Giờ ra chơi, tôi mải mê nhìn ngắm đám học trò đang nô đùa trên sân trường. Tôi vui lắm, vì trường học giờ đã khang trang hơn xưa rất nhiều. Chợt có những tiếng tin nhắn vang lên từ các ứng dụng mạng xã hội. Thì ra là đám bạn của tôi, hầu hết các tin nhắn đều có nội dung muốn hỏi tôi tại sao lại lựa chọn về quê.
Minh họa của: MINH SƠN |
Tôi tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành Toán. Với tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, tôi có thể công tác tại một trường có tiếng trong thành phố. Nhưng tôi đã quyết định trở về trường làng, nơi gắn bó suốt thời thơ ấu của tôi. Tôi hiểu mọi người hỏi vậy vì quan tâm tôi, vì rằng ở lại thành phố sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn. Với tôi, lý do chỉ đơn giản vì tôi yêu nơi này, yêu ngôi làng nơi tôi sinh ra, yêu ngôi trường nơi có cô giáo Thanh - người mà khi nghĩ đến tôi luôn dành một sự biết ơn chân thành nhất. Tự dưng, những kỷ niệm cũ cứ ùa về làm mắt tôi bỗng nhòe đi.
Hồi nhỏ, tôi vốn là một đứa trẻ hiếu thắng, vì thế khi bị điểm thấp hơn mấy bạn tốp đầu trong lớp, tôi thường có thái độ không phục đến tức tối. Với sự ngạo mạn của kẻ tự cho mình là người giỏi nhất lớp, tôi không bao giờ nghĩ mình bị điểm thấp. Thế nhưng, điều tôi không bao giờ ngờ tới cũng xảy ra, bài kiểm tra 15 phút môn Toán của tôi bị điểm 7. Lúc ấy, không ai có thể hiểu nỗi tâm trạng tôi tệ đến mức nào, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Tôi thấy mấy đứa văng vẳng bên tai những lời cười nhạo, chế giễu, bọn bạn xì xào “ơ kìa, tưởng học giỏi thế nào”, “ôi, dễ thế mà được có 7 điểm là sao”,... hết thảy đều làm cho bầu trời, mặt đất trước mắt tôi sầm sì lại. Tôi cố nén những giọt nước mắt, xé toạc bài kiểm tra rồi bỏ về nhà.
Ngày hôm sau, những tiết học vẫn đến với tôi một cách thật nặng nề, hình như trong đầu tôi vẫn đang vang vọng 5 chữ “tôi là kẻ thất bại”. Cuối buổi học, khi tôi đang chuẩn bị ra về thì cô đến: “Em có thể nói chuyện với tôi một lát chứ?”, là cô, cô giáo Thanh - cô giáo dạy môn Toán của chúng tôi.
Lòng tôi thoáng chút lo lắng, có khi nào cô sẽ nhắc nhở vì tôi đã có thái độ xấu là xé bài kiểm tra chăng. Nhưng không, cô nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến, giọng cô dịu dàng: “Em vẫn đang buồn à, có phải em đang thấy ghét cô vì cô đã cho em điểm 7 không?”. Tôi ngơ ngác không đáp lại, tâm trạng lúc đó của tôi đang hết sức rối bời. Cô vẫn dịu dàng hỏi tiếp: “Cô thấy em nhận thức khá tốt, khi làm Toán em rất thông minh, không biết sau này em ước mơ làm gì nhỉ?”. Tôi ấp úng: “Em…, em ước mơ làm cô giáo ạ!”. Cô mỉm cười: “Rất tốt, cô tin ở em. Em biết không, ngày nhỏ cô chưa từng nghĩ mình sẽ làm một cô giáo đâu đó!”.
- Vậy cô ước mơ làm gì ạ? Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên.
Cô Thanh bồi hồi kể lại câu chuyện cũ:
“Hồi ấy, nhà cô nghèo lắm, sau cô có những 5 em nhỏ, cuộc sống rất thiếu thốn. Ngay khi còn nhỏ, cô đã phụ giúp mẹ trông em, làm việc nhà và làm thêm việc đồng áng nữa. Cuộc sống ngày ấy thiếu thốn lắm, nhiều khi phải ăn cơm độn sắn và ăn khoai trừ bữa. Cô đi học buổi được, buổi không, dù khả năng nhận thức của cô khá tốt, nhưng do cô nghỉ học nhiều nên cô bị tụt lại sau so với các bạn. Có bài kiểm tra Toán cả lớp được điểm rất cao, nhưng cô chỉ được 3 điểm, điểm thấp nhất lớp, cô đã từng khóc, vì bị mọi người chế nhạo, vì nghĩ rằng mình thật kém cỏi. Và khi ấy, cô đã có ý định bỏ học, bởi suy nghĩ mình học kém thế, đi học chỉ thêm lãng phí thời gian, chi bằng mình ở nhà rồi phụ thêm việc cho bố mẹ. Những tưởng, việc học của cô sẽ kết thúc ở đó. Thế nhưng,….
Đó là một chiều đông buốt giá, khi cô đang loay hoay làm mẻ sắn cuối ngày. Thầy giáo chủ nhiệm lớp đã đến, thầy hỏi cô “ước mơ của em là gì?”. Em biết cô đã trả lời thầy như thế nào không?.
- Em ước mơ là một người nông dân tốt…
- Em nói cho thầy lý do?
- Vì em thấy mình học không tốt, vì học không tốt nên em không thể làm những nghề khác, và nếu em là một cô giáo em sẽ không thể là một giáo viên tốt”.
Ánh mắt thầy sáng rực lên, giọng thầy trầm ấm: “Cảm ơn em. Vì tôi đã không nhìn nhầm người, bởi lẽ một người dù làm nghề gì đi chăng nữa, thì điều quan trọng nhất là người đó phải có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Em là một người lương thiện, một học sinh học có nhận thức tốt vì vậy em hãy bắt đầu lại với việc học đi, tương lai hãy còn đang ở phía trước”.
Rồi thầy nói chuyện với bố mẹ của cô. Ngày hôm sau cô lại đến trường trở lại, cô tiếp tục với những trang sách, với những bài học mới và cứ thế cô say mê học tập và bây giờ cô trở thành cô giáo của các em.
Bài kiểm tra của em, em đã biết tại sao mình lại chỉ được 7 điểm chưa. Bởi vì em đã làm sai phương pháp, cách làm của em cho thấy em chỉ chú ý đến những gì ở mức độ khó, những gì để thể hiện độ cao siêu, nhưng lại quên đi những điều căn bản, những điều mà đôi khi nhỏ bé nhưng lại cần thiết cho cuộc sống.
Em ước mơ làm cô giáo, vậy em hãy nói xem em sẽ dạy các em học sinh của mình điều gì?
- Em sẽ dạy những kiến thức về Toán học, những điều hay của Toán và dạy các em cách chinh phục những gì cao siêu nhất,…Tóm lại là dành những gì tốt đẹp nhất cho các em học sinh của em ạ. Tôi trả lời rành mạch.
- Rất tốt, cô vui vì những gì em đã nói, nếu em cứ buồn chỉ vì điểm số thấp, mà không chú ý đến nguyên nhân của sự việc xảy ra, thì em làm sao dành những điều tốt nhất cho học sinh của mình được.
Cuộc sống là cả một hành trình, mà ở đó có rất nhiều thử thách mà ta phải vượt qua. Ai cũng có những sai lầm, những vấp ngã trong cuộc đời, nhưng điều quan trọng ta phải biết nhìn nhận sai lầm ấy một cách khách quan, rồi tìm cách khắc phục chúng. Từ đó ta sẽ thấy bản thân mình hoàn thiện hơn, cuộc sống sẽ tươi đẹp và nhiều ý nghĩa hơn em à.
Tôi đã lấy lại tinh thần sau những lời động viên của cô. Khi tôi đã trưởng thành, trải qua những vấp ngã trong cuộc sống, tôi càng thấm thía những điều mà cô Thanh đã nói. Ngày ấy, cô không trách cứ việc tôi đã hỗn xược xé bài kiểm tra trước mặt cô là vì cô hiểu nguyên nhân của hành động ấy. Cuộc sống là một hành trình với nhiều chông gai và ta sẽ lớn lên sau mỗi lần vấp ngã. “Hãy trở thành một người tốt, một người bản lĩnh và kiên cường”. Cô đã luôn nói với chúng tôi như thế.
Nhìn các em học sinh vui đùa, ánh mắt, giọng nói của các em hồn nhiên như những tia nắng mai. Các em giống như tôi ngày nào, từ một cây non nhỏ bé, được thầy cô dìu dắt, tưới mát bằng dòng nước tri thức, bằng những giá trị nhân văn sâu sắc. Và tôi giờ đây, một cây non đã trưởng thành, nhìn những cây non bé bỏng kia, lòng tôi thấy cháy lên bao khát vọng: “Các em thân mến, cô sẽ là cô giáo của các em, người không chỉ dạy các em những kiến thức về Toán học mà còn dạy em giá trị của cuộc sống, dạy các em biết vượt lên những khó khăn thử thách, dạy các em trở thành một người có ích”. Tôi mỉm cười hạnh phúc.
Truyện ngắn của: TRẦN TÚ