NHẠC TRỊNH - Sau Khánh Ly còn những ai?
Khi Khánh Ly đặc biệt, những ca khúc hát của Trịnh Công Sơn trên bãi cỏ quán cà phê Văn trong sân trường đại học Văn Khoa trước năm 1975 có thể coi là điểm thăng hoa cho một sự kết hợp hoàn hảo giữa Trịnh Côn Sơn - Khánh Ly. Từ đó ao yêu Trịnh đều nhớ đến Khánh Ly và gặp Khánh Ly lại nhớ đến Trịnh.
Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (bìa trái) và ca sĩ Hồng Nhung. |
Giới trẻ lúc đó như nghiện dòng nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát khàn đục của Khánh Ly với phong thái bình dị khi trình diễn trước công chúng: Ca sĩ Khánh Ly với chiếc áo dài trắng nữ sinh, đôi chân trần trên bãi cỏ. Nhạc sĩ họ Trịnh đệm đàn ghi ta thùng với quần Jeans xanh, áo sơ mi tay rộng thùng thình “đóng thùng”, gương mặt khắc khổ với đôi tròng kính cận to gọng đồi mồi. Hai hình ảnh quen thuộc của những đêm nhạc cuối tuần ở quán Văn thu hút rất đông học sinh, sinh viên bằng những ca khúc da vàng, du ca, và tình khúc đôi lứa đã tạo nên thương hiệu “Nhạc Trịnh”.
Sau năm 1975 là Hồng Nhung, tiếp nối Khánh Ly đưa nhạc Trịnh Công Sơn trở lại với công chúng bằng chất giọng mượt mà, sâu lắng hơn, với độ rung mới, đặc biệt là với những tình khúc mà nếu không hiểu được ca từ, tình ý lẫn triết lý của Trịnh Công Sơn trong mỗi lời nhạc mà như thơ, ca sĩ cũng rất khó thể hiện hết được những gì mà nhạc sĩ muốn trao gửi. Mặc dù bên cạnh Hồng Nhung (tôi chỉ muốn nới riêng về những nữ ca sĩ thôi), cũng có những Trịnh Vĩnh Trinh (em gái Trịnh Công Sơn), Cẩm Vân, Mỹ Linh, Thanh Lam… hát nhạc Trịnh Công sơn.
Hồng Nhung, có thể nói là người hát nhạc Trịnh thành công nhất sau năm 1975 kể từ Khánh Ly. Nhưng với riêng tôi, Hồng Nhung cũng chỉ thành công được 2/3 khi thể hiện những ca khúc của chàng nhạc sĩ họ Trịnh. Bởi lẽ từ phong cách đến lối diễn đạt, biểu cảm khi trình diễn nhạc Trịnh, ca sĩ Hồng Nhung vẫn đưa kỹ thuật vào ca từ của Trịnh nhiều quá, một số bài lại mang tính cách hàn lâm, trình siễn sân khấu trong khi nhạc Trịnh không đòi hỏi như vậy. Nhạc Trịnh cần sự biểu đạt tự nhiên, gần gũi với công chúng và giao lưu, trải được lòng, trải được thâm ý trước khán thính giả của ông, dù bất cứ ở đâu.
Nhưng sau Hồng Nhung lại là một khoảng trống khó lấp đầy của dòng nhạc Trịnh. Người yêu thích nhạc Trịnh cảm thấy hụt hẫng khi nghe những ca sĩ khác cố hát nhạc Trịnh, cố làm mới nhạc Trịnh, nhất là những ca sĩ trẻ sau năm 1975. Điều này tôi thấy rõ nhất ở các sân khấu ngoài trời (Thời Trống đồng, 126), sân khấu nhỏ các quán cà phê (Thời Champa), sân khấu ca nhạc, phòng trà (Thời Đồng Dao-Ân Nam) và cả hiện nay… ở sân khấu các quán cà phê ca nhạc, phòng trà mới, những chương trình ca nhạc mang tính thi thố tài năng hay tìm kiếm tài năng do một số đài truyền hình từ trung ương tới địa phương tổ chức dưới cái nhãn “Bolero”.
TỪ KẾ TƯỜNG