.

Thưa má, con đã về!

Cập nhật: 22:59, 03/12/2021 (GMT+7)

1. Mới sang tháng mười hai, Thùy đã đưa ảnh ngôi giáo đường rực rỡ ở quê cô lên trang cá nhân mạng xã hội. Nhà thờ nhỏ thôi, nằm khiêm tốn bên cạnh dòng sông nước đục ngầu quanh năm. Mãi sau này lớn lên có dịp ra miền Bắc, miền Trung, Thùy mới biết nước sông quê mình là xấu nhất, nhưng nhờ đục ngàu phù sa vậy nên quanh năm cây cối xanh mơn. Cá tôm cũng sinh sôi đầy sông, rạch. Khi trưởng thành, Thùy mới nhận ra cái đẹp không chỉ ở cảnh sắc mà nó ăn sâu vô tâm hồn. Sẽ không nơi đâu đẹp bằng quê mình bởi nơi đó còn in hằn dấu chân của Thùy suốt quãng đời tuổi thơ. Nơi đó, từng rặng trúc, bờ ao chứa chan bóng hình của người thân. Làm gì có nổi một bức tranh gợi lên nhiều cảm xúc thân thương đến như vậy, nếu không phải là bức tranh trong tâm trí mình, về quê nhà.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Năm nào đến mùa Noel má cũng gọi cho từng đứa con, nói về được thì về. Cái câu không phải bắt buộc về đó, khiến những đứa con dễ nghiêng về những lựa chọn khác. Rồi cũng chính câu nói không mang hàm ý bắt buộc đó, nhưng đứa nào không về là má giận, má buồn. Ở chốn phồn hoa này có quá nhiều thứ níu kéo tụi nó ở lại. Chưa kể, ngày lễ Noel tuy quan trọng với người Thiên Chúa giáo nhưng những hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường, Thùy và thằng Út vẫn đi học, anh Hai cũng không được nghỉ làm.

Vả lại, chỉ sau vài ngày là đến tết dương lịch, rồi đến tết âm lịch, lúc đó được nghỉ về có phải dễ dàng thuận tiện hơn không. Năm nào anh em Thùy chẳng về đầy đủ. Thằng Út còn nói má có tuổi rồi dở chứng hay sao chứ, hồi anh Hai đi học, lúc đó Út còn ở nhà đâu thấy má nằng nặc đòi anh Hai về như bây giờ?

Đến khi Thùy đi làm thì càng khó về. Không phải Noel nào cũng rơi đúng vào ngày cuối tuần để được nghỉ, có khi nằm chình ình ngay đầu tuần. Mà đầu tuần ở bất cứ công ty nào cũng là ngày quan trọng với các buổi họp hành này kia. Nếu Thùy có về nhà đi nữa, đầu óc cũng không thoát ra được công việc, những cuộc điện thoại liên quan đến công việc thì bất kể ngày đêm, lễ lộc đều gọi tới, thử hỏi làm sao Thùy còn tâm trạng đón mừng Chúa Giáng sinh, dẫu đó là mùa mà Thùy yêu thích nhất trong năm. Một lần Thùy mạnh dạn thở than với má như vậy, cũng là để má thông cảm cho anh em Thùy, rồi vài hôm nữa tết Tây, anh em Thùy sẽ cùng về. Má không những không thông cảm mà còn giận lẫy Thùy đến vài tháng. Anh Hai biết chuyện, can Thùy: “Anh em mình cũng sai, má chỉ một mình ở nhà vào dịp lễ nên buồn là phải. Thôi để anh tranh thủ về!”.

Rồi cũng là bằng đó lần anh Hai kẹt việc. Mà kẹt thật. Có khi Noel anh còn đang vướng dẫn tour ở tận trời Tây. Mùa Noel cũng là mùa du lịch đắt khách nhất trong năm. Cả tour trong lẫn ngoài nước đều kín mít lịch. Anh lại nói với Thùy để hết đợt kẹt tour này anh về ở hẳn với má chục ngày. Nhưng cả chục ngày kia, nếu có, cũng mang một ý nghĩa khác, chẳng thể đổi lấy một ngày Noel đoàn tụ như má mong mỏi.

2. Lần nào cúp máy, Thùy cũng dò chừng anh Hai và thằng Út, hỏi xem 2 người họ có về không. Thằng Út hẳn là không, nó mới học năm nhất đã quen con bé da trắng nõn, như thể được đặt trong tủ kính nên ra ngoài không chịu được mưa gió, chỉ thích những nơi có cao ốc, máy lạnh. Thằng Út có lần dẫn qua chỗ Thùy chơi, trong lúc nấu cơm, nó cũng lại gần nói có gì cần phụ không, Thùy hơi ngạc nhiên vì đã nghe Út kể về cô tiểu thư nhà giàu chẳng đụng đến móng tay việc gì, nhưng thấy thành ý của con bé nên cũng nhờ nó cắm cơm giúp. Con bé vui vẻ làm theo hướng tay Thùy chỉ chỗ để gạo, nồi cơm, nước. Đến khi Thùy đã xong hết mọi việc, vẫn chưa thấy cơm dậy mùi sắp chín như mọi khi, Thùy đến gần mới tá hỏa. Con bé không bỏ gạo vô khay đựng gạo, mà bỏ hẳn vào lòng nồi cơm rồi đổ nước, cắm điện.

Thằng Út vẫn chết mê chết mệt con bé và xem đó như một câu chuyện vui mỗi lần kể lại. Chỉ có Thùy là mặt méo xẹo với những nỗi lo xa xôi cho thằng em mình.

Thằng Út vô comment tấm ảnh ngôi giáo đường trong đêm Noel, rằng em nhớ quê quá chị. Thùy biết ngay thằng Út đang có chuyện gì đó không vui, chứ bình thường nó chẳng quan tâm đến 1 tấm ảnh của bà chị như vậy. Đúng như Thùy dự đoán, nó vừa chia tay cô người yêu búp bê. Thùy cũng không tiện hỏi chuyện khi nó không thiết tha muốn nhắc lại, chưa kể, Thùy thấy mình vui hơn buồn ở thông tin này. Thằng Út nhìn hiền lành kiểu nông dân, sớm muộn gì nó cũng bị con bé bỏ vì chê không sành điệu. Vậy cũng tốt. Căn bản thì nồi nào phải hợp vung nấy đã, hôn nhân không thiếu những chuyện phức tạp đến nỗi người trong cuộc cũng phải bật ngửa than trời. Nếu cái căn bản ban đầu cũng trật nhịp nữa thì khó lắm. 

3. Tháng mười hai, bầu trời chìm trong những áng mây lảng bảng. Buổi chiều, thỉnh thoảng có cơn gió đi qua, tuy không đủ lạnh nhưng thừa cơ hội cho những cô nàng sống ảo xúng xính nào mũ len, áo khoác, khăn choàng. Trong quán cà phê, ly trà đá được thay bằng cốc nước nóng và những ngón tay xinh tranh thủ ủ vào, dù có khi cái lạnh đến từ… máy lạnh. Coi như cũng có chút không khí mùa đông. Thùy được sếp giao nhiệm vụ công tác các tỉnh miền Tây Nam bộ, trong số đó lại không có quê Thùy.

Buổi chiều, đứng trên sân thượng của khách sạn nằm ngay trung tâm thành phố, Thùy nhìn về quê nhà thấy trong lòng dâng lên nỗi nhớ cồn cào. Cô nhẩm tính xem còn bao nhiêu ngày nữa đến Noel rồi mạnh dạn nhắn tin cho sếp, xin ngày đó em muốn nghỉ phép 1 ngày để về nhà. Sếp của Thùy đã vài lần kiên nhẫn ngồi nghe cô kể về những cuộc điện thoại của má gọi anh em Thùy mỗi dịp Noel về, dường như đó là dịp duy nhất má mong cả ba anh em Thùy về, nhưng từ ngày từng đứa con của má rời xa quê nhà thì chưa có mùa Noel nào cả nhà cùng đoàn tụ.

Với người Thiên Chúa giáo thì Noel quan trọng không khác gì ngày Tết, khoảnh khắc đoàn tụ trở nên thiêng liêng như giao thừa mỗi năm.

Dịp đó, anh em Thùy sẽ cùng má đi lễ ở ngôi thánh đường gần nhà. Lễ gần nửa đêm nên có những năm sương rơi lạnh buốt, nhưng mà thích. Từ giáo đường về, nhà nào cũng có hang đá, đèn giăng sáng rực. Những giai điệu thánh ca ngân lên, cảm giác như mình đi lạc vào một xứ sở thần tiên nào đó. Cả xóm gần như không ngủ, lòng ai cũng vui phơi phới dưới ánh đèn vàng lung linh huyền diệu cùng triệu tinh tú thắp sáng bầu trời. Sau giờ đi lễ về, má thường nấu nồi cháo gà cho anh em Thùy. Cả nhà ngồi quây quần ăn cháo gà cho đến khi bước sang ngày mới.

Nếu không phải ở quê nhà thì ngày lễ Giáng sinh chẳng gợi lên bất cứ không khí nào. Thùy đã ở thành phố suốt 4 năm đại học, thêm 3 năm đi làm mà vẫn không thể nào quen với không khí mỗi dịp Giáng sinh về. Nhiều lần cô hòa vào dòng người đi bộ ở những thánh đường lớn, đông đúc, nhưng càng đi cô càng thấy mình lẻ loi. Cái cảm giác trơ trọi giữa đám đông khiến cô muốn bật khóc, muốn quay về bên má, rồi cả nhà sẽ quây quần bên nồi cháo nóng sau giờ lễ khuya về. Cô tự hỏi vì gì mà mình phải phiêu bạt xứ người? Nhưng chỉ qua phút giây yếu đuối ngắn ngủi ấy, cô lại tiếp tục lao vào công việc với những dự án, kế hoạch, quay cuồng với thời gian…

4. Thùy về đến nhà thì trời vừa chiều. Xe đò dừng lại ngay chợ. Từ đây về nhà Thùy chỉ còn cách cây cầu và một đoạn đường ngắn. Ở bến đò này, ngày xưa má hay dắt Thùy đi chợ. Hương vị của ổ bánh mì xá xíu với nước sốt sền sệt đậm đà như còn phảng phất đâu đây. Thùy đưa tay vịn vào thành cây cầu gỗ, nó được thay bằng đò ngang cách đây gần chục năm. Hẳn sẽ còn dấu tay của má, của hàng xóm, của bạn bè in hằn trên đó. Lần nào về đến chân cầu này, Thùy cũng đứng rất lâu tần ngần nhìn về phía dòng sông. Hôm nay gió chiều mát rượi, vài chiếc ghe chở cát ì ạch như không chạy mà chỉ thả thôi giữa dòng.

- Ủa, chị Ba, em tưởng chị đi công tác?

Thùy quay lại, ngỡ ngàng nhận ra thằng Út đang cười toe toét. Thùy ngạc nhiên chưa kịp hỏi gì thì từ xa anh Hai bước vội tới, trên tay là cặp gà làm sẵn. Anh Hai lộ vẻ bất ngờ khi thấy Thùy ở nơi này nhưng với tính cách ít nói, ít biểu lộ, anh chỉ cười nhẹ:

- Em mới về luôn hả?

Thùy gật đầu. Ba anh em cùng thả bộ về. Thùy với thằng Út mải nói chuyện nên đi chậm rì, cách xa anh Hai một đoạn. Đến khi Thùy với thằng Út đứng trước cổng nhà đã thấy anh Hai đang cầm chổi quét đám lá rụng dày trước sân. Cánh cửa đã mở toang. Vài vạt nắng mùa đông yếu ớt sót lại bên dậu hàng rào rợp trắng hoa thiên hương. Đám cỏ dại mọc chen vào, bám lấy những bông hoa trắng mà giành giật sự sống. Bao lâu rồi không có ai nhặt cỏ dại trong vườn?

Phía bàn thờ, hai ngọn nến đã được thắp sáng. Giọng anh nghe nhẹ như gió thoảng:

- Hai đứa vào thưa ba má đi!

Di ảnh của ba má rõ ràng là có mỉm cười với 3 anh em, nhưng Thùy thấy lòng nghẹn lại, cô đến gần, thì thầm: “Thưa ba má, anh em con đã về!”.

Dì Năm hàng xóm đi ngang, thấy anh Hai đang sửa lại hàng rào liền dừng lại, buông một câu kèm cái chép miệng: “Má bây mà còn sống, thấy 3 đứa cùng về ăn Noel vầy là bả vui hết sức”. Rồi như chợt nhận ra mình lỡ lời, dì Năm cáo bận rồi quày quả đi, dặn anh Hai nói thằng Út sang bẻ dừa về uống, dừa mùa này sai trái mà nước ngọt, thơm lắm nghen!

Truyện ngắn của LA THỊ ÁNH HƯỜNG

.
.
.