Những ngọn gió trên sông

Thứ Ba, 30/08/2022, 15:16 [GMT+7]
In bài này
.

Vợ chồng ông Hai Tiền ở hai mép đi-văng, gương mặt rầu rĩ. Nhành ôm cái giỏ xách ni-lông đựng vài thứ đồ dùng cá nhân vẫn thường đem theo khi làm ca đêm trong lòng. Cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện với chị Xinh.

- Ba má, rồi cả chị nữa, cứ làm như gia đình mình sắp chết đói đến nơi.

Mắt người chị mở lớn, giận dữ:

- Chớ sao nữa. Tiền hết, đồ đạc đâu còn để bán xài. Tao mất mấy “cây” sang cái sạp quần áo. Biết vầy để “cây” vượt biên còn sướng hơn.

Nhành muốn nói “chớ bộ chị không định bán quần áo ở chợ trời có lời nhiều dành sắm vàng vượt biên đó sao”, nhưng nhìn thấy  vẻ bơ phờ của người chị, Nhành cũng không nỡ bốp chát như vậy.

Quang, đứa em trai của Nhành cũng sắp đi bộ đội như Thịnh, từ nhà tắm đi ra với mái tóc đẫm nước. Nó đang vò cái khăn lau trên mái tóc.

- Chị sắp đi làm hả?

- Chút xíu nữa.

- Chờ em 30 giây được không? Thay quần áo và đi với chị.

Chị Xinh bỗng mở bóp rút ra một xấp tiền ném giữa đi-văng.

- Chắc là món tiền cuối cùng đó, má nhín mà xài. Tui nghỉ bán.

Ông Hai Tiền cử động khó nhọc ở mép đi-văng, ấp úng:

- Chắc là bây giờ phải biên thư gởi qua bên ấy cho thằng Mừng. Đồ không gởi về, con Xinh nghỉ bán, thằng Quang đi nghĩa vụ. Còn mỗi con Nhành lương công nhân viên. Đói.

Quang đi ra xỏ chân vào dép, lầu bầu:

- Ba má đừng uống rượu nữa rồi coi có chết đói không.

Nhành đứng lên, xấp tiền của chị Xinh vẫn nằm yên trước mặt chị. Nhành cố gắng lắm mới không bật thành tiếng khóc:

- Mai mốt gì đây tổ dân phố sẽ họp, bà con sẽ khuyên giải ba má đừng uống rượu. Nếu được vậy, không cần thùng đồ mỗi tháng của anh Mừng, không cần chị Xinh, tui lãnh lương thợ dệt cũng sống được.

Hai chị em đi chậm ra con hẻm. Một buổi tối cuối tuần tivi có chương trình cải lương nên nhiều nhà trong hẻm mở cửa cho hàng xóm vào coi. Trẻ con bu quanh, cảnh ồn ào của khu xóm buổi tối tạm lắng xuống. Đêm yên tĩnh, thân yêu và những cơn gió hiếm hoi của mùa nóng thổi rất ngọt ngào mái tóc Nhành. Cô nghe được mùi bùn sình quen thuộc bốc lên từ con mương nhỏ chạy cặp theo chân rào ngôi nhà của bà Bảy Một.

Ra tới đầu hẻm, con đường lớn mở trước mặt với ánh đèn xanh dịu dàng qua bóng cây lá buông xuống một ngã tư. Quang hít một hơi dài không khí. 

- Cái nhà gì kỳ cục. Em đi cho khỏe, ở nhà rầu rĩ miết cũng bệnh. Rồi không lẽ, ông bà già, chị Xinh cứ ngồi trông chờ cái thùng đồ của anh Ba thôi sao?

- Bị khủng hoảng kinh tế một giai đoạn thôi. Rồi sẽ êm xuôi. Đâu có ai chết vì không nhận được thùng đồ đâu. Ủa, bao giờ Quang đi?

- Sáng thứ Hai, chị ạ.

- Bây giờ thì đi đâu đây?

- Uống cà phê với mấy đứa bạn.

Nhành dúi vào tay em tờ 50 còn mới, đó là khoản tiền trích từ số lương và tiền thưởng vượt định mức của Nhành trong tháng này.

- Đi đi, nhớ đừng có nhậu say be bét nghen. Chị vào xưởng. Chiều mai, chị sẽ mời Quang đi ăn một thứ kem gọi là kem long nhãn ở bến Bạch Đằng.

Trái với dự định, chiều nay không có Quang, đứa em trai của Nhành không hiểu vì bận dự bữa tiệc liên hoan của bạn bè tiễn đưa hay vì tế nhị với chị mà không nhận lời đi ăn kem. Chỉ có Thịnh tới, bộ đồ xanh bạc cả một khoảng lưng cố hữu. Và hai người ra bờ sông.

Buổi chiều mặt sông dâng đầy nước và trải vàng một thứ ánh sáng nhẹ tênh, mỏng, dường như không phải của mặt trời mà của những đám mây bềnh bồng trôi qua thành phố. Thịnh nói đùa là một ngày tắt lửa. Hai người chọn chiếc bàn kê sát ngoài bờ đá để có thể nhìn thấy những gợn sóng kéo từ ngoài xa vào vỗ róc rách dưới chân bờ. Con tàu đi biển to kềnh màu xám mốc thả neo yên lặng sát bờ, hai sợi dây thừng to tướng kéo ngang phía trên đầu. Nhành giữ con tàu như sợi dây câu đã căng quá sức. 

Thịnh luôn miệng giục:

- Kìa, ăn kem, ăn đi chứ cô bé.

Dĩ nhiên là những thìa kem hôm nay cũng mát lạnh như hôm đầu tiên Thịnh đưa Nhành tới đây. Nhưng cô thấy có một nỗi buồn rất nhẹ khi nhìn ra mặt sông. Gần đây là một bến phà nên từ bờ bên này và bờ bên kia luôn luôn có hai chiếc phà chở đầy người qua lại. Ở đâu đó trên sông, khuất sau chiếc tàu lớn một khoảng xa thỉnh thoảng nghe được tiếng còi tàu kéo tu tu. Không ai nói gì về cuộc chia tay sắp tới. Nhành đùa:

- Anh ăn rồi đi chứ em ăn rồi ở lại.

Thịnh gõ chiếc muỗng nhỏ trên mặt bàn:

- Đi không nhớ gì hơn những hôm làm ca đêm.

- Trốn một chỗ nào đó để ngủ hả?

- Không phải, để chia suất cháo bồi dưỡng với Nhành chứ.

Nhành đỏ mặt. Không ngờ một chuyện đơn giản, nhỏ nhặt như thế đã trở thành kỷ niệm. Và cũng không biết từ bao giờ cái tình cảm ấm áp của người bạn trai cởi mở, chân thật cùng làm chung xí nghiệp đã trở thành một thứ hạnh phúc ve vuốt, nâng đỡ hoàn cảnh sống của cô. Thật sự Nhành cũng rất yêu quý ngôi nhà, cái không gian chất chứa mùi hương thơ ấu của nó, như cô làm sao xa rời được tiếng máy dệt đều đều khắp khu xóm như tiếng mưa vỗ nhẹ trong không gian ẩm ướt. Nhưng ba má cô với tuổi già kỳ quặc và đời sống thiếu niềm tin đã làm cho ngôi nhà trở thành nỗi ám ảnh sầu thảm. Nhành biết rằng chính cô, hơn ai hết sẽ là người còn lại trong ngôi nhà ấy không thể để cho ám ảnh sầu thảm ấy kéo dài thêm nữa.

 

 

Tiếng còi tàu lại rúc lên tu tu ở một khoảng sông xa. Bây giờ bầu trời đã tắt hết nắng, chỉ còn một thứ ánh sáng lờ mờ sà thấp trên mặt sông. Gió thổi lộng.

- Chuyện thùng đồ của anh Mừng đi đến đâu rồi?

- Ba má em rồi chắc sẽ không nghĩ đến nó nữa.

- Cũng thông cảm cho ông bà, sợ hãi trước đời sống trong khi tuổi già kéo đến…

Thịnh lúng túng tìm cách để chia sớt những lo âu biến động trong gia đình Nhành. Cô nói:

- Em cũng rất khổ tâm, nhưng để cho ba má em quên câu chuyện thần thoại trên trời rơi xuống cái thùng đồ để trở về thực tế chắc là phải chờ một thời gian nữa. Còn bà chị nữa, mấy ngày nay cứ ngồi đâu là thở dài đó.

Thịnh đùa:

- Cũng tốt thôi, một thời gian bà chị sẽ ốm bớt, đó là thẩm mỹ viện tốt nhất.

- Nhưng giải thích tại sao anh Mừng không gởi đồ về nữa không phải là chuyện dễ đâu. Ba má cứ bắt em phải biên thư qua hỏi.

- Ở đó làm ăn không phải dễ, chắc anh Mừng cũng phải đánh vật với cuộc sống hàng ngày dữ lắm. Và đâu phải lúc nào cũng sẵn tiền để quà cáp cho gia đình. Anh Mừng cũng có cuộc sống của ảnh.

- Ba má và chị Xinh đâu hiểu như thế, ba người cứ nghĩ rằng nhiệm vụ của anh Mừng là hàng tháng phải gởi đồ về, vậy thôi. Nhưng mình bàn tới chuyện ấy làm gì, nhức đầu lắm.

Thịnh cười:

- Vậy thì tới chuyện người sắp sửa đi bộ đội. Được chứ?

- Nhưng bảo đảm là không có gì buồn nghe?

- Đời nào, anh ghét nước mắt lắm.

- Vậy em chờ để nghe đây.

Nhưng Thịnh không nói gì, vẫy người phục vụ tới tính tiền và nheo mắt ra hiệu cho Nhành đứng lên.

Con đường trở về chập choạng bóng tối qua những khoảng sáng ánh đèn Nhành thấy tâm hồn như chao động trước màu hoa vàng rụng như tưới bên mép đường có gió sông cào lướt mặt nhựa đen nhẫy khiến những cánh hoa run rẩy như dưới cơn mưa.

Hai người đạp xe chầm chậm.

- Nhiều lúc cứ nghĩ nếu thay quần áo công nhân màu xanh quen thuộc này để mặc bộ quần áo bộ đội chắc là anh lạ lắm.

Nhành cười khúc khích:

- Sợ người khác không nhận ra hả?

- Ừ, cũng sợ chứ.

Con đường có một đoạn dốc, Thịnh vừa đạp xe vừa quay hỏi:

- Nổi không?

Nhành trả lời bằng một tiếng cười nhỏ. Cô vẫn theo kịp Thịnh nhưng hơi thở dồn dập, mệt đến không nói được câu nào. Qua khỏi dốc hai người dong xe không cần kìm thắng, bây giờ Thịnh lại kêu:

- Ê, chạy đi đâu dữ vậy cô bé?

Và cứ trong niềm vui như thế hai người đạp xe lòng vòng khắp các đường phố ban đêm. Một vài con đường lạ, Nhành chỉ mới đi qua lần đầu tiên nhưng tuyệt đẹp. Ban đêm những cây me già lão như mở rộng tán che cả một khoảng trời phía trên đầu. Các ngôi nhà hai bên đường có vườn cây, gió lồng một thứ hương thơm của hoa đêm êm dịu tỏa ra trong không gian. 

Thịnh bỗng nói lớn:

- Cô bé ạ, đi bộ đội xong, anh cũng sẽ xin trở về xưởng cũ đấy. Chắc lúc đó cô bé đã dệt giỏi lắm rồi, bao nhiêu là vải cho anh tha hồ đóng gói, vác bở hơi tai luôn.

Nhành chọc:

- Ngó bộ anh mà thèm trở về xưởng dệt. Anh xin làm thương nghiệp để mau giàu và quen với các cô mậu dịch viên dễ thương hơn.

Thịnh lúng túng chống trả:

- Chỉ giỏi đoán mò.

Hai người trở về ngõ hẻm, mọi người trong khu xóm đều đóng cửa. Đây là lần đầu tiên Nhành đi chơi khuya như thế.

Thịnh nói:

- Vậy là chia tay ở đây. Sáng mốt anh đi. Chúc cô bé ngủ ngon.

- Thế nào em cũng sẽ tìm cách thăm anh và Quang.

Nhành cười. Thịnh quay xe. Anh đạp trở lại con đường sáng ánh đèn. Đây là một cuộc chia tay sao? Vội vã và nhanh chóng quá. Nhưng cùng lúc đó, khi một mình dẫn xe vào con hẻm tiếng máy dệt vang đều trong đêm như cơn mưa bất tận, Nhành hiểu ra sự ấm áp của ngày tháng và cuộc sống phía trước mặt. Rồi sẽ có những bức thư cho Thịnh, cái khoảng cách giữa hai người không xa xôi gì đâu, trái lại còn gần gũi nữa là khác. Và có một buổi chiều nào như hôm nay, Nhành ngồi ở quán kem bờ sông để nhớ Thịnh. 

Nhành dắt xe vào sân nhà, không vội kêu cửa. Cô đứng dưới tàng cây bông giấy lắng nghe âm thanh của đêm đang chan hòa vào không gian tĩnh mịch của khu xóm. Tiếng máy dệt vẫn đều đặn như một khúc hát trầm trầm và trong nhà hoàn toàn yên lặng. Trái với lệ thường, vào giờ này khi Nhành đi làm về khuya vẫn còn chứng kiến cảnh ba má cô cãi nhau trong cơn say của cả hai người.

Truyện ngắn của TỪ KẾ TƯỜNG

;
.