.

Mãnh hổ - khát vọng & niềm tin

Cập nhật: 20:09, 11/02/2022 (GMT+7)

Năm Tân Sửu – 2021 với bao thử thách nghiệt ngã đã đi qua. Năm Nhâm Dần cầm tinh con hổ – 2022, mãnh hổ - khát vọng & niềm tin rộn rã sắc Xuân, mặc dù nhiều khó khăn, thử thách đang đón đợi.

Người dân, du khách thích thú chụp ảnh với đại cảnh gia đình hổ - con giáp năm 2022 tại đường hoa TP. Vũng Tàu. Ảnh Quang Vinh
Người dân, du khách thích thú chụp ảnh với đại cảnh gia đình hổ - con giáp năm 2022 tại đường hoa TP. Vũng Tàu. Ảnh Quang Vinh

Từ tết dương lịch 1/1/2022 và nay là tết Nguyên đán Nhâm Dần, du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu sau thời gian dài đóng băng do dại dịch COVID-19, thực sự chuyển động, hứa hẹn mùa bội thu. Trong mấy ngày tết cổ truyền gần 42.000 lượt khách nườm nượp đổ về biển Bà Rịa – Vũng Tàu, doanh thu ước đạt 358 tỷ đồng. Truyền thông nhận xét, Bà Rịa – Vũng Tàu là điểm đến hàng đầu của du khách nội địa, bởi hầu hết khách sạn biển, các resort, cơ sở lưu trú xanh, sạch, đẹp, dịch vụ khép kín thích hợp cho các nhóm du khách gia đình, di chuyển phương tiện riêng, phù hợp xu thế an toàn chống dịch COVID-19.

Mùng 5, mùng 6 Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đến kiểm tra tiến độ thi công các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, kiểm tra tiến độ dự án sân bay quốc tế Long Thành, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chi nhánh bảo tàng Hồ Chí Minh. Thủ tướng chúc năm mới mọi người, mọi nhà bình an, hạnh phúc, chống dịch hiệu quả mà sản xuất kinh doanh cũng thăng tiến. Dành sự chỉ đạo tập trung cho các dự án giao thông, Thủ tướng nhận định: Năm Hổ sức bật mãnh hổ, sau khi hoàn thành các tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP. Hồ Chí Minh với vùng cực Nam Trung bộ, miền Đông - miền Tây Nam bộ và cả nước, chắc chắn đất nước, vùng kinh tế trọng điểm phía nam có thêm điều kiện phát triển và cất cánh nhanh.

Đón Tết Nguyên đán cổ truyền, người ta nhớ đến sự kiện thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch rạng sáng 20 tháng chạp, thời điểm cận tết tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế, trụ thế 96 năm. Lễ di quan và hỏa táng diễn ra ngày 27 tết. Nơi thiền sư dưỡng bệnh và viên tịch, thuở sơ khai chỉ là một Thảo Am với tên gọi am Âm Dưỡng do Tổ sư Nhất Định lập nên, vốn là tăng cang của chùa Giác Hoàng trong cung vua. Tổ sư cáo lão về để nuôi dưỡng mẹ già và tu hành thanh tịnh tại đây. Tên gọi “Từ Hiếu tự” với những câu chuyện cảm động về đạo hiếu của thiền sư Nhất Định được vua Tự Đức đặt tên gọi từ đó.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một con đường hành động - được phật tử toàn cầu tín nhiệm với thuyết “Phật giáo dấn thân”. Thiền sư được biết đến là một nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, học giả, sử gia và một nhà hoạt động hòa bình. Thực hiện di huấn của thiền sư, tang lễ diễn ta trong 7 ngày, không nhạc, không kèn, dòng người đến viếng tâm tang thực hiện đúng các quy định chống dịch COVID-19, im lặng trong thanh tịnh, an lành “như một khóa tu im lặng”, không phúng điếu vòng hoa, trường liên. Từng dòng người đi nhẹ, khoan thai, hít thở trong thiền hành tiến vào lễ rồi lặng lẽ lui ra tìm cho mình một gốc cây, một phiến đá, bãi cỏ, gốc vườn để ngồi tĩnh tại trang nghiêm, cảm nhận sự an nhiên, nguồn năng lượng tích cực, tỏ lòng thành kính và biết ơn, phục vụ nhân sinh.

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, nếu chúng ta bình an là chúng ta hạnh phúc, chúng ta có thể cười. Và mọi người trong gia đình, trong cộng đồng, xã hội có thể hưởng niềm vui từ chính nụ cười, từ sự bình an. Tâm an, lòng ta nhẹ nhõm, thanh tịnh, an nhiên. Để tâm an thì gắng làm những việc có ích cho đời, đem tình thương yêu đến mọi người. Niềm vui của tết Nguyên đán cổ truyền hướng về cội nguồn, là đạo hiếu với tổ tiên, nguồn cội, quê hương. Lúc trẻ thiền sư sống ở nước ngoài, hơn 40 năm xa quê hương, giảng pháp, đưa tư tưởng Phật giáo chánh niệm, yêu hòa bình từ Việt Nam ra thế giới, góp phần làm rạng danh Tổ quốc Việt. Cuối đời ngài trở về quê nhà, đạo hiếu, tịnh dưỡng và an nghỉ nơi đã từ đó mà ra đi, thành phố Huế yêu thương. Lúc viên tịch ngài di huấn thực hiện hỏa táng, không tang lễ ồn ào, không phúng điếu và nghi thức rềng rang tốn kém thời gian và tiền bạc.Thanh thản lên Niết Bàn, nhưng uy tín và di sản văn hóa – tâm linh Phật giáo “dấn thân” mà thiền sư để lại cho hậu thế thật đáng trân trọng.

Đón Nhâm Dần thực hiện lời căn dặn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước  lúc dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ, đưa đất nước phát triển, cường thịnh, dân giàu nước mạnh. Cầu chúc cho mọi người, mọi nhà sự bình an và hạnh phúc.

Nhâm Dần – Mãnh hổ - Sức mạnh của khát vọng và niềm tin trên con đường phát triển, đi tới sự mạnh giàu, cường thịnh.

QUỐC TOÀN

.
.
.