Người Việt tin rằng, đi lễ chùa tháng Giêng không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào tự nhiên, tìm về nét đẹp truyền thống của dân tộc và có thêm năng lượng sống cho một vòng quay 365 ngày mới.
Người Việt tin rằng, đi lễ chùa tháng Giêng không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào tự nhiên, tìm về nét đẹp truyền thống của dân tộc. |
Theo nhà văn Tô Hoài, “Chơi chùa” (hay đi chùa, lên chùa, lễ chùa) là một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Việt Nam từ xa xưa. Nét đẹp ấy vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay, nhất là trong những ngày đầu năm-tháng Giêng. Tại các ngôi chùa nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu như: Linh Sơn Cổ Tự, Thiền Viện Chơn Không, Quan Âm Các, Hòn Bà, Hải Vân, Thích Ca Phật Đài, Bồ Đề, Dinh Cô, Phật Quang, Long Bàn,… người dân và du khách náo nức đi lễ. Giữa không gian bao la đất trời, tiếng chuông chùa ngân vang, khói nhang quyện tỏa, màu sắc đèn hoa và những nụ cười nơi cửa Phật... tất cả tạo nên không khí thanh bình, khiến lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.
Chị Nguyễn Thị Hoa (phường 10, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Năm nào cũng vậy, tôi thường đi lễ chùa vào rằm tháng Giêng, để cầu mong bình an cho mọi người trong gia đình và được thả lòng mình cảm nhận sự giao hòa của đất trời vào xuân, bỏ lại phía sau những vất vả mưu sinh năm cũ”.
Bồi hồi đứng bên song cửa Thiền Viện Chơn Không, chị Mai Huyền Trang (phường 8, TP. Vũng Tàu) không giấu nổi xúc động: “Mỗi dịp đầu năm đến Thiền Viện, tôi lại như tìm lại được chính mình. Ngày xưa, ở quê, nhà tôi cũng có song cửa màu nâu giống vậy, đó là cả thế giới tuổi thơ với những buổi trưa bày đồ hàng ra chơi hay trò chuyện cùng cây cỏ, chim muông. Ngồi lặng yên lắng nghe tiếng chuông gió, tôi dần bình tâm và như được tiếp thêm năng lượng để hoàn thành những kế hoạch năm mới”.
Anh Trần Văn Bình (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Năm nay dịch bệnh COVID-19 vẫn còn căng thẳng, nên Tết gia đình tôi không đi xa. Tuy nhiên, cả nhà vẫn tranh thủ xuống Vũng Tàu chơi và đi vãn cảnh chùa vì các ngôi chùa ở Vũng Tàu rất đẹp, thanh tịnh, ít có cảnh bon chen, xô bồ. Mọi người cũng có ý thức thực hiện nghiêm 5K”.
Sau khi thành kính chắp tay nơi điện Phật, bác Ngô Thanh Tuấn (Biên Hòa, Đồng Nai) dạo vòng quanh chiêm bái Linh Sơn Cổ Tự và cười hiền: “Đi lễ chùa tháng Giêng nhiều cái hay lắm nên được trở lại trạng thái bình thường mới sau dịch là tôi đi ngay. Mỗi ngôi chùa đều có câu chuyện lịch sử riêng của nó và đi lễ chùa như thế nào, sắm lễ ra sao, mặc trang phục kiểu gì đều đáng để lớp trẻ tìm hiểu để biết yêu và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Đi lễ bằng cái tâm thanh tịnh, từ bỏ tham-sân-si, trang phục lịch sự, kín đáo, sắm lễ đơn giản bằng hoa, trái cây, thành kính dâng Phật thì tự nhiên con người sẽ vô cầu sở đắc, thanh tâm, nhàn thân”.
Ngừng một lúc, bác Ngô Thanh Tuấn chia sẻ thêm: “Tôi thấy mừng vì đi lễ chùa đầu năm ở Vũng Tàu gặp khá nhiều bạn trẻ. Các bạn ăn mặc đúng mực, lịch sự đi theo gia đình hoặc nhóm bạn. Tuy nhiên, vẫn còn một số hành vi ứng xử của người đi lễ chùa chưa được đẹp mấy như: trang phục chưa phù hợp, hút thuốc trong chùa. Một số bạn trẻ lại quá ham mê chụp ảnh, tạo dáng, vô tư cười đùa làm mất đi không gian thanh tịnh nơi cửa Phật”.
Theo khoa học tâm linh, đi lễ chùa đầu năm - tháng Giêng chính là một cách đi xa (rời khỏi bản thể), hòa mình vào tự nhiên để sau đó trở về tìm lại chính mình. Nó cần thiết như một liệu pháp điều hòa tâm lý để nuôi dưỡng tinh thần, tiếp thêm năng lượng sống cho một vòng quay 365 ngày mới. Giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán này, chúng ta sẽ góp phần tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, ấm no mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn.
Bài, ảnh: HOÀNG ÁNH