Di chỉ Vòng thành Đá Trắng (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) đã được phát hiện trong đợt điều tra khảo cổ học từ năm 2002. Đầu tháng 12/2021, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật di chỉ này. Đây là di chỉ có ý nghĩa quan trọng bởi lần đầu tiên trên vùng đất BR-VT phát hiện được di chỉ kiến trúc thành hào.
Các nhà khảo cổ đào hố thám sát thăm dò địa tầng để có cơ sở khai quật diện rộng di tích Vòng thành Đá Trắng. |
Có mặt tại khu vực khai quật di chỉ Vòng thành Đá Trắng sáng 5/1, chúng tôi quan sát thấy, các nhà khảo cổ đã đào các hố trên diện tích khoảng 500m2 nằm trong khu vực vòng thành rộng 4km2 đã được phát hiện từ trước. Việc khai quật do Bảo tàng tỉnh phối hợp với các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đảm nhiệm. Do dịch COVID-19 phức tạp nên các nhà khảo cổ và công nhân thực hiện việc đào, khai quật theo hình thức 3 tại chỗ từ 1/12/2021.
TS. Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học cho biết, sau thời gian chuẩn bị mặt bằng và các điều kiện cần thiết, đoàn bắt đầu khai quật di chỉ từ cuối tháng 12/2021. Hiện nay, đoàn đang khai quật để thăm dò, đánh giá hiện trạng di chỉ; kiểm tra địa tầng để có cơ sở công bố di chỉ và sau đó triển khai khai quật trên diện rộng.
Bước đầu, các nhà khảo cổ đã phát hiện thêm một số đoạn tường thành làm từ đá ong và một số mảnh gốm, sứ Champa và thời Minh, có niên đại ước tính từ thế kỷ thứ XV-XVII. Hiện đoàn đang tiếp tục mở rộng một số đoạn tường thành làm bằng đá ong tại di chỉ. Dự kiến, quá trình khai quật sẽ thực hiện đến hết tháng 3/2022.
Theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng, Phó Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, di chỉ Vòng thành Đá Trắng được phát hiện trong đợt điều tra khảo cổ học từ năm 2002. Đây được xem là di chỉ thành cổ còn nguyên dạng nhất có thể nhận biết bằng mắt thường so với các di chỉ đã biết trên vùng đất Nam Bộ như: Lũy Phước Tứ (BR-VT); thành Biên Hòa, Tuy Hạ (Đồng Nai); thành Gia Định (TP. Hồ Chí Minh)…
Lần đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ nói chung và BR-VT nói riêng đã phát hiện được di chỉ kiến trúc thành có hào bao bọc bên ngoài. Nếu niên đại của đồ gốm sứ (thế kỷ XV - XVII) phát hiện trong các cuộc điều tra và đào thám sát được xác định gắn liền trực tiếp với di chỉ Vòng thành Đá Trắng thì có thể thấy vết tích tường thành chính là kiến trúc đầu tiên xây bằng đá ong. Vật liệu này được phát hiện ở vùng Nam Bộ. "Sau khi tiến hành khai quật di chỉ này chúng ta sẽ có cái nhìn tổng thể, từ đó có phương án bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ. Dự án sẽ làm tiền đề để xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia, góp phần bảo vệ di sản văn hóa dân tộc”, PGS. TS Bùi Chí Hoàng chia sẻ.
Ông Trần Anh Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, ngày 7/12/2020, UBND tỉnh ban hành văn bản số 13652/UBND-VP phê duyệt kinh phí thực hiện khai quật di chỉ khảo cổ Vòng thành Đá Trắng với tổng số tiền 2,9 tỷ đồng. Bảo tàng tỉnh được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện khai quật di chỉ này. Từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022, các nhà khảo cổ khai quật tại hiện trường. Hiện vật thu được sẽ đưa về Bảo tàng tỉnh, tiến hành nghiên cứu niên đại, lập hồ sơ hiện vật, tổ chức hội thảo, công bố kết quả khai quật di chỉ Vòng thành Đá Trắng vào tháng 6/2022. Từ đó, cơ quan chức năng có cơ sở đưa ra những nhận định khoa học thực tiễn về di chỉ, tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý các bước tiếp theo.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG
Di chỉ Vòng Thành Đá Trắng có vị trí rất thuận lợi, cách TP. Vũng Tàu 29km, cách thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) 7km và nằm trên tuyến du lịch Vũng Tàu - Hồ Tràm - Bình Châu. Qua đợt khai quật này, nếu có giá trị lịch sử đáng giá, theo Luật di sản, di chỉ này hứa hẹn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn và độc đáo đối với du khách. (Ông Trần Anh Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh) |