.

Đệ nhất cần thủ

Cập nhật: 17:29, 10/12/2021 (GMT+7)

Tùng câu cá rất “mả”. Theo cách nói của đám bạn bè cùng lứa với nó, “mả” có nghĩa là giỏi. Người lớn khen Tùng sát cá. Còn nó thì tự phong cho mình danh hiệu “Đệ nhất cần thủ” - người câu cá giỏi nhất.

Không ngoa tẹo nào. “Đệ nhất cần thủ” đã vác cần đi là không bao giờ về tay không. Lớn thì trắm, chép, trôi, chày. Nhỏ thì trê, rô, giếc, thiểu. Ngoài sông còn con ngạnh, con nheo, con bống. Loại cá mắt muỗi như mương, mại, cân cấn, thòng đong chỉ để nấu canh dưa, thì không thèm phí mồi. Có khi “Đệ nhất” khệ nệ xách về, không phải xâu cá như thường thấy, mà là con ba ba to đùng.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Tùng câu giỏi, nhờ đôi mắt và đôi tai khác thường. Mắt nó nhìn thấu qua tầng nước. Còn tai nghe rành tiếng cá. Trời phú cho nó cái khả năng phi thường ấy. Nói thế ai tin thì tin, không tin đành chịu, chứ không thể giải thích hay chứng minh.

- Cá ở Đầm Vạc nhiều vô thiên lủng! - Một hôm thằng Vũ hớt hải chạy về nói với Tùng.

 Vũ là bạn Tùng, cũng thích câu, nhưng câu rất xoàng. Nó mê Tùng, luôn bám theo Tùng để học hỏi tài câu của “Đệ nhất”. Nhiều khi “Đệ nhất” sai đi đào giun, rang cám, hoặc gãi hộ cái lưng bị muỗi chích, nó cũng vui vẻ “phục vụ”, cốt để cho sư phụ hài lòng.

- Mày nghe ai nói? - Tùng vẫn thản nhiên gại gại mũi nhọn của chùm lưỡi câu vừa mua lên đầu ngón tay để thử độ sắc của chúng.

- Nghe gì. Tao đến tận nơi hẳn hoi.

- Xa thế mà mày đến?

- Đến rồi, câu hẳn hoi.

- Câu thế nào?

- Mắc mồi, thả xuống, thấy cá cắn hẳn hoi.

- Rồi giật lên được mấy sợi rong hẳn hoi! Ha ha.

- Công nhận tao câu dở - Vũ thở dài - Mất cả buổi lại về tay không. Nhưng nghe tiếng đớp mồi, tiếng quẫy đuôi, nhìn tăm sủi, tao cũng biết cá nhiều hay ít, ăn nông hay ăn sâu chứ…

“Đệ nhất” tỉ mẩn buộc dây cước vào chùm lưỡi, như muốn bỏ ngoài tai câu chuyện của Vũ.

- Lũ cá ở Đầm Vạc khôn kinh khủng. Tao ngờ là…

- Hả? Mày nói sao? Ngờ gì? Ngờ ai?

Vũ định nói: “Tao ngờ thánh câu như mày cũng bó tay”. Nhưng nó kịp sửa lại:

- Tao ngờ… lũ cá ấy… không phải cá thường. Mà là cá ma!

- Ha ha ha - Tùng cười to.

Đoạn, nó bỏ chùm lưỡi câu buộc dở, nheo nheo mắt nhìn Vũ:

- Mày dám thách tao dạy cho lũ ma dưới Đầm Vạc một bài học không?

- Thôi. Thách gì. Tao biết mày “thánh” rồi. Tao chỉ thích hôm nào…

- Hôm nào tao với mày cùng đi đến đó - Tùng ngắt lời Vũ - Tao không dạy, nhưng sẽ bảo cách cho mày 

dạy chúng.

Y hẹn, mấy ngày sau Vũ và Tùng đạp xe tới Đầm Vạc.

Vì đã hứa để cho Vũ “dạy”, nên hai thằng chỉ mang theo cần câu của Vũ.

Đầm Vạc rộng mênh mông, cách khá xa khu dân cư nên có vẻ hoang vắng. Ven bờ lác đác những khóm lau sậy. Nước hồ xanh đen, sâu thẳm.

Tùng để Vũ sửa soạn đồ nghề, một mình men ra vệ hồ.

Mặt hồ sóng lăn tăn. Tùng chăm chú nhìn xuyên qua làn nước. Nó nhìn thấu tới cả lớp bùn dưới đáy hồ, nơi những con trai ẩn mình ngậm ngọc. Ma mãnh con khỉ! Toàn đồn nhảm. Kia kìa, những loáng bạc giữa tầng nước. Dễ dàng nhận ra bọn cá thiểu, cá mương, cá mại háu ăn rượt đuổi con mồi. Bên dưới là những gã cá giếc to bằng bàn tay lượn lờ. Những chàng rô phi da đen như chì tụ tập thành từng đàn. Thỉnh thoảng lại có cụ chép râu đỏ vây đỏ bệ vệ xuất hiện. Sỗ sàng hơn cả là những tên trắm cỏ, mình tròn và đen như một quả đạn pháo, đột ngột từ đâu lao vụt đến, làm cho đám đông giật nảy mình, dạt ra tứ phía…

Lũ cá ở đây có gì khác thường đâu?

Tùng nghĩ, rồi gọi to: 

- Mang cần lại đây.

Vũ mau mắn chạy đến.

- Mày thích câu cá gì? - Tùng hỏi.

- Cá gì chả được?

Tùng cầm chiếc lưỡi câu buộc ở đầu dây cước của Vũ lên xem:

- Lưỡi này hơi nhỏ. Chỉ câu được cá giếc, cá thiểu hay rô phi. Dưới hồ còn có cả trắm, chép.

- Thôi, không cần trắm chép. Miễn là cá cắn, và tao giật được.

- Nhưng nếu con chép kia cắn thì mày chỉ giật lên không khí. Cái lưỡi câu của mày sẽ tuột ra khỏi cái miệng rộng của nó.

- Mày nhìn rõ lũ cá thế cơ à?

- À… ừm… Thôi, đừng hỏi nhiều. Giờ tao bảo làm gì thì cứ làm, nghe chưa?

Vũ nghe Tùng, chọn khúc giun ngon mắt nhất trong cái hộp đựng mồi móc vào lưỡi câu. Khúc giun phủ kín lưỡi, cái đầu còn thừa ra ngo ngoe.

- Thả xuống - Tùng ra lệnh - Thế. Sâu xuống tí nữa. Sang phải nào. Khe khẽ thôi. Đấy, đấy. Giữ nguyên đấy.

Vũ chả hiểu quái gì, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào bài bản của “Đệ nhất cần thủ”. Nó ngoan ngoãn dịch cái cần sang phải, sang trái, nâng lên, hạ xuống. Lúc nào thằng bạn bảo giữ nguyên thì giữ nguyên.

- Thôi xong! Chạy mất rồi! - Tùng kêu to.

- Cái gì chạy? - Vũ giật mình.

Tùng không trả lời. Vũ lại tiếp tục làm theo sự điều khiển của nó. Phải, trái, lên, xuống, giữ nguyên… Vũ vừa làm vừa hình dung ra cái lưỡi câu đang di chuyển, đưa miếng mồi ngon đến tận miệng những con cá chìm sâu dưới làn nước.

Tùng nhìn rõ lũ cá xúm đến chiếc lưỡi câu có mắc mồi. Cá giếc, cá rô phi, cá chép. Thậm chí những con cá mại háu ăn cũng xông vào. Nhưng không hiểu sao, chúng chỉ ngửi ngửi khúc giun một tí rồi quẫy đuôi phóng mất.

- Mày đưa cần tao xem - Tùng sốt ruột.

Vũ đưa cần câu cho Tùng. Tùng nhìn cái cần trúc dài thẳng tắp, ngọn hơi cong xuống, lẩm bẩm:

- Cần - Tầy - May - Rủi. Cần - Tầy - May - Rủi…

- Niệm thần chú à? - Vũ hồi hộp hỏi.

- Giời ạ! Thảo nào…

- Sao cơ?

- Thế này mà đòi đi câu. Tính đốt cần câu cũng không biết tính. Cái cần này của mày thừa ba đốt.

- Hả?...

- Nhìn đây. Muốn đi câu thì trước hết phải ủ vận may cho cái cần. Mày phải tính lần lượt các đốt trúc từ gốc lên ngọn. Xem này: “Cần”, đốt thứ nhất. “Tầy”, đốt thứ hai. “May”, đốt thứ ba. “Rủi”, đốt thứ tư… Cần - Tầy - May - Rủi. Cứ thế lặp đi lặp lại cho tới đốt cuối cùng. Cần câu được ủ vận may thì đốt cuối cùng trên ngọn phải là “May”. “May” đi không về có. Cần của mày lại “Tầy”. “Tầy” đi không về không.

- Thế phải chặt đi những ba đốt cơ á? - Vũ nhìn cái cần câu rất đẹp của mình, hoang mang.

- Tùy mày.

- Thôi được… Này thì “Tầy”!

“Rắc”. Ba đốt trúc gãy gọn. Vũ bẻ xong đoạn ngọn, loay hoay buộc lại cước. Giờ thì cái cần câu mềm mại duyên dáng của nó trông hao hao như que chăn vịt.

Lại tiếp tục “phải, trái, lên, xuống” một thôi nữa. Vẫn chẳng thấy vận may bén mảng. Tùng rơm rớm mồ hôi. Không khéo cá ma thật chứ chẳng chơi. Nghĩ thầm thế thôi, chứ không nói ra miệng. Nó thay đổi “chiến thuật”. Lúc trước điều khiển Vũ đưa mồi đến miệng cá. Giờ… lộn xuống đuôi!

Cái mồi giun chạm khẽ vào đuôi con giếc đang đứng bất động dưới đáy nước. Con cá giật mình, quay ngoắt lại. Hai mắt nó đỏ đọc. Miệng há ra, tưởng sẽ tợp một phát vào khúc giun dám trêu ngươi nó. Khúc giun phủ bên ngoài cái lưỡi câu bén ngọt. Nhưng đúng vào lúc Tùng run lên hồi hộp thì con cá nguẩy đuôi bỏ đi. Cái mồi bị đẩy ra, lảo đảo giữa luồng nước.

Tùng cúi sát xuống mặt hồ để nhìn cho rõ hơn.

Sau khi con cá giếc thẳng thừng từ chối miếng mồi, có một đàn cá khác, cả giếc lẫn rô phi, cả thiểu lẫn mương, mại, trôi, mè, trắm, chép… cỡ lá tre lá mít cho đến cỡ quạt mo, cỡ chuôi dao cho đến cỡ cổ tay, cổ chân… bỗng từ đâu ùn ùn kéo đến. Đàn cá mỗi lúc một đông. Dường như chúng mách nhau tập trung càng nhiều càng tốt. Chúng xếp thành hàng ngũ chỉnh tề. Hàng gần nhất cách cái lưỡi câu của Vũ chừng nửa mét. Rồi một con cá trắm mình đen sì nhưng đầu mốc trắng, có vẻ như thủ lĩnh của cả bọn, rẽ đám đông ung dung tiến lên. Nó cất giọng 

uồm uồm:

- Hỡi các bạn! Chúng ta là cá. Bố mẹ chúng ta là cá. Ông bà chúng ta là cá. Cụ kỵ tổ tiên chúng ta đương nhiên cũng là cá, chứ dứt khoát không phải tôm, cua, ốc, hến, hay ếch nhái, lươn lẹo gì hết. Chúng ta đã định cư, sinh sống ở hồ này cả trăm năm, nghìn năm. Chúng ta muốn có cuộc sống yên ổn, thanh bình. Nhưng tai họa luôn rình rập chúng ta. Lưới giăng, nơm úp, mìn nổ, điện giật. Lưỡi câu tua tủa, lúc nào cũng treo lơ lửng trước mắt. Đồng loại kém may mắn của chúng ta nhanh chóng biến thành đồ nhậu. To thì hấp, nướng, nấu ám, sốt chua ngọt. Nhỏ thì băm viên, chiên giòn. Còn bú mẹ thì làm mồi cho gà, vịt… Càng ngày chúng ta càng phải đối mặt với nguy cơ diệt chủng. Nhưng chúng ta không muốn hy sinh đến chiếc vảy cuối cùng. Chúng ta muốn sống tốt, muốn duy trì nòi giống. Nguy hiểm càng nhiều càng tôi luyện cho chúng ta thêm tỉnh táo, sáng suốt. Không thủ đoạn nào có thể lừa gạt được họ hàng nhà cá dưới hồ này. Nào các bạn! Hãy cùng nhau hát vang bản hành khúc truyền thống muôn đời của tổ tiên!

Chỉ đợi có thế, cả đàn cá đồng thanh há to miệng. Tăm sủi lên sùng sục khắp mặt hồ như nước đun sôi: 

 

Chúng tớ là cá

Sống lâu dưới hồ

Đừng tưởng chúng tớ

Ngốc như lũ bò. 

 

Chúng tớ biết tỏng

Mồi càng béo ngon

Lưỡi câu càng sắc

Tợp vào chết luôn!

 

Cần - Tầy - May - Rủi

Trước mõm, sau đuôi

Phải - trái - lên - xuống…

Thì cũng thế thôi.

 

Đừng tưởng chúng tớ

Giống như lũ bò

Muốn nấu thì nấu

Muốn kho thì kho.

 

Chúng tớ mà ngốc?

Nhầm to! Nhầm to!...

 

Hát xong bản hành khúc bất hủ, cả đàn cá hè nhau: “một, hai, ba”! Ùm! Như quả pháo nổ dưới đáy hồ, lũ cá quẫy đuôi phóng vọt ra tứ phía. Bùn quậy tung. Nước đục ngầu.

Tùng chưa hết bàng hoàng vì màn trình diễn có một không hai của lũ cá thì một con ba ba to bằng cái rá vo gạo đủng đỉnh từ đâu đi tới. Con ba ba ti hí mắt nhìn cái lưỡi câu còn lòng thòng khúc giun bợt bạt, vẻ khinh bỉ:

- Đã nghe rõ đầu đuôi chưa mà còn ngoan cố đứng ì ra đấy? Hả? Không biết đường cuốn xéo cho nhanh, ông lại đớp cho phát, mất luôn cả chì lẫn chài.

Đến đây thì Tùng trố mắt, đứng đờ người. Con ba ba thành tinh này không biết nói đùa. Cái hàm như gọng kìm của nó mà nghiến thì sợi cước to thế chứ to nữa cũng phăng teo. Đầu óc “Đệ nhất cần thủ” hơi bấn loạn. Thói tự phụ của nó vừa bị giáng cho một vố đau. Hóa ra kẻ nhận được bài học lại không phải là lũ cá…

Vũ vẫn hoàn toàn không biết gì về cuộc mít tinh rầm rộ vừa xảy ra dưới lòng hồ. Thấy Tùng vẫn chôn chân dưới nước, bên bụi sậy, nó bán tín bán nghi… Ôi dào! Nhưng có sao đâu? Đi câu không cá là chuyện thường mà. Tuy thế, nhìn vẻ mặt thất thần của thằng bạn không quen chịu thất bại, nó cũng thấy ái ngại. Chần chừ giây lát, nó quyết định nhấc câu, quấn sợi cước quanh cái cần, rồi thẳng tay phi đoạn trúc cụt ngủn ấy ra xa.

- Một đời ta muôn vàn đời nó!

Vũ chép miệng, nói câu thường nói, mỗi khi phải bỏ đi thứ gì hư hỏng. Xả xui xong, nó kéo áo Tùng:

- Mày vẫn vô địch. Lũ cá ở đây sợ oai danh của mày. Với lại, tại cái cần của tao chưa ủ kịp vận may…

TRẦN ĐỨC TIẾN

.
.
.