Bà Rịa - Vũng Tàu vang mãi tiếng đờn ca

Thứ Sáu, 12/11/2021, 19:50 [GMT+7]
In bài này
.

Theo năm tháng, dòng chảy của môn nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử (ĐCTT) trên vùng đất BR-VT vẫn được các nghệ nhân, tài tử duy trì, bảo tồn. Dẫu gặp những khó khăn, thăng trầm, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19, những người đam mê ĐCTT vẫn nỗ lực lan tỏa ngón đờn, lời ca đến với người yêu mộ điệu.

Tài tử Minh Chánh, Chủ nhiệm CLB ĐCTT TT. Long Hải (huyện Long Điền) trình bày tác phẩm “Người là ngọn đuốc tấm gương”.
Tài tử Minh Chánh, Chủ nhiệm CLB ĐCTT TT. Long Hải (huyện Long Điền) trình bày tác phẩm “Người là ngọn đuốc tấm gương”.

Yêu từng ngón đờn, lời ca

Từ 24/10, cứ đều đặn mỗi sáng thứ Bảy hằng tuần, Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh tổ chức giao lưu giữa các CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh. Sân khấu trang hoàng rực rỡ, tiếng đờn kìm réo rắt, tiếng ca ngọt lịm được phát trực tuyến trên kênh Youtube “Yêu đờn ca quý tài tử”.

Sau khi “xuống” bản “Người là ngọn đuốc tấm gương”, tài tử Minh Chánh, Chủ nhiệm CLB ĐCTT thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) tâm sự: “ĐCTT đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người dân trên địa bàn. Được ca những sáng tác mới ca ngợi sự tươi đẹp của quê hương đang từng ngày vượt qua gian khó ước mơ vươn tới tương lai tươi đẹp cũng là hạnh phúc của các tài tử”.

Bên cạnh lớp nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm, các tài tử trẻ tuổi đã cùng nhau hát, biểu diễn giao lưu với niềm đam mê dành cho ĐCTT. Trong chương trình giao lưu ĐCTT sáng 7/11, tài tử trẻ Ngọc Hiền, CLB ĐCTT xã Hòa Long (TP. Bà Rịa) đã làm say đắm lòng người nghe với điệu vọng cổ “Chút tình dạ cổ hoài lang”. Tài tử Ngọc Hiền cho biết: “Tham gia sinh hoạt CLB và biểu diễn trên sân khấu giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê ca hát, lan tỏa lời ca đến người yêu ĐCTT”.

Để đưa ĐCTT đến các không gian, biểu diễn cuối tuần phục vụ người dân mộ điệu, các thành viên mỗi CLB phải luyện tập, chuẩn bị hàng tuần. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu và đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nghệ nhân Trần Hoàng Hưng, Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện Đất Đỏ tâm sự: “Nhiều tài tử ca làm việc trong các công ty, nông dân, HS… dù rất bận rộn nhưng vẫn tham gia tập luyện đều đặn, biểu diễn giao lưu. Chúng tôi mong qua lời ca, điệu nhạc có thể lan tỏa và nhân rộng phong trào ĐCTT đến với cộng đồng”.

Tài tử Ngọc Hiền CLB ĐCTT xã Hòa Long (TP. Bà Rịa) với sáng tác vọng cổ “Chút tình dạ cổ hoài lang”.
Tài tử Ngọc Hiền CLB ĐCTT xã Hòa Long (TP. Bà Rịa) với sáng tác vọng cổ “Chút tình dạ cổ hoài lang”.

Lan tỏa tình yêu ĐCTT

Ông Hồ Vĩnh Trí, Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng (Trung tâm VH-NT tỉnh) cho hay, làn sóng COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến các hoạt động VH-NT bị hạn chế, trong đó có hoạt động biểu diễn ĐCTT. Để duy trì hoạt động của các CLB ĐCTT, từ ngày 24/10, mỗi sáng thứ Bảy hằng tuần, Trung tâm VH-NT tỉnh tổ chức lần lượt 6 chương trình giao lưu ĐCTT với chủ đề xuyên suốt là “BR-VT vang mãi tiếng đờn ca” với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, tài tử ở 8 huyện, thị, thành phố. Hoạt động này không chỉ giúp người dân thưởng thức loại hình nghệ thuật truyền thống gần gũi, bình dị mà còn thỏa niềm đam mê đờn ca của các tài tử.

120 học viên tham gia lớp bồi dưỡng Đờn ca tài tử
Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh vừa tổ chức lớp bồi dưỡng nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) cho 120 học viên là thành viên các CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh và những người yêu thích ĐCTT có độ tuổi từ 12 đến 70 tuổi.
Các học viên được hướng dẫn, truyền dạy cách ca và trình diễn các thể điệu ĐCTT qua hình thức trực tuyến gồm 3 nội dung: 20 bài bản Tổ; thể điệu Vọng cổ và những kỹ năng cơ bản về tổ chức, sinh hoạt CLB ĐCTT trong tình hình mới. Học viên được được phát miễn phí tài liệu bằng văn bản hoặc file âm thanh… để tự ôn luyện thêm sau giờ học chính thức.

Ông Phạm Diêm, Giám đốc Trung tâm VH-NT tỉnh cũng chia sẻ, BR-VT là 1 trong 21 tỉnh, thành phía Nam có phong trào nghệ thuật ĐCTT (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013). Ngày 18/12/2018, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh BR-VT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, Đề án còn hướng đến mục tiêu đưa di sản văn hóa nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ vào cuộc sống cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi cho các CLB ĐCTT, nghệ nhân, tài tử từng bước nâng cao chất lượng. Qua đó, phát triển phong trào đờn ca tài tử tại các địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, phục vụ khách du lịch; đồng thời nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và cộng đồng về công tác bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Văn hóa đã tổ chức giao lưu, biểu diễn theo hình thức trực tuyến giữa các CLB trên địa bàn, mở và nhân rộng các lớp dạy ĐCTT trong nhân dân; tổ chức thi sáng tác và thu âm các đĩa CD 20 bài bản tổ, các lời mới về tình yêu quê hương, đất nước, con người và quê hương BR-VT”, ông Phạm Diêm bày tỏ.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.