Tiếng gà gáy sáng

Thứ Sáu, 04/06/2021, 21:36 [GMT+7]
In bài này
.

Bà Tư Minh chuyển dạ từ lúc chập tối, đến gần nửa đêm thì những cơn đau đẻ làm bà oằn người, hai chân, hai tay người đàn bà đau đẻ cố bám víu vào thành giường, cố kìm giữ tiếng kêu đau xé lòng nhưng cũng không giữ nổi. Bà Tư Minh rên lên từng cơn, trán đầm đìa mồ hôi, tóc tai rũ rượi. Tội nghiệp cho ông Tư Minh, một người đàn ông hiền lành, rất mực thương vợ nhưng cũng chỉ biết lấy chiếc khăn lau mặt nhúng nước ấm vắt khô rồi lau trán, lau mặt vợ, lên tiếng dỗ dành, an ủi.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Thời gian chờ đợi bà mụ vườn Năm Phê tới đỡ đẻ cho vợ sao mà dài dằng dặc, ông Tư Minh nhấp nhổm nhìn ra khung cửa mở rộng với một khoảng không tối om, thỉnh thoảng có ánh chớp chói lòa báo hiệu một cơn mưa giông sắp tới và tiếng súng bất chợt hòa vào tiếng sấm khua động cả nền trời như đe dọa đôi vợ chồng quê trong cơn vượt cạn ở tận vùng sâu những ngày chiến tranh ác liệt nhất.

Và cũng chính vì cuộc chiến tranh ác liệt đang diễn ra tại vùng “xôi đậu” này mà ông Tư Minh đành phải để vợ sinh ở nhà chứ không thể đưa đi bệnh viện vì đò giang cách trở, súng đạn tơi bời. Biết để vợ sinh con đầu lòng ở nhà là rất nguy hiểm, nhưng ông Tư Minh không còn sự chọn lựa nào khác, vì muốn chở vợ đi bệnh viện cũng không có phương tiện gì ngoài một chiếc xuồng nát đã bị đạn bắn thủng nằm trơ trên bãi bùn con rạch cặp sau nhà. Còn chở vợ bằng chiếc honda cà tàng trên con đường ruộng gập ghềnh, trơn trợt thì không thể được. Hơn nữa lại phải chạy qua những điểm giặc đóng quân trong đêm khuya những ngày tháng sôi động thế này thì dễ ăn đạn của bọn chúng mà không cần một tiếng cảnh báo hay xét hỏi.

Bỗng giữa màn mưa đang đổ xuống, ông Tư Minh nghe có tiếng xuồng cập vào mé rạch rồi ánh đuốc lá dừa bập bùng. Hết sức vui mừng, ông Tư Minh bật dậy không kịp lấy chiếc áo tơi che mưa quàng vào người, cứ quần cộc, áo thun, đầu trần phóng vội ra cửa để đón vị cứu tinh trong giờ phút thập tử nhất sinh của vợ, đó là bà mụ Năm Phê.

Từ dưới mé rạch, bà Năm Phê thụng thịnh trong chiếc áo mưa nhà binh cũ của lính Mỹ chẳng biết ai cho hay nhặt được ở đâu lọ mọ đi lên. Chiếc nón lá rách chụp trên đầu che gần hết gương mặt, tay cầm cây đuốc lá dừa, chân bước thấp bước cao đi dần tới.

Ông Tư Minh nói như reo:

- Trời ơi, tôi đợi bà Năm từ chập tối tới giờ, bà mà không tới chắc vợ tôi chết.

- Sao không tới?

Giọng bà Năm Phê rè rè nghe như người bị cảm, nửa có âm sắc giận, nửa như quả quyết. Ông Tư Minh không đợi được người đàn bà chậm chạp này vội chạy tới kéo tay bà Năm Phê đi cho nhanh. Bị ông Tư Minh sốt ruột kéo về phía trước, bà Năm Phê loạng choạng suýt té nên la hoảng, nói liệu:

- Chết chết, ngựa rượt mày, mày rượt ngựa… Mày buông tay cho tao đi, không tao té chết không ai đỡ đẻ cho vợ mày nghen Tư.

Nhưng rồi bà Năm Phê cũng tới được thềm nhà. Cơn mưa xối xả, tiếng nước đổ ào ạt trên sân. Bà Năm Phê cởi bỏ áo mưa, quăng chiếc nón lá, vội chạy tới bên giường bà Tư Minh đang rên la oằn oại. Bà Năm Phê đưa hai bàn tay to bè, lạnh giá xoa bụng, sờ trán sản phụ. Bà sực nhớ đã để quên túi xách đồ nghề đỡ đẻ dưới xuồng, vội ra lệnh cho ông Tư Minh đứng xớ rớ bên cạnh:

- Chết mồ tổ tao rồi, thằng Tư mày chạy xuống xuồng lấy túi xách đồ nghề của tao lên. Ba chân, bốn cẳng mà chạy, vợ mày vỡ nước ối, sanh tới nơi rồi.

Tư Minh hồn vía lên mây cứ thế mà chạy trong mưa, ông phóng trên bùn trơn từ nhà xuống mé rạch mà không hiểu sao lại không té! Đến khi lấy được túi xách đồ nghề của bà Năm Phê ông Tư Minh lại cẩn thận dò từng bước, sợ té. Khi lên tới nhà, bà Năm Phê lại giục:

- Mày nấu nồi nước sôi theo lời tao dặn chưa?

- Tôi nấu sôi mấy chập rồi.

- Giờ bưng lên đây với một cái thau.

Bà Năm Phê soạn dụng cụ y tế từ trong túi xách ra. Tuy gọi bà Năm Phê là mụ vườn chứ thực ra trước đây bà là y tá khoa sản của bệnh viện Từ Dũ, từ khi nghỉ hưu bà về sống ở quê nhà và trở thành “bà mụ vườn”. Trong thôn xóm có phụ nữ chuyển bụng, đường lên bệnh viện xa xôi, trắc trở đi không kịp buộc phải sinh nở tại nhà thì rước bà Năm Phê tới. Bất kể giờ giấc, ngày cũng như đêm, bà Năm Phê đều sẵn sàng giúp sản phụ vượt cạn. Tiền công, tiền thuốc bà cũng lấy rẻ, không vì nhân lúc gia đình sản phụ rơi vào thế bí mà bắt chẹt, lại được kinh nghiệm đỡ đẻ mấy chục năm, “mát tay” nên hầu như ca nào cũng “mẹ tròn, con vuông” nên rất có uy tín.

Ông Tư Minh bưng nồi nước sôi đổ vào thau pha thành nước ấm theo lời chỉ dặn của bà Năm Phê xong, đứng tần ngần cạnh chân giường của vợ với vẻ sốt rột hỏi:

- Bà Năm ơi, vợ tôi sinh con trai hay con gái?

- Mày hỏi tao rồi tao biết hỏi ai đây Tư? Theo kinh nghiệm, đàn bà mang bầu con so, nếu cái bụng thè lè như cái thúng úp thì là con trai, còn bụng thon gọn thì con gái? Vợ mày bụng thon gọn chắc là con gái. Nhưng hỏi thiệt, mày thích trai hay gái?

- Trai gái gì cũng được. Nhưng tôi thích con gái đầu lòng hơn.

- Vậy ráng chờ chút nữa sẽ biết.

- Bây giờ tôi làm gì, bà Năm?

Bà Năm Phê trừng mắt:

- Nhiệm vụ của chú xong rồi, giờ đi xuống xuồng ngồi chơi, chừng vợ chú sinh xong tui gọi lên.

- Tôi đứng đây… phụ với bà Năm chứ?

- Khỏi, mày đứng đây nóng ruột vợ con, làm bậy bạ có khi tao không làm được việc. Xuống xuồng lẹ lên.

- Dưới đó mưa lạnh lắm, tui đứng ngoài hiên nhà được rồi.

- Không được là không được, mày phải ở xa, không nghe thấy gì, kẻo mày nóng ruột hiểu chưa?

Ông Tư Minh tuy không “tâm phục, khẩu phục”, nhưng cũng líu ríu nghe lời bà Năm Phê bước ra khỏi nhà xuống ngồi thu lu dưới xuồng trong cơn mưa xối xả, cũng may nhờ có chiếc áo tơi nên không đến nỗi phải lạnh run lập cập.

Trong lúc ông Tư Minh rúc người trong chiếc áo tơi lơ mơ như rơi vào giấc ngủ chập chờn, bỗng ông giật mình thức tỉnh khi nghe có tiếng khóc oa oa của trẻ con vang lên trong màn mưa dày đặc. Không cần đợi bà Năm Phê gọi, ông Tư Minh bật dậy như cái lò xo rồi vụt phóng khỏi xuồng chạy lên bờ rạch vào nhà. Trước mắt ông là một đứa bé mới sinh, đỏ hỏn, đang được bà Năm Phê tắm rửa trong thau nước ấm còn bà Tư Minh sau khi sinh xong đang thiếp ngủ trên giường, tóc tai rũ rượi, mắt tái xanh, mệt mỏi, kiệt sức nhưng dáng vẻ bình yên.

- Con trai hay con gái, bà Năm? - ông Tư Minh lên tiếng hỏi nhanh.

- Đúng như ý nguyện của chú, con gái. Cỡ này chắc nặng khoảng 3,2 kg.

- Vậy là bự con hay nhỏ con?

- Vừa. Chú đặt tên cho con gái chưa để tui còn hướng dẫn thủ tục ra xã làm khai sinh.

Tư Minh quay nhìn vợ đang thiếp ngủ, nở nụ cười hạnh phúc.

- Dạ, vợ chồng tôi thống nhất đặt tên sẵn cho con gái rồi.

- Tên gì?

- Minh Châu, Nguyễn Ngọc Minh Châu.

Bà Năm Phê bỗng xách bổng hai chân đứa bé lên khỏi thau nước, phát một cái mạnh vào mông của nó, đứa bé khóc ré lên. Bà cười mãn nguyện:

- Chà, khóc ngon lành chắc nó mừng vì được ba má đặt cho cái tên đẹp, mà nhiều ý nghĩa.

Ông Tư Minh đứng lóng ngóng sau lưng bà Năm Phê, sốt ruột nhìn đứa con gái đầu lòng như chờ đợi một phép lạ. Ông rất vui nên quên hết mọi chuyện chung quanh, quên cuộc chiến tranh đang hồi khốc liệt trong giai đoạn kết thúc và khu vực Xẻo Lá này nằm trong vùng “xôi đậu”, đạn bom có thể trút xuống bất cứ lúc nào.

Bà Năm Phê tắm xong cho bé Minh Châu, ôm đứa bé trong hai tay trao cho ông Tư Minh:

- Nè, nhiệm vụ của tui xong rồi đó, chú ẵm con gái tới giao cho vợ chú đi rồi tha hồ mà hun hít cho biết mùi.

Tư Minh ôm con gái đầu lòng áp sát vào ngực, hai bàn tay ông thô ráp, cứng như gỗ chỉ sợ làm đau con bé nên Tư Minh cố hết sức nhẹ nhàng, nhón chân, rón rén ôm con tới đặt xuống bên vợ. Tư Minh chỉ kịp hôn nhẹ lên má con gái rồi đứng sững người trước những âm thanh bom đạn ào ào từ cái đồn lính đóng ven Lộ Đá trong thị trấn lướt qua vườn dừa như xé bầu không khí yên tĩnh ra làm nhiều mảnh.

Bà Năm Phê ngẩng đầu lắng nghe rồi mặt sáng lên, niềm vui như lóe lên trong ánh mắt:

- Vợ chú sinh đúng lúc quá, con bé lại có tên Minh Châu… một viên ngọc sáng lấp lánh… Đúng là niềm vui. Thôi tui về chú Tư ơi, chộn rộn quá rồi.

- Khoan bà Năm, bom đạn quá trời bà không sợ sao? Trời cũng chưa sáng, bà về trong lúc này rất nguy hiểm.

Bà Năm Phê cười:

- Bom đạn nó sợ tui chứ tui làm sao mà sợ bom đạn. Tụi lính bắn kiểu này là bắn loạn xạ, hoảng hốt, để… chạy trốn đó thôi. Tui biết mà.

Tư Minh nhìn vợ con, lòng cũng rộn lên niềm vui khó tả. Một lúc sau tiếng bom đạn bỗng ngưng hẳn, bầu trời trở lại sự yên bình, im ắng kỳ lạ. Tiếng mái dầm khua nước của bà Năm Phê nhỏ dần rồi mất hút trên con rạch Xẻo Lá. Tư Minh pha bình trà, ngồi nhâm nhi. Ông uống hết hai bình trà thì nghe tiếng gà gáy sáng.

Một ngày mới đang lên ngoài kia…

Truyện ngắn TỪ KẾ TƯỜNG

;
.