Giữa tháng 4 là thời điểm diễn ra Tết cổ truyền Songkran (Thái Lan) và Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (Campuchia). Nhân sự kiện này, nhiều hoạt động đã được tổ chức tại Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm tạo không khí vui tươi, đầm ấm và thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa các nước.+
Nhân viên Công ty LSP thực hiện nghi lễ tắm Phật tại lễ hội Songkran. |
Độc đáo lễ hội Songkran
Nhân dịp Tết cổ truyền Thái Lan, ngày 14/4, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), chủ đầu tư Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) - DN tư nhân Thái Lan đã tổ chức lễ hội Songkran.
Trong tiếng nhạc vui tươi, sôi động của ngày hội, ông Tharna Sanee, Tổng Giám đốc LSP thân tình giới thiệu: “Hôm nay là một dịp đặc biệt để chúng ta được hội tụ về đây chúc mừng năm mới của Thái Lan. Trong dịp Tết Songkran, ngày 13/4 được xem là ngày đầu năm mới thì ngày 14/4 được xem là ngày gia đình. Năm nay, những người Thái Lan làm việc tại đây đều phải xa nhà nên LSP nhân cơ hội này tổ chức Tết Songkran để đại gia đình LSP cùng nhau chúc mừng năm mới và ngày gia đình”.
Sau nghi lễ Phật giáo, người dự lễ nhận các bát nước hoa thơm, xếp hàng chờ tới lượt tắm tượng Phật. Đây cũng là một trong những nghi thức quan trọng trong lễ hội té nước của Thái Lan. Mỗi người trong trang phục rực rỡ, đẹp đẽ xếp hàng lần lượt đến trước tượng Phật, cúi lạy tỏ lòng thành kính rồi dùng nước hương thơm rưới lên tượng Phật. Với người Thái Lan, nghi thức này có rất nhiều ý nghĩa quan trọng như cầu an, gột rửa xui rủi, cầu may. Tiếp đó là lễ hội té nước vô cùng nhộn nhịp và sôi động. Đặc biệt, người Thái tin rằng ai càng ướt thì sẽ càng may mắn nên mọi người càng ra sức tạt nước lên đối phương, khiến cho không khí ngày lễ mừng năm mới xứ sở chùa Vàng những ngày này trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Tham dự lễ hội, chị Nguyễn Lan Chi, nhân viên Công ty LSP chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia lễ hội Songkran, tôi thích thú nhất là được tắm Phật, té nước và thưởng thức ẩm thực truyền thống với nhiều món ăn độc đáo, ngon miệng. Từ đó, hiểu hơn về nét đặc sắc của văn hóa và con người Thái Lan”.
Thắm tình hữu nghị
Ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của Campuchia cũng được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức ngày 12/4 cho các học viên Campuchia đang học tập tại Trường Trung cấp Biên phòng 2 (TP. Bà Rịa). Năm nay, ngày hội Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm với những điệu múa duyên dáng, trò chơi truyền thống… và cùng nhau chúc những điều tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới.
“Nhà trường tổ chức cho chúng tôi liên hoan, làm lễ té nước, chơi trò chơi mừng Tết Chôl Chnăm Thmây. Nhờ đó, chúng tôi vơi đi nỗi nhớ gia đình, quê hương và càng thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghĩ giữa các nước”, anh Sithi Reach, học viên Quân đội Hoàng gia Campuchia đang học tập tại Trường Trung cấp Biên phòng 2 bày tỏ.
Theo phong tục, từ ngày 14-16/4 hàng năm diễn ra Tết Chôl Chnăm Thmây của nhân dân Campuchia và người dân tộc Khmer tại Việt Nam. Ông Sok Dareth, Tổng lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, đây là dịp để người dân đoàn tụ với gia đình, cha mẹ, họ hàng và tổ chức một số hoạt động quan trọng như chơi các trò chơi dân gian truyền thống, ca múa, văn nghệ và mang thực phẩm dâng cúng cho các nhà sư tại chùa để hồi hướng cho người thân đã khuất.
Còn tại chùa Nam Sơn - ngôi chùa Khmer duy nhất ở Bà Rịa-Vũng Tàu (tọa lạc Núi Lớn, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) là nơi tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây cho 400 hộ với hơn 5.000 dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn. Ngày hội diễn ra với nhiều nghi lễ: đắp núi cát, tắm Phật cùng nhiều trò chơi tập thể cùng nhau chúc mừng năm mới thu hút người dân địa phương và du khách.
Thượng tọa Quách Thành Sattha, trụ trì chùa Nam Sơn cho hay: “Trong 3 ngày Tết, không khí tại các chùa và phum sóc Khmer gần như náo nhiệt suốt đêm. Còn tại TP.Vũng Tàu, đồng bào dân tộc Khmer trong những ngày này đều quy tụ về chùa tổ chức đón Tết với các nghi thức trang trọng và cùng nhau chúc mừng năm mới”.
Bài, ảnh: AN NHIÊN
Tết cổ truyền Songkran được tổ chức tại BR-VT là dịp để cộng đồng người Thái Lan đang sinh sống, làm việc xa quê hương gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc cũng như vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà. Đây cũng là dịp để vun đắp và xây dựng tình hữu nghị giữa cộng đồng người Thái Lan tại BR-VT; nhân dân hai nước giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết. (Bà Wiraka Moodhitaporn, |