Lan tỏa nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc Châu Ro

Thứ Sáu, 18/02/2022, 18:40 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày 12-13/2, hơn 40 nghệ nhân đồng bào dân tộc Châu Ro của BR-VT đã tham gia “Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” được tổ chức tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cùng với 53 dân tộc anh em trên mọi miền đất nước.

Đoàn nghệ nhân dân tộc Châu Ro, tỉnh BR-VT chào đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại ngày hội. Ảnh: THÁI BÌNH
Đoàn nghệ nhân dân tộc Châu Ro, tỉnh BR-VT chào đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại ngày hội. Ảnh: THÁI BÌNH

BẢN SẮC RIÊNG

Đoàn nghệ nhân dân tộc Châu Ro, huyện Châu Đức tham gia biểu diễn chương trình nghệ thuật với chủ đề “Châu Ro mừng Hội” với 9 tiết mục ca múa, nội dung ca ngợi về Đảng, về Bác và về mùa xuân. Các tiết mục văn nghệ đặc sắc này do các nghệ nhân dân tộc Châu Ro thể hiện được Chủ tịch nước và Ban tổ chức đánh giá cao, mang đến sự thích thú cho khán giả và cộng đồng các dân tộc anh em khác. Tiết mục biểu diễn của nghệ nhân Lý Thị Nhiễn (76 tuổi, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) thể hiện điệu hát “Lời ru” dân ca Châu Ro được đánh giá là đặc sắc, ấn tượng nhất buổi biểu diễn.

Nghệ nhân Lý Thị Nhiễn chia sẻ: “Lần đầu tiên được tham gia Lễ hội sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc, tôi cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi vì được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi về cách bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Đặc biệt, được gặp Chủ tịch nước và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tham gia Ngày hội, đồng bào dân tộc Châu Ro đã mang những nét đặc sắc nhất đến với đồng bào cả nước”.

Giới thiệu thêm về các tiết mục tham gia biểu diễn, nghệ nhân Lý Thị Nhiễn cho biết, trong kho tàng văn hóa Châu Ro có những điệu múa, bài dân ca, dân vũ nguyên thể kết hợp với những nhạc cụ dân tộc như: kèn môi, kèn bầu, zểnh, goongkla, goongchlo… và đặc biệt quan trọng là cồng chiêng. Các nhạc cụ này được thể hiện trong lễ hội mừng năm mới hoặc các lễ hội lớn khác của đồng bào Châu Ro như: lễ hội cúng thần lúa (Yangri) vào tháng 2 âm lịch, lễ hội cúng thần rừng (Yangva) vào tháng 11 âm lịch.

“Cồng chiêng Châu Ro mang bản sắc riêng, không hòa lẫn với cồng chiêng của các dân tộc khác. Với người Châu Ro, cồng chiêng mang giá trị thiêng liêng. Thanh âm chiêng vang lên như niềm vui của người dân tộc. Và muốn đánh được cũng phải thuộc những bài dân ca như Cầu mưa, Mời khách, Lời ru...:, bà Lý Thị Nhiễn nói.

GIỮ GÌN VĂN HÓA DÂN TỘC

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Sáu - con trai bà Nhiễn cũng tham dự Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” đợt này cho biết: “Chúng tôi đã mang tới những gì độc đáo nhất của đồng bào dân tộc Châu Ro; cùng hoà chung với các dân tộc anh em khác đánh trống, chiêng, nhảy múa tạo không khí sôi động cả không gian lễ hội”.

Ông Sáu cũng cho biết, ông đã được mẹ truyền dạy đánh cồng chiêng và những điệu hát dân ca Châu Ro. Hiện ông Sáu cũng làm việc tại Nhà văn hoá dân tộc Bàu Chinh - là nơi sinh hoạt văn hóa, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của đồng bào Châu Ro; tổ chức các lớp truyền dạy cách đánh cồng chiêng, cách làm và chơi các nhạc cụ dân tộc khác, sinh hoạt múa hát các làn điệu truyền thống cho con em đồng bào dân tộc để kế thừa và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.

“Chúng tôi cũng đang nỗ lực truyền dạy cho con cháu và con em người dân tộc đánh chiêng, hát dân ca Châu Ro, mong con em nối tiếp giữ gìn văn hóa dân tộc”, ông Sáu nói.

Bà Dương Thị Triên, Phó Chủ nhiệm Nhà văn hoá dân tộc Bàu Chinh cho hay: “Tham gia Ngày hội, Đoàn đã thể hiện 3 chương trình và 9 tiết mục ca múa, hát bằng cả hai tiếng Châu Ro và tiếng Việt. Thông qua ngày hội, Đoàn đã giới thiệu, giao lưu điệu múa, lời ca và trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc cùng với các dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc; giới thiệu cho người dân, du khách hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hóa, lễ hội đón Xuân của người dân tộc Châu Ro.

Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Đức cho biết, Đoàn nghệ nhân đồng bào dân tộc Châu Ro, huyện Châu Đức được góp mặt trong “Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2022” là cơ hội để giao lưu văn hóa, góp phần tô điểm thêm hương sắc cho nền văn hóa 54 dân tộc Việt Nam. Sự kiện cũng là dịp biểu thị tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sợi dây cố kết cộng đồng dân tộc Việt Nam, mang đến không khí đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong những ngày đầu xuân mới.

AN NHIÊN

Phát biểu tại “Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi dân tộc là một cành trong cái cây vĩ đại mang tên Việt Nam. Do đó, chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ bằng mọi giá vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc. Đồng thời mong muốn, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân tích cực phát huy vai trò vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt quan tâm giáo dục các thế hệ trẻ.
...........................................
 
9 tiết mục tham gia Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc gồm: “Mừng hội dựng nêu” (Sáng tác: Phan Thiết); “Làng Châu Ro nhớ ơn Người” (Sáng tác: Hoàng Lương - Đào Phước); Gọi rừng (Âm nhạc: Hoàng Lương); “Đau chân” (Dân ca Châu Ro); “Xuân về bản làng Châu Ro” (Sáng tác: Hoàng Lương); “Tiếng gọi nơi hoang dã” (Âm nhạc: NSƯT Mạnh Tiến); “Lời ru” (Dân ca Châu Ro); “Tiếng gọi cội nguồn” (Sáng tác: Đào Phước); “Châu Ro mừng Hội” (Sáng tác: Phan Thiết).

 

;
.