Cấp bách bảo vệ, xếp hạng di chỉ Vòng thành Đá Trắng

Thứ Sáu, 22/04/2022, 19:26 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 6 tháng khai quật Vòng thành Đá Trắng (ấp Gò Cà, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều công cụ lao động bằng đá, kim loại, đồ gốm sứ thế kỷ 15-17. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng  khẳng định đây là di chỉ khảo cổ học 600 tuổi mang giá trị độc đáo, cần được bảo vệ, có kế hoạch khai quật toàn diện, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích.

Một số di vật gốm, sứ thế kỷ 15-16 được tìm thấy tại di tích Vòng thành Đá Trắng, trưng bày tại Nhà Văn hóa ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.
Một số di vật gốm, sứ thế kỷ 15-16 được tìm thấy tại di tích Vòng thành Đá Trắng, trưng bày tại Nhà Văn hóa ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Di chỉ thành cổ duy nhất ở Nam Bộ còn hiện hữu

Di chỉ Vòng thành Đá Trắng được phát hiện 20 năm trước, nằm trên gò đất, có cấu trúc vòng thành hình vuông, chiều dài mỗi cạnh hơn 200m, được xây bằng đá ong trên khu đất rộng 4,2 ha. Nó được bao bọc bởi đường hào hình chữ nhật dài 410m, rộng khoảng 265m. Sáu tháng qua (từ tháng 11/2021 đến 4/2022), các nhà khảo cổ đào 66 hố thăm dò và 13 hố khai quật với diện tích gần 800 m2, phát hiện nhiều loại hình di tích như bếp sinh hoạt; hố rác, tường thành xây bằng đá ong, vòng hào; cùng các di vật gồm đục; dao, liềm, kìm; chì lưới bằng đất nung.

Theo đó, các nhà khảo cổ tìm thấy một số lượng lớn đồ gốm với 19.477 mảnh vỡ của các vật dụng sinh hoạt bằng sành, sứ đất nung. Trong đó, đồ sành Chăm Pa là các loại vò, chum, chóe chiếm số lượng lớn; các mảnh vật dụng gốm Chu Đậu (thời Lê sơ) và của Thái Lan.

Các nhà khảo cổ còn tìm được đồ sứ thời Minh (Trung Quốc); nồi, chõ dùng để đun nấu được làm bằng gốm bản địa; cùng với các mảnh gốm tương  tự với các di vật thuộc giai đoạn Óc Eo muộn ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo Trung tâm khảo cổ học, Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ, trong khu vực có nhiều thành cổ như Gia Định (TP.Hồ Chí Minh), Biên Hòa (Đồng Nai); Lũy Phước Tứ (BR-VT), Bảo Tiền, Bảo Hậu (Đồng Tháp)… Tuy nhiên, hiện chỉ có Vòng thành Đá Trắng là di chỉ thành cổ ở Nam Bộ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa với cấu trúc thành xây bằng đá ong có hào bao quanh. Đây cũng là nơi duy nhất phát hiện gốm văn hóa Chăm Pa và có niên đại sớm nhất so với các di tích thành cổ ở Nam Bộ vào khoảng thế kỷ 15-16.

Tại hội thảo khoa học về di chỉ khảo cổ Vòng thành Đá Trắng tổ chức ngày 19/4, các nhà khoa học khẳng định với những phát hiện khảo cổ học hiện nay tại Vòng thành Đá Trắng đã dần hé mở về một giai đoạn gần như chưa được biết đến trong lịch sử vùng đất BR-VT và Nam Bộ. Nguồn tài liệu vô giá này hứa hẹn một cơ hội lớn để giải mã các vấn đề văn hóa - lịch sử trước thời kỳ khẩn hoang miền đất phương Nam mà trước đây hoàn toàn chỉ được biết đến thông qua một số dòng ghi chép trong sử liệu hay các bản đồ của triều Nguyễn và các nhà truyền giáo phương Tây từ cuối thế kỷ 17  đến thế kỷ 19.

Di chỉ cần được bảo vệ khẩn cấp

PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam, cho rằng đây là di chỉ có giá trị lớn. Các di vật đa dạng cho thấy cư dân vùng này đời sống cao. Họ có thể là tầng lớp quý tộc mới sở hữu các loại đồ gốm cao cấp như vậy. Các di vật phản ánh lịch sử của người Việt hoặc Chăm, giai đoạn từ thế kỷ 15-17.

Hiện công tác khai quật hiện chỉ dừng ở mức độ thăm dò, dự báo. Tuy nhiên, thực tế khu đất có di chỉ Vòng thành Đá Trắng đang thuộc quyền sử dụng của tư nhân. Các hoạt động canh tác, xây dựng đã và đang làm phá vỡ cấu trúc của Vòng thành Đá Trắng ở nhiều mức độ khác nhau. Địa phương cần phải khoanh vùng, bảo vệ khẩn cấp di chỉ này.

Sau đó, cần nghiên cứu, khai quật toàn diện, lập hồ sơ đề nghị ngành chức năng xếp hạng di tích. “Do chưa được xếp hạng nên di tích (dù là cấp tỉnh) chưa thể tiến hành bảo vệ bằng Luật Di sản, đây chính là một hạn chế lớn đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đối với di sản đặc biệt này. Do đó, việc xác định đầy đủ các giá trị để xếp hạng di chỉ Vòng thành Đá Trắng là việc làm rất cần thiết, mang tính cấp bách hiện nay, nhằm củng cố đầy đủ cứ liệu khoa học, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc bảo vệ di tích, mà còn là cơ sở để định hướng cho các bước phục hồi và phát huy giá trị di tích quan trọng này để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách đa dạng, bền vững”, PGS. TS. Tống Trung Tín nhấn mạnh.

Còn theo PGS. TS, Bùi Chí Hoàng, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia nhận định, đến thời điểm này cả khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam bộ chỉ còn duy nhất di chỉ Vòng thành Đá Trắng còn tương đối nguyên vẹn được phát hiện. Để so sánh với các thành Chăm ở miền Trung, di chỉ Vòng thành Đá Trắng có những nét tương đồng với thành Đồ Bàn của Bình Định, quy mô di chỉ Vòng thành Đá Trắng nhỏ hơn tuy nhiên đến thời điểm này Thành vẫn còn nguyên vẹn trên vùng đất Đông Nam bộ.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.