giác hạnh phúc đến nghẹn ngào.
Còn nhớ, cái ngày mấy anh chị em rời quê vào phố lập nghiệp, nửa xa lạ, nửa thân thuộc. Xa lạ bởi nườm nượp phố xá, bởi lung linh cờ hoa, bởi rực rỡ đèn màu. Nhưng lại vô cùng ấm áp thân thương về tình người, tình đất.
Con hẻm Lê Văn Qưới dài hun hút với những dãy nhà trọ san sát. Những con người tứ xứ với nhiều giọng vùng miền pha trộn trọ trẹ nghe rất vui tai. Quán cà phê nơi mấy anh em phụ việc nằm khiêm nhường một góc phố. Có hẳn một tiệm mì Quảng cho mấy anh chị em tha hồ thương quê nhớ xứ. Chị chủ quán gốc người Sài Gòn mập tròn xinh xắn. Chị bảo mấy cưng yên tâm, hai nấu chuẩn vị Quảng cho mấy cưng ăn, bao ngon nha! Nhưng mà, thi thoảng cũng phải ủng hộ món miền Nam của người ta chứ chời!
Chồng chị là người Quảng, vào lập nghiệp rồi ở hẳn, thi thoảng về thăm quê. Bảo đất Sài Gòn dễ sống. Chỉ cần chăm chỉ và lương thiện, bạ đâu cũng sống được. Anh bảo về quê chạy xe sợ quá. Mấy chú thấy trong này không, xe cộ nườm nượp vậy chứ chỉ cần bật xi nhan là họ nhường cho mình qua luôn. Chạy xe như ở quê chắc sáng mai chưa về tới nhà.
Cả bọn cười thẹn thùng. Không phải anh bỏ quê mê phố, mà cái đó là sự thật, là văn hóa giao thông thôi. Cái gì cũng thành nếp.
Đận dịch hoành hành, cả khu trọ im ỉm. Nhà nhà cửa cài then đóng, gạo hết, tiền không. Mấy anh em cầu cứu khắp nơi nhưng mọi hệ thống liên lạc đều quá tải. Đồ từ quê gửi vào cước đắt đỏ, mà tới nơi cũng hư hỏng hơn phân nửa vì mắc kẹt lâu ngày nơi kho chứa. Đói, sợ, hoang mang, tinh thần rời rã. Nhận được cuộc gọi của anh chị mà rơi nước mắt. Mấy cưng qua nhà chị mang đỡ ít gạo về ăn, hổng có nhiêu vì anh chị còn chia sẻ nhiều người khác nữa. Chỗ mình chính quyền chưa tới hỗ trợ được, mấy cưng đừng bắt chước người ta quay clip nói này nọ, người ta làm lãnh đạo cũng áp lực dữ lắm. Tổ trưởng tổ dân phố thôi thì có quyền chức gì đâu mà cũng bị mang ra bêu riếu. Ấm ức lắm mà đành nhịn đấy, thiệt khổ.
Cả bọn dè sẻn từng lon gạo, từng miếng cá khô. Áp lực không gì tả xiết. Đêm, cái đói cồn cào ruột gan, giấc ngủ chập chờn mộng mị. Cứ quanh quẩn trong bốn bức tường nóng bức, tâm trí ngột ngạt. Chị lại gọi, hỏi mấy cưng sao rồi, còn sống đó chứ! Cả bọn nửa cười nửa mếu. Chị bảo bên hông nhà chị có cái ao nhỏ xíu nuôi cá phi, qua bắt về mà ăn. Nhớ là canh lúc không có tuần tra hãy ra, kẻo bị bắt thì không có tiền đóng phạt nhen. Với xong nhớ rào lại cho chị, khóa cẩn thận nha mấy cưng. Cả bọn mừng quýnh quáng. Gọi là chiếc ao cho sang thế thôi, thực ra nó là vũng nước tù. Cá phi lúc nhúc, con nào con nấy đen nhánh, mập trùi trụi. Chỉ cần đưa vợt xúc là được. Trong ánh đèn pin nhập nhoạng, một đứa phát hiện ra đám rau muống mọc ken dày, cọng tím thẫm, già cỗi. Thế là lặng lẽ hái về, xào nấu kỹ càng cải thiện bữa ăn. Cũng có cái gọi là rau xanh.
Nhớ cái hôm đói quá, ra bãi đất trống gần khu trọ bắt được mớ ốc sên, về hì hục đập, xát muối cho sạch dãi nhớt rồi cho lên bếp xào xào nấu nấu. Chụp hình khoe với chị tụi em sống ổn khiến chị không cầm được nước mắt.
Ngày dịch bệnh bùng phát, cả bọn ùn ùn theo đoàn người trở về. Lành ở hẳn lại quê để chăm sóc ba mẹ già. Hiền trở lại Sài Gòn tiếp tục những dở dang còn vướng sau mùa dịch.
Hiền để video cho Lành xem khu nhà trọ nhung nhúc người. Kẻ trả đồ, người sang tên những món đồ còn dùng được cho chủ mới. Không khí ngột ngạt. Nợ tiền phòng chưa được thanh toán hết. Về cũng dở, ở không xong. Mắt người nào người nấy đỏ hoe. Bà chủ phòng trọ cầm ít tiền thu được kẹp trong cuốn sổ trên tay lóng ngóng. Tiền điện, tiền nước cứ lên giá ào ào, không biết xử lý sao cho phải với lương tâm. Phải chi bà giàu…
Hiền bảo phải ở lại. Vì tiền góp biêu với mấy chị em, Hiền là người nhận cuối. Bây giờ về là mất trắng. Mỗi tháng ba triệu chứ ít ỏi gì. Vị chi là ba chục triệu lận, em không thể bỏ được. Mồ hôi nước mắt của em, làm không dám tiêu luôn á. Mọi người đang cố bám trụ lại, em cũng phải cố theo. Đừng cho ba má biết kẻo ba má lo, nghen!
Lành buồn thiu. Hay thôi, về đi em, Lành rụt rè đề nghị. Hiền cười như mếu, về anh nuôi em à!
Ừ, không làm việc này thì mình làm việc khác. Anh không để em đói đâu, đừng lo.
Từ sau đận dịch. Lành về quê cuốc đất trồng rau. Sống cuộc đời của một nông dân thực thụ. Mảnh vườn được phù sa sông bồi đắp. Với sức trẻ và kiến thức tự học, anh làm trang trại. Trồng rau sạch, nuôi gà lấy trứng cung cấp cho các siêu thị.
Thấy khả quan, Lành thuê nhân công, mở rộng mô hình canh tác. Chỉ sau một thời gian ngắn, trang trại của anh đã có thể cung cấp cho một lượng khách hàng đông đảo.
Lành tự nhủ, nếu Hiền chịu về lúc này, thì không thiếu việc cho Hiền làm. Chỉ là anh không muốn làm khó Hiền, qua những lời cô tâm sự. Anh luôn tôn trọng những quyết định từ cô.
Má Hiền cứ nửa đùa nửa thật, bảo sao bây không cưới cho rồi, để chi đêm dài lắm mộng. Hiền thoái thác, nào công việc đang dở dang, nào Hiền còn trẻ, nào các thứ lý do…
Lành nhẫn nại chờ. Má Hiền sốt ruột cho cái thủng thẳng từ từ của đôi trẻ. Lành bảo bác yên tâm, tụi con hiểu nhau mà. Con đợi em bao lâu cũng được, miễn em thấy vui.
Lành nhìn ra bãi đất trước nhà ba má Hiền, những luống cúc đã chi chít lên xanh. Bãi đất mà mới đây hãy còn trơ trụi mấy vạt cỏ cháy. Lành cho người qua cày xới, gieo giống. Chẳng mấy chốc đã thành những vạt hoa rực rỡ sắc màu. Đến cận Tết, khi Hiền về thì thương lái cũng đã thu mua gần hết rồi. Nhưng khoảng lợi tức ấy đủ phụ ba má Hiền trang trải ba ngày Tết.
Lành tin, ở đâu trong tim có cảm giác bình yên, thì đấy là nhà. Mà nhà là nơi để về, ai đó đã từng nói vậy.