.

Đêm Trung thu

Cập nhật: 18:57, 12/08/2022 (GMT+7)

Văn vừa đi làm về thì thấy cô bạn thân đang ngồi trước hiên căn nhà trọ nhìn lên trời.

Dường như cô đang tìm kiếm một ánh trăng tròn. Tiếng thở dài trong đêm của Thảo khiến Văn bất chợt cảm thấy chạnh lòng, anh hiểu rằng cô đang nhớ nhà. Thấy Thảo có chiều hướng tiêu cực, Văn khẽ lấy trong chiếc túi mang theo ra một bọc bánh ống trêu đùa:

- Mày xem tao tìm được gì này, bánh ống nhé, ở quê mình xưa đầy nhưng trên phố thị như này hơi bị hiếm đấy nhé.

- Trăng sắp tròn rồi, tao nhớ quê quá. Chừng này dăm độ rằm là quê mình bắt đầu tát cá trong ao rồi mày nhỉ.

Nghe Thảo nói cả Văn cũng chợt nhìn xa xăm, tư lự. Trung thu lại về, không biết đã ngót bao nhiêu mùa trăng cả hai đứa bươn chải nơi phố thị đầy xô bồ này kiếm kế sinh nhai quên cả lối về nhà…

Thảo và Văn la đôi bạn thân từ tấm bé, thậm chí còn sinh trong cùng một ngày. Quê của hai đứa là một miền quê nghèo nhưng lúc nào cũng đùm bọc yêu thương lẫn nhau, có sự gắn bó đặc biệt giữa bà con chòm xóm. Vì lớn lên ở miền sông nước nên mọi sinh hoạt đều gắn bó với những cánh sông. Trung thu cũng là một ngày lễ nhộn nhịp ở quê hai đứa, với người lớn thì đó là “rằm lớn”, thường là để làm nhiều hoạt động mang tầm lớn lao, ý nghĩa; còn với lũ trẻ thì đó là “tết thiếu nhi”.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Người lớn ở quê thường từ sớm đã bắt đầu chộn rộn với những con lưới, và dựng đủ các rạp để tổ chức lễ hội đêm rằm, mà hoạt động thường nhật nhất là lễ tát cá ao làng. Thường ban ngày họ vẫn bận bán buôn ở chợ, làm các hoạt động thường nhật nhưng đến xế chiều, khi ánh trăng bắt đầu treo trên rặng tre cuối xóm thì các hộ gia đình bắt đầu quây quần bên bờ ao.

Lúc này đây, đoàn lân sẽ bắt đầu gieo từng đợt trống đầu tiên và múa quanh ao. Múa lân dường như là truyền thống của mỗi đêm trung thu, và lúc này đây tất cả các sự kiện truyền thống hòa quyện vào nhau khiến không khí thêm phần sôi động. Phụ nữ tụ tập phía trước ao, còn đàn ông thì những thanh niên trai tráng khoẻ mạnh bắt đầu cởi lưng trần, ra trước ao, cùng trưởng làng thắp một nén nhanh như cảm ơn về một mùa cá bội thu sau đó mỗi người uống cạn một chén nước mắm. Xong xuôi tất cả kéo nhau xuống ao, nom hơn hai chục người và cứ thế, người kéo lưới, người tát nước, cá lên dần theo mẻ lưới, sẽ được các chị phụ nữ thi nhau gỡ ra va cứ thế đếm chia theo đầu người các hộ gia đình trong thôn. Đến khi ao cạn, đầy nhóc những cá con chưa mắc lưới, nào những anh trê, anh nheo, anh thát lát… đến cả những con chạch con. Các cụ già trong thôn sẽ đi phân loại những cá nào lấy được, những cá nào con nhỏ thì để đó làm giống, để nuôi năm sau lại tiếp tục tát ao. Cứ thế, mỗi năm một lần vào đúng đêm trung thu, tát cá ao làng đã trở thành truyền thống.

Thảo còn nhớ từ trưa là Thảo hay cùng Văn và mấy đứa nhóc trong xóm tranh thủ lúc nước rút ma chèo thúng đi qua các vuông cá để coi có anh cá nào mắc lưới không. Chiếc ghe hay chiếc thúng chòng chành chở trên mình bốn năm đứa nhóc cứ men theo những con sông và những rừng đước, dò chừng trúng cái lú nào lại kéo lên rồi cũng được ít cá cua dính trong lú. Khi nom thấy trên ghe mới ít đồ ăn thì Văn vẫn hay nhảy xuống sông, nước ở ngang bụng mà đi mò ốc, có lần còn dụ Thảo ăn quả bình bát hái được ven sông:

- Chín vàng rôi, ăn ngọt, tao thử rồi.

Nhưng khi Thảo ăn thử thì chát lè, nên Thảo rượt Văn chạy hụt chết. Người lớn làm việc lớn, còn đứa nhỏ cũng tự làm những việc lặt vặt để tự kỷ niệm ngày của mình. Những đêm trăng lên như thế này, trăng sáng vằng vặc cả một góc sân, ban chiều thì Thảo và Văn hay cùng mấy đứa nhóc đi đục hàu ở các bẹ dừa nước, nhặt ít ốc của để chiều về nấu canh. Bữa chiều trung thu ở quê hai đứa thường ăn muộn, vì người lớn thì tham gia lễ tát cá còn đám nhóc cũng đi chơi trung thu của riêng mình. Đoàn lân miền sông nước cũng thường được múa trên những chiếc ghe lớn, tiếng trống rôn ràng nhộn nhịp cả một cánh sông. Và đám trẻ cũng tự làm cho mình những chiếc lồng đèn bằng giấy đi theo đoàn lân trên những chiếc ghe nhỏ. Nối đuôi nhau sáng cả một khúc sông.

Đến khi bắt đầu muộn dần và ánh trăng trở nên vàng vọt nhưng cũng không kém phần yên tĩnh, bữa cơm chiều mới được dọn ra. Hòa trong vài tiếng trống lân vẳng lại từ nơi xa lắm, bên con nước hiền hòa yên ả những mâm cơm mới bắt đầu được dọn lên. Bữa cơm với phần cá được chia trong đêm tát nước, bát canh tập tàng ốc cua nhỏ đám trẻ vớt được, ánh đèn nhập nhoạng của chiếc lồng đèn tự tạo và tiếng cười của mọi người trong đêm trung thu dội về nghe âm vang cả một khoảng sông.

Mùa trung thu nay, trăng vẫn tròn vằng vặc như ở dưới quê, mẹ gọi điện thoại cho hai đứa cũng nghe vẳng lại tiếng hò reo của lần trẩy cá và những đứa em thi nhau kể về những chiếc bánh trung thu chị hai gửi về đủ các loại nhân mà trước giờ chúng không thấy được… Những chiếc lồng đèn xếp cũng được gói kĩ trong chiếc thùng qua mà Thảo gửi về được chúng thi nhau chụp lại gửi qua cho Thảo coi và sự an tâm của ba mẹ khi Thảo đã kiếm được một công việc ổn định nơi xứ người.

- Hai bác và mấy đứa nhóc nhận được quà chưa? – Văn vừa bước vào nhà sau một ngày dài làm việc mệt mỏi – Qua tao hỏi xe bảo xế này là vừa tới, đủ để tối là ăn trung thu được rồi.

Đột nhiên Thảo cảm thấy ấm lòng khi nghe tiếng của thằng bạn thân. Người đã cùng nó rời xa quê khi nó thưa chuyện tự lập với ba mẹ. Khi có Văn đi cùng không chỉ có gia đình mà cả Thảo cũng cảm thấy an tâm. Từ nhỏ cho đến giờ, khi cần một người bảo bọc, luôn có sự hiện diện của Văn. Mà sao đến giờ… Thảo mới nhận ra nhỉ.

Truyện ngắn của LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

.
.
.