Chiếc nón lá

Thứ Sáu, 12/11/2021, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Cuộc đời “người lái đò” luôn gắn liền với bao thế hệ HS cùng với biết bao kỷ niệm buồn vui. Có những kỷ niệm thoáng qua nhưng cũng có những kỷ niệm hằn sâu trong kí ức mà mỗi khi nghĩ đến trong lòng lại nao nao, trào dâng cảm xúc. Đối với tôi, cảm xúc đó là điều rất riêng, rất đặc biệt nhất là vào thời điểm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp đến gần.

Tấm hình kỷ niệm của cô Nguyễn Thị Thủy và những em HS lớp cô chủ nhiệm.
Tấm hình kỷ niệm của cô Nguyễn Thị Thủy và những em HS lớp cô chủ nhiệm.

Năm 1986, tôi ra trường mới được 4 năm, sau một thời giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, tôi được chuyển về Vũng Tàu. Nơi tôi đến nhận công tác là Trường cấp 1, 2 Thắng Nhất (tên gọi lúc đó). Đến năm 1990 tách riêng trường và đổi tên thành Trường THCS Thắng Nhất. Về trường, tôi được phân làm chủ nhiệm lớp 6B với 45 HS, đa số là con lao động nghèo, khó khăn.

Sau khi nhận lớp, qua tìm hiểu, tôi được biết lớp có hai anh em ruột Phúc, Phương, HS lưu ban, là HS cá biệt. Cha mẹ đi làm thuê cho chủ ghe tàu, hai anh em chủ yếu ở nhà với ông bà nội già yếu. Biết được điều đó cho nên ngay từ đầu tôi đã chú ý, tìm cách gần gũi, nhẹ nhàng khuyên bảo, đến nhà... động viên các em. Thế nhưng, bỏ ngoài tai những gì tôi nói hai anh em Phúc, Phương vẫn chứng nào tật nấy, thích thì đi học, không thích thì bỏ. Trong giờ học quậy phá, tìm cách trêu chọc bạn bè làm tôi rất buồn và mệt mỏi.

Nhà tôi cách trường 4 km, phương tiện để tôi đi lại là chiếc xe đạp. Mỗi ngày đến trường, sau khi để xe vào chỗ quy định, tôi cầm chiếc nón lá vào để dưới bàn giáo viên (phòng hôm trời mưa và nếu chẳng may xe bị đổ, nón không bị rách, hư). Hôm đó sau giờ ra chơi, tôi vào lớp, tôi sững sờ, mắt như hoa lên khi nhìn thấy chiếc nón lá mới mua của tôi đã bị HS nào dẫm đạp lên khiến nó bẹp dúm nằm chơ vơ trên bục giảng. Tôi nén giận hỏi:

- Em nào dẫm đạp lên nón của cô?

Cả lớp im thít. Tôi hỏi đến 3, 4 lần cả lớp vẫn im lặng mặc dù có em biết nhưng sợ không dám nói. Đến lần thứ 5 thì một trong hai anh em cá biệt đứng lên nói cộc lốc:

- Em đạp đó.

- Tại sao em dẫm đạp làm hư nón của cô? Tôi hỏi.

- Em thích.

Câu trả lời có vẻ thách thức của em khiến cổ tôi nghẹn đắng lại. Tôi ngồi phịch xuống ghế, hai dòng nước mắt cứ thế rơi, tôi cố kềm nén để không bật ra tiếng khóc. Mười lăm phút sau tôi mới lấy lại được bình tĩnh để tiếp tục công việc giảng dạy.

Về nhà tôi nằm vật lên giường suy nghĩ, nước mắt lại trào ra. Cái nghề mà tôi yêu quý lại bạc bẽo thế này ư? Mình phải làm sao đây? Không lẽ mình hết cách giáo dục rồi sao? Rồi hình ảnh mấy em học trò chạy lên sửa nắn lại cái nón cho nó bung ra, những câu nói xì xào dưới lớp tại anh em mày làm cô giáo khóc cứ vẳng vẳng bên tai đã giúp tôi nguôi ngoai nỗi buồn phần nào.

Sau buổi học đó, tôi vẫn đối xử bình thường với hai anh em, coi như không có chuyện gì xảy ra. Câu trả lời của Phúc “em thích” khi tôi hỏi vì sao em làm hỏng nón của tôi đã làm lóe lên trong tôi một chút hy vọng. Em dẫm đạp lên nón tôi là do thích, cái thích của sự nghịch ngợm quậy phá chứ không phải do thù ghét tôi. Thế là từ đó tôi tìm mọi cách gần gũi hai anh em: Có hôm tôi giả vờ kiễng chân, với tay lau bảng rồi nói bảng cao quá, trong lớp mình chỉ có bạn Phúc là cao nhất lên giúp cô nào. Hôm nay lớp lao động trồng cây, hai anh em cố gắng đi để phụ giúp cô và các bạn một số công việc nặng nhé. Hôm nay sinh hoạt tập thể có trò chơi kéo co nếu hai em Phúc, Phương tham gia thì lớp chúng ta nhất định sẽ có giải... Và thật vui lần nào các em cũng đồng ý với những đề nghị của tôi. Mưa dầm thấm lâu, hai anh em Phúc, Phương cũng đỡ quậy phá hơn, đi học chuyên cần hơn và cứ như thế mọi việc cũng tạm ổn cho đến khi kết thúc năm học.

Hết ba tháng nghỉ hè, tôi vào trường thì nghe học sinh nói hai em Phúc, Phương đã nghỉ học theo cha mẹ đi làm ghe. Nghe thế tôi chỉ biết nén tiếng thở dài.

Thời gian cứ thế trôi cho đến 4 năm sau, hôm đó là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tầm khoảng 11 giờ trưa, bất ngờ có hai em HS đến thăm và tặng tôi một chiếc nón lá có dây lụa tím xinh xinh. Tôi bất ngờ vô cùng, không tin vào mắt mình, tôi lặng người đi vì đó chính là hai anh em Phúc và Phương mà tôi đã chủ nhiệm năm lớp 6.

Qua cuộc trò chuyện tôi được biết hai anh em từ ngày nghỉ học đến nay vẫn đi làm cho các chủ tàu, kinh tế cũng khá hơn và đặc biệt hai anh em cho tôi biết chính việc tôi không mắng, không báo Ban giám hiệu phê bình dưới cờ, không báo cho phụ huynh biết, vẫn quan tâm, yêu thương, không ghét bỏ và tha thứ cho lỗi lầm của hai hai em, nên sau này đã nghĩ lại, cảm thấy ân hận vô cùng.

Cầm chiếc nón trên tay - Món quà rất đỗi ý nghĩa mà lòng tôi ngập tràn hạnh phúc. Chiếc nón lá như là một minh chứng cho thành công bước đầu trong công tác chủ nhiệm của tôi. Chiếc nón lá cũng như một minh chứng về sự thay đổi trong nhận thức, suy nghĩ của hai em cùng với lời xin lỗi, cám ơn khiến cho tôi hạnh phúc. Đặc biệt chiếc nón lá là minh chứng cho lòng tốt, điểm sáng của những con người lầm lỗi sẽ được thức tỉnh, trỗi dậy nếu được mở lòng đón nhận, nếu được rộng lượng tha thứ.

Cô cám ơn, cám ơn hai em thật nhiều!

NGUYỄN THỊ THỦY
(GV hưu trí TP. Vũng Tàu)

;
.