Có nhiều người ví nghề văn và báo như anh em sinh đôi. Sự giao thoa từ ngôn ngữ đến phong cách, từ lối tư duy, diễn đạt đến cách trình diễn, sắp đặt đều có sự gần gũi hòa quyện. Vì thế khi nhìn nhận về tác phẩm của một tác giả vừa làm báo, vừa viết văn người ta thường mang những nhận định trên ra làm hệ quy chiếu. Tôi đọc tập Truyện ngắn Hoa bằng lăng của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn (NXB Hội Nhà Văn, 10/2021) cũng không ngoài cách nghĩ mặc định ấy. Nhưng rồi ngay lập tức tôi nhận ra mình đã không đúng và cần phải phải có lối tiếp cận khác.
Ở Phạm Quốc Toàn, văn và báo không phải hai trong một. Chúng là hai thực thể cá tính độc đáo, với sức dẫn dụ, cuốn hút khác nhau đến lạ lùng. Nói đến nhà báo Phạm Quốc Toàn là nói đến một phóng viên, một nhà báo thực thụ, một nhà quản lý báo chí sắc sảo, tài năng mà thời gian và tác phẩm đã định vị tên tuổi ông trong nhiều thế hệ độc giả và đồng nghiệp. Ông có 15 năm là phóng viên, biên tập viên báo QĐND; hơn 20 năm làm Tổng Biên tập Báo BR-VT; 10 năm là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo... Văn chương đến với ông sau báo. Ông gõ cửa văn chương muộn hơn. Tôi nói muộn hơn là chỉ sự xuất hiện, cái vạch đích, cái cánh cửa mở ra. Còn cái hạt giống văn chương, cái mầm văn chương, cái cây văn chương ấp ủ và sinh trưởng trong ông từ rất lâu đến giờ bung ra thì đã là sum xuê, đã là quả ngọt.
Quả vậy, với một tập Truyện ngắn bao gồm 6 truyện là 6 câu chuyện khác nhau, 6 lối khai mở và tiếp cận khác nhau đã hội đủ - giúp hoàn chỉnh chân dung văn học của cây bút Phạm Quốc Toàn. Không kể, năm 2019 anh đã có tập tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” dày dặn 400 trang in - hấp dẫn, lôi cuốn.
Cái khác lạ đầu tiên chính là lối nói trong sáng, giản dị như tâm sự, không tả, không dựng, mà cứ thầm thì kể, thầm thì tái hiện - diễn giải với ngôn ngữ dân dã, đời thường mà lại khéo gây cảm tình, đằm thắm, sâu lắng. “Ông giáo Phương” là câu chuyện cảm động nhuốm vẻ huyền thoại, kể lại cuộc đời một con người với bao thăng trầm, vẫn trọn vẹn nghĩa tình thủy chung, hướng về nguồn cội. Người ta phải vật lộn, phải giành giật cho cuộc mưu sinh. Nhưng ngoài miếng cơm manh áo, phải có một cái gì đó cao hơn, bất biến, đấy là cái tinh anh, cái thần cốt, ý nghĩa của sự cao cả, của sự sống.
“Đám tang ông cả Hợi” là mượn chuyện một đám tang người già như bất kỳ một đám tang nào ở nông thôn ngày nay. Không thấy, không nghe tiếng khóc mà toàn những câu chuyện vui của các ông bạn già tổ tôm, cờ tường, hội hát sắc bùa - kí ức bên linh cữu người bạn nối khố, tri kỉ vừa ra đi nhẹ nhàng, thanh thản sau giấc ngủ. Nhưng ẩn chứa sau những kí ức ngắn gọn, súc tích tưởng chừng không ăn nhập lại lấp lánh tình làng nghĩa xóm, tình người sâu nặng với thông điệp, triết lí luôn luôn không cũ, đấy là nhân và quả, gieo và gặt, ở hiền gặp lành, ra đi và để lại.
“Hoa bằng lăng”, truyện ngắn được Phạm Quốc Toàn chọn đặt tên cho tập lại như một bài thơ, áng tùy bút mà lại có cốt truyện đến đáo để. Vẻ đẹp của hoa, vẻ đẹp của người, vẻ đẹp của cuộc sống, của tình yêu đôi lứa, tình chồng - nghĩa vợ cứ thế hiện ra, chẳng lớp lang, chẳng kết cấu, hay phục dựng, thắt nút mở nút, cao trào đỉnh điểm như công thức của một truyện ngắn thường có. Vậy mà bắt ta, không thể khác, phải thao thức ngẫm ngợi về đời và người, nhân tình thế thái, vị tha, nhân hậu.
Trong toàn tập, truyện của Pham Quốc Toàn không có chuyện buồn hay bi lụy, các nhân vật của ông dù mang kì thác có thể là của nguyên mẫu đời thường nào đó, hoặc hư cấu sáng tạo văn chương thì đều là những nhân vật mang tính lạc quan yêu đời, truyền cho bạn đọc những năng lượng tích cực, những cảm hứng, cảm xúc tin yêu - tình thương mến thương - bởi những kết thúc đẹp, có hậu. Đó cũng là mạch tư duy nhân văn - nhân hậu của Phạm Quốc Toàn xuyên suốt, thể hiện trong 19 tác phẩm anh đã xuất bản trong 10 năm qua.
“Thật thà mà vật không chết - Cao nguyên gió - Ngựa hoang của em” là những câu chuyện rất mới và hiện đại. Nói về lớp trẻ với tâm thế nhập cuộc, lập nghiệp, dấn thân, vào đời ở từng hoàn cảnh, thời điểm, thời gian, không gian, môi trường khác nhau nhưng đều toát lên những phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh đương đầu, táo bạo đối diện và chấp nhận thách thức, kiên trì và sáng tạo để rồi khi thành công thì hãnh diện, tự hào, ngẩng cao đầu mà đón nhận. Mà một trong những thành công lớn lao, ý nghĩa của cuộc đời là tình yêu họ thu hoạch được.
Phạm Quốc Toàn đã rất khéo, tài tình khi đưa vào từng truyện ngắn của mình những nét chấm phá, gợi mở hay đóng đinh ấn định những lát cắt của câu chuyện tình yêu, gia đình. Vì thế mà chuyện ông kể có dư vị của hoa hương, của ngọt ngào mật sánh. Hấp dẫn từ lời văn trong sáng, ý nhị mà rung động, bừng cháy khi tả về tình yêu làm người ta liên tưởng tới cây bút trẻ sung mãn. Nhưng tôi đoán bạn đọc sẽ ngạc nhiên, khi biết tác giả Hoa bằng lăng - nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn bút lực dồi dào và thăng hoa đó đang ở tuổi cuối mùa thu cuộc đời. Tuổi cao, đi với những trải nghiệm sâu sắc, nhưng hiếm khi đồng hành với trẻ trung. Vậy mà Phạm Quốc Toàn lại có cả hai thật đồng điệu, nhuẫn nhuyễn đến lạ, như quyện vào nhau vậy!
Xin được chúc mừng nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn. Mong ông cứ trẻ, cứ khỏe và sải bước, cứ dồi dào năng lượng sáng tạo như thế.
Nhà văn TRẦN GIA THÁI
(Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội)