NGĂN KÉO THỜI GIAN

Kỷ niệm với anh Nguyễn Quang Sáng

Thứ Sáu, 12/08/2022, 18:59 [GMT+7]
In bài này
.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Từ năm 1979 khi còn công tác ở Ban Văn hóa-Thông tin quận 4 (TP.Hồ Chí Minh) tôi đã quen với anh Nguyễn Quang Sáng do công việc và do “mối duyên” văn nghệ. Những buổi tối cuối tuần, một số anh em văn nghệ thân tình thường tới nhà anh, lúc đó anh còn ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa theo hướng đi từ ngã ba Ngô Thời Nhiệm-NKKN băng qua đường, rẽ phải một chút thì tới.

Ngôi nhà trệt nằm bên trái đường, qua một khoảng sân. Đúng hơn đây chỉ là một căn phòng nhỏ, vừa đủ cho một gia đình thuộc khu tập thể. Do đó gốc cây mận ngoài sân nhà là nơi lý tưởng để ngồi nhậu và khi ai nấy đã “sương sương” thì Nguyễn Trọng Khôi vẫn là người ôm đàn hát những ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn, dù lúc đó tác giả “Chiếc lá thu phai”, “Phôi pha”, “Đêm thấy ta là thác đổ” đang ngồi bên cạnh. Anh Nguyễn Quang Sáng chỉ ngồi nghe, mặt đỏ vì rượu, chờ Khôi hát dứt chỉ buông một câu: Hát hay quá mậy!

Anh Nguyễn Quang Sáng là người rất nhiệt tình với những ai mà anh đã xem là “anh em” trong mọi vấn đề. Khi tôi phụ trách tờ Tin quận 4 (TP.Hồ Chí Minh), mỗi năm làm báo xuân, tôi nhờ anh viết cái truyện ngắn, cái tản văn hay một thể loại gì đó tùy anh thì anh vẫn nhiệt tình gửi bài dù nhuận bút lúc đó chẳng bao nhiêu, vui là chính. Khi tôi phụ trách Nhà Văn Hóa quận 4 (TP.Hồ Chí Minh), những đêm thơ nhạc do Câu Lạc Bộ của Nhà Văn Hóa tổ chức, tôi mời anh tới tham dự anh đều không từ chối. Ngẫu hứng, thỉnh thoảng anh Nguyễn Quang Sáng cũng đọc thơ và nói đùa tại tao không thể đọc nguyên cái truyện ngắn, nên đọc thơ thôi và thơ anh rất ngắn, chỉ vỏn vẹn có hai câu, đọc xong ai nấy đều cười, vì nó rất dí dỏm.

Nhớ một lần, anh bạn học chung với tôi lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “Chủ nhiệm Nhà Văn Hóa” do Bộ Văn Hóa tổ chức ở Thủ Đức mời tôi và các anh: Xuân Hồng, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn về Cần Giuộc nói chuyện giao lưu với anh em văn nghệ được tổ chức tại Nhà Văn Hóa huyện Cần Giuộc - Long An. Đêm đó là một đêm thật vui. Đoàn chúng tôi ai cũng được mời lên “giao lưu”, anh Xuân Hồng, anh Hoàng Hiệp, anh Trịnh Công Sơn ngoài kể chuyện thì đàn, hát. Tôi ngâm thơ. Anh Nguyễn Quang Sáng trước khi lên sân khấu hỏi tôi: Mấy cha kia ai cũng có biệt tài đàn, hát, tao không đàn, hát được biết làm gì bây giờ? Không lẽ tao kể… chuyện phim? Nhưng rồi anh Nguyễn Quang Sáng cũng tìm được lối thoát bằng cách… đọc thơ. Anh cũng chỉ có bài thơ 4 câu, đọc tưng tửng vậy mà “cử tọa” vỗ tay rầm trời.

Khi tôi phụ trách Xí nghiệp In quận 4 (TP.Hồ Chí Minh), do tính chất công việc thuần kinh doanh để bảo đảm doanh thu cho xí nghiệp mới thành lập nên ít gặp anh Nguyễn Quang Sáng. Đến năm 1986 khi tôi chuyển ngành về Báo CATP, trưa nào anh Nguyễn Quang Sáng cũng qua ăn cơm trưa với anh em trong BBT, khi thì có chú Tư Ánh, chú Năm Xuân… khi có cả những cây đa, cây đề văn nghệ ngoài Bắc vào như các anh Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Tô Hoài… Lúc chỉ có một số anh “Văn nghệ Sài Gòn” như Diệp Minh Tuyền, Trần Long Ẩn… cũng đều có mặt anh Nguyễn Quang Sáng. Nói chung anh Nguyễn Quang Sáng ít kỵ rơ ai, nhậu nhẹt hào sảng, nói cười rổn rảng đúng tính cách của người Nam Bộ và hơn ai hết, anh là một nhà văn đậm chất Nam Bộ.

Anh Nguyễn Quang Sáng còn một điều đặc biệt nữa có lẽ ít ai biết là anh rất mực yêu thương con cái và anh thể hiện nó hết sức đời thường. Dạo đó Nguyễn Quang Dũng còn nhỏ, anh Sáng thường dẫn Dũng tới Báo CATP chơi và giới thiệu Dũng như một tài năng âm nhạc và ngưỡng mộ con trai mình hết sức dễ thương. Có thể lúc đó anh Sáng muốn hướng Dũng đi theo con đường âm nhạc vì Dũng vừa biết đàn, vừa biết sáng tác ca khúc. Nhưng sau này Dũng lại làm đạo diễn phim, đạo diễn sân khấu, có lẽ “trật đường rầy” theo mong muốn của anh Sáng nhưng quả thật như ngay từ đầu anh Sáng khẳng định: Thằng này có tài năng nghệ thuật, còn thằng Quang, anh nó có tài… đánh bi da, tao đánh không lại nó.

Khi ở tuổi 75 anh Nguyễn Quang Sáng còn rất khỏe. Mỗi tối thứ Năm chúng tôi thường có cái hẹn nhậu ở quán Đo Đo của Nguyễn Nhật Ánh. Anh em thân tình không nhiều, chỉ khoảng 4-5 người như: Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Thái Dương, Đoàn Thạch Biền, Đỗ Trung Quân, Đoàn Xuân Hải, và tất nhiên không thể thiếu chủ quán Nguyễn Nhật Ánh. Đôi khi có nhà thơ nữ Phạm Thị Ngọc Liên… và vị khách mời không thể thiếu của những buổi nhậu ấy là anh Năm tức “đại ca” Nguyễn Quang Sáng. Anh em nhậu nghèo, “góp gió thành bão”, nhưng biết gu của “đại ca” là Chivas 12, bao giờ cũng cố gắng cho anh một chai Chivas như yêu cầu.

Và cho dù đang có độ ở đâu, anh em hú một tiếng là anh bỏ ngay để tới với hội nhậu nghèo mà sang (vì có chai Chivas 12). Anh Sáng uống nhâm nhi, thưởng thức rượu và nghe chuyện chúng tôi tào lao hơn là “nạp”, nhưng khi xỉn xỉn anh đứng vậy ra về, anh đến bằng xe ôm, về bằng taxi cho nó an toàn (như lời anh nói). Và một kinh nghiệm thuộc vào loại “ái tình” anh truyền lại cho chúng tôi cũng trong lúc xỉn xỉn mà tôi vẫn còn nhớ: “Tụi bây đứa nào có thất tình thì đừng thất tình làm mẹ gì cho nó mệt tim, muốn quên một đứa con gái nó đá mình thì tìm cách… cua cho được một đứa con gái khác là coi như xong và rất an toàn trên xa lộ”. Tôi không biết cách này có “An toàn trên xa lộ” hay không vì chưa kiểm chứng được do chưa trải nghiệm.

Tôi cũng lại nhớ những buổi sáng Chủ nhật cuối tuần bên “Đào Hoa Đảo” của Hoàng Yên Dy. Một hòn đảo nằm bên kia con sông ngầu đục phù sa từ một nhánh sông Tân Thuận quận 7 (TP.Hồ Chí Minh) chảy vào tận khu “Nhà cháy Tân Quy Đông”. Nhà Hoàng Yên Dy ở bên hòn đảo đầy tiếng phi lao hú reo trong gió ấy mà muốn qua, phải kêu “chúa đảo” họ Hoàng dân chơi lãng tử chèo cái ruột xe hơi bơm thật căng, to đùng làm phao, trên đặt một miếng ván vuông làm chỗ ngồi cho khách qua sông. Khách và chủ ngồi đấu lưng nhau để giữ thăng bằng cho phao khỏi lật. Hoàng Yên Dy cứ làm “Ông lái đò” chèo phao rước khách qua sông, mỗi lần chỉ rước được một người: Tôi, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Ngụy Ngữ… thỉnh thoảng có Trịnh Vĩnh Trịnh, cô em gái của Trịnh Công Sơn. Qua đảo để làm gì? Chỉ để nhậu, ca hát từ lúc sông nước ròng cho tới sông nước lớn là khi chiều xuống. Rồi Hoàng Yên Dy lại lần lượt chèo phao đưa từng người qua sông nước lớn trở về bên kia bờ.

Rồi những năm sau do anh Nguyễn Quang Sáng chuyển nhà, ở xa nên anh em cũng ít có dịp gặp nhau. Hội nhậu của chúng tôi ở quán Đo Đo của Nguyễn Nhật Ánh, cũng như ở “Đảo Đào Hoa” của Hoàng Yên Dy không hiểu sao cũng “tan hàng khó kiếm”. Bẵng đi một thời gian dài nghe tin anh Nguyễn Quang Sáng bị bệnh. Anh mất ở tuổi 83, lúc đó tôi ở quê không viếng anh lần cuối được, chỉ ghi lại ít chuyện vụn vặt với anh gọi là để kỷ niệm với một “đại ca”- Một nhà văn Nam Bộ đúng nghĩa. Mới đây là ngày giỗ của anh Nguyễn Quang Sáng, tôi không nhớ rõ là ngày giỗ lần thứ mấy. Chỉ biết một điều, thời gian đã đi rất nhanh, nó đi một cách âm thầm, lặng lẽ và rất khắc nghiệt.

Nó khắc nghiệt với kỷ niệm của người ở lại, nhớ về một người nào đó đã tồn tại trong lãng quên theo nhịp thời gian. Bỗng, một hôm ta nhớ lại thì nhói lên trong trái tim hiện tại một ký ức tràn ngập cảm xúc ngậm ngùi.

TỪ KẾ TƯỜNG

 
;
.